Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Hiệu Ứng Tắc Kè Hoa – Bắt Chước Ngôn Ngữ Cơ Thể Có Làm Người Khác Thích Bạn?

Phải chăng việc ta bắt chước ngôn ngữ cơ thể của người khác thật sự sẽ làm họ thích ta?

Những quyển sách phát triển bản thân, cẩm nang hướng dẫn thuyết phục và các bài viết hấp dẫn trên tạp chí thường khuyên rằng việc ta bắt chước ngôn ngữ cơ thể làm tăng khả năng làm người khác thích ta. Nhưng có phải sự bắt chước chính là nguyên nhân làm người khác thích ta, hay nó chỉ là một sản phẩm phụ của những tương tác xã hội thành công?

Mặc dù từ lâu người ta đã nghi ngờ rằng việc bắt chước ngôn ngữ cơ thể của người khác giúp tăng sự yêu thích, hiệu ứng này đã không được kiểm chứng chặt chẽ cho đến khi Chartrand và Bargh (1999) tiến hành một chuỗi các thí nghiệm. Họ đặt ra 3 câu hỏi liên quan:

  1. Phải chăng mọi người bắt chước người khác một cách tự động, ngay cả với người lạ?
  2. Phải chăng việc bắt chước giúp tăng sự yêu thích?
  3. Phải chăng những người có góc nhìn cởi mở thường có biểu hiện hiệu ứng tắc kè hoa nhiều hơn?

(Và 4. Tất cả những điều này có liên quan gì đến tình trạng bị thôi miên? Ta sẽ nói về điều này sau.)

Phải chăng mọi người bắt chước người khác một cách tự động, ngay cả với người lạ?

Bối cảnh: Nhằm kiểm chứng cái được gọi là “hiệu ứng tắc kè hoa”, trong nghiên cứu đầu tiên, 78 người tham gia được sắp xếp để ngồi trò chuyện với người thuộc nhóm thí nghiệm, một “đồng minh” vốn được yêu cầu thay đổi tác phong theo cách có hệ thống. Một số mỉm cười nhiều hơn, số khác sờ tay lên mặt nhiều hơn, số khác thì lắc chân nhiều hơn.

Kết quả: Đúng vậy, người tham gia đã mô phỏng một cách tự động các “đồng minh” (người mà họ chỉ mới gặp) qua hành động sờ tay lên mặt, lắc chân và mỉm cười. Hành động sờ tay lên mặt chỉ tăng 20%, nhưng tỷ lệ lắc chân tăng tăng ấn tượng đến 50% khi người tham gia được đối phương truyền cảm hứng.

Phải chăng việc bắt chước giúp tăng sự yêu thích?

Trong thí nghiệm thứ hai, Chartrand và Bargh muốn xem liệu việc lắc chân và sờ tay lên mặt có ứng dụng được vào thực tế không, hay nó chỉ là một sản phẩm phụ của những tương tác xã hội.

Bối cảnh: 78 người tham gia được đưa đến một căn phòng để trò chuyện với một người lạ (một đồng minh khác) về một bức ảnh. Với một số người tham gia, người đồng minh bắt chước ngôn ngữ cơ thể của họ, với số khác thì không. Sau đó, người tham gia được yêu cầu đánh giá mức độ họ yêu thích người đồng minh này lẫn mức nhịp nhàng của tương tác theo thang điểm từ 1 đến 9.

Kết quả: Việc bắt chước quả thật giúp gia tăng sự yêu thích. Khi ngôn ngữ cơ thể được mô phỏng, người tham gia cho người đồng minh điểm số trung bình là 6,62 cho sự yêu thích (và 6,76 cho sự nhịp nhàng). Khi họ không được bắt chước, người tham gia cho người đồng minh điểm số trung bình là 5,91 cho sự yêu thích (và 6,02 cho sự nhịp nhàng). Tuy không khác biệt quá lớn, nhưng sự thay đổi tinh tế hiếm ai nhận ra trong hành vi này thật sự có đem lại một hiệu quả đo lường được.

Phải chăng những người có góc nhìn cởi mở thường có biểu hiện hiệu ứng tắc kè hoa nhiều hơn?

Vì tất cả chúng ta đều khác nhau, một số người sẽ thực hiện việc bắt chước người khác nhiều hơn một cách tự nhiên. Nhưng những kiểu khuynh hướng tâm lý nào có thể ảnh hưởng đến việc này? Chartrand và Bargh đã xem xét khả năng tiếp nhận góc nhìn: mức độ mà mọi người thường tiếp nhận góc nhìn của người khác.

Bối cảnh: 55 sinh viên hoàn thành bảng câu hỏi khảo sát về khả năng tiếp nhận góc nhìn, cùng với thước đo sự đồng cảm, sau đó họ được sắp xếp ngồi đối diện một đồng minh thường có hành động sờ mặt và lắc chân trước đó.

Kết quả: Người tham gia có góc nhìn cởi mở đã tăng hành động sờ mặt lên gần 30% và lắc chân lên gần 50% so với những người có góc nhìn bảo thủ hơn. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa mọi người trong khả năng đồng cảm không có ảnh hưởng lên hành động bắt chước. Điều này cho thấy chính thành tố nhận thức của khả năng tiếp nhận góc nhìn thay vì thành tố cảm xúc mới giúp khuyến khích sự bắt chước.

Sự thôi miên và hiệu ứng tắc kè hoa

Vì thế “hiệu ứng tắc kè hoa”, có nguồn gốc lâu đời từ loài bò sát máu lạnh, thật sự là một phản ứng “ấm áp” giúp các tương tác xã hội trở nên dễ dàng. Thí nghiệm này cho thấy hầu hết chúng ta làm việc này một cách tự động theo nhiều mức độ và nó thật sự thúc đẩy người khác thích ta.

Nhưng sự kết nối giữa việc bắt chước và thôi miên về mặt xã hội mà tôi đã đề cập bên trên là gì? Vâng, một học thuyết có ảnh hưởng của thuật thôi miên nói rằng trong tình trạng bị thôi miên, mức độ tỉnh táo của ta sẽ bị làm giảm đi để ta thực hiện những gợi ý từ nhà thôi miên một cách tự động (Hilgard, 1965).

Đây thật ra là một phiên bản cực đoan về những gì sẽ xảy ra khi ta bắt chước ngôn ngữ cơ thể của người khác. Ở một chừng mực nào đó, khi hai người thật sự đồng điệu, việc lắc chân và sờ tay lên mặt của họ sẽ hoàn toàn khớp nhau, giống như họ đang thôi miên nhau vậy.

Theo ubrand.cool

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

4,199 lượt xem