Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Khám Phá Những Bí Mật Của Nhà Văn Best-Seller Pháp Guillaume Musso

Guillaume Musso từng cho biết rất nhiều quyển tiểu thuyết của ông được lấy cảm hứng từ câu nói của nhà văn người Colombia Gabriel Garcia Marquez: “Một con người thường có 3 cuộc sống: cuộc sống riêng tư, cuộc sống xã hội, và cuộc sống bí mật”. Và chính cuộc sống thứ ba, một cuộc sống bí mật đầy hồi hộp nối tiếp nhau được kể lại trong các quyển tiếu thuyết của ông.

Guillaume MUSSO

Có lẽ không cần giới thiệu nhiều về Guillaume Musso, nhà văn nổi tiếng người Pháp có số lượng đôc giả cao nhất vừa ra mắt gần đây tác phẩm thứ 14 của mình Un appartement à Paris (tạm dịch: Căn hộ ở Paris), phát hành bởi NXB XO Editions.

Bỏ chút thời gian rảnh rỗi hiếm hoi của mình, Guillaume Musso đã dành cho tờ Un texte Un jour (Mỗi ngày một bài báo) một cuộc phỏng vấn mà qua đó ông quyết định nói về những tác phẩm của mình, những gì đã tạo nên lượng đọc giả của ông, và cũng chính là những gì tạo nên ông – một tác giả.

Qua cuộc phỏng vấn này, chúng tôi tìm thấy ở Musso một người đàn ông hào phóng, đầy háo hức trong việc chia sẻ với đọc giả của mình, nhưng đặc biệt nhà văn chính là một người kể chuyện bẩm sinh, người có thể sáng tạo ra những câu chuyện tiểu thuyết đầy mơ mộng và đưa chúng đến với đọc giả như một phép thuật giả kim kỳ diệu.

Với cả ngàn những ý tưởng chạy trong đầu và những quy trình được định sẵn, Guillaume Musso không có tham vọng nào khác ngoài việc viết, bất kỳ lúc nào, những quyển sách mà ta ước mơ được đọc.

Ông Musso, ông là đọc giả hay từng là đọc giả của tác phẩm kinh điển nào?

Nền tảng phát triển của tôi khá rõ ràng. Tôi vốn là con trai của một người thủ thư, trong suốt một thời gian dài tôi không hề thích sách.

Việc khám phá những quyển tiểu thuyết và thú vui đọc sách đến với tôi lại rất nhanh, rất rõ ràng, cứ như một điều hiển nhiên và bằng trực giác : năm đó tôi mười một tuổi, đó là vào kỳ nghỉ lễ Giáng Sinh, tôi ở cùng với ông bà và chúng tôi cùng nhau xem tivi. Bỗng nhiên mất điện, chúng tôi phải làm gì đó khác, nhưng ngoài trời thì lại lạnh. Trong thư viện của ông tôi, có những quyển Hồi ký của Tướng De Gaulle, và cũng có một quyển sách rất cũ, nó thuộc về mẹ tôi khi bà còn trẻ, Đồi Gió Hú.

Và tôi bắt đầu đọc quyển sách ấy, quyển sách đầu tiên không có những hình minh họa của tôi, và hoàn toàn nằm ngoài chương trình học. Và tôi thật sự rất yêu quyển sách đó, cả về lịch sử của nó, cả về những tình tiết đầy sóng gió, hay cổ hủ. Nhưng đặc biệt nhất là tôi bị mê hoặc bởi cách mà những đam mê của con người được kể, và ở tuổi thứ 11, đó là lần đầu tiên tôi có cảm giác rằng mình thâm nhập vào vô thức của các nhân vật.

Về sau, tôi bắt đầu tìm hiểu về những con chữ đã quyến rũ tôi lúc bấy giờ: cái cách mà những từ ngữ được đặt trên trang giấy cách đây 150 bởi một cô gái trẻ người Anh sống ở những cánh đồng cỏ hoang dã vùng Yorkshire lại có thể có một sự ảnh hưởng lớn tới vậy đối với tôi, một cậu bé nhỏ người Pháp, sống vào năm 1985. Đồi Gió Hú đã tạo nên một cánh cửa bước vào chứng đọc sách vô độ của tôi, tôi đọc rất nhiều, mỗi khi tôi có thời gian. Và khi là một thiếu niên, tôi đã có thời gian.

Khi ông 11 tuổi, ông đã trở thành một người nghiện đọc sách.

Hoàn toàn đúng như vậy. Tôi luôn dành thứ tư, thứ bảy và những kỳ nghỉ để đến thư viện thành phố Antibes, tại Place du Général De Gaulle, nơi mà mẹ tôi điều hành. Tôi có cảm giác như mình là chú tể của một tòa lâu đài sách, vào tháng tám, ở đó chẳng có ai cả vì mọi người đã đi đến các bãi biển rồi… Và rất nhanh, tôi đã muốn đọc rất nhiều thứ khác nhau. Tôi đọc Emily Brontë, tôi phát hiện ra bà có chị em gái. Sau đó, tôi được mẹ khuyên bảo rằng “nếu tôi yêu những chị em gái nhà Brontë, tôi sẽ thích Le Grand Maulnes (Kẻ Lãng Du, NXB Văn Học)”.

Tôi quay trở lại với văn chương Pháp, tôi bắt đầu khám phá những tác phẩm viết vào thời ấy. Những lần đọc sách đầu tiên của tôi diễn ra theo những nhánh nhỏ khác nhau nhưng chúng hoàn toàn liên kết, dính chặt với nhau.

Mẹ tôi tất nhiên đóng vai trò quan trọng để dẫn dắt tôi tôi khám phá việc đọc sách. “Đọc sách là điều tốt, nhưng không được học đòi làm sang”, bà nói với tôi như thế. “Hãy đọc mọi thứ, đọc những tác phẩm kinh điển của Pháp, Balzac, Flaubert, Maupassant, đọc những quyển kinh điển của Nga, nhưng cũng đọc cả Barjavel, Marcel Pagnol, Stephen King”. Tương tự với điện ảnh. Xem Krsysztò Kieślowski là tốt, những cũng phải xem cả Les Bronzés.

Liệu việc tìm hiểu văn hóa, và văn học, có phải chăng được thực hiện dước góc độ niềm vui?

Dưới góc độ của niềm vui đúng, nhưng còn cả về mặt cảm xúc và tâm lý con người. Với Đồi Gió Hú, tôi khám phá ra bức tranh của những cảm xúc, những gì mà con người có thể cảm nhận, và đó không nhất thiết phải là tình yêu. Cảm xúc đóng vai trò quan trọng nhất, và tôi cảm thấy rằng mình được ủy quyền để sống những cảm xúc ấy – vì ở tuổi thiếu niên, ta luôn chưa có nhiều kinh nghiệm – một cách mạnh mẽ.

Bước vào “đầu” của nhân vật, điều đó làm tôi tò mò vô cùng, và bạn sẽ không thể có điều đó khi xem phim điện ảnh. Tôi còn khám phá ra niềm yêu thích của mình dành cho câu chuyện, được xây dựng bởi những tình tiết hồi hộp gây cấp hay cao trào nhờ vào Alexandre Dumas, Stephen King, Agatha Christie, Conan Doyle, đó là những tác giả có cốt truyện đóng vai trò thống trị.

Việc lĩnh hội phong cách viết đến trễ hơn với các thơ văn của Aragon và Le Roman Inachevé (tạm dịch: Tiểu thuyết chưa hoàn thành). Với Aragon, tôi tìm thấy những điều, mà người ta gọi chúng là tuyệt vời, vì sự súc tích trong cách viết và khả năng sáng tạo là cực kỳ to lớn. Lúc đo tôi đã là học sinh trung học, đang trong khoảng thời gian ôn tập cho kỳ thi tú tài. Những lời nhận xét tổng hợp giúp tôi nhận thức được thế nào là công việc của một tác giả một cách rõ ràng.

Người lính khinh kỵ trên mái nhà - Jean Giono

Một quyển sách khác đã làm tôi choáng ngợp vào lúc đấy: Le Hussard sur le Toit (Người lính khinh kỵ trên mái nhà, NXB Hội nhà văn, 1998), của Jean Giono, mà trong đó tôi tìm thấy một sự thâm nhập hoàn hảo giữa phong cách viết và câu chuyện. Một tiểu thuyết có sự dẫn nhập tuyệt vời trong việc từ chối sử dụng sự tầm thường, vốn dĩ giống như một căn bệnh truyền nhiễm.

Vì vậy, ông đã trở thành một người đọc tuyệt vời. Nhưng làm thế nào ông khám phá ra việc mình thích viết lách?

Việc viết đến với tôi trễ hơn những khám phá của tôi trong việc đọc sách. Tôi lúc đó là học sinh lớp 10, 15 tuổi, tôi tham gia vào một cuộc thi viết truyện ngắn, và mỗi học sinh phải viết một câu truyện. Vào thời đó, tôi đã viết một văn bản có hơi hướng của Alfred Hitchcock, Alain-Fourier và Stephen King với suy nghĩ về một điều siêu nhiên bỗng nhiên xuất hiện. Truyện ngắn đó mang tên Fenêtre sur rue (tạm dịch: Cửa sổ hướng đường phố), và tôi đã thắng cuộc thi đấy.

Và từ đó, thực sự, tôi khám phá rằng một câu chuyện mà tôi nghĩ ra, mà tôi cảm thấy niềm vui khi viết nó lại có làm mọi người thích thú. Tôi nghĩ điều đó thật phi thường, và tôi tiếp tục đọc, và để bản thân mình, ít hay nhiều, được viết. Tôi viết nhật ký, tôi bắt đầu “phôi thai” những câu chuyện. Tôi không theo ngành văn học, tôi vốn là học sinh ngành khoa học, việc đọc và văn học xuất hiện với tôi như một lối thoát, như một cách để tôi vui vẻ và thư giãn.

Và chính vào thời gian đó mà một quyển sách khác đã làm ông ấn tượng rất lâu…

Hoàn toàn chính xác. Vào kì thi tú tài, ở bài kiểm tra bình luận tổng hợp, tôi đã rơi vào trang đầu tiên của tác phẩm Belle du Seigneur (Người đẹp của Ðức Chúa trời). Tôi không biết Albert Cohen – tôi chỉ biết mình được học về Pagnol trên lớp – và tôi bắt đầu đọc trang đầu tiên ấy, khá điên, nó như thế này, Solal, trên lưng ngựa, đang sửa soạn đi tỏ tình với một người phụ cải trang thành một ông lão. Tôi trở về nhà, trên đường tôi dừng lại ở nhà sách và mua một quyển sách bỏ túi.

Tôi bắt đầu nghiên cứu cuốn sách đó. Vào thời đó, sau lần đọc đầu tiên, tôi bắt đầu phân tích những hành vi quyến rũ, phân tích sự nữ tính và nam tính, như đang nói chuyện với một đứa trẻ như tôi. Đó thực sự là một cú sốc với Albert Cohen và trong suốt một khoảng thời gian, đó là quyển sách là tôi tặng tất cả mọi người, vì khi tôi yêu một quyển tiểu thuyết nào tôi sẽ cố gắng thuyết phục những người xung quanh mình đọc nó, vì đó sẽ là niềm vui khi được trao đổi với họ về nó!

Nếu đến hôm nay, người ta lịch sự nói rằng quyển sách không dành cho phụ nữ, và được đánh giá quá cao, riêng tôi, tôi vẫn cảm thấy Belle du Seigneur là một quyển sách tuyệt vời. Tôi nghĩ nó vừa hài hước, vừa có thể vô cùng buồn, và đó là khoảng u tối khi mà tình yêu say đắm có thể làm ta suy sụp và dường như không có một lối thoát nào.

Sau khì thi tú tài, và ở những năm đầu đại học, ông đã đến Mỹ để làm việc…

Đúng vậy. Tôi khám phá The Prince of Tides của Pat Conroy và tôi lại có một tình yêu sét đánh với bộ tiểu thuyết thơ mộng này, được viết theo phong cách Mỹ, và diễn tả những khung cảnh thật khó tin. Ở đó, thực sự có một sự phân tích tâm lý về những điều kỳ lạ, và tôi khám phá làm thế nào mà một nhà tâm thần học có thể bước vào một quyển tiểu thuyết. Đồng thời tôi cũng đọc John Irving (L’Œuvre de Dieu, La Part du Diable – hay còn biết đến với tên The Cider House Rules – và Une prière pour Owen – A Prayer for Owen Meany) và tôi có ý nghĩ rằng người ta có thể viết cùng lúc một tiểu thuyết vô cùng hấp dẫn, vừa có những đòi hỏi khó tính về phong cách viết và xây dựng bối cảnh. Đó là những quyển tiểu thuyết hiện đại, viết về xã hội đương đại nhưng vẫn giữ một tầm nhìn toàn cầu.

Và song song với việc đọc, tôi dần dần bắt đầu lập ra kế hoạch viết một quyển tiểu thuyết. Khi tôi trở về từ Hoa Kỳ, ở tuổi 20, nhu cầu viết ngày càng trở nên quan trọng. Tôi đang theo học ngành Kinh tế, tôi trở thành giáo viên, nhưng tôi vẫn tiếp tục viét. Một số nỗ lực thất bại. Những văn bản đầu tiên cực kỳ tệ. Chúng nói chỉ nói về bản thân mình, chẳng có sự chắt lọc… và tôi gặp khó khăn khi điều chỉnh con trượt. Tôi muốn viết vì tôi thích đọc, tôi thích kể những câu chuyện, nhưng viết cái gì đây?… Tại sao… Việc đó sẽ mất vài năm để xác định. Tôi đã có sự sáng suốt để biết rằng những gì mình đã viết không thể được gửi cho một nhà xuất bản nào.

Bắt nguồn từ những nhận định trên, đâu là điểm khởi đầu cho việc viết quyển tiểu thuyết đầu tiên của ông, Skidamarink?

Tôi đọc ngày càng nhiều những tiểu thuyết trinh thám, những quyển tiểu thuyết đầy gây cấn và tôi đã thực sự muốn được thể hiện bản thân mình trên nhiều cấp độ. Vừa mang tính chất giải trí, nhưng đồng thời cũng mong muốn có thể đề cập đến vài chủ đề nhất định. Tôi muốn, dưới cương vị một nhà kinh tế, viết về sự toàn cầu hóa, về sự tương thuộc, và tôi có cảm tưởng rằng một quyển tiểu thuyết trinh thám sẽ cho tôi tự do làm điều đó.

Và một ngày, tôi đã có ý tưởng, xoay quanh việc trộm bức tranh La Joconde (Mona Lisa của Leonardo da Vinci). Tôi tưởng tượng ra bốn nhân vật, một nhà di truyền học người Nga, một luật sư người Pháp, một nữ doanh nhân người Mỹ, và một linh mục người Ý, không hề quen biết nhau và gặp nhau vì mỗi người sở hữu một phần của bức tranh của Leonardo de Vinci. Những phần của bức tranh được được đính kèm một khẩu súng lục và đưa họ tới gặp nhau tại giáo xứ vùng Tuscan của vị linh mục người Ý. Họ bắt đầu điều tra những gì đã liên kết họ với nhau.

Tôi rất thích cuốn sách này và tôi gửi nó đến nhiều nhà xuất bản. Anne Carrière đã chấp nhận nó khá nhanh. Đó luôn là một ngày rất đặc biệt trong cuộc đời của tôi, và tôi còn nhớ rất rõ về cuộc điện thoại mà tôi nhận được từ Alain Carrière. Tôi lúc đó 26 tuổi. Quyển sách được phát hành vào mùa xuân năm 2001, và có được sự đón nhận khá thuận lợi từ báo chí. Nhưng nó không được xuất bản nhiều, người ta chỉ bán 2000 bản. Quyển sách bán không chạy… Nhưng nó luôn là một kỷ niệm đẹp, vì đó là bước tiến đầu tiên của tôi.

Sau Skidamarink, quyển tiểu thuyết thứ hai, Et Après (Rồi sau đó, NXB Nhã Nam) của ông thực sự thành công.

Sau quyển tiểu thuyết đầu tiên, tôi gặp tai nạn giao thông. Và sau tai nạn đó, tôi bắt đầu đọc về những con người suýt đến gần cái chết, về triết lý của sự kiên cường… Và tôi thực sự muốn nói về điều đó! Tôi cũng xem những bộ phim Mỹ của những năm 40, 50, 60, những bộ phim như La Vie est Belle của Capra (It’s a Wonderful Life – Cuộc sống tươi đẹp, 1947), La Féline của Jacques Tourneur (Cat People – Người báo, 1942). Vào thời đó, Sixième Sens (The Sixth Sense – Giác quan thứ sáu, 1999) vừa ra mắt và mọi người đều đi xem nó và tôi nhận ra rằng hiện tượng siêu nhiên cho phép ta nói những vấn đề nghiêm trọng một cách vui vẻ nhẹ nhàng. Vì vậy tôi đã nghĩ về một quyển tiểu thuyết viết trên ranh giới của hiện tượng siêu nhiên và gợi lên sự mong manh của cuộc sống.

Tôi viết được 70 – 80 trang và tôi đã liên lạc với Caroline Lépée, người làm việc ở NXB XO Editions và đã từng rất thích Skidamarink. Tôi gửi cô bản thảo và kí hợp đồng trước khi tôi viết cả kết thúc. Trước khi được phát hành, quyển sách đã được mua bởi hàng chục quốc gia. Khi nó được phát hành, nó đã nhận được một vầng hào quang tích cực. Và ở đó, phép lạ diễn ra. Nổi tiếng bằng việc truyền miệng tuyệt vời, quyển tiểu thuyết giữ được vị trí rất lâu trên bảng những quyển sách bán chạy, không chỉ ở Pháp mà còn ở nước ngoài, và quyền tác giả được bán cho phiên bản điện ảnh.

Chuyện đó vừa tốt, nhưng đồng thời nó cũng vừa có chút phức tạp. Tôi đã sử dụng sức mạnh của sự hư ảo để nói về những vấn đề nghiêm trọng, nó giống như là một công cụ để kể chuyện… Người ta không thực sự mong đợi tôi làm một điều tương tự lần thứ hai, nhưng tôi sẽ bắt đầu chuỗi những tiểu thuyết vừa mang những màu sắc vui tươi vừa mang những sắc thái siêu nhiên. Và có những đọc giả yêu thích điều này, những điều siêu nhiên, trong khi những người khác sẽ chẳng bao giờ đọc hiện tượng siêu nhiên vì họ có cảm tưởng rằng điều đó không dành cho họ và sự thiếu hợp lý kết hợp với lịch sử sẽ loại bỏ chính họ ra khỏi nội dung của cuốn tiểu thuyết.

Nếu như tôi hiểu chính xác thì hiện tượng siêu nhiên không nhất thiết là phong cách viết của ông, hoặc đó là phong cách mà ông nghĩ rằng mình sẽ theo đuổi trong một số tiểu thuyết?

Tôi đã viết Et Après (Rồi sau đó). Tôi đã nhận ra rằng công cụ tuyệt vời đó là sự hư ảo, hay sự siêu nhiên, để nói về những chủ đề như đám tang, cái chết, quan hệ cha con, những khó khăn của cặp đôi. Tôi đã viết một chuỗi những tiểu thuyết mà tôi yêu thích, mà chắc chắn tôi sẽ không từ bỏ, mà điều đó đã làm rất nhiều người ít đọc phải đọc… Nhưng cũng công nhận điều đó cũng làm tôi mất một số đọc giả nhất định, những người cảm thấy dị ứng với điều đó.

Việc chuyển từ thể loại siêu nhiên sang thể loại kinh dị đã được thực hiện như thế nào ?

Việc đó được thực hiện với một quyển sách, L’appel de l’ange (Cuộc gọi từ thiên thần, NXB Nhã Nam), và điều đó được thực hiện vì bản thân tôi là một người đọc sách, tôi càng ngày càng thích thú khi đọc thể loại này. L’appel de l’ange được sinh ra một cách ngầu nhiên. Khi tôi ở sân bay của Montréal, sau một cuộc quảng bá, và một người phụ nữ đã lấy nhầm điện thoại của tôi. Tôi đuổi theo cô ấy, và chúng tôi đã thảo luận cùng nhau. Trên chuyến bay trở về, tôi tự nói với mình rằng câu chuyện về việc trao đổi những chiếc điện thoại di động này sẽ trở thành một vở hài kịch lãng mạn rất hay. Tôi viết một bản tóm tắt, nhưng tôi thực sự không muốn viết những vở hài kịch lãng mạn và tôi vất nó vào một góc.

Tôi không làm gì với nó cả, và bỗng một ngày tôi bất chợt nghĩ : quyển sách đó không phải là một hài kịch nhưng là một quyển truyện trinh thán. Khi họ nhận ra sự nhầm lẫn của họ, cô ấy đã ở Paris, anh ta thì ở San Francisco. Anh ấy lục lọi điện thoại di động của cô ta. Trong đó, anh ta tìm thấy bộ hồ sơ điều tra mà cô chưa bao giờ giải quyết xong. Cô ta từng là một nữ cảnh sát. Quá trình viết thực sự chuyển động. Tôi viết cuốn sách này như một cuộc điều tra thực sự. Và L’appel de l’ange – Cuộc gọi từ thiên thần là quyển khởi đầu cho Un appartement à Paris (tạm dịch : Căn hộ ở Paris).

Quá trình đã diễn ra như vậy, và tôi có được một lượng đọc giả mới, những người đọc Harlan Coben, hay Douglas Kennedy, trong khi đó tôi vẫn giữ được những đọc giả đầu tiên của mình. Điều đó thật tuyệt, và nó đánh dấu sự khởi đầu cho sự nghiệp thứ hai của tôi. Tôi không nói rằng mình sẽ không viết về hiện tượng siêu nhiên một lần nữa – tôi đã thực hiện điều đó với L’instant présent (Giây phút này, NXB Nhã Nam) – nhưng điều đó lại làm tôi muốn bắt đầu một điều gì đó mới, điều đó đã cho tôi một làm gió mới, và tôi rất hài lòng với thể loại trinh thám. Bạn có thể đề cập tất cả những chủ đề mà bạn muốn, bạn có thể trình bày những diễn biến tâm lý hồp hộp, sự thân mật, những bí mật giữa các cặp đôi. Rất nhiều quyển tiểu thuyết của tôi được xây dựng dựa trên câu nói của Gabriel Garcia Marquez: “Một con người thường có 3 cuộc sống: cuộc sống riêng tư, cuộc sống xã hội, và cuộc sống bí mật”. Và chính cuộc sống thứ ba, một cuộc sống bí mật đầy hồi hộp nối tiếp nhau được kể lại trong các quyển tiếu thuyết đầy hồi hộp của tôi.

Rất nhiều tiểu thuyết của ông từ đầu, ở đây tôi nói đến Seras-tu là ? (Hẹn em ngày đó, NXB Nhã Nam), Je reviens te chercher (Trở lại tìm em, NXB Nhã Nam), Que serais-je sans toi ? (Nếu đời anh vắng em, NXB Nhã Nam), được lấy tựa từ những bài hát. Ý tưởng này đã nảy sinh ra như thế nào ?

Nó được thực hiện như sau, nó liên quan tới một thời kỳ. Với Seras-tu là ? (Hẹn em ngày đó), câu cuối cùng của quyển sách đó là : « Ông ấy đây rồi ». Trong suốt một khoảng thời gian dài, cuốn sách này có một tựa đề để làm việc mà tôi rất ghét, « Nếu là tôi ». Tôi cảm thấy nó không hay và tôi đã thay đổi tựa đề vào phút cuối cùng. Điều đó đến tự nhiên. Và tôi sẽ nói rằng tôi cảm thấy thoải mái hơn với việc đặt tựa những quyển tiểu thuyết gần đây của mình.

Phần lớn những chương trong tiểu thuyết của ông đều bắt đầu với những trích dẫn ‘chiết trung’ rất xuất sắc và làm người ta cảm thấy vui. Việc này đã được thực hiện như thế nào ?

Trong khi tôi làm việc với Et après ? (Rồi sau đó), tôi đã tích trữ rất nhiều câu nói cả những tác giả chủ nghĩa khắc kỷ mà tôi rất muốn được chia sẻ với mọi người. Tôi không biết làm thế nào để đưa chúng vào phần thân của văn bản, mọi người sẽ không bàn về nó và không lấy nó làm những câu trích dẫn ! Và sau đó tôi nhớ đến loạt truyện của Thanh tra Morse của Colin Dexter mà mẹ tôi đọc, được phát hành bởi NXB 10-18. Colin Dexter đã làm như vậy ở mỗi đầu chương, tôi đã rất thích thú khi khám phá những câu trích dẫn đó…

Tôi đã làm điều tương tự, với mong muốn đơn giản là chia sẻ chúng. Tôi thích chia sẻ, yêu khám phá và làm mọi người cũng muốn khám phá, và tôi trích dẫn cả những đoạn phim chứ khổng chỉ những câu nói trong các tác phẩm kinh điển… Tôi nghĩ bất kỳ lúc nào một quyển sách có thể dẫn đến một quyển khác, một tác phẩm sẽ phẩm sẽ mở cửa ra cho những tác phẩm khác. Và điều đó sẽ ở lại.

Tôi nhận ra rằng các đọc giả rất thích điều này, và tôi nhập cuộc vào trò chơi này.

Ông đã từng nói trong một cuộc phỏng vấn rằng một quyển tiểu thuyết đòi hỏi năm năm để trưởng thành và hoàn thành, và ông thì lại có thể xuất bản mỗi năm một quyển. Quá trình sáng tạo của ông đã hoạt động như thế nào ?

Từ năm tôi 15 tuổi, tôi đã ghi lại tất cả những ý tưởng tôi có thể có. Tôi ghi chép lại, tôi phát triển, tôi suy nghĩ… nhưng không có công thức để xào nấu chúng Như Somerset Maugham từng nói, « Có ba quy tắc chính để viết một quyển sách hay, nhưng thật đáng tiếc là không ai biết đến chúng ! » Và thực sự là như vậy, không có một quyển tiểu thuyết nào mà quá trình hình thành của nó lại giống với cái trước nó, trừ phi quá trình thành thục nó thực sự dài.

Kỷ lục này, dành cho quyển Central Park, vì trong vòng 10 năm tôi đã xoay quanh nó. Tôi muốn viết về căn bệnh Alzheimer, vì nó làm tôi quan tâm, với tư cách là một con người, là một công dân, nhưng tôi lại không thể làm được. Tôi đã thu thập trong suốt nhiều năm rất nhiều thông tin về chủ đề này, và một ngày bỗng chốc tôi nói rằng : «Mày phải viết một tiểu thuyết mà sự sụp đổ sẽ là căn bệnh này, một quyển tiểu thuyết mà trong đó nhân vật mắc phải căn bệnh Alzheimer mà không hề biết ». Quyển tiểu thuyết ngày sau đó được viết mà tôi cũng không hề nhận thức được điều đó.

Nhưng điều đó chưa bao giờ đến một cách tự động, và tôi không bao giờ nói rằng « đây, tôi có ý tưởng và trong một năm nó sẽ được viết xong ! » Tôi luôn có khoảng 15 chủ đề hay câu chuyện để suy nghĩ. Về việc viết, từ khi tôi không làm điều gì khác ngoài việc đó, tôi sẽ mất khoảng một năm.

Và khi ông bắt đầu viết, ông có biết ngay rằng việc đó sẽ trở nên trôi chảy ?

Vâng. Và đó là điều tôi lặp đi lặp lại thường xuyên, nhưng chỉ khi mà tôi tin tưởng vào nó một cách sâu sắc, đó là sự tương hợp giữa một câu chuyện tình yêu và một quyển sách thành công. Một câu chuyện tình yêu thành công, đó là việc gặp gỡ đúng người, đúng thời điểm. Và một quyển tiểu thuyết thành công, tức là phải có một câu chuyện đẹp, mang trong mình những nhân vật thú vị, nhưng bạn sẽ viết nó trong một giai đoạn của cuộc đời mà bạn cảm thấy nó giống nhất để kể về câu chuyện đấy.

La Fille de Brooklyn (Cô gái Brooklyn) là một ví dụ hoàn hảo cho điều đó. Tôi đã có mở đầu của câu chuyện từ rất lâu, nhưng đó là một tình tiết phức tạp, xen thêm nhưng hồi xa hơn, mà chính tôi vấp phải. Tôi đã không viết điều đó sớm hơn vì tôi phải đợi mình trở thành bố để viết nó !

Viết cũng giống như một thuật giả kim. Đôi khi chúng ta biết rằng nó sẽ hoạt động, đôi lúc không. Đôi khi có một câu chuyện hay, những nhân vật thú vị đến với tôi, nhưng không có gì xảy ra cả.

Ông có quan điểm gì về những lớp nghiệp vụ viết văn?

Tôi rất tò mò về điều đó. Thậm chí nếu nó không hoạt động tốt, nó cũng không làm tổn thương ai. Tại sao viết lách lại trở thành môn nghệ thuật duy nhất không có lớp đào tạo dành cho nó ? Trong mọi trường hợp, điều này sẽ tạo cơ hội cho những người có hoàn cảnh giống nhau gặp gỡ, cho họ có cơ hội được nói về công việc của mình, nhưng quan trọng là không nên xem nó như một việc học những quy tắc để tuân theo.

Tôi hoàn toàn không tin rằng những câu chuyện về một tác giả thần thoại hay nguồn cảm hứng đến hư không, và điều này còn đặc biệt hơn khi tôi không bao giờ trông đợi có được một nguồn cảm hứng thúc ép để bắt tay vào công việc, vào viết lách. Và nói chung là tôi chỉ viết khi cảm hứng đến !

Ông có tán thành với câu nói của William Boyd : “There are two kinds of writers. There are the writers who talk about themselves. There are the writers who tell a story” ? (tạm dịch: Có hai loại nhà văn. Có những nhà văn chỉ nói về mình. Có những nhà văn thì kể chuyện).

Tôi dĩ nhiên nằm ở phía người kể chuyện, đó là điều tất nhiên rồi! Nhưng cuộc tranh cãi cũ rich này dường như trở nên vô ích bởi vì người ta luôn đặt bản thân mình vào những quyển sách của họ. Người ta để vào đó nỗi sợ của bản thân, niềm vui cũng như nỗi buồn, và trong khi xây dựng nhân vật trái ngược với những gì bạn có, bạn là ai, thì ta luôn sẽ tìm thấy, những hình bóng, những lỗ hỏng, một cái gì đó của tác giả.

Và để kết thúc, ông có thể gửi đến những tác giả mới một vài lời gì không?

Quá trình sáng tạo văn học cực kỳ mong manh, ngẫu nhiên, khó nắm bắt. Đó không phải là vì bạn đã viết 14 quyển sách mà bạn có thể tiếp tục viết quyển thứ 15. Về phần của tôi, tôi cố gắng viết sách, vì trong chừng mực của những khả năng của tôi, tôi yêu thích đọc sách như một đọc giả. Đó là quan điểm duy nhất của tôi và điều đó luôn tồn tại với suy nghĩ rằng điều đó làm tôi vui vẻ và có thể làm người khác vui vẻ. Thành công, đó là may mắn khi sự nhạy cảm của bạn có thể đồng điệu với sự nhạy cảm của số đông.

Theo Bookaholic.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,506 lượt xem