Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Hội Chứng Stockholm: Từ Vụ Bắt Con Tin Đến Mối Quan Hệ Lạm Dụng

Ngày 23 tháng 8 năm 1973, hai tên tội phạm với súng máy trên tay đã xông vào vào một ngân hàng ở Stockholm-Thụy Điển. Sau khi xả súng để thị uy, tên tội phạm vượt ngục Jan-Erik Olsson đã khủng bố nhân viên ngân hàng bằng tuyên bố: “Bữa tiệc chỉ vừa mới bắt đầu”. Hai tên cướp ngân hàng đã bắt giữ bốn con tin – ba người phụ nữ và một người đàn ông. Các con tin bị buộc chất nổ trên người và bị giữ trong hầm kho ngân hàng trong 131 giờ tiếp theo, cho đến khi được giải cứu vào ngày 28 tháng 8.

Nằm bên trong hầm kho của ngân hàng chật hẹp, những người bị bắt làm con tin nhanh chóng tạo ra một mối liên hệ kỳ lạ với những kẻ bắt cóc của họ. Olsson mặc áo khoác len trên vai của Kristin Enmark khi cô bắt đầu run rẩy, an ủi cô khi cô gặp ác mộng và đưa cho cô một viên đạn từ khẩu súng của mình như một món đồ lưu niệm. Tay súng an ủi con tin Birgitta Lundblad, khi cô này không thể gọi điện thoại cho gia đình và nói với cô, “Hãy thử lại; Đừng bỏ cuộc”. Khi con tin Elisabeth Oldgren phàn nàn về nỗi sợ hãi, hắn ta ta cho phép cô đi ra ngoài hầm trú ẩn gắn liền với một sợi dây thừng dài 30 bước chân. Các hành động nhân từ của Olsson đã tạo ra sự thông cảm của các con tin. Các con tin bắt đầu cảm thấy những kẻ bắt cóc đã thực sự bảo vệ họ khỏi cảnh sát.

Sau khi giải cứu, các con tin đã bày tỏ thái độ gây sốc khi xét đến việc họ bị đe dọa, lạm dụng, và lo sợ về mạng sống của mình trong hơn năm ngày. Trước cửa căn hầm (khi đã đầu hàng cảnh sát), con tin và những kẻ bắt cóc ôm hôn và bắt tay nhau, thậm chí khi cảnh sát bắt giữ hai tên tội phạm, hai con tin nữ còn hô lên “đừng làm họ đau-họ không làm hại chúng tôi”.  Trong các cuộc phỏng vấn của giới truyền thông, rõ ràng là họ ủng hộ những tên bắt cóc và thực sự sợ nhân viên thi hành pháp luật đã đến giải cứu. Oldgren nói với tờ New Yorker một năm sau đó-mặc dù đã bị buộc bằng dây: “Tôi nhớ anh ấy rất tử tế khi cho phép tôi rời khỏi hầm nhà băng”. Một con tin sau đó đã trở thành một trong những tên tội phạm và một người khác đã thành lập một quỹ bảo vệ pháp lý để trả giúp các phí bảo vệ hình sự cho những tên tội phạm. Rõ ràng, các con tin đã ” ràng buộc” tình cảm của họ với những kẻ bắt cóc.

Các chuyên gia tâm thần học đã so sánh phản ứng của các con tin với cú sốc đạn pháo (shell shock-thuật ngữ được sử dụng để miêu tả vấn đề mà giờ đây được biết đến với tên gọi là stres sau sang chấn) mà các chiến binh trong chiến tranh trải qua và giải thích rằng những người bị bắt giam cảm thấy biết ơn những kẻ bắt cóc, chứ không phải cảnh sát khi họ được kẻ bắt cóc tha không giết. Và sau đó, họ đã đặt tên cho hiện tượng này là Hội chứng Stockholm (Stockholm Syndrome-SS)

Hội chứng Stockholm đề cập đến các triệu chứng có thể xảy ra ở người đang trong tình trạng bị bắt cóc hoặc bị bắt giữ làm tù nhân. Thông thường, những cảm xúc này có thể được mô tả như sự thông cảm đối với người bắt giữ hoặc sự phát triển của một mối ràng buộc với kẻ bắt cóc hay kẻ giam giữ.

Hiểu về hội chứng Stockholm

Hội chứng Stockholm không phải là một chẩn đoán tâm lý được công nhận, mà là một nỗ lực để giải thích các triệu chứng xuất hiện ở một số người bị bắt giam. Một người trải qua hội chứng Stockholm bắt tay với kẻ bắt cóc và có thể cảm thấy yêu thương, thấu cảm hoặc mong muốn bảo vệ kẻ bắt cóc. Con tin cũng có thể phát triển những cảm xúc tiêu cực đối với cảnh sát hoặc các bên khác đang tìm cách giải cứu mình.

Nghiên cứu cho thấy, SS đã xảy ra ở tất cả các nhóm “con tin” được nghiên cứu, bao gồm các thành viên của một tôn giáo bị hiến tế, phụ nữ bị đánh đập, trẻ em bị lạm dụng, tù nhân chiến tranh, nạn nhân loạn luân, những tình huống bị tội phạm bắt làm con tin, tù nhân ở trại tập trung, mối quan hệ bị kiểm soát/bị đe dọa. Một người có hội chứng Stockholm thường trải qua các triệu chứng stress sau sang chấn: gặp ác mộng, mất ngủ, hồi tưởng lại, có xu hướng giật mình một cách dễ dàng, bối rối và khó tin người khác.

Không có định nghĩa được công nhận rộng rãi về hội chứng Stockholm, nhưng nó đã được gợi ý rằng sẽ xảy ra nếu một hoặc nhiều điều sau đây được quan sát thấy:

  • Những cảm xúc tích cực của nạn nhân đối với kẻ giam dữ/bạo hành.
  • Những cảm xúc tiêu cực của nạn nhân đối với gia đình, bạn bè, cảnh sát hoặc các nhà chức trách đang nỗ lực để giải phóng họ.
  • Những cảm xúc tích cực của kẻ bạo hành/giam giữ đối với nạn nhân.
  • Ủng hộ lý do và hành vi của kẻ giam giữ/lạm dụng.
  • Các hành vi ủng hộ của nạn nhân đối với kẻ bạo hành/giam giữ, đôi khi còn giúp đỡ chúng.

Hội chứng này được tìm thấy xảy ra trong trường hợp có:

  • Một mối đe dọa nhận thức về sự sống còn và niềm tin rằng kẻ giam giữ/bạo hành sẵn sàng thực hiện mối đe dọa đó.
  • Nhận thức/cảm nhận của nạn nhân từ một số tử tế nhỏ trong bối cảnh kinh hãi.
  • Sự cách ly với quan điểm của người khác ngoài những kẻ bắt giữ/bạo hành.
  • Nạn nhân nhận thức được không có khả năng trốn thoát.

Từ quan điểm tâm lý, hiện tượng này có thể được hiểu là một cơ chế sống còn. Các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng đây dường như là một hiện tượng phổ quát, có thể là bản năng và do đó đóng một vai trò sống còn cho các con tin là nạn nhân của sự lạm dụng (một số nhà nghiên cứu cũng không đồng ý áp dụng SS vào mối quan hệ lạm dụng). Anna Freud lần đầu tiên miêu tả một điều gần giống như hội chứng Stockholm khi bà nói stockholm_syndrome__ramses_morales_izquierdovề việc gắn bó với kẻ gây hấn hay một người cố gắng để đối phó với nỗi sợ hãi bằng cách chuyển di nỗi sợ hãi ra khỏi bản thân (người bị đe dọa) sang người đe dọa. Freud coi đây là một cơ chế phòng vệ mà có thể mang lại một ý nghĩa về quyền lực trong một tình huống nếu không có nó thì có thể sẽ rất đáng sợ.

Hội chứng Stockholm giúp ích được gì trong vấn đề lạm dụng

Đối với những nạn nhân bị lạm dụng tình dục, gia đình họ và các nhà trị liệu, hội chứng Stockholm rất hữu ích trong việc giải thích về trải nghiệm của nạn nhân, “triệu chứng” hiện tại và mối quan hệ giữa nạn nhân và kẻ ngược đãi. Nó có thể giúp loại bỏ khuynh hướng của nạn nhân khi đổ lỗi cho bản thân mình “cho phép” lạm dụng được tiếp diễn hoặc nạn nhân người “gây ra” sự lạm dụng.

Hội chứng này, cũng có thể giúp hiểu được cách nhận biết của nạn nhân về bản thân và người ngược đãi có thể bị bóp méo, bằng cách giải thích những sai lệch về triệu chứng của hội chứng và làm rõ nguồn gốc của chúng như một chức năng sống còn bản năng. Dưới đây là một số cách phổ biến trong đó quan điểm của nạn nhân về tình hình của họ có thể bị méo mó/sai lệch với những giải thích tương ứng về hội chứng:

  1. Nạn nhân phủ nhận bạo lực của kẻ ngược đãi đối với mình và tập trung vào mặt tích cực của kẻ đó.
  • Giải thích: Một nỗ lực vô thức để tìm thấy hy vọng (và do đó là một cách để tồn tại) trong một tình huống mà trong đó người bị ngược đãi sẽ cảm thấy không có quyền lực và bị lấn át.

2. Nạn nhân cảm thấy tội lỗi vì những hành vi lạm dụng đã xảy ra với mình.

  • Giải thích: Phản ánh việc nạn nhân có quan điểm của kẻ hành hung (nghĩa là nạn nhân đã gây ra sự lạm dụng và do đó nó đã được xứng đáng).

3. Nạn nhân phản đối sự cố gắng của người bên ngoài để giải phóng mình khỏi kẻ ngược đãi.

  • Giải thích: Nạn nhân biết rằng kẻ ngược đãi có thể trả đũa với minh vì bất kỳ sự không trung thành nào được biểu lộ, vì vậy người này chống lại nỗ lực của người khác để giải phóng mình hoặc để người lạm dụng có trách nhiệm lạm dụng.

4. Nạn nhân nhận dạng với “nạn nhân” trong kẻ ngược đãi.

  • Giải thích: Đây là biểu hiện tình trạng nạn nhân của nạn nhân đối với kẻ ngược đãi. Nó cho phép nạn nhân cảm thấy thông cảm và quan tâm đến kẻ ngược đãi.

5. Nạn nhân tin rằng họ xứng đáng với hành vi bạo lực của kẻ ngược đãi.

  • Giải thích: Đây là một nỗ lực để cảm thấy rằng bản thân nạn nhân kiểm soát khi nào và liệu bạo lực/lạm dụng được thực hiện và do đó cho phép nạn nhân tin rằng người đó có thể ngăn chặn lạm dụng.

6. Nạn nhân biện minh cho hành vi bạo lực của người ngược đãi với bản thân mình.

  • Giải thích: Một nỗ lực để duy trì mối liên kết với người ngược đãi (và do đó hy vọng sống sót) khi đối mặt với hành vi (ngược đãi) mà nếu không thì sẽ phá huỷ liên kết đó (hy vọng).

7. Nạn nhân sử dụng lời giải thích của người lạm dụng như nạn nhân để giải thích cho sự lạm dụng này.

  • Giải thích: Đây là một nỗ lực để thấy của kẻ ngược đãi ở trạng thái tích cực để duy trì mối quan hệ (vì mối liên kết cung cấp cho nạn nhân niềm hy vọng duy nhất để sống sót).

8. Nạn nhân cảm thấy hận thù đối với cái “phần” của mình mà kẻ ngược đãi nói đã dẫn đến sự lạm dụng.

  • Giải thích: Để cải thiện cơ hội sống sót, nạn nhân nội quan hóa/hấp thu quan điểm của kẻ hành hung, bao gồm cả các lý do cho việc lạm dụng.

9. Nạn nhân sợ rằng kẻ ngược đãi sẽ đến để nắm lấy/bắt được mình, ngay cả khi người đó đã chết hoặc ở trong tù.

  • Giải thích: Nạn nhân biết rằng kẻ ngược đãi sẵn sàng “nắm được” mình vì kẻ đấy đã làm như vậy ít nhất một lần trước đó. Nạn nhân vẫn trung thành với dự đoán về sự quay trở lại của mình.

Sau này/hiện tại, nếu ai gặp trường hợp người bị lạm dụng nói những câu như: “tôi biết những gì anh ta đã làm với mình, nhưng tôi vẫn yêu anh ta”, “tôi không hiểu tại sao, nhưng tôi vẫn muốn  anh ấy quay trở lại, hay “tôi biết nghe có vẻ điên rồ, nhưng tôi nhớ anh ta”. Gần đây, tôi từng nghe “điều này thật không có nghĩa lý, anh ta có bạn gái mới và anh ta cũng đã bạo hành cô ta… nhưng tôi ghen tị về điều ấy!”. Thì hãy nghĩ tới SS nhé-Nói vậy thôi chứ SS cũng còn nhiều tranh cãi lắm!

Theo Góc nhìn tâm lý học

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,771 lượt xem