Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Khi Người Hướng Nội Làm Lãnh Đạo

Trong sách Hướng Nội- Sức mạnh của sự yên lặng trong thế giới không ngừng, Susan Cain có trích ra từ một bài báo trong tờ Wharton Program for Working Professional “ Thế giới kinh doanh có đầy những môi trường công sở giống với môi trường công sở mà một nhà đào tạo doanh nghiệp khu vực Atlanta miêu tả trước đó. Ông cho biết, mọi người ở đó sẽ được hưởng lợi nếu họ cư xử như một người hướng ngoại còn làm người hướng nội thì sẽ chỉ lấy chuốc phiền toái. Thế nên dù muốn hay không thì phải cố tỏ ra hướng ngoại, chẳng hạn như uống loại rượu mà vị CEO uống hay phải đến đúng nơi câu lạc bộ thể thao để tập luyện vậy.

Trong nhiều mục tuyển dụng của các công ty, yêu cầu của nhà tuyển dụng hay có những yêu cầu nho nhỏ, và có lẽ nhiều bạn đọc xong sẽ cảm thấy có chút hơi tự ti và muốn buông bỏ giữa chừng không muốn gửi CV, ví dụ như :

  • Năng động
  • Hoạt bát
  • Nhiệt huyết
  • Sôi nổi
  • Đã từng tham gia nhiều sự kiện khi còn sinh viên….

Chẳng lạ gì nếu những công việc như nghệ sĩ, nhà thiết kế, nhân viên đồ họa, quản lý bán hàng, nhân viên chăm sóc khách hàng thì vẫn luôn đòi hỏi sự năng động, nhạy bén và phải luôn hòa đồng cởi mở với môi trường làm việc. Tôi vẫn còn ấn tượng mãi trong một lần đi xác nhận vé sau khi đã đặt trên My Tour, một dịch vụ online về đặt chuyến du lịch. Khi bước vào văn phòng, tôi cảm thấy “choáng ngợp” trước một không gian rộng lớn cùng hàng chục người đang làm việc, tiếng cách cách của bàn phím, tiếng nói của nhân viên trực điện thoại nói không ngừng. Không gian mở và rộng là điều mà tôi cảm thấy ấn tượng mạnh đầu tiên, bàn làm việc của người này sát người kia và tiếng cười nói rôm rả và ít có sự yên lặng. Quan sát một lúc, tôi thấy có vài bạn nhân viên chăm chú màn hình, tay ghi chép nhưng không tham gia vào bất kỳ cuộc hội thoại của những người xung quanh.

Hình mẫu của một người lãnh đạo mạnh mẽ

Là người đứng đầu của một tập đoàn doanh nghiệp với quy mô hàng ngàn, hàng vạn nhân viên thì người lãnh đạo đấy chắc chắn phải rất mạnh mẽ và luôn có một ý chí cùng một trái tim như sắt đá. Họ  là người đứng mũi chịu sào, quyết định sự thành bại trong quá trình phát triển của công ty, doanh nghiệp và là người quyết định đến miếng cơm manh áo của hàng ngàn người khác.  Như một con thuyền lớn ra khơi xa sẽ không có ít thử thách lớn đang chờ đón họ trước mặt. Trường hợp trời yên biển lặng thì không sao, còn ngược lại con thuyền gặp phải sóng to gió lớn, sấm chớp ầm ầm, giông tố nổi lên thì chẳng ai khác ngoài chính những người thuyền trưởng ấy là người sẽ chèo lái qua cơn bão tố, sinh mệnh của người khác đang nằm trong tay ông ta. Nói rộng ra chỉ có trong khó khăn mới biết được tài năng thực sự của người lãnh đạo ấy thể hiện ra như thế nào. Có rất nhiều nhà lãnh đạo đã phát huy tinh thần mạnh mẽ của mình, người khác có thể gục ngã nhưng họ không cho phép bản thân mình được làm điều đó, càng khó khăn họ càng rắn rỏi , và cuối cùng doanh nghiệp, công ty của họ đã vượt khó thành công. Ngược lại cũng có không ít người dễ dàng đầu hàng số phận, từ đó “đứa con tinh thần” của họ chẳng thể nào phát triển lên được nữa hoặc đã sụp đổ.

Trong giới doanh nhân Nhật, không ai không biết Matsushita Konosuke, người sáng lập ra Công ty Matsushita Electric, tiền thân của Tập đoàn Panasonic. Sau Thế chiến thứ hai, nhà máy sản xuất bóng đèn của Matsushita bị tàn phá. Ngày hội ngộ, mọi người nhìn nhau lắc đầu và bỏ đi tìm việc mới. Riêng Matsushita ngày đêm không nghỉ, thu lượm mảnh vỡ máy móc trong hoang tàn để nhân viên sửa chữa, đi vào sản xuất trở lại. Ông đã thuyết phục được đồng nghiệp ở lại, dấn thân vào một thử thách mới để rồi xây dựng nên một tập đoàn lớn mạnh như hiện nay.

Một nhà lãnh đạo mạnh mẽ thường sẽ có các nhân viên cũng rất mạnh mẽ. Tục ngữ Việt Nam có câu “Chủ nào tớ nấy” cũng ám chỉ điều này. Ở các đội bóng lớn mạnh đang thi đấu ở những giải quốc gia trên thế giới đều có một điểm chung : Họ rất quyết liệt, mạnh mẽ, lăn xả và hét ra lửa với các học trò của mình. Vì vậy trong một trận đấu bóng đá có tính chất quyết định, một vị huấn luyện viên thường chạy đến đường pitch thường xuyên chỉ đạo các học trò của mình lên bóng tìm đường vào khung thành đối phương. Cả trận họ như ngồi trên đống lửa, như ngồi trên lưng con cọp. Kết quả cuối trận hay sao thì chưa biết, nhưng ít nhất các cầu thủ có đôi phần tự tin và phấn chấn hơn. Chúng ta dễ dàng thấy sự mạnh mẽ của vị huấn luyện viên ấy có tác động to lớn đến nhường nào.

Sự cảm hứng lan truyền từ một vị sếp mạnh mẽ dường như khiến mọi việc thường xuyên ổn thỏa hơn. Vì vậy với một người lãnh đạo mạnh mẽ, nhân viên cũng sẽ được học hỏi và trải nghiệm, được “cuốn” đi theo dòng chảy mạnh mẽ và sẽ trở thành những nhân viên cũng rất kiên cường giống các ông chủ. Do đó, tìm ra những nhà lãnh đạo mạnh mẽ rồi bồi dưỡng phát triển chính là sứ mệnh tối quan trọng để doanh nghiệp có thể đối đầu với nghịch cảnh luôn tồn tại trong thời đại như hiện nay.

Sự khác biệt mang tên “người lãnh đạo hướng nội”

Một người lãnh đạo “hét ra lửa” được xem là khuôn mẫu của thời đại, vì thông thường người ta vẫn đánh giá một con người đứng đầu doanh nghiệp, công ty phải rất mạnh mẽ mới có thể quản lý, điều hành được từng đó khối lượng công việc và nhân sự. Vậy thì những nhà lãnh đạo hướng nội sẽ như thế nào nếu họ không có được “sự máu lửa”  tràn trề nhiệt huyết và phải luôn thật cứng cỏi trước mọi người ?

Trong cuốn sách Từ Tốt Tới Vĩ Đại của James C. Collins, ông mô tả một vị lãnh đạo có tên Darwin Smith (1926-1995), một vị lãnh đạo khá rụt rè và hay dạo bộ một mình quanh nơi nông trại ông đang ở. Ông là người lãnh đạo của Kimberly-Clark, một doanh nghiệp sản xuất giấy hàng đầu thế giới nay vẫn đang hoạt động đã được 145 năm.  Chắc hẳn bạn đang tự hỏi sao lại có người lãnh đạo như thế? Với lịch sử như vậy mà ông vẫn có thể khiến cho doanh nghiệp của mình đứng vững chắc trên thị trường trong suốt 20 năm lãnh đạo (1971-1991). Qủa thật rất kỳ lạ.

Nếu nói về thực tế ở Việt Nam thì rất tiếc tôi không có được thông tin nào về những người lãnh đạo ở đây là hướng nội hoặc hướng ngoại, hoặc họ tự biết thì họ sẽ không quan tâm quá nhiều đến nó. Tôi chỉ lấy ví dụ thực tế nơi tôi đang làm việc, Bomb Shop và Atobee, hai anh chị sếp của tôi là người hướng nội. Tất cả các bạn nhân viên luôn có lòng kính trọng họ bởi vì không những họ là sếp mà còn cách quản lý nhân viên của mình. Trong suốt thời gian làm việc cùng họ, họ luôn khuyến khích tôi cùng những người khác chủ động trong các công việc liên quan đến marketing, sales và nhân sự. Anh chị hay cho tôi quyền quyết định phần nhiều hơn ở mảng online, mở rộng tìm kiếm khách hàng, miễn sao hiệu quả công việc mang lại là được. Không những tôi mà những bạn đang cùng làm khác đều có chung cảm nhận như thế. Trong mọi cuộc họp có các yếu tố quyết định then chốt liên quan đến hàng hóa, sản phẩm xu hướng thì họ vẫn để quyền quyết định cho mọi người và lắng nghe hết ý kiến của mọi người rồi mới là người phát biểu sau cùng. Sau cùng, những đóng góp từ các bạn dưới quyền vẫn được tôn trọng và ai cũng cảm thấy vui vì ít nhất có mình trong đó.

Anh bạn tôi làm bên nghề in ấn và đã không gặp ít khách hàng đến giao dịch. Cậu ta cho biết rằng ấn tượng ban đầu của cậu với những người đó là, họ chắc chắn không phải là giám đốc hay một người đang nắm chức vụ lãnh đạo nào đó. Bởi lẽ nhìn phong thái của họ không hề giống với trí tưởng tượng của cậu. Vẻ bề ngoài của họ rất đỗi bình thường và không hề “mang tính đột phá” nào cho thấy được xì-tai lãnh đạo nào cả. Nhưng đến khi cậu thăm những cơ sở doanh nghiệp của họ, chính cậu phải thốt lên rằng, họ quá khác biệt so với vẻ bề ngoài của họ, vẻ bề ngoài hay trầm tư và ít nói, ít máu lửa nhiệt huyết như những người trước đây cậu ấy hay gặp. Sau cùng, cậu biết được thông tin rằng, tất cả các anh em ở trong cơ sở đó đều nể phục và trung thành với anh vì anh khá gần gũi, hay lắng nghe những tâm sự nỗi niềm và nhu cầu chính đáng của họ. Trong cuộc vui, anh để cho mọi người nói hết công suất và anh lặng lẽ ngồi, cứ như thể anh chỉ là nhân viên chứ chẳng phải là ông chủ nào hết. Đó là ấn tượng thứ hai mà anh bạn tôi biết được về ông chủ lạ kỳ như thế.

Vậy điểm chung của những người lãnh đạo hướng nội đó là gì? Đó là thiên hướng lắng nghe người khác và không hứng thú việc chiếm thế áp đảo trong các tình huống giao tiếp, người hướng nội thường lắng nghe và áp dụng ý kiến. Nhờ khai thác được tài năng của các thành viên mà người hướng nội có thể thúc đẩy họ chủ động hơn nữa. Nói cách khác, nhà lãnh đạo hướng nội tạo ra một vòng tròn tuần hoàn khuyến khích sự chủ động sự sáng tạo. Từ đó nhân viên của họ có thể tha hồ thoải mái phát huy tính sáng tạo và năng lực thật sự của mình. Không những tình hình doanh nghiệp phát triển mà kéo theo đó là tài năng của các nhân viên cũng được ngày càng hoàn thiện.

Sự khó khăn của những người lãnh đạo hướng nội

Tuy nhiên xã hội hiện nay đang thiên về cách chọn những người hướng ngoại để làm ở những vị trí, công việc mà người hướng nội không có lợi thế bằng. Trong đa phần các công việc có liên quan đến kinh doanh thì người hướng nội thường không có nhiều lợi thế như hướng ngoại và mình cần phải thừa nhận nó chứ không nên né tránh bằng cách ngụy biện để bảo vệ cái tôi của mình.

Mặc dù vậy vẫn có cách để khắc phục hạn chế đó. Nếu biết đúng phương pháp, người hướng nội vẫn có thể là một người lãnh đạo giỏi. Ở Việt Nam nói riêng và các nước châu Á nói chung thì nhiều trở ngại hơn. Còn ở các nước phương Tây thì do văn hóa họ luôn tôn trọng sự khác biệt cá nhân nên thuận lợi hơn, lãnh đạo hướng nội bên đó rất xuất sắc.

Trong cuốn “Ai che lưng cho bạn” của Keith Ferrazzi, ông giải thích rằng sự khác biệt giữa văn hóa các nước châu Á ( Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản) và văn hóa phương Tây là rất lớn về khía cạnh độc lập và tương thuộc. Theo nghiên cứu của Shinobou Kitayama, Hazel Markus và Dick Nisbett tại đại học Michigan, người châu Á vùng Viễn Đông có các quốc gia đề cập thì tính tương thuộc trong tư duy và giá trị cao hơn so với người phương Tây. Điều này có nghĩa là họ nhận biết rõ về sự phụ thuộc lẫn nhau và có xu hướng hiểu về cái tôi trong mối tương quan với người khác và được xác định bởi người khác. Ngược lại với phương Tây, họ có xu hướng độc lập, mạnh mẽ và chú trọng nhiều hơn đến quyền lợi và khả năng của cá nhân.

Nisbett cùng các đồng nghiệp cho rằng sự khác biệt này bắt nguồn từ thời của những nền văn minh Hy Lạp và Trung Hoa. Trong khi nền văn minh Hy Lạp ủng hộ tính cá nhân, lý luận, lối tư duy phân tích thì ngược lại nền văn minh Trung Hoa lại nhấn mạnh nhiều hơn đến lối tư duy biện chứng, tổng quan canh tác tập thể. Ví dụ để chứng minh thì khá nhiều; từ bức tượng cưỡi ngựa nổi tiếng của hoàng đế Marcus Aurelius tại Campidoglio ở Rome đến Tuyên Ngôn Độc Lập của Mỹ, người phương Tây luôn coi trọng chủ nghĩa anh hùng cá nhân, phát minh và thành tựu. Ngược lại, người Nhật có câu “Cây đinh tòi ra sẽ bị đóng lại ngay”.  Trong xã hội Nhật Bản, một cá nhân riêng lẻ không được xem là một điều tích cực mà là một thứ cần điều chỉnh.

Bill Gates với vai trò người đồng sáng lập tập đoàn Microsoft và hàng triệu máy tính trên thế giới vẫn đang dùng hệ điều hành của ông; hay Mark Zuckerberg, ông chủ của ứng dụng mạng xã hội Facebook có đến 1,7 tỉ lượt ( thống kê vào 02/2017) và cũng là mạng xã hội phổ biến nhất của Việt Nam hiện giờ… Họ, những cá nhân tài năng hướng nội điển hình, được tôn thờ bởi những câu nói đầy “chất” của mình trong lời diễn văn của bản thân. Đó là minh chứng rõ ràng nhất về sự khác biệt cá nhân dẫn đến sự thành công đầy to lớn của chính họ.

Jess Lee, CEO của website công nghệ thời trang Polyvore, một người phụ nữ gốc Hong Kong có tiếng ở tiếng ở thung lũng công nghệ Silicon, cô cũng từng cho biết rằng tính hướng nội của cô đã từng ngăn cản cô tham dự các hoạt động networking và mở rộng mối quan hệ ở Polyvore trong những năm đầu tiên dù cho triển vọng thu hút gọi vốn đầu tư là rất lớn. Tuy nhiên cô lại từ chối không tìm kiếm các mối quan hệ của mình để thành công cho đến khi cô nhận ra sai lầm rồi tự thay đổi mình. Nhờ vào sự xoay chiều mang tính tích cực này, cô ngày càng có được sự đóng góp ý kiến đầy ý nghĩa của nhiều nhà sáng lập khác. Dần dần sau này,  cô đã vượt qua cái bóng sợ hãi trong quá khứ, cô cũng phải phát biểu với tư cách là CEO dù cho những lần đầu cô phải đi cùng chuyên viên tâm lý xã hội của mình. Điều đặc biệt là, nhờ vào việc nhường quyền phát biểu cho các nhân viên của mình, cô đã phần nào tự tin và thể hiện bản thân tuyệt vời hơn.

Xây dựng các kỹ năng cần thiết cho lãnh đạo hướng nội

Do đó, nếu bạn biết rõ là một người hướng nội và muốn xây dựng những kỹ năng cho riêng mình thì bạn cũng cần lưu ý những kỹ năng sau để tự tạo thương hiệu riêng cho bản thân.

Biết rõ điểm mạnh : Là người hướng nội, bạn có thể không nghĩ bản thân mình cũng có khả năng lãnh đạo như người khác. Nhưng thực ra có một số phẩm chất mà những người hướng nội có thể làm tự khiến cho họ trở thành những nhà lãnh đạo xuất sắc, chẳng hạn như sự suy nghĩ sâu sắc và khả năng thực sự lắng nghe người khác. Thay vì cố gắng chống lại tất cả các khuynh hướng tự nhiên của mình và hành động như một người hướng ngoại, hãy suy nghĩ về tất cả những phẩm chất mà bạn sở hữu đã khiến bạn có được sự thành công cho đến nay. Điều đó có thể giúp bạn thêm tự tin và giúp bạn lãnh đạo nhóm một cách tài tình hơn.

Lắng nghe : Một trong những thế mạnh lớn nhất của các nhà lãnh đạo hướng nội là khả năng lắng nghe đầy đủ trước khi nói bất cứ điều gì. Điều đó có nghĩa là bạn có thể nhận được mọi ý kiến trong nhóm của mình và sử dụng nó để giúp trở thành một nhà lãnh đạo giỏi hơn chứ không phải là phản ứng lại hoặc luôn luôn xem đó chỉ là bản năng của mình. Khi bạn đang tích cực lắng nghe, bạn có thể xem xét mọi quan điểm một cách cẩn trọng hơn.

Dành thời gian suy tư : Khi phải đưa ra các quyết định quan trọng cho doanh nghiệp,công ty của bạn, đó có thể là một bản năng của tính hướng nội bạn có thể đi cùng nó. Dành thời gian một mình và suy nghĩ các quyết định và xem xét các ý tưởng mới trong một khoảng thời gian nhất định trước khi đưa ra bất kỳ sự thay đổi nào. Điều này có vẻ như tốt hơn rất nhiều cho những nhà lãnh đạo hướng nội thay vì lập tức họ vội vàng ra quyết định trước khi thật sự cảm thấy thấu tình đạt lý với điều đó.

Viết ra ý tưởng: Đây cũng có thể là một cách thức hay khi bạn viết ra những điều khi bạn đang cân nhắc những ý tưởng mới hoặc những quyết định quan trọng nào đó. Những người hướng nội thường suy nghĩ tốt hơn khi có các hình ảnh liên quan trong vấn đề mình đang gặp phải. Viết ra những ý tưởng đó cũng là một cách đơn giản để tổ chức, sắp xếp lại mọi suy nghĩ thay vì bị “choáng ngợp” bởi có quá nhiều ý tưởng.

Cho nhóm của bạn biết những gì bạn đang trông chờ : Tính hướng nội chắc chắn được xem là một tài sản cho các nhà lãnh đạo hướng nội. Nhưng nó chưa chắc hoàn toàn cần thiết với những nhân viên của mình. Vì vậy, nếu bạn đang làm những điều khác biệt so với những gì mà các thành viên trong nhóm đã quen làm từ trước đến bây giờ, hãy cân nhắc xem thứ bạn đang làm có thực sự đơn giản với họ không và cho họ biết điều bạn trông mong ở họ,

Ví dụ: nếu nhóm của bạn thườngcó các cuộc họp hàng tuần nhưng bạn muốn dành nhiều thời gian hơn cho công việc cá nhân và chỉ để nhân viên đến gặp bạn với các câu hỏi hoặc thắc mắc bất kỳ, hãy giải thích cho họ lý do lý do này sẽ có ích hơn nhiều.

Luôn để đường kết nối được mở : Dựa vào yếu tố này, bạn có thể phác thảo rõ ràng về quá trình giao tiếp giữa bạn và các thành viên trong nhóm. Nếu bạn không có cuộc họp thường xuyên hoặc không thường xuyên tìm đến các nhân viên của bạn để trò chuyện thì bạn có thể đang muốn cho họ liên lạc với bạn nếu họ có thắc mắc, mối một quan tâm hoặc ý tưởng một cách dễ dàng hơn.

Chuẩn bị cho cuộc họp:  Ngay cả đối với các nhà lãnh đạo hướng nội, thỉnh thoảng những cuộc họp với nhân viên vẫn có thể rất có lợi. Nhưng nếu bạn tham gia vào các cuộc họp đó mà không chuẩn bị, bạn có thể bị choáng ngợp hoặc sẽ không có được sự giao tiếp rất hiệu quả với các thành viên trong nhóm. Thay vào đó, hãy viết ra vài suy nghĩ, chuẩn bị một chương trình nghị sự hoặc tập trình bày ngay cả đối với các cuộc họp không chính thức chỉ để theo dõi.

Giao tiếp 1-1: Phương pháp này cũng có thể hoàn toàn mang lại lợi ích cho các nhà lãnh đạo hướng nội để giao tiếp với các thành viên trong nhóm trong cách giao tiếp 1-1 . Điều này có thể giúp bạn có được ý tưởng và sự phản hồi từ tất cả mọi người trong nhóm, không chỉ những người có nhiều khả năng nói chuyện trong các cuộc họp.

Dành thời gian giao lưu xã hội nhiều hơn : Mặc dù dành thời gian cho việc giao tiếp xã hội không phải là bản tính của người hướng nội nhưng bạn cũng có thể nên bước ra khỏi khu vực an toàn của mình ngay từ bây giờ. Xem xét việc sắp xếp tham gia một sự kiện sau giờ làm việc hoặc cố gắng dành thời gian để tìm hiểu nhóm của bạn trong giờ làm việc ra sao cũng rất đáng hoan nghênh. Điều này có thể khiến bạn cảm thấy tốt hơn khi bạn đang lãnh đạo nhóm, hội; đồng thời để bạn có thể thực hiện tốt hơn trong phong cách lãnh đạo của mình đến thế mạnh của nhân viên.

Chú ý đến điểm mạnh của nhân viên: Rất có thể bạn không phải là người duy nhất trong nhóm của mình với tính hướng nội đâu. Các thành viên khác trong nhóm cũng có thể hoàn toàn không nhất thiết phải đi ra ngoài để giao tiếp xã hội hoặc họ cũng hay chia sẻ tất cả những suy nghĩ của họ vẫn có thể đóng góp rất nhiều cho doanh nghiệp, công ty. Bằng việc nhận ra điểm mạnh của mỗi thành viên trong nhóm có thể giúp bạn đưa ra cho họ các nhiệm vụ và yêu cầu phù hợp hơn.

Ví dụ, người hướng nội có thể tỏ ra khá xuất sắc trong công việc đòi hỏi sáng tạo hoặc các dự án đòi hỏi nhiều công việc đơn độc. Nhưng những người hướng ngoại lại làm tốt hơn trong các dự án hợp tác. Bạn muốn đảm bảo rằng mỗi bộ phận hoặc nhóm luôn có một sự kết hợp hoàn hảo của mỗi kiểu tính cách để tự họ phát huy thế mạnh của mình sao cho hiệu quả hơn.

Bất kể tình huống thế nào đi chăng nữa, kỹ năng lắng nghe và quan sát giúp bạn hiểu được thế mạnh của mỗi người trong nhóm, và đồng thời muốn giúp cho nhóm của bạn sẽ có được cơ hội thành công tốt nhất.

Tuy nhiên tôi cũng không cho rằng người hướng nội có kỹ năng lãnh đạo hơn người hướng ngoại được. Người hướng nội giỏi ở kỹ năng lắng nghe và nhường sự chủ động cho người khác mà thôi. Trong một vài trường hợp thì sự quyết đoán mạnh mẽ lại là nhân tố mang tầm vóc quyết định. Bên cạnh đó để trở thành người lãnh đạo giỏi thì người ta phải còn đọc rất nhiều sách báo tài liệu và vận dụng kinh nghiệm cả đời may chăng mới  có thể rút ra bài học quý giá cho thế hệ sau. Điều quan trọng là với mỗi nhà lãnh đạo, họ biết cách tối đa sự cống hiến của nhân viên, còn với các công ty là biết chọn những nhà lãnh đạo biết lắng nghe và giỏi ăn nói.

Theo bloghuongnoi.com

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,832 lượt xem