Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Khi Nào Phụ Nữ Mới Được Đối Xử Như Con Người?

Theo thống kê ở Mỹ, 1 trong 5 phụ nữ (18.3%) bị xâm hại tình dục trong đời họ. 1 trong 71 đàn ông (1.4%). Trong đó chỉ từ 10-30% báo cảnh sát vì sợ, vì xấu hổ, vì định kiến xã hội. Đôi khi chính cảnh sát lại không tin nạn nhân và mang họ ra làm trò cười, bảo họ dựng chuyện. Ở Mỹ với một xã hội phát triển, với luật pháp nghiêm ngặt như thế mà số liệu còn cao, thì ở những môi trường khác khi tiền mua được công lý, người bị hại không có tiếng nói, con số đó con có thể cao cỡ nào?

Tháng 5 vừa rồi, trên Internet ở Brazil nổi lên đoạn video dài 40 giây ghi hình một cô gái 16 tuổi, vây quanh bởi nhiều người đàn ông từ thiếu niên đến ngoài 30. Họ chỉ trỏ vào cô gái nằm trần trụi bất tỉnh trên sàn, cười nói tục tĩu. Chuyện là cô gái này một đêm đến thăm nhà bạn trai—- chuỗi sự kiện kế tiếp mà cô nhớ được là tỉnh dậy trong một căn phòng lạ với nhiều người đàn ông xung quanh, đè trên người mình, có người còn cầm súng. Cô cảm giác như bị thuốc, không đồng xu dính túi loạng choạng về nhà. Cơn ác mộng không dừng ở đó, chúng còn ghi hình rồi lên mạng khoe chiến tích, không hề nghĩ đó là tội ác.

Đầu năm 2015 ở Mỹ, một cô gái 23 tuổi đi chơi với em gái đến buổi party gần nhà. Cô uống hơi nhiều và cố tìm em để về cùng —- Lúc cô tỉnh dậy là trên cán cứu thương. Trong bệnh viện, nhân viên y tế lột quần áo, soi xét trong ngoài vùng kín, quết thuốc, thử máu, thu thập dấu vết bị cưỡng bức. Cô không nhớ chuyện gì xảy ra nhưng những kí ức sau đó thì sẽ mãi mãi ám ảnh cô suốt cuộc đời. Theo nhân chứng kể lại, lúc tên tội phạm 19 tuổi cưỡng hiếp cô gái trong bụi cây khi cô BẤT TỈNH HOÀN TOÀN, có hai người đàn ông đạp xe ngang qua chứng kiến nhảy vào bắt hắn. Sau đó tội phạm làm gì? Hắn mướn luật sư bào chữa đến cùng trước toà. Vì thế thay vì cố gắng hồi phục thì trong 1 năm sau đó, cô gái phải cố nhớ lại từng chi tiết của sự việc, sống lại nỗi đau thể xác và tình thần, để trả lời những câu hỏi soi mói của luật sư, người cố gắng biến cô thành người có lỗi vì trò chuyện với người lạ, vì uống nhiều.

Tháng rồi ở Việt Nam có tin nhiều cô gái bị cưỡng hiếp khi lên xe ôtô đi chơi với một gã đàn ông. Rồi có người bảo ai bảo ham giàu, ai bảo ngu, không biết tự bảo vệ bản thân. Ham giàu có gì là phạm pháp? Chuyện thích một người khá giả là cái tội đáng bị trừng phạt bằng việc bị xâm phạm hay sao? Có ai bị trộm đột nhập vào nhà cướp mà hàng xóm còn bảo ai kêu để của trong nhà không?

Đó là văn hoá khốn nạn biến nạn nhân thành người có lỗi.

Sau khi nghe những tình huống đáng buồn như vậy, nhiều người thường đồng cảm với nạn nhân. Nhưng ngay khi chi tiết về câu chuyện được lộ ra, nếu có một chút liên quan đến việc uống hơi nhiều rượu, đi đường tối một mình, không đề phòng người lạ thì đột nhiên nạn nhân lại trở thành kẻ đáng trách. Ai bảo ăn mặc hở hang thì ráng chịu, ai bảo con gái con đứa này kia, ai bảo v.v. và v.v.

NHƯNG KHÔNG! Nguyên nhân duy nhất của các vụ xâm phạm tình dục là gì? KHÔNG PHẢI do phụ nữ mặc váy ngắn, KHÔNG PHẢI do họ có cái nhìn đưa đẩy, KHÔNG PHẢI vì họ lỡ uống quá nhiều, KHÔNG PHẢI vì họ vô tư nói chuyện với trai lạ. Nguyên nhất duy nhất là THỦ PHẠM, là kẻ xâm phạm tình dục phụ nữ. Đừng tàn ác đổ lỗi cho nạn nhân trong khi kẻ phải chịu trách nhiệm và hình phạt thì dửng dưng. Nếu quyền phụ nữ là quyền con người, nếu một người bình thường say xỉn bất tỉnh trên phố mà không bị xâm hại tình dục trong khi 1 trong 5 người phụ nữ sẽ kém may mắn, thì phụ nữ vẫn chưa có quyền xứng đáng để được sống trong một môi trường an toàn.

Sự phân biệt giới tính trong tiềm thức

Trong vụ cô gái ở Mỹ, thủ phạm là sinh viên ở ĐH Stanford, nằm trong đội bơi lội ở trường. Gia đình hắn viết thư kể lể xin toà án thương xót, và bố hắn viết: vào tù là “không cần thiết” và “quá nghiêm khắc” đối với 20 phút sung sướng khi đang say không tỉnh táo, làm hỏng tương lai sáng lạn của một sinh viên ĐH Stanford danh giá. Vậy còn nạn nhân thì sao?? Năm tháng cuộc đời phải sống trong nỗi đau của cô thì không đáng giá bằng tên thủ phạm này hay sao? Nếu muốn biết sự việc và tâm trạng theo góc nhìn của cô, bạn hãy đọc thư nạn nhân viết và đọc ở toà. Một trải nghiệm rợn người khó viết thành lời đã được miêu tả vô cùng sâu sắc khiến người đọc lạnh sống lưng. Đến nước này mà bố thủ phạm còn bình thản bào chữa cho con một cách vô trách nhiệm như thế thì làm sao xã hội có hi vọng gì nuôi dạy một lớp trẻ đàng hoàng?

Có thể sự xem thường phụ nữ trong tiềm thức này không phải là tất cả lý do của tội ác, nhưng là phần khá lớn. Những hành động suy nghĩ tưởng vô hại như chấm em này bao nhiêu điểm, em kia nuột, là OBJECTIFY, xem phụ nữ là đồ vật chứ không phải con người. Và khi đã không xem trọng thì sẽ dẫn đến những hành động đáng phẫn nộ như thế.

Đừng để trách nhiệm đặt lên vai những người làm cha mẹ có con gái phải dạy con ra đường cẩn thận, trùm kín từ đầu xuống chân, đừng uống nước lạ; mà trách nhiệm phải là tất cả cha mẹ dạy dỗ con mình, dù là trai hay gái, biết tôn trọng phụ nữ về thể xác và tinh thần. Cách họ ăn mặc, đi đứng, biểu cảm KHÔNG PHẢI là lí do phạm pháp của mình.

Hãy cùng nhau có ý thức, hãy chủ động ngăn cản những người có thái độ giễu cợt với phụ nữ, huýt sáo buông lời khiếm nhã Em này NGON, Em kia ĐÁNG CHÉN. Chính những hành động nhỏkhông bị trừng phạt này dẫn đến hệ quả nặng nề hơn, mang đến một lớp thanh niên đàn ông không xem phụ nữ ra gì. Nhưng đừng chỉ hành động vì những người phụ nữ xung quanh bạn là chị, em gái, bạn gái của bạn hay của một ai đó. Hãy hành động vì những người phụ nữ này đơn giản là CON NGƯỜI, như bạn và tôi, không cần là “của ai”, và họ xứng đáng được hưởng một cuộc sống bình an, tự do, có quyền được theo đuổi sở thích, ước mơ, sống theo bất cứ cách nào họ muốn.

Cô gái nạn nhân vụ Stanford chọn làm một nạn nhân không tên, vì cô muốn câu chuyện của mình có thể là bất cứ bạn gái nào, cô không tên nhưng câu chuyện của cô sẽ ở cùng và mang đến sức mạnh cho những nạn nhân khác. Cô kết thúc lá thư:

“Cuối cùng, gửi đến các bạn gái khắp mọi nơi, tôi ở cùng với các bạn. Trong những đêm tối bạn cảm thấy một mình, tôi ở cùng với bạn. Khi mọi người nghi ngời hay bỏ qua lời nói của bạn, tôi ở cùng với bạn. Mỗi ngày tôi đấu tranh cho bạn. Vì vậy bạn không được ngừng đấu tranh, tôi tin vào bạn. Nhà văn Anne Lamott từng viết “Những ngọn hải đăng không thể chạy khắp nơi trên đảo để cứu lấy tàu thuyền. Nhưng chúng đứng đó, phát sáng vững vàng.”

Tôi không thể đi khắp nơi để giải cứu các bạn, nhưng tôi hi vọng qua những lời tôi nói hôm nay, một tia sáng nhỏ sẽ len lỏi, bạn sẽ tin tưởng rằng tiếng nói của bạn không thể bị im lặng.. chúng ta đang cùng đi đến một nơi tốt đẹp hơn, bạn sẽ nhận ra rằng bạn là quan trọng, không ai có thể chạm đến, bạn rất đẹp thể xác lẫn tâm hồn, bạn xứng đáng được yêu quý, được trân trọng, mỗi giây mỗi phút của mỗi ngày, bạn đầy sức mạnh mà không ai có thể lấy đi. Gửi đến các bạn gái khắp nơi, tôi ở cùng với bạn.

Tác giả: Hoàng Ngọc Bích
https://thetinypharmacist.org

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,648 lượt xem