Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Jack Ma: Mọi Doanh Nghiệp, Tổ Chức Đều Cần Phải Có Một Vị Lãnh Đạo Như Đường Tăng, Dù Người Đó Có Bề Ngoài Chẳng Hề Xuất Chúng!

Giống như Đường Tăng, rất nhiều lãnh đạo nhìn bề ngoài không có gì xuất chúng, nhưng lại hội tụ rất nhiều thói quen và tố chất tốt khiến họ trở nên nổi bật.

Ai cũng biết việc sang Tây Trúc thỉnh kinh là vô cùng khó khăn. Dù được nói rằng có thể quay về, nhưng Đường Tăng vẫn cứ đi, đó mới là người lãnh đạo giỏi. Vì vậy, Jack Ma cho rằng các doanh nghiệp, tổ chức đều cần phải có một vị lãnh đạo như Đường Tăng.

Sẽ có người nghĩ ông ấy không khéo ăn nói, nói không hay nhưng thực ra ở con người này chứa đựng vô số điều lợi hại. Tôn Ngộ Không rất có năng lực nhưng lại hay mắc sai lầm, những người như vậy đơn vị nào cũng có, đúng không? Nếu toàn là Tôn Ngộ Không thì công ty không thể vận hành.

Trư Bát Giới lười làm tham ăn nhưng rất hài hước, tập thể cần những người như thế;

Sa hoà thượng cần cù chăm chỉ, luôn nói: Mỗi ngày tôi cứ làm việc 8 tiếng, sáng đi, tối về. Người như vậy cũng không thể thiếu.

Đường Tăng không giỏi ăn nói, cũng không thật giống phong thái của một nhà lãnh đạo, nhưng lại biết cách lãnh đạo đệ tử. Rất nhiều giám đốc công ty cũng giống như Đường Tăng, nhìn bề ngoài không có gì xuất chúng, nhưng lại hội tụ rất nhiều thói quen và tố chất tốt khiến họ trở nên nổi bật.

Thứ nhất, hiểu cách làm người

Làm cách nào để lãnh đạo thật tốt một đội ngũ? Điều quan trọng nhất là làm sao để các thành viên trong đội ngũ tự nguyện hợp tác với bạn, tự nguyện chấp nhận sự lãnh đạo của bạn, như vậy mới có thể làm nên chuyện lớn. Một nhà lãnh đạo tốt thường rộng lượng, công bằng, thân thiện, quan tâm đến đời sống và công việc của nhân viên, có thể nhìn ra ưu điểm của cấp dưới.

Thứ hai, có mục tiêu rõ ràng

Hãy để cấp dưới cảm thấy đi theo bạn sẽ có tiền đồ, một nhà lãnh đạo có mục tiêu rõ ràng có thể đem lại sức sống và hy vọng cho doanh nghiệp. Phải khiến mục tiêu của công ty thấm nhuần vào trong tâm khảm mỗi nhân viên. Browie - chuyên gia quản lý doanh nghiệp nổi tiếng thế giới từng nói: “Xây dựng nên một viễn cảnh và mục tiêu để cấp dưới theo đuổi, chuyển hoá nó thành hành động của tất cả mọi người, đồng thời hoàn thành hoặc đạt được viễn cảnh và mục tiêu mà mình hướng tới”.

Thứ 3, tinh thần ngoan cường

Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp sẽ gặp phải những vấn đề thế này hoặc thế khác. Với tư cách là người lãnh đạo, nếu không có ý chí ngoan cường thì sẽ không thể dẫn dắt nhân viên cùng khắc phục và vượt qua khó khăn.

Một nhà lãnh đạo giỏi cần phải có niềm tin bất diệt và biết cách thể hiện điều đó ra bên ngoài. Những nhà lãnh đạo có một ý chí kiên cường và niềm tin sắt đá sẽ càng có khả năng lãnh đạo nhân viên làm tốt công tác chuyên môn.

Thứ 4, biết khích lệ

Thôi thúc lòng nhiệt tình của nhân viên là biện pháp hữu hiệu để họ giữ vững tinh thần hăng say, hết mình với công việc. Do đó, người lãnh đạo công ty buộc phải học được cách kích thích lòng nhiệt tình của nhân viên, phát huy tiềm năng và ưu điểm của từng người đồng thời cần biết cách hài hoà các mối quan hệ.

Thứ 5, học cách chia sẻ quyền lực

Một nhà lãnh đạo giỏi sẽ không bao giờ làm tất cả mọi thứ, mà họ sẽ bồi dưỡng cấp dưới thành những lãnh đạo thực thụ, chia sẻ quyền lực cho họ để cùng nhau đảm đương trách nhiệm. Như vậy vừa có thể rèn luyện năng lực, nâng cao tính tính cực của nhân viên, vừa có thể giúp bản thân rảnh tay, có thời gian tiến hành những kế hoạch vĩ mô hơn.

Thứ 6, đổi mới tiến lên

“Học, học nữa, học mãi” không phải là một câu nói suông. Muốn lãnh đạo tốt một doanh nghiệp, quản lý tốt hàng ngàn công nhân viên thì không thể bằng lòng với thực tại mà phải không ngừng học tập, theo kịp xu thế phát triển, không ngừng sáng tạo và làm mới bản thân.

Thứ 7, chú trọng giao tiếp

Giao tiếp hiệu quả có thể giải quyết rất nhiều rắc rối không cần thiết, nắm vững nghệ thuật giao tiếp với cấp dưới là bí quyết quản lý không thể thiếu của một nhà lãnh đạo. Nhà lãnh đạo tốt sẽ dành 70% thời gian giao lưu với người khác, 30% thời gian còn lại để xử lý các công việc thường nhật. Thông qua việc giao tiếp, nhà lãnh đạo có thể biến nhân viên thành người tham gia toàn diện vào các công việc của doanh nghiệp.

Nhìn chung, nhờ sở hữu những tố chất lãnh đạo siêu phàm kể trên mà sau khi trải qua chín chín tám mươi mốt kiếp nạn, Đường Tăng vẫn dẫn dắt được 3 đệ tử đến Tây Thiên lấy được chân kinh, đội ngũ như vậy có ở khắp nơi. Mỗi người đều có cá tính của mình, điểm mấu chốt là người làm lãnh đạo phải làm sao để đội ngũ đó phát huy tác dụng, đó mới là đội ngũ "đi thỉnh kinh" chân chính.

Theo cafebiz.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

318 lượt xem