Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Hãy Thôi Đọc Những Bài Viết Về “Điều Mà Người Thành Công Thường Làm”

Có ai mà không thích các danh sách “Làm thế nào để thành công?” Chúng đọc rất vui và lại còn dễ chia sẻ nữa, có lẽ vì thế nên mới có nhiều danh sách kiểu như vậy. Và những lời khuyên mà chúng đưa ra cũng có vẻ hợp lý! Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã hợp tác với tờ Business Insider, để đăng tải một bài viết trong đó liệt kê 14 điều người thành công làm trước khi ăn sáng, từ uống nước đến dọn giường. Một danh sách khác của tờ Forbes thì tuyên bố tất cả những người thành công đều chia sẻ điều này: “Họ biết lúc nào nên ở lại, lúc nào cần rời đi.” Còn tờ Entrepreneur khuyên người đọc đừng nhìn vào trở ngại mà hãy nhìn vào cơ hội; Inc lại khuyến khích độc giả từ bỏ mong muốn được chấp thuận, thay vào đó là tập trung vào những khuyết điểm của mình.

Dù những danh sách này khá là thú vị, nhưng chúng cũng có thể gây hại! Có vài lý do khiến chúng không chỉ vô ích mà còn có khả năng gây hại cho những người ra quyết định, các nhà quản lý và doanh nhân.

  1. Các bằng chứng đều là giai thoại

Hầu hết lời khuyên trong những danh sách kiểu này đều dựa trên việc diễn giải các câu chuyện cá nhân một cách chủ quan, chứ không phải dựa trên phân tích có hệ thống và khoa học. Trừ khi lời khuyên được đưa ra từ các phương pháp dựa trên bằng chứng xác thực, bạn sẽ không thể đánh giá hiệu lực của nó.

Ngoài ra, phân tích các giai thoại cách nửa vời thường làm mờ ranh giới giữa nguyên nhân và hệ quả. Một người nào đó thành công bởi vì họ tránh không đi dự các cuộc họp, hoặc họ cũng có thể tránh các cuộc họp vì họ thành công? Một loạt các hành vi mà chúng ta thường gán cho những người thành công — không quan tâm đến những gì người khác nghĩ về họ, tránh gặp gỡ, làm các việc quan trọng trước tiên, nói không với hầu hết mọi thứ — dường như là thứ xa hoa mà chỉ có những ai thành công cực kỳ mới có thể tận hưởng, và chỉ được tận hưởng sau khi họ đã thành công trong mắt của người khác.

Do đó, các hành vi ấy là do thành công mang lại cho họ, chứ không phải theo chiều ngược lại.

  1. Nghiên cứu có thể không áp dụng được trong bối cảnh khác nhau

Nghiên cứu không phải lúc nào cũng dùng được cho mọi hoàn cảnh. Một số danh sách được xây dựng từ rất nhiều nghiên cứu, chẳng hạn như danh sách được xuất bản bởi HBR vào năm 2011. Nhưng nghiên cứu khoa học thường gắn với bối cảnh cụ thể. Thử lấy ví dụ về “tính gan góc kiên trì là tiền đề cho thành công.”

Dù nghiên cứu và bài nói tại TED của nhà tâm lý học Angela Duckworth về đề tài này rất hấp dẫn, thì gần đây, một phân tích tổng hợp về hiệu quả của tính cách này đã đặt nghi vấn về những lợi ích to lớn của nó. Điều này thường xảy ra với các vấn đề phức tạp, khi mà giải pháp và ứng dụng của chúng thực ra có nhiều cấp độ hơn hình thức bên ngoài mà chúng thể hiện, và phụ thuộc rất nhiều vào bối cảnh và hoàn cảnh của từng người.

  1. Thất bại thường bị giữ trong im lặng

Trong cuốn The Black Swan, Nassim Taleb kể lại một giai thoại của Cicero về nhà thơ Hy Lạp, Diagoras xứ Melos. Khi người ta nói với Diagoras rằng việc cầu nguyện đã cứu thuỷ thủ khỏi đuối nước, ông tự hỏi vậy còn những kẻ cầu nguyện mà rốt cuộc vẫn chết đuối?

Cầu nguyện được công nhận là phương thức đã cứu các thủy thủ vì tất cả những ai sống sót đều cầu nguyện. Tuy nhiên, nó sẽ hoàn toàn vô dụng nếu những người chết cũng cầu nguyện, và đây là một giả định công bằng. Nếu tất cả mọi người đều cầu nguyện và chỉ có vài người sống sót, vậy thì cầu nguyện không quan trọng lắm. Có vẻ như nó chỉ có tác dụng với những người sống sót và những người có thể nhìn thấy những người sống sót này.

Đây là điều mà các nhà khoa học xã hội gọi là sự thiên vị dành cho người sống sót (survivorship bias.) Taleb gọi những người không sống sót là “bằng chứng im lặng” (silent evidence.) Chúng là những kết quả mà chúng ta không nhận thấy; sự vắng mặt của chúng dẫn đến một cảm giác sai lệch về hiệu quả của những hành động nhất định.

Cả nghiên cứu của nhóm tác giả bài viết lẫn của các nhà khoa học hành vi khác đều cho thấy: dù có kỹ năng tuyệt vời khi học hỏi từ những gì mà ta dễ dàng quan sát và trải nghiệm (như những câu chuyện thành công được phổ biến rộng rãi,) chúng ta hoàn toàn không có khả năng nhận ra những điều ta không thấy (chẳng hạn như một số lượng lớn các thất bại không rõ ràng.) Điều này khiến chúng ta dễ tin vào một trực giác có tính thiên vị rằng thành công đã được định sẵn.

Thực tế, trong một tình huống mà rất nhiều nỗ lực đều đã thất bại, thì lời khuyên càng cụ thể lại càng giả định rằng những người không thành công thì hoặc là ngây thơ hoặc là không được thông minh. Phân tích chỉ dựa trên sự thành công đã bỏ qua khả năng rằng nhiều người áp dụng cùng một chiến lược nhưng lại không thành công giống nhau.

Có một thành phần quan trọng bị thiếu trong tất cả các danh sách này, một thông tin quan trọng là những người ra quyết định cần phải đánh giá cơ hội thành công thực sự của họ, là một tỷ lệ cơ sở. Có bao nhiêu người, bao nhiêu ý tưởng, bao nhiêu tổ chức tham gia cuộc chơi muốn thành công? Bao nhiêu người cuối cùng đạt được điều mình muốn? Sự khác biệt giữa hai con số này càng lớn, thì giá trị của bất kỳ lời khuyên hoặc bất kỳ “đặc điểm chung của người thành công” nào cũng càng thấp đi.

  1. Thành công mang tính cá nhân

Trong khi thành công là cụ thể cho từng người và từng bối cảnh, các lời khuyên lại thường xem chúng là phổ biến và liên tục – xem chúng là điều độc lập với thời gian và không gian mà ta có thể dễ dàng khái quát hóa.

Để cho các lời khuyên được phù hợp thì xuất phát điểm, mục tiêu và điều kiện của những người được phân tích và những người nhận được lời khuyên phải giống nhau, hoặc chí ít là gần giống. Thế nhưng, nghề nghiệp, gia đình, đời sống xã hội, ưu tiên và tầm nhìn của chúng ta có thể khác biệt đáng kể so với những người được một chuyên gia nào đó đánh giá là thành công. Nếu biết những điều họ phải làm và phải từ bỏ để thành công, chúng ta có thể không muốn được “đổi chỗ” với họ.

Do đó vẫn có những chi phí cơ hội nhất định khi thực hiện ngay cả những lời khuyên vô hại. Còn nếu nghiêm túc quá mức, nó có thể khiến chúng ta đánh đổi những điều không nên, hoặc có những hành động không tương thích với tính cách của mình. Nếu bạn quyết định thức dậy lúc 5 giờ sáng mỗi ngày chỉ bởi vì một nhóm người được lựa chọn đã làm điều đó – nhưng bạn thực sự lại làm việc tốt nhất vào lúc đêm muộn – vậy thì bạn đang làm hại đến cơ hội thành công của riêng mình.

Cảnh báo cuối cùng: Không chỉ riêng các danh sách “Làm thế nào để thành công” dành cho các cá nhân là có vấn đề, mà các hướng dẫn “Làm thế nào để chiến thắng” dành cho các công ty cũng vậy. Lý do chính là vì thời gian thay đổi, thế giới phát triển, và công nghệ tiến bộ. Kết quả là, hầu hết các lời khuyên thành công, đặc biệt là trong kinh doanh, sẽ sớm trở nên lỗi thời hơn so với mong muốn.

Ví dụ, khi Jim Collins và nhóm của ông bắt đầu nghiên cứu để viết cuốn Good to Great (Từ Tốt đến Vĩ đại) họ đã chọn một số công ty “vĩ đại” và so sánh chúng với các công ty tương tự nhưng không đạt được mức tăng trưởng giống như vậy (giải thích cho sự thiên vị người sống sót mà chúng ta đã nói ở trên.) Thật không may, hầu hết các công ty “vĩ đại” mà họ chọn đã gặp rắc rối sau khi cuốn sách bán được hàng triệu bản. Những câu chuyện thành công trong một cuốn sách bán chạy khác, In Search of Excellence, cũng gặp phải vấn đề tương tự. Thế giới luôn thay đổi. Và bí quyết thành công cũng vậy.

Thật dễ dàng để xác định một tình huống là thành công hay thất bại khi nó đã xảy ra. Đó là lý do tại sao những khả năng như nhận ra cơ hội hay biết khi ở lại và khi rời đi dường như rất thần kỳ. Người khác có thể phân tích những sự kiện này sau khi mọi chuyện đã xảy ra, với độ chính xác như tia laser, nhưng hầu hết chúng ta đều phải đối mặt với chúng trong một tương lai không chắc chắn và luôn thay đổi.

Theo Bookaholic.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,478 lượt xem