Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Khi Một Người Đau Khổ, Hãy Hiện Hữu Mà Thôi

“Hãy nhìn cây tùng trước sân. Cây tùng xanh tươi, mát mẻ, đẹp đẽ. Cây tùng chẳng “làm” gì cả, nhưng ai cũng được hưởng lợi lạc. Đây là phép là của sự có mặt” – Thích Nhất Hạnh, trong Quyền lực đích thực.

Không cần làm gì cả, chỉ hiện hữu mà thôi

Năm lớp 12, tôi trải qua một khoảng thời gian rối loạn tâm lý khá trầm trọng, đến nỗi mẹ phải dẫn mình đến gặp một chú bác sĩ, cũng là một người bạn của mẹ tôi. Trong cuộc trò chuyện, chú ấy nói với tôi những câu như: “Đừng lo, chuyện này bình thường ấy mà”, hay “Con sẽ ổn thôi”, “Con sẽ vượt qua thôi”,…Mặc dù cảm kích vì thời gian chú ấy dành cho mình, nhưng tôi chẳng cảm thấy khá hơn chút nào sau cuộc gặp ấy.   Những câu nói mà chú bác sĩ ấy nói là một vài trong số nhiều lời nói mà chúng ta hay dùng với một người đang gặp khó khăn về mặt tâm lý. Có thể tóm gọn những lời nói ấy thành các việc làm sau:

 Cho lời khuyên: “Tôi nghĩ bạn nên…”, “Sao bạn không…”, “Nếu là bạn, tôi sẽ…”

  • Dạy dỗ: “Đây sẽ là một trải nghiệm tích cực trong cuộc đời bạn nếu bạn…”
  • Trấn an: “Mọi thứ sẽ ổn thôi”; “Đó không phải lỗi của bạn, bạn đã làm hết sức rồi”, “Vui lên. Đừng cảm thấy tệ thế”, “Không ai là hoàn hảo cả. Đừng khắt khe với mình quá”
  • Kể lể: “Chuyện này chẳng là gì. Hãy nghe câu chuyện của tôi, nó còn chua xót hơn”, “Chuyện này nhắc tôi đến một thời gian mà…”
  • Thương hại: “Ôi, tội nghiệp cậu”, “Tệ quá, hắn không có quyền làm vậy với cậu”
  • Dò hỏi: “Điều này bắt đầu từ lúc nào?”
  • Sửa chữa: “Không đúng ! Anh có lắng nghe em mà”

Bạn có bao giờ rơi vào tình trạng đau khổ, buồn bã, và một ai đó nói với bạn một trong những điều trên, và rồi bạn còn cảm thấy tồi tệ hơn chưa? Hay điều đó xảy đến với một người thân yêu của bạn, khi bạn cố gắng nói một trong những điều ấy với họ? Trong cuốn sách When Bad Things Happen To Good People (bản dịch tiếng Việt: Tại sao điều xấu lại đến với người tốt, NXB Lao Động), tác giả và cũng là giáo sĩ Harold Kushner kể về một khoảng thời gian vô cùng tồi tệ trong đời ông, khi phải chứng kiến người con trai lớn của ông đang chết dần. Ông viết: “Điều gì còn có thể tồi tệ hơn việc nhìn con mình đang chết dần ư? Điều có thể tồi tệ hơn việc nhìn con mình chết là những thứ mà những “người tốt” nói với tôi để giúp tôi cảm thấy tốt hơn, lại khiến tôi cảm thấy tồi tệ hơn. Và điều thậm chí còn tồi tệ hơn nữa là, những thứ đó lại chính xác là những điều mà tôi nói với những người khác trong những hoàn cảnh tương tự suốt 20 năm nay với vai trò một giáo sĩ!”.   Tại sao chúng ta lại thường xuyên nói những câu nói nguy hại ấy? Theo tiến sĩ tâm lý Marshall Rosenberg, đó là bởi vì chúng ta mang trong mình một suy nghĩ đầy nguy hiểm là: Mình có trách nhiệm phải “sửa chữa” hoàn cảnh này và giúp người đó cảm thấy tốt hơn. Những người làm nghề tư vấn hay trị liệu lại càng dễ mắc phải niềm tin này. Trong cuốn sách Nonviolent Communication: A Language Of Life (bản dịch tiếng Việt: Lựa lời mà nói: Giao tiếp bất bạo động – Ngôn ngữ của cuộc sống, NXB Thái Hà), tiến sĩ Marshall kể về có một lần ông làm việc với 23 chuyên gia về sức khỏe tâm thần, ông yêu cầu họ viết ra, từng từ một, cách họ sẽ đáp lại một bệnh nhân nói: “Tôi cảm thấy tuyệt vọng. Tôi chẳng còn thấy lý do nào để tiếp tục sống nữa”. Sau đó, ông thu lại những câu trả lời họ viết và nói: “Tôi sẽ đọc to những điều mà các bạn vừa viết. Hãy đặt các bạn vào vị trí bệnh nhân đang tuyệt vọng, và giơ tay nếu bạn nghe thấy câu nói nào cho bạn cảm giác rằng mình được thấu hiểu”. Chỉ ba trong số 23 lời đáp lại được giơ tay. Những câu nói dò hỏi kiểu như: “Điều này bắt đầu từ lúc nào?” xuất hiện thường xuyên nhất; chúng cho thấy rằng những chuyên gia đang thu thập thông tin về lý trí để chẩn đoán và chữa trị vấn đề. Tuy nhiên, đó hoàn toàn không phải là điều mà người bệnh cần đến.

Tiến sĩ Marshall Rosenberg trong một khóa học về Giao tiếp bất bạo động

Tiến sĩ Marshall tiếp tục kể về một câu chuyện ngay trong gia đình ông. Một hôm nọ, đứa con gái lớn của ông nhìn vào gương và nói: “Mình thật xấu xí!”. Ngay lập tức, ông trấn an: “Không con yêu! Con là sinh vật đẹp nhất mà Thượng Đế từng tạo ra trên Trái đất”. Ngược với sự kỳ vọng, cô con gái nhìn ông đầy giận dữ, đóng sầm cánh cửa và rời khỏi căn phòng. Sau đó, tiến sĩ Marshall nhận ra rằng, tất cả những gì cô con gái ông cần, cũng như người bệnh nhân tuyệt vọng ở trên cần, đó là sự thấu cảm.   Thấu cảm (Thấu hiểu và Cảm thông) là khả năng hiểu và cảm nhận được điều mà người khác đang cảm nhận. Trong mối quan hệ với người khác, sự thấu cảm chỉ xảy ra khi chúng ta buông bỏ được những ý niệm, đánh giá về họ, buông bỏ suy nghĩ rằng: “Giúp họ cảm thấy tốt hơn là trách nhiệm của mình”, và buông bỏ những hiểu biết lý trí như: “Điều này bắt đầu từ lúc nào?” và khát khao “sửa chữa” vấn đề. Những hiểu biết về mặt trí tuệ ấy chỉ làm trở ngại nhân tố để sự thấu cảm có thể xảy ra. Nhân tố để sự thấu cảm xảy ra là gì? Đó là sự hiện hữu: chúng ta hoàn toàn có mặt và hiện hữu với người kia và điều họ đang cảm nhận. Thấu cảm chính là khả năng yên lặng trí óc và lắng nghe với toàn bộ sự hiện hữu. Tuy nhiên, sự hiện hữu này không dễ để duy trì. Nhà văn người Pháp Simone Weil khẳng định: “Khả năng trao sự chú tâm của một người với một người đang đau khổ là hiếm và rất khó; hầu như đó là một phép màu; đó là một phép màu. Gần như tất cả những người nghĩ rằng họ có khả năng đó không sở hữu nó”. Thay vì thấu cảm, chúng ta có sự thôi thúc mạnh mẽ để cho lời khuyên, trấn an, dạy dỗ, kể lể, thương hại,…Sự thấu cảm, ngược lại, đòi hỏi chú tâm hoàn toàn vào thông điệp của người kia. Điều gì đang thực sự xảy ra bên trong họ? Họ đang có cảm xúc gì, và những nhu cầu nào của họ chưa được đáp ứng?

Một vài ví dụ thường ngày

Để hiểu rõ hơn, chúng ta hãy cùng xem xét có sự khác nhau như thế nào giữa lời đáp A (một lời khuyên, dạy dỗ, trấn an,…) và lời đáp B (lời đáp với sự hiện hữu và thực sự lắng nghe cảm xúc và nhu cầu của người đối diện) trong các tình huống sau:   Tình huống 1: Một đứa con gái 13 tuổi bực tức nói với mẹ nó: “Mẹ luôn thương nó (đứa em) hơn con. Sao mẹ không sai nó rửa chén. Thật bất công!”

  • Lời đáp A: Con đừng nói cái giọng đó với mẹ. Con là chị, con phải biết hy sinh chứ ! (một lời dạy dỗ)
  • Lời đáp B: Có phải con đang cảm thấy bực tức (cảm xúc) vì con muốn có sự đối xử công bằng (nhu cầu) ?

Tình huống 2: Một đứa con gái 14 tuổi nói với ba nó: “Bố, con chẳng muốn đi học nữa. Con chán học lắm rồi!

  • Lời đáp A: Ráng học sau này mới đậu Đại học được con à! (một lời dạy dỗ)
  • Lời đáp B: Có phải con đang cảm thấy căng thẳng (cảm xúc) vì con muốn hòa nhập hơn với các bạn (nhu cầu) ?

Tình huống 3: Một người vợ la hét chồng: “Anh chẳng bao giờ lắng nghe tôi!”

  • Lời đáp A: Có ! Anh có lắng nghe em ! (một lời sửa chữa / phòng thủ)
  • Lời đáp B: Có phải em đang cảm thấy giận dữ (cảm xúc) vì em muốn có sự kết nối nhiều hơn khi chúng ta nói chuyện (nhu cầu) ?

Tình huống 4: Một người tâm sự với bạn mình: “Dạo này tớ mập quá”

  • Lời đáp A: Có lẽ cậu nên tập yoga (lời khuyên)
  • Lời đáp B: Có phải cậu đang buồn (cảm xúc) vì ngoại hình của mình?

Tình huống 5: Một người than vãn với đồng nghiệp: “Sếp chúng ta thật bất công!”

  • Lời đáp A: Thôi đừng buồn nữa. Vui lên nào! (trấn an)
  • Lời đáp B: Có phải cậu đang cảm thấy bất mãn (cảm xúc) vì cậu muốn những nỗ lực của mình được ghi nhận (nhu cầu) ?

Có lẽ bạn đã cảm nhận được sự khác biệt. Như chúng ta đã biết, lời đáp A bắt nguồn từ mong muốn né tránh hiện tại, sửa chữa vấn đề, bằng cách đưa ra những lời khuyên, dạy dỗ, trấn an hay sửa chữa. Lời đáp B, ngược lại, chấp nhận và quan tâm đến hiện tại, đến những điều đang thực sự sống trong người kia, chính là những cảm xúc và nhu cầu. Theo tiến sĩ Marshall Rosenberg, đằng sau bất cứ một lời chỉ trích, phán xét, than phiền nào cũng tồn tại một cảm xúc và nhu cầu nào đó chưa được đáp ứng. Nếu bạn hiểu và nhớ điều đó, bạn sẽ không còn nghe bất cứ một lời chỉ trích, phán xét, than phiền nào nữa. Vì tất cả những gì bạn nghe thấy chỉ là một cảm xúc và nhu cầu chưa được đáp ứng của người kia mà thôi.   Theo bạn thì giữa A và B, lời đáp nào sẽ hiệu quả và mang lại sự kết nối hơn? Tôi cho rằng sẽ là những lời đáp B, vì nó trực tiếp liên hệ đến điều người kia đang cần và cảm thấy. Bạn hãy để ý, những lời đáp B không hề “phán” cảm xúc và nhu cầu của người kia là gì, mà chỉ nêu ra lời phỏng đoán dưới dạng một câu hỏi. Điều này không chỉ giúp người kia hướng sự chú tâm vào điều trái tim mình thực sự đang cảm nhận (thay vì dùng cái đầu để chỉ trích, phán xét), mà còn cho họ cơ hội để chỉnh sửa lại nếu phỏng đoán của chúng ta chưa chính xác. Bằng cách này, chúng ta trao cho họ thời gian và không gian họ cần để bày tỏ được trọn vẹn và cảm thấy được thấu cảm. Và khi họ cảm thấy mình được thấu cảm, sự tự chữa lành bên trong họ sẽ tự động xảy ra mà chẳng cần bạn làm gì. Hoặc đôi khi, những lời khuyên, lời trấn an,…phù hợp sẽ tựthông qua bạn mà thể hiện. Và một lần nữa, để làm được điều đó, chúng ta cần phải thực sự 100% hiện hữu, có mặt ở đó với họ, như lời khuyên của các tín đồ đạo Phật: “Không cần làm gì cả. Chỉ hiện hữu mà thôi” (Don’t just do something, stand there).   Nếu bạn thấy bài viết này hữu ích, hãy chia sẻ nó. Và nếu được, bạn có thể nghĩ đến và chia sẻ một tình huống tương tự với những tình huống giả định nêu trên mà mình đã trực tiếp trải nghiệm hay quan sát thấy trong cuộc sống của mình.   Chúc bạn bình an, may mắn, hạnh phúc và thành công!

Theo nghethuatlanhdao360.com

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

682 lượt xem