Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Hai Mươi Cung Bậc Cảm Xúc (Phần 2)

Đọc phần 1 tại đây.

15. ÁM ẢNH

Ta không hề có ý phóng đại khi nói rằng, tình cờ bị hấp dẫn bởi ai đó. Cũng chẳng phải là khi ấy ta rơi vào lưới tình hay gì đó. Ta cảm thấy rung động; ta (mà không hề có ác ý khi dùng cụm từ này) bị ám ảnh đôi chút.

Ta những muốn thủ thỉ với tất cả những người mà ta gặp (nếu như chuyện này nghe chừng không ngốc quá). Ta những muốn kể về nơi ta gặp gỡ người ấy, về những điều mà ta đã cùng nói đến, và những chi tiết nhỏ xinh về họ. Chỉ đơn giản nói về cái con người mà ta ngày nhớ đêm mong ấy cũng có thể làm giảm bớt nỗi bất an về ham muốn trong ta. Tâm ta không ngừng hướng về người yêu dấu: người ấy mới thật là thông minh, tử tế và dí dỏm làm sao, rằng cuộc đời của đôi ta có thể cùng mở ra (như thể ta đã kết hôn với họ và có thật nhiều con – dù cho ta thậm chí còn chưa trải qua buổi hẹn đầu tiên hay nói lấy một lời với họ).

Nỗi ám ảnh của ta bộc lộ dưới dạng thức thuần khiết và hoàn hảo của khúc nhạc về triết lý tình yêu: sự bùng nổ tương tác trong giới hạn tri thức, những trở ngại đến từ thế giới bên ngoài để khám phá sâu hơn – và niềm hi vọng vô bờ.

Tiếng nói hoài nghi muốn tuyên bố rằng những tưởng tượng mê say trong một buổi họp hay trên một chuyến tàu, trên con phố hay trong siêu thị này, chẳng qua chỉ là ảo tưởng. Nhưng sai lầm của sự ám ảnh thì tinh tế hơn, nó nằm trong việc ta dễ dàng chuyển từ việc nhận ra một vài đức tính tốt tới việc đi đến một kết luận lãng mạn ngây thơ thiếu thận trọng: rằng người lạ trên chuyến tàu hay nơi vỉa hè sẽ mang đến câu trả lời hoàn chỉnh cho những nhu cầu tình cảm trong ta.

Ta nên đón chào tâm trạng ám ảnh của bản thân. Việc ám ảnh cũng chính là sự nhận biết rằng cái con người dễ thương mà ta hình dung trong đầu là sản phẩm tưởng tượng của riêng ta: một sự sáng tạo tiết lộ nhiều về bản thân ta, hơn là về họ. Nhưng những điều về ta cũng là quan trọng. Nỗi ám ảnh giúp ta tiếp cận với lý tưởng của chính mình. Có lẽ ta không thật biết về người ấy, nhưng ta lại có được một cái nhìn sâu sắc về việc ta thực sự là ai.

16. THÍCH Ở MỘT MÌNH

Bởi vì nền văn hóa của chúng ta đánh giá quá cao tính cộng đồng, nên việc phải giải thích rằng ta – đôi khi – cần được ở một mình lại trở nên mới kỳ cục làm sao.

Ta có thể cố gắng vượt qua mong muốn của mình bằng một điều gì đó liên quan đến công việc: người ta thường hiểu cho sự cần thiết phải hoàn thành một dự án. Nhưng thực ra, có một nhu cầu sâu xa và sâu sắc hơn đang thúc đẩy chúng ta: trừ khi ta cô đơn, ta có nguy cơ quên đi mất mình thật sự là ai.

Ta, những kẻ đang cảm thấy bức bí mà chẳng có thời gian cho riêng mình, lại đón nhận những người khác vô cùng nghiêm túc – có lẽ là còn nghiêm túc hơn những ai ở trong những cấp bậc đơn giản của tập tính bầy đàn. Ta chăm chú lắng nghe những câu chuyện, ta quên mình vì người khác, ta phản ứng lại với cảm xúc và sự thấu cảm. Nhưng kết quả là, ta lại không thể mãi bơi trong tình bầu bạn.

Tại một điểm nhất định, ta đã có đủ những cuộc đối thoại đẩy ta ra xa khỏi quá trình suy luận của mình, quá đủ những yêu cầu từ bên ngoài ngăn cản ta chú ý tới những rung động trong ta, quá đủ những áp lực vì sự vui tươi giả tạo mà phủ nhận tính hợp pháp của nỗi u sầu đang âm ỉ trong tâm hồn mình – và cũng quá đủ những điều lành mạnh tầm thường làm thui chột nét riêng biệt nơi ta và những khát vọng được ấp ủ bấy lâu nay.

Ta cần được ở một mình bởi vì cuộc sống bên những người khác trải qua quá chóng vánh. Tốc độ không ngừng nghỉ: với những chuyện bông đùa, những tư tưởng, và sự hứng khởi. Có đôi khi phải cần tới một giờ đồng hồ để phân tích những gì diễn ra trong vòng năm phút của đời sống xã hội. Có một điều thật lạ về tâm trí ta rằng không phải mọi cảm xúc tác động đến ta cũng đều được nhận biết, hiểu rõ hoặc thậm chí – như là nó từng – thật sự được cảm thấy. Sau khoảng thời gian ở bên những người khác, có vô số cảm giác tồn tại dưới dạng ‘chưa được xử lý’ trong ta. Có lẽ ý kiến mà ai đó đưa ra sẽ khiến ta lo lắng, thúc đẩy động lực cho những thay đổi trong cuộc sống của ta. Có lẽ một câu chuyện phiếm sẽ dẫn tới tham vọng đố kị mà xứng đáng được giải mã và lắng nghe để tiến về phía trước. Có lẽ một ai đó đã khôn khéo bắn mũi tên công kích vào ta, và ta thậm chí còn chẳng kịp nhận ra rằng mình bị tổn thương. Ta cần đến một chút thời gian tĩnh lặng để an ủi chính mình bằng việc đưa ra một sự lý giải về những sự ác tâm nhường ấy đến từ đâu. Ta vốn dĩ dễ bị tổn thương và mỏng manh hơn ta vẫn tưởng.

Với việc rút lui vào bản thể của mình, sẽ khiến ta dường như là kẻ thù của những người khác, nhưng những khoảnh khắc cô đơn của ta thực ra lại là sự tôn kính dành cho sự đẹp đẽ của tồn tại xã hội. Trừ khi ta có được thời gian cho riêng mình, ta không thể trở thành người mà ta muốn được ở bên trong số những đồng loại của mình. Ta không có được những tư tưởng độc đáo. Ta không có được quan điểm sinh động và chắc chắn. Ta sẽ - theo một cách thức sai lầm – giống như mọi người khác.

Ta bị cuốn hút trước nỗi cô đơn không phải vì ta chống đối gì nhân loại mà bởi vì ta phản ứng thích đáng với những gì mà sự bầu bạn với người khác đòi hỏi. Sự kéo dài của việc ở một mình có thể trong thực tế là một điều kiện tiên quyết đối với việc biết cách để trở thành một người bạn tốt đẹp hơn và một người đồng hành chu đáo.

17. HỜN DỖI

Dĩ nhiên, đó không phải là một nét tính cách chín chắn. Ta đã giữ im lặng khá lâu rồi. Họ cố hỏi đôi ba lần rằng ta có sao không và ta chỉ kiên quyết lắc đầu và nói (hoàn toàn không có sức thuyết phục) ‘Không có gì!’

Hờn dỗi là sự kết hợp của cơn giận vô cùng với một khao khát mãnh liệt rằng không phải trao đổi với người khác về điều khiến ta tức giận. Một người vừa có thể khao khát được thấu hiểu mà vẫn khăng khăng không chịu giải thích rõ ràng. Giải thích về bản thân mình thực ra mới là vấn đề cốt yếu: nếu như người bạn đời hay bạn bè ta yêu cầu một lời giải thích, thì đó chính là bằng chứng cho việc họ không xứng đáng để được nghe giải thích. Điều này mang lại cho người ta một đặc ân kỳ lạ khi hờn dỗi: một người chỉ hờn dỗi với người mà họ cảm thấy là sẽ hiểu được mình, nghĩa là, người mà họ tôn trọng. Đó là một món quà quà kỳ lạ của tình yêu.

Ở một vài mức độ, sự hờn dỗi cho thấy mối liên hệ với thời kỳ thơ ấu. Hồi ấy ta đâu cần phải giải thích. Những người khác nhìn thấy được điều này qua nước mắt ta, việc ta không nói ra được, và cả sự bối rối trong ta: họ tìm thấy được lời giải thích khi mà ta không có khả năng nói sõi. Đó chính là sự tử tế vĩ đại nhất – và ta thật nhớ nó.

Người có kỹ năng ăn nói lưu loát nhất có thể chỉ đơn giản không muốn giãi bày bản thân trong phạm vi một mối quan hệ hay tình bạn thân thiết; đó như thể là một sự phản bội đối với giấc mơ lãng mạn về việc được thấu hiểu mà không cần phải nói lấy một lời.

Ngay cả trong một mối quan hệ vô cùng tốt đẹp, việc mong đợi một người hiểu được nỗi lòng ái nhân của họ mà không cần tới sự giải thích bằng ngôn ngữ chỉ nằm ở một mức độ nhỏ. Ta không nên giận dữ khi người thương chẳng hiểu đúng ý ta. Thay vì tuôn ra những lời lẽ khó nghe và lui về trong sự dễ chịu của tâm trạng hờn dỗi, ta nên có được sự dũng cảm – luôn luôn như vậy – để cố gắng giải thích. Ta không nên viện cớ chống lại mọi người vì đã không hiểu được một vài suy nghĩ trong đầu ta khi mà ta chẳng có đủ dũng cảm để nói điều đó ra cùng họ.

18. GHEN TỊ

Ghen tị là điều cấm kỵ đã quá lâu – ít nhất là trong hai nghìn năm – nên một vài người trong số chúng ta không cưỡng lại được việc tuyên bố rằng ta ‘không bao giờ cảm thấy ghen tị’. Một lời tuyên bố như vậy là bất khả thi về mặt tâm lý học. Ghen tị là thứ tâm trạng cơ bản đối với tất cả chúng ta. Và có lẽ bí quyết ở đây không phải đơn giản là chịu đựng nó, mà là học hỏi từ nó.

Ghen tị là quan trọng bởi vì nó có thể mang tới cho ta những hiểu biết về tiềm năng, niềm đam mê và hứng thú trong ta. Mỗi khi ta cảm thấy ghen tị với một ai đó, ta có được manh mối về việc tận thâm tâm ta thực sự muốn trở thành ai – và có thể trở thành. Ta không ghen tị với tất cả mọi người. Ta chỉ ghen tị với những ai mà ta cảm thấy rằng họ có thứ mà ta xứng đáng được hưởng, thứ mà ta cảm thấy có hứng thú – và điều mà có lẽ ta có thể đạt được vào một ngày nào đó. Mỗi người mà ta ghen tị đều mang đến một sự gợi ý về con người mà ta có thể trở thành trong tương lai.

Vấn đề thực sự ở đây không phải là ta cảm thấy ghen tị, mà là ta ghen tị theo cách thức bồng bột và vô ích. Trước hết, ta vô cùng xấu hổ trước sự ghen tị của bản thân, và do đó có khuynh hướng che giấu cảm xúc từ tâm ý thức của mình. Hai là, ta không tin rằng có thể học hỏi được điều gì đó từ sự ghen tị, và vì vậy mà ta hi vọng rằng tâm trạng này sẽ qua đi, như một trận cúm tai quái.

Và ba là, ta bắt đầu ghen tị với những cá nhân nhất định về mọi mặt, trong khi thực ra, nếu ta dành ra một phút để bình tĩnh phân tích cuộc đời họ, ta sẽ nhận thấy rằng đó chẳng qua chỉ là một phần nhỏ những gì họ làm mới thực sự vẻ vang, và có thể định hướng, cho bước đường tiếp theo của ta. Có lẽ ta chẳng ham hố gì toàn bộ cuộc đời của ông chủ nhà hàng, mà chỉ là những kỹ năng người đó có được để xây dựng nên đế chế ấy. Hoặc là ta không hẳn mong trở thành một nghệ nhân làm gốm, nhưng ta có lẽ muốn có thêm một chút vui chơi trong thời gian làm việc của một hình mẫu mà ta đọc được ở đâu đó trên một trang báo.

Ta càng đào sâu vào nỗi ghen tị của bản thân, ta càng ít gắn bó với cuộc sống thực tế của những con người cụ thể đã gợi ra thứ cảm xúc ấy trong ta.

Những phẩm chất mà ta ngưỡng mộ ở người khác không chỉ thuộc về những phần rất cụ thể, rất hấp dẫn mà ta phát hiện ra nơi họ. Những phẩm chất ấy có thể được theo đuổi với một mức độ ít hơn, yếu hơn (nhưng vẫn thực tế) ở cả những nơi khác nữa, mà sẽ mở ra triển vọng tạo lập nên những phiên bản nhỏ hơn, dễ kiểm soát hơn, và thực tế hơn của những cuộc đời mà ta hằng ngưỡng mộ.

19. CÔ ĐƠN

Không có mấy lời thú nhận lại đáng hổ thẹn hơn việc chúng ta đang ở trong một tâm trạng cô độc. Giả định thiết yếu ở đây là không một người đáng kính nào lại từng cảm thấy cô đơn - trừ khi họ chuyển tới sinh sống tại một quốc gia khác hay rơi vào cảnh góa bụa. Nhưng thật ra, một mức độ cô đơn lớn là một phần không thể thiếu của việc trở thành con người nhạy cảm, mẫn tuệ. Đó là tính năng tích hợp của một sự tồn tại phức tạp.

Sẽ cần tới rất nhiều cố gắng để lắng nghe người khác và trở nên đồng cảm với những trải nghiệm của họ. Ta không nên kết tội người khác vì những lỗi lầm của họ trong việc không chú ý tới ta. Họ có lẽ cũng muốn gặp gỡ ta, nhưng ta nên chấp nhận nỗ lực để duy trì chủ đề về cuộc đời họ như là trọng tâm của cuộc đối thoại.

Điều này hoàn toàn không có nghĩa là ta sẽ không bao giờ tìm thấy một người cũng đồng điệu với tâm hồn mình: ta sẽ khao khát sự hoàn toàn đồng điệu, nhưng vẫn luôn còn đó sự bất nhất bởi vì chúng ta xuất hiện trên trái đất này vào những thời điểm khác nhau, là sản phẩm của những gia đình và trải nghiệm khác nhau và chỉ đơn giản là không cùng được tạo ra từ cùng một khuôn mẫu. Vì vậy họ sẽ không có cùng suy nghĩ với ta khi bước chân ra khỏi rạp chiếu bóng. Và khi nhìn lên bầu trời đêm, ta những muốn họ thốt lên một lời gì đó thật lãng mạn và đẹp đẽ, thì có lẽ họ lại nhớ về một chi tiết đầy đau đớn tầm thường và không mấy thích hợp trong đời sống gia đình (hoặc ngược lại). Đó – gần như – là một chuyện nực cười.

Một khi ta chấp nhận nỗi cô đơn, ta có thể có được sự sáng tạo: ta có thể bắt đầu gửi đi những thông điệp ở trong chai: ta có thể hát, viết thơ, viết sách và blog, các hoạt động bắt nguồn từ sự nhận thức rằng những người xung quanh ta sẽ chẳng bao giờ hoàn toàn hiểu được ta nhưng mà những người khác – tách biệt khỏi thời gian và không gian – thì có thể.

Nỗi cô đơn khiến ta có được cơ hội tạo dựng bản sắc của riêng mình. Nó nâng tầm những cuộc đối thoại ta tự thực hiện với chính mình, nó mang đến cho ta một tính cách. Ta không lặp lại những điều mà mọi người khác nghĩ. Ta tự xây dựng cho mình một quan điểm. Có thể vào lúc này ta cô độc, nhưng ta sẽ có khả năng kết nối gần hơn, thú vị hơn với bất kỳ ai mà ta nhận định.

Nỗi cô đơn chỉ đơn giản là cái giá mà ta có lẽ phải trả cho việc duy trì một cái nhìn chân thành, tham vọng về việc tình bè bạn phải và có thể là gì.

20. HỔ THẸN

Ta biết rằng ta đã làm một điều gì đó không được hay ho cho lắm – và có lẽ rất tệ là đằng khác. Có lẽ ta sẽ cố xóa sạch cảm giác tội lỗi. Ta những muốn nói với bản thân rằng mình chẳng làm gì sai cả - và rằng những kẻ khác đang làm nhặng xị hết cả lên. Nhưng giờ đây khi ta ở trong một tâm trạng thành thật hơn, ta có thể thấy rằng thực ra ta đã làm người khác thất vọng hoặc là cho họ lý do vô cùng chính đáng để chán ghét ta và tức giận với ta. Ta chấp nhận hình ảnh về bản thân mình mà tại đó, thật đáng buồn thay, ta phải thừa nhận rằng ta thật khó, thậm chí thật kinh khủng, khi ở bên.

Hậu quả tức thì của nỗi hổ thẹn trong ta chắc chắn là sự tự dối mình. Ta sâu sắc nhận ra rằng ta có điều gì đó cần che giấu. Ta tạo ra một giải thuyết phóng đại rằng mọi chuyện vẫn tốt đẹp; ta bật cười bất an trước những lời thắc mắc; lời cáo trạng khiến ta nổi đóa – chính xác bởi vì ta biết rằng họ nói hoàn toàn đúng. Sự xấu hổ khiến cho ta né tránh, cáu gắt, lo lắng và lạnh lùng.

Tuy nhiên, trên thực tế, ta những muốn thú nhận, xin lỗi và thừa nhận – nhưng thật khó khi phải bộc lộ tâm tình, bởi vì ta lo sợ trước phản ứng chỉ trích từ người khác. Ta đâu cần phải nghe rằng ta quả là đứa ngốc, hay một kẻ kinh khủng, ích kỷ hoặc vô trách nhiệm; ta rõ ràng là đã nhận thức sâu sắc được điều đó. Ta chỉ muốn được nghe người khác nói ra những lời lẽ tốt đẹp mà ta vẫn thường tự nhủ với chính mình.

Điều mà ta hằng tìm kiếm là thứ, mà trong tôn giáo, được gọi là lời xá tội: sự thứ tha gắn liền với sự nhận thức sâu sắc của chính ta về những sai lầm mà mình đã gây ra. Trong một thế giới lý tưởng, nếu như ta thú nhận sạch sẽ, họ sẽ mủi lòng; nếu như ta thừa nhận nỗi buồn đau và tủi hổ của bản thân, họ sẽ gạt sang bên sự khinh thường và phẫn nộ của mình.

Việc được tha thứ không có nghĩa là ta muốn làm gì cũng được. Ta chỉ đơn giản thầm ước rằng nỗi đau khổ của ta trước những việc mình làm có thể được nhìn nhận một cách thích đáng và do đó có thể đưa ta tới con đường cứu chuộc. Nói tóm lại, và với một sự chân thành tuyệt đối, ta thật lòng xin lỗi.

 

Theo tamlyhoctoipham.com

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

522 lượt xem