Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Giới Trẻ Thờ Ơ - Vì Ai?

“Mọi người sinh ra đã có tố chất thiên tài. Nhưng nếu bạn phán xét con cá về khả năng trèo cây của nó, nó sẽ sống suốt đời với niềm tin rằng nó kém cỏi - ngu dốt” - Albert Einstein (Anh Sờ Ting đó các bạn).

Các thế hệ đi trước có một sở thích: đó là so sánh và đánh giá các thế hệ đi sau. Tôi nhận ra rằng khi mình ngồi trên ghế nhà trường, cũng nhiều lần khóa của tôi bị đánh giá là không thành công bằng các lớp đi trước trong các giải thi HSG Olympic quốc gia và quốc tế.

Và bây giờ, khi tôi đã gia nhập “hội những người đi trước”, tôi đang lặp lại lỗi lầm tương tự.

Người lớn hay phàn nàn về sự thờ ơ của các em học sinh phổ thông, nhưng đã bao giờ chúng ta tự hỏi “Ai gieo sự thờ ơ ấy vào các em học sinh?”.

Theo tôi, không ai khác, chính những người lớn, những thế hệ đi trước là người đáng trách. Và để sửa chữa tình trạng này, người lớn cần tự nhìn nhận lại một cách nghiêm túc.

Thứ nhất, suy cho cùng, giáo dục là một trò chơi mà người lớn có quyền đặt ra luật.

Trách, là trách chúng ta không đặt sự quan tâm xã hội, khả năng tư duy sáng tạo, hay ý chí vươn lên vào trong hệ giá trị được đề cao của trò chơi này. Những em học sinh chịu khó đọc báo 30 phút mỗi ngày đâu có được cộng điểm khi thi đại học? Nếu kết quả trò chơi không như mong muốn, chúng ta chỉ có thể trách người đặt ra luật chơi, chứ không thể nào trách các em học sinh chơi trò chơi này quá tốt được.

Thứ hai, cách người lớn nhìn về giới trẻ hiện nay, theo tôi, rất tai hại. Chúng ta thường nghĩ về các em học sinh phổ thông như những người chưa trưởng thành. Mỗi khi phát biểu, dù đúng hay sai, các em thường phải nghe câu “Con thì biết cái gì?”.

Các bậc phụ huynh thường hốt hoảng và cấm đoán khi thấy con em chơi game online hay thần tượng một diễn viên Hàn Quốc. Bằng cách bỏ qua suy nghĩ, tâm lý của người trẻ, người lớn vô hình dung cấm cản các em trải qua giai đoạn trưởng thành cần thiết.

Thay vì được thử sai và trưởng thành, học sinh Việt Nam lớn lên trong mọi sự sắp đặt. Thay vì được tin tưởng và được có chính kiến, khoảng cách giữa người lớn và người trẻ vị thành niên càng ngày càng bị đào sâu.

Khi không bao giờ được tin tưởng như những người chín chắn, các em chắc hẳn sẽ không bao giờ muốn nghĩ về các “vấn đề người lớn,” mà muốn quay về với thế giới ảo hơn, như một sự phòng vệ tâm lý. Người lớn hay thích bỏ qua suy nghĩ của con em, rồi trách các em thờ ơ với mọi chuyện.

Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức và thay đổi lớn, và hơn bao giờ hết, giới trẻ cần được trang bị kĩ càng cho những thay đổi này.

Sau nhiều năm học ở Mỹ, tôi thấy hệ thống giáo dục của nước này đặt giá trị vào sự hiểu biết xã hội của học sinh. Vấn đề xã hội hay được bàn đến trong những buổi phỏng vấn để được vào các đại học top, trong những bài luận văn cuối kỳ của trường, hay ngay cả trong bữa ăn tối giữa bạn bè thường ngày.

Tôi biết sự so sánh giữa các quốc gia luôn là khập khiễng, nhưng một điều không thể phủ nhận rằng, nếu chúng ta muốn các em không thờ ơ với tương lai của các em và đất nước, thì hệ thống giáo dục phải được thiết kế để thưởng cho những ai biết quan tâm.

Những thay đổi của hệ thống giáo dục có thể mất thời gian. Nhưng điều người lớn cũng có thể làm ngay đó là học cách tin tưởng các bạn trẻ hơn. Trách cứ hay bảo bọc quá mức không phải là cách khiến các em quan tâm hơn đến các lịch sử đất nước, vấn đề xã hội hiện tại, hay chính tương lai các em.

Tôi tin rằng, chỉ khi nào các em cảm thấy mình được tin tưởng, giao trách nhiệm về tương lai của bản thân và đất nước thì các em mới tự động biết quan tâm, cố gắng hơn. Trước khi chúng ta chịu tin tưởng các thế hệ sau, xin đừng trách vì sao họ thờ ơ.

Tác giả: Châu Thanh Vũ - Sinh năm 1992, Nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Harvard.

Lưu ý: Bài viết được TripLine biên tập lại so với nguyên bản của Vũ, để các bạn dễ tiếp cận hơn.

Nguồn: TripLine.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,059 lượt xem