Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Hãy Học Cách Nhìn Vào Điểm Tích Cực Của Người Khác

Cách chúng ta nhìn nhận về một người nói lên chính con người chúng ta. Đây là một trong những nhận định tâm lý được coi là mang tính chấn động của năm 2016. Điều đó có nghĩa là nếu bạn đánh giá những người quanh mình toàn bằng điều tiêu cực, đồng nghĩa với việc con người bạn toàn điều tiêu cực. Nếu bạn đánh giá những người quanh mình toàn bằng điều tích cực, đồng nghĩa với việc con người bạn toàn điều tích cực.

Lý do là chúng ta thấy hình ảnh của người khác thông qua chính bản thân mình. Hay nói một cách khác, những thứ chúng ta thấy ở người khác là thứ chúng ta phải có thì chúng ta mới thấy được. Chẳng hạn, nếu bạn thấy ở người khác sự đố kỵ, bản thân bạn phải có tính cách đố kỵ. Nếu bạn thấy ở người khác sự ích kỷ, thì bản thân bạn phải có tính ích kỷ. Bạn thấy ở người khác sự dễ thương, thì bản thân bạn phải có sự dễ thương. Đây là một nguyên lý đắc nhân tâm quan trọng trong cách hành xử với mọi người.

Từ nguyên tắc đó, chúng ta có một gợi ý trong cuộc sống là HÃY HỌC CÁCH NHÌN VÀO ĐIỂM TÍCH CỰC CỦA NGƯỜI KHÁC. Không nhìn vào điểm yếu, không phán xét điểm chưa tốt của họ. Thế nhưng, đến đây thì sẽ rất nhiều người thắc mắc:

Nếu một người độc ác, ai cũng thấy là độc ác sao có thể làm ngơ được cho cái ác?

Nếu một kẻ ích kỷ, suốt ngày chỉ biết lợi ích của mình, sao chúng ta có thể làm ngơ cho sự ích kỷ đó?

Nếu một kẻ côn đồ, chuyên đi hại người khác, sao chúng ta có thể làm ngơ được?

Nếu một kẻ phản bội mình, nghĩ đến thôi đã thấy ghét, sao mà yêu thương nổi?

Nguyên tắc đó vẫn đúng! Chúng ta, vẫn nên tập trung vào điểm mạnh của người khác. Vậy những thắc mắc trên giải quyết sao?

1. LÀM SAO CÓ THỂ LÀM NGƠ VỚI NHỮNG KẺ MÌNH GHÉT?

Ở đây, chúng ta phải phân biệt giữa HÀNH ĐỘNG và CON NGƯỜI. Một người làm cho chúng ta khó chịu phải thông qua một hành động nào đó.

Mình nói một người độc ác là vì họ phải có một hành động nào đó tàn ác, chẳng hạn như đánh đập vợ con, giết người, đánh bom liều chết,... Mình nói một người ích kỷ là bởi vì người đó phải có một hành động nào đó chỉ phục vụ lợi ích cá nhân của họ, chẳng hạn như lấy hết lợi ích về phần họ. Mình nói một kẻ phản bội là bởi vì người đó có một hành động quay lưng với mình.

CHÚNG TA RẤT DỄ ĐÁNH ĐỒNG HÀNH ĐỘNG VÀ CON NGƯỜI.

Hành động sai, chúng ta phải lên án, thậm chí lên án kịch liệt. Nhưng không được đánh vào con người.

Trong một môi trường lịch sự, một người hút thuốc hoặc nói bậy thì hành động hút thuốc hay nói bậy là hành động đáng phải lên án. Nhưng hành động hút thuốc và nói bậy không đồng nghĩa với việc người đó là người vô ý thức.

Một đứa trẻ làm vỡ đồ đạc thì hành động làm vỡ đồ cần phải được rút kinh nghiệm. Nhưng việc làm vỡ đồ của đứa trẻ không đồng nghĩa với việc đứa trẻ đó là đứa cẩu thả.

Một người đang yêu một người vẫn tán tỉnh người khác thì hành động tán tỉnh hai người cùng lúc là hành động đáng phải lên án. Nhưng việc tán tỉnh hai người cùng lúc không có nghĩa người đó là người lăng nhăng.

Một kẻ trộm trộm cắp tài sản thì hành động trộm cắp đồ là hành động phải lên án. Nhưng kẻ trộm đó không có nghĩa là người mất dạy, vô đạo đức.

Đến đây, có thể bạn vẫn không đồng ý về quan điểm này!

Có thể bạn sẽ nói nhưng không có lửa làm sao có khói. Có kết quả thì phải do nguyên nhân chứ. Đúng! Phải có nguyên nhân thì mới có kết quả (hoặc hậu quả). Nhưng nguyên nhân thì có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau. Giống như việc có nhiều đường đi vẫn có thể đến chung một cái đích.

Thêm một lần nữa, con người chúng ta rất dễ nhầm lẫn ĐỘNG CƠ với HÀNH ĐỘNG.

MỘT HÀNH ĐỘNG XẤU CÓ THỂ XUẤT PHÁT TỪ ĐỘNG CƠ RẤT TỐT ĐẸP!

 

Chẳng hạn, một kẻ ăn trộm có thể xuất phát từ động cơ mẹ mình đang bị bệnh nặng, phải ăn trộm tiền để đưa mẹ đi cứu chữa. Một người đang yêu một người đi tán tỉnh người khác có thể xuất phát từ động cơ nghĩ rằng mình có thể yêu thương hai người và mong muốn hạnh phúc cho cả hai người. (Mặc dù động cơ này có vẻ khó thực hiện nhưng động cơ vẫn tốt). Một người nói bậy, chửi tục có thể xuất phát từ động cơ nói cho vui (vô thưởng vô phạt) hoặc do thói quen (bị ảnh hưởng bởi môi trường).

Tương tự vậy, một hành động tốt đẹp có thể xuất phát từ một động cơ rất xấu. Tuy nhiên, phạm trù bài này không nói về chuyện động cơ - hành động. 

Quay trở lại vấn đề. Khi bạn hiểu rõ một điều, chúng ta rất dễ bị nhầm giữa HÀNH ĐỘNG - CON NGƯỜI, thì bạn hoàn toàn có thể lựa chọn không phán xét con người, nhất là những điểm tiêu cực về người khác. Thay vào đó, chúng ta vẫn lên án những hành động sai, và vẫn tập trung vào những điểm tốt đẹp trong con người nơi người khác.

2. VÌ SAO CHÚNG TA VẪN CỨ TẬP TRUNG VÀO ĐIỂM KHÔNG TỐT CỦA NGƯỜI KHÁC?

Điều này cũng không khó để giải thích. Một trang giấy trắng, khi có vết mực đen. Về mặt tự nhiên, chúng ta có xu hướng nhìn thấy vết mực đen nhiều hơn là nhìn thấy phần giấy trắng còn lại. Trong một con người, chúng ta có xu hướng nhìn thấy điểm xấu của người khác hơn là điểm mạnh của họ, đó là xu hướng. Não bộ có khuynh hướng tiếp nhận thông tin tiêu cực gấp 10 lần thông tin tích cực. Đó là lý do vì sao báo lá cải, tin tức giật gân lại dễ dàng khiến người ta quan tâm.

Có một lần, nhờ cái duyên mà Edward gặp được một bậc cao nhân. Khi hỏi cô "Con nên tập trung vào điểm mạnh hay điểm yếu của người khác ạ? Vì bản thân con thấy cần phải cân bằng". Cô mỉm cười, nhẹ nhàng đáp "Con vẫn nên tập trung vào điểm mạnh. Nhưng .... để làm được điều đó thì CON PHẢI RẤT MẠNH".

Chính cụm từ "CON PHẢI RẤT MẠNH" đã neo vào đầu Edward một sự ám ảnh. Hay nói cách khác là một sự thức tỉnh. Lý do chúng ta vẫn luôn nhìn thấy điểm không tốt của người khác là bởi vì chúng ta chưa đủ mạnh để có thể chỉ nhìn thấy điểm mạnh của người xung quanh mình.

Giống như một khu vườn, nếu cỏ dại mọc quá nhiều thì chúng ta chẳng thể nào nhìn thấy vẻ đẹp của những bông hoa. Nếu bên trong người mình, những điểm xấu còn quá nhiều thì rất khó để có thể nhìn thấy điểm mạnh nơi người khác.

Cho nên, để nhìn thấy điểm tích cực người khác, bản thân bạn phải rất mạnh. Be strong! Hãy làm lại khu vườn tâm hồn của bạn. Hãy tiêu diệt cỏ dại, và chừa chỗ trống cho những loài hoa đẹp tỏa hương khoe sắc cho đời.

Đọc đến đây, có thể bạn lại thắc mắc. Ủa vậy làm sao để tiêu diệt cỏ dại? Làm sao để tiêu diệt thói quen xấu, tính cách xấu nơi chúng ta. Liệu tập trung diệt cái xấu có làm mất thời gian phát huy cái tốt? Phải làm như nào bây giờ?

Câu trả lời rất đơn giản. Trong khu vườn có hai hạt giống, một tốt - một xấu. Hỏi hạt giống nào sẽ mọc lên thành cây? Đáp án là: hạt giống mà bạn tưới tiêu cho nó hàng ngày.

Bên trong con người bạn cũng như vậy. Luôn có tính cách tốt và cả tính cách xấu. Tính cách nào sẽ phát triển? Thứ mà hàng ngày bạn nghĩ tới và bạn tập trung vào.

Sau bài viết này, hy vọng các bạn sẽ bắt đầu con đường BE STRONG với chính mình, giống như cái cách mà Edward đang rèn luyện.

Nguồn: Edward/Tâm Lý Học Ứng Dụng.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

5,988 lượt xem