Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Học Thuyết Xã Hội Darwin Nguy Hiểm Đến Mức Nào?

Trầm cảm là một căn bệnh nguy hiểm. Nó có thể khiến một người khoẻ mạnh, hạnh phúc, hoàn toàn mất đi khả năng lao động và tận hưởng cuộc sống của họ mà vẫn giữ nguyên “vỏ ngoài” bình thường. Và vì chính cái “vỏ ngoài” bình thường ấy, không gãy tay gãy chân, không trầy trụa máu me, thế nên người ngoài khó có thể biết được bên trong đã vụn vỡ như thế nào. Năm 2013, trầm cảm đứng hàng thứ 2 trong nhóm các nguyên nhân gây ra khuyết tật trên toàn thế giới, và vào tháng 2 năm 2017, chỉ trong vòng 4 năm, theo tổ chức y tế thế giới, trầm cảm đã  là nguyên nhân chính gây nên khuyết tật toàn cầu (1).

By Hải

Mấy ngày nay, các bài viết chia buồn về sự ra đi của một nam ca sỹ và các bài viết về trầm cảm cũng được chú ý và lan truyền mạnh mẽ. Đây là một tín hiệu tốt khi chúng ta dần dần chú ý đến các rối loạn tâm lý và sức ảnh hưởng của nó hơn. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng không ít các ý kiến trái chiều khi chuyện ra đi của nam ca sỹ này trở thành một hiện tượng trên các trang báo đài dành cho giới trẻ, và độ quan tâm của giới trẻ trước hiện tượng ấy. Một trong các ý kiến trái chiều mà cá nhân mình thấy nổi bật nhất, cũng như gây hại nhất đó chính là những người mắc trầm cảm không thắng được chọn lọc tự nhiên, tâm trí họ không vững vàng, không phù hợp với xã hội và theo một lẽ “tự nhiên”, họ bị đào thải. 

Suy nghĩ trên là một ví dụ của thuyết xã hội Darwin (Social Darwinism), vốn là một học thuyết áp dụng sai lệch tư tưởng về chọn lọc tự nhiên trong sinh học của Darwin vào trong xã hội. Những người theo thuyết xã hội Darwin nghĩ rằng xã hội là cá thể sống và tiến hoá theo tiến trình tựa như những sinh vật trong tự nhiên, và chỉ có những người mạnh mẽ và phù hợp nhất mới sống sót. Họ tin rằng những thương nhân thành công trong kinh tế lẫn xã hội là vì họ phù hợp “tự nhiên” nhất về mặt sinh học và mặt xã hội. Ngược lại, những người nghèo khổ là do “tự nhiên” khiến họ yếu đuối, không phù hợp với xã hội. Và sẽ là sai lầm nếu để họ tiếp tục sinh sản.

Những nhà xã hội học này không phải là những nhà sinh vật học. Họ phỏng theo và sửa đổi sai lệch ngôn ngữ của Darwin để phục vụ chủ yếu cho mục đích chính trị, xã hội, hay kinh tế của riêng họ. Rất nhiều nhà chính trị, xã hội học theo thuyết này tranh cãi rằng chính phủ không nên giúp đỡ những người nghèo, vì nghèo là kết quả của tự nhiên thấp kém và nên bị loại trừ khỏi xã hội. Chính những suy nghĩ này châm ngòi cho phong trào ưu sinh vào thế kỷ 19 và thế kỷ 20. Chính phủ muốn cải thiện sức khoẻ và trí thông minh nên đã tiêm thuốc làm vô sinh cho những người mà họ cho rằng “tâm trí yếu kém”, hoặc “không phù hợp”. Phong trào ưu sinh hoá ở Mỹ, tập trung vào phụ nữ, những người thiểu số, và nhập cư tiếp tục cho đến những năm 1970. (2)

Ở thời điểm tệ nhất, thuyết xã hội Darwin được dùng làm bằng chứng khoa học phục vụ mục đích diệt chủng. Đảng Quốc Xã Đức (Nazi) cho rằng việc tàn sát hàng loạt người Do Thái trong Thế Chiến thứ hai là ví dụ loại trừ những di truyền yếu kém. Có rất nhiều những nhà độc tài hay tội phạm dựa vào thuyết xã hội Darwin để biện minh cho hành động của mình. Ngay cả khi không có những hành động đó thì thuyết xã hội Darwin đã được chứng minh là sai lệch và là triết lý, quan điểm nguy hiểm (3).

Thuyết tiến hoá gốc của Darwin chỉ xoay quanh tiến hoá của các loài sinh vật nguyên thuỷ; khi mà các điều kiện tự nhiên còn khắt khe buộc các sinh vật phải thay đổi gene hay tập tính để có thể tồn tại trong môi trường khắt nghiệt đó. Nó tuyệt nhiên không mở rộng đến xã hội hay kinh tế. Xã hội và kinh tế phức tạp hơn và cần nhiều hơn một suy nghĩ hay ý tưởng đơn giản để giải thích. Nếu sự phát triển của xã hội theo sát ý tưởng của thuyết tiến hoá thì chúng ta không cần có bệnh viện, không cần có kỹ thuật, không cần có bất kỳ phát minh nào thay đổi cuộc sống vì nó “trái với tự nhiên”, và ngăn cản “chọn lọc tự nhiên” xảy ra. Xã hội quả thật phát triển, nhưng nó không gắn liền với sự khởi nguồn và đa dạng của các loài sinh vật. Chưa kể, thuyết tiến hoá gốc của Darwin hay chọn lọc tự nhiên cũng có nhiều thiếu sót.

Thuyết xã hội Darwin không hề liên quan đến bất kỳ yếu tố cơ bản nào của thuyết tiến hoá. Mà ngay cả nếu hai thuyết này có liên quan tới nhau đi chăng nữa thì xã hội loài người cho phép chúng ta vượt lên trên những hạn chế về mặt sinh học. Lấy Stephen Hawkings làm ví dụ, ông mắc chứng ALS, một chứng bệnh về thần kinh vận động khiến người tê liệt dần theo thời gian. Nhưng với sự phát triển của kỹ thuật, y học và xã hội, ông vẫn có thể tiếp tục sống,  cống hiến cho khoa học và trở thành một trong những nhà vật lý có sức ảnh hưởng lớn nhất ngày nay. Nếu xã hội chúng ta phát triển theo thuyết xã hội của Darwin thì chúng ta đã không có Stephen Hawking. “Xã hội theo thuyết của Darwin sẽ là một xã hội phát xít.” (Richard Dawkins) (4). Nhiều người thậm chí còn cho rằng, “mạnh được yếu thua”, “cá lớn nuốt cá bé”, “kill or be killed” là chọn lọc tự nhiên trong khi bản chất của chọn lọc tự nhiên không phải như vậy.

____

Thật sự mấy ngày qua rất khó khăn cho mình và có lẽ cho rất nhiều bạn nữa. Mình không hề biết đến J.H, cũng như chưa nghe nhạc của anh nhưng cái chết của anh khiến mình xót rất nhiều khi thấy trầm cảm lại lấy đi tính mạng của một người nữa. Và nó khiến mình càng thêm tuyệt vọng khi đọc được những ý kiến trái nhiều trên. Nặng nề hơn, có khá nhiều người còn chỉ trích người tự sát là “cho rộng đất”.

Thay lời kết thúc, mình muốn nhắn nhủ một điều rằng, các bạn có tư duy khoa học, biết dùng khoa học để suy nghĩ bảo vệ luận điểm của mình. Nhưng hãy dùng nó đúng chỗ và đúng mục đích. Hãy kiểm tra kiến thức của mình trước khi phát ngôn.  Chúng ta nói chuyện khoa học là dùng bằng chứng, lập luận để bảo vệ ý kiến. Chứ không chỉ nêu quan điểm gây tổn hại tinh thần người khác khơi khơi, rồi cho rằng “Đây là ý kiến của tôi, tôi có quyền nêu ý kiến của mình” .

-Nguyệt-

Biên tập: KLinh

(1) http://www.who.int/mediacentre/factsheets/fs369/en/

(2) https://www.khanacademy.org/humanities/ap-us-history/period-6/apush-gilded-age/a/social-darwinism-in-the-gilded-age

(3) https://www.allaboutscience.org/what-is-social-darwinism-faq.htm

(4) https://www.huffingtonpost.com/michael-zimmerman/social-darwinism-a-bad-id_b_489197.html

Theo beautifulmindvn.com

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,156 lượt xem