Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Hướng Nội Và Hướng Ngoại – Làm Sao Để Nói Chuyện Với Nhau?

Hầu hết chúng ta đều cảm thấy khó khăn khi nói chuyện với ai đó, kể cả với những người thân cận, vì tính cách và thói quen tương tác của họ không giống mình. Điều này có thể làm bạn chán nản, cảm thấy mình không được lắng nghe và thấu hiểu thực sự. Một phần vấn đề xuất phát từ khuynh hướng tập trung vào những “kiểu mẫu” rập khuôn liên quan đến những thái cực đối lập này. Chẳng hạn, người ta thường cho rằng người hướng ngoại là mẫu người thích giao du và đi đây đó nhưng không có cái nhìn sâu sắc lắm. Trong khi đó, một người hướng nội điển hình thì dễ ngại ngùng hoặc có vẻ xa cách, nhưng họ lại có một cuộc sống nội tâm phong phú hơn.

Bằng cách vượt qua những giới hạn trong tính cách của mình, bạn có thể cảm thấy vui vẻ và trân trọng bạn đời, anh chị em và đồng nghiệp nhiều hơn, dù họ có thuộc một kiểu tính cách khác bạn đi nữa. Bạn có thể bồi đắp cho các mối quan hệ và học cách giao tiếp hiệu quả hơn với người có xu hướng tương tác khác mình. Và trên hết, bằng việc nhận ra và điều chỉnh cách tương tác của bản thân (mà vẫn giữ lại nét riêng), bạn có thể củng cố hoạt động giao tiếp và mối quan hệ với người khác.

Vượt Qua Rào Cản Tính Cách

Tạo nên mối liên kết bền chặt với một ai đó nghĩa là quan sát và tạo ra những thay đổi tinh tế trong cách ta giao tiếp với họ. Hãy tò mò về chính mình để tìm hiểu bạn có tính cách và những phản ứng ra sao, đồng thời cũng hiếu kỳ về đối phương tương tự như vậy. Khi bạn bắt đầu nhìn ra và tìm hiểu “ngôn ngữ riêng” của người có tính cách đối lập, bạn sẽ thấy hóa ra có rất nhiều điểm thú vị và khác biệt. Hãy lưu ý rằng việc này không yêu cầu bạn phải sống giả tạo, mà thay vào đó là khám phá trọn vẹn những sắc thái hướng nội – hướng ngoại trong con người mình. Nhờ vậy bạn sẽ có khả năng huy động nguồn năng lượng và các kỹ năng của mỗi xu hướng khi cần.

Bạn có thể áp dụng một phương pháp tâm lý ứng dụng mang tên “soi gương”. Cụ thể là bạn sẽ bắt chước một vài cử chỉ động tác hoặc cách sử dụng ngôn ngữ của người đang nói chuyện với mình. Bằng việc ‘soi’ người có tính cách trái ngược, bạn sẽ biết cách điều tiết mức năng lượng của mình. Bất kể đó là việc hơi nghiêng người về phía đối phương, dừng lại một hồi lâu trước khi trả lời câu hỏi, hay thậm chí là điều chỉnh giọng nói của bạn, thì phương pháp “soi gương” đều đòi hỏi bạn phải thu thập những dấu hiệu từ đối phương nhằm tìm ra một phong cách giao tiếp chung cho cả hai.

Nhờ vậy mà mặc dù có xu hướng tiếp cận thế giới qua lăng kính hướng nội hay hướng ngoại, ta sẽ không còn miễn cưỡng ép mình vào những khuôn mẫu ấy nữa. Bước ra khỏi vùng thoải mái để hiểu được năng lượng và góc nhìn của người khác sẽ giúp ta cảm thấy tự do hơn trong việc thể hiện chính mình.

Dành Cho Người Hướng Nội: Mẹo Nói Chuyện Với Người Hướng Ngoại

Một khó khăn chính mà người hướng nội gặp phải khi tiếp xúc với những người hướng ngoại là người hướng ngoại nói quá nhiều. Thực ra, họ không cố ý như vậy, mà chỉ đơn giản khi sinh ra trời phú cho họ khiếu nói chuyện một cách rất tự nhiên và liên tục. Với người hướng ngoại, họ không mất năng lượng khi phải nói đủ thứ chuyện với người khác, trái ngược lại, họ càng nói có thể họ lại càng hào hứng. Nhìn chung có sự chênh lệch giữa người hướng ngoại và người hướng nội về âm lượng giọng nói, tốc độ nói chuyện, số lượng từ sử dụng và ngôn ngữ cơ thể khi giao tiếp. Người hướng ngoại có thể nói nhanh hơn, xích lại gần hoặc giao tiếp bằng mắt với người đối diện nhiều hơn.

Nếu bạn thuộc kiểu hướng nội, hãy thử áp dụng những cách sau mỗi khi nói chuyện với người hướng ngoại:

  • Nói ra nhu cầu của mình: Nếu bạn cần suy nghĩ câu trả lời, hãy cho người kia biết: “Xin cho tôi suy nghĩ một chút” để giảm bớt tốc độ cuộc nói chuyện.
  • Biết trước là mình sẽ bị ngắt lời: Đó là dấu hiệu người hướng ngoại đang tạo mối dây liên kết. Nó có nghĩa là họ thích nói chuyện với bạn và cảm thấy phấn khích khi được tham gia trò chuyện. Bạn có thể nhẹ nhàng yêu cầu họ đừng ngắt lời mình, hoặc nhìn nhận hành động ngắt lời là một cách thể hiện sự quan tâm.
  • Sẵn sàng linh động thay đổi: Nếu bạn cảm thấy mình có đủ năng lượng để đóng góp tích cực hơn cho cuộc nói chuyện thì hãy nhiệt tình tham gia. Hãy để bản thân bước ra khỏi vùng yên tĩnh và tận hưởng cuộc đối thoại theo cách “hướng ngoại” hơn, cho dù đôi khi làm vậy chẳng giống bạn chút nào. Sẵn sàng với những câu chuyện phiếm. Với người hướng nội, có những chủ đề không thuộc quan tâm của mình, họ có thể im lặng hàng giờ liền. Thế nhưng, chỉ cần thay đổi chút xíu, hãy hào hứng với những câu chuyện phiếm, chẳng hạn như bạn chỉ cần đệm “ồ, vậy hả, hay thiệt, thú vị đấy, ừ tốt đấy,…” cũng sẽ làm cho người hướng ngoại cảm thấy rằng bạn đang rất lắng nghe họ. 

 

Dành Cho Người Hướng Ngoại: Mẹo Nói Chuyện Với Người Hướng Nội

Thách thức chính mà người hướng ngoại phải đối mặt khi tiếp xúc với người hướng nội là người hướng nội nói quá ít. Và đây là sự thật: người hướng nội có một tài năng thiên bẩm, là họ có thể im lặng hàng giờ liền, và họ yêu thích điều đó. Đơn giản là bởi vì họ sẽ không có nhu cầu phải nói với những gì mà họ thấy mình không cần nói. Đó là năng khiếu của họ. Và thực sự, họ sẽ rất mất năng lượng nếu cứ phải gồng mình lên với những cuộc nói chuyện kéo dài và luôn phải đầy năng lượng. Người hướng nội có thể xem việc nói nhanh hoặc cắt ngang lời họ là hành động thô lỗ, và thậm chí điều này có thể khiến họ càng trở nên dè dặt. Cho nên người hướng ngoại nên để ý và thoải mái cho người hướng nội những khoảng ngừng và khoảng lặng trong cuộc nói chuyện mà họ cần để nghiền ngẫm những ý tưởng trong đầu trước khi họ nói ra.

Nếu bạn thuộc kiểu hướng ngoại, hãy thử áp dụng những cách sau mỗi khi nói chuyện với người hướng nội:

  • Ngừng lại một chút sau khi bạn vừa đặt ra câu hỏi. Người hướng nội rất thích thú khi họ có thời gian cân nhắc câu trả lời của mình.
  • Theo dõi để nắm bắt những tín hiệu vật lý cho thấy người kia đang muốn cuộc bàn luận chậm lại. Việc ngả người ra xa và nhìn lên trên báo hiệu rằng đối phương đang suy nghĩ. Cho họ chút không gian là một việc làm thể hiện sự tôn trọng.
  • Khuyến khích người hướng nội nói nhiều hơn. Hãy đặt câu hỏi và đợi họ trả lời hết ý. Đồng thời, hãy tận dụng các khoảng lặng để suy nghĩ về những gì họ vừa nói, hỏi sâu thêm hoặc mời gọi họ nói tiếp trước khi bạn chia sẻ những suy nghĩ của mình.
  • Hãy làm quen với những khoảng lặng đáng sợ. Với người hướng nội, ngay cả khi hai người đang nói chuyện, tự nhiên dừng lại im lặng, thì đó cũng chỉ là một chuyện rất bình thường. Bởi vì, có thể họ đang nghiền ngẫm, hoặc suy nghĩ một điều gì đó.
  • Hãy hỏi những câu hỏi đóng để giao tiếp hai chiều. Thay vì là một cuộc giao tiếp một chiều, người thì chỉ nói và người thì chỉ nghe, hãy biết cách giao tiếp hai chiều bằng những câu hỏi để người hướng nội buộc phải nói, và bí quyết là những câu hỏi đóng nếu bạn chỉ muốn người kia xác nhận thông tin. Chẳng hạn như, mình nói vậy bạn đồng ý chứ? Mình nói vậy, bạn hiểu chứ? .. Còn nếu muốn người hướng nội chia sẻ nhiều hơn, hãy hỏi các câu hỏi mở, chẳng hạn như “như thế nào? Thấy sao?”, ví dụ như hôm nay bạn cảm thấy như thế nào? Đề tài vừa rồi, bạn thấy sao?…  

Trên đây là một vài mẹo nhỏ đơn giản có thể dùng được ngay. Để học thêm, bí quyết rất đơn giản, đó là bạn hãy quan sát chính người có tính cách khác mình, xem cách họ nói chuyện như nào. Chẳng hạn nếu bạn là người hướng nội, hãy thử quan sát hai người hướng ngoại họ nói chuyện như nào. Nếu bạn là người hướng ngoại, hãy thử quan sát xem cách hai người hướng nội nói chuyện như nào. Dần dần, bạn sẽ nhận ra những dấu hiệu rất đặc trưng của họ. Và kể từ đó, việc giao tiếp với người khác tính cách mình, sẽ đơn giản và dễ dàng hơn rất nhiều. 

Theo Tamly.blog

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

3,495 lượt xem