Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[THTT] Khoa Học Nói Gì Về Sự Nhàm Chán: Hàng Ngày Tôi Đến Lớp Làm Gì?

Gần đây, khi người mệt mỏi lê từng bước chân đến trường, đếm từng bậc cầu thang bộ, thơ thẩn thẫn thờ nhìn từng chiếc lá vàng già cỗi cuối cùng rơi trong gió khi ngồi trong lớp… nghe giảng.

Cố gắng nuốt từng con chữ mà não chẳng tiêu hoá nổi.

Có gắng tập trung mà tâm hồn lảng vảng trôi ra ngoài, va vào bất cứ đâu có thể giữ chân nó.

Dường như càng cố, thì mọi chuyện càng đi ngược lại.

Những ngày sắp Tết dường như tinh thần học tập lao dốc lúc chậm rãi lúc không phanh. Mà chẳng cần đến những ngày ấy, ngày bình thường cũng vậy. Lê cái xác từ nhà đến trường và ngược lại. Như những điều vốn dĩ nó đã từng thuộc về. và trong khoảnh khắc ấy tôi them một cú hích đến nhường nào, tôi cần một ai đó tát vào mặt tôi mà mắng té tát rằng: “Mày sống kiểu quái gì vậy?” Một cuộc sống không ai mong muốn nó diễn ra nhàn nhạt, như món rau luộc hằng ngày ngồi gắp đến hết bữa cơm, không hơn không kém.

Học cách làm quen với sự nhàm chán

Mark Manson là một blogger nổi tiếng thế giới, đồng thời cũng là tác giả của cuốn “The Subtle Art of Not Giving a Fuck”, một trong những cuốn sách bán chạy nhất theo Thời Báo New York. Anh từng chia sẻ: “Khi nhìn vào một mối quan hệ, tôi thực sự cho rằng nó nên càng nhàm chán càng tốt. Tuy điều này nghe có vẻ kỳ lạ đối với nhiều người, nhưng nếu như bạn xem xét kỹ một cặp vợ chồng 80 tuổi hạnh phúc và đã ở bên nhau trong suốt 60 năm cuộc đời, thì lý do mà họ có thể đi cùng nhau lâu như vậy không phải bởi vì họ có phi cơ riêng, hay có những kỳ nghỉ điên rồ, hay sẽ khiến chúng ta phải thốt lên vì những bức ảnh chụp chung của họ.  Lý do thật sự đằng sau mối tình bền vững ấy là bởi họ có thể chịu đựng sự nhàm chán cùng nhau. Họ dành năm này qua năm khác, sống trong cùng một ngôi nhà, chia sẻ những câu chuyện lặp đi lặp lại, xem TV, xem phim, nấu ăn, và họ cho rằng mọi thứ đều ổn. Không có sự kiện nào quá bất ngờ hay thú vị, không có biến cố nào lớn hay bát đĩa ném lung tung trong nhà. Điều quan trọng mà mọi người cần phải nhận ra đó là: Chúng ta đang sống trong một thế giới mà mỗi người đều cố gắng để khiến cho mình ngày càng trở nên thú vị, sống một cuộc sống đầy màu sắc, nhưng vấn đề nằm ở chỗ điều này mâu thuẫn với những gì tạo nên một mối quan hệ tốt đẹp, trong rất nhiều trường hợp. Trong nhiều tình huống, khi bạn là một con người thú vị và phức tạp, bạn cũng có thể là một con người rất tồi tệ đối với sự lãng mạn. Cá nhân tôi cảm thấy chúng ta cần để cho sự nhàm chán len lỏi nhiều hơn vào cuộc sống, và sự nhàm chán nên được nhìn nhận như là một điều gì đó tích cực hơn trong một mối quan hệ.”

Và việc học cũng chẳng khác là bao. Việc chúng ta hàng ngày lên lớp, gặp những con người ấy, thầy cô bạn bè, vẫn những câu chuyện ngẩn ngơ lấp lửng và hầu như chẳng có gì đọng lại sau mỗi buổi học ấy, là điều không thể tránh khỏi. Quan trọng là bạn thích ứng với chúng ra sao, như chúng ta đã từng. Hãy thử nghĩ lại mà xem. Có ngàn lý do khiến bạn không lên lớp, nhưng tại sao cuối cùng chúng ta vẫn đi, thậm chí là đều đặn. Ấy chẳng phải là giữa trăm nghìn lý do phản đối, vẫn có vài lý do đủ mạnh mẽ để níu giữ chúng ta lại sao? Sau cùng vòng lặp ấy xoáy mạnh đến nỗi muốn ra khỏi thì hẳn là một khó khăn. Nhưng cũng chính vì thế mà chúng giúp chúng ta vô thức xoáy sâu vào một việc vốn chẳng thú vị là mấy, nhưng lại mang lợi ích lâu dài và có ý nghĩa hơn.

Đã có lúc “muốn vứt hết tất cả để mà đi” nhưng nghĩ lại thì “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”

Khi một sự việc được lặp lại quá nhiều, đi học quá nhiều, hàng ngày đều qua con đường ấy, quán quen ấy, thậm chí cả những gương mặt cứ được lặp đi lặp lại suốt mười mấy năm trời không khỏi làm chúng ta thèm, chúng ta khao khát đến một nơi thật lạ, những con đường thật xa. Nhưng những thứ đẹp đẽ mà chúng ta tưởng tượng liệu có xuất hiện khi chúng ta mang theo cả những mỏi mệt của quá khứ? Và quá khứ dường như là điều không thể không đeo bám chúng ta mỗi ngày. Và khi những nỗi khát khao ấy không được thực hiện hoặc cứ bị đẩy lùi vào quên lãng, sẽ là một bàn đạp dồn nén, cho đến khi mọi việc bị vỡ tung ra.

Theo học thuyết Phân tâm của Sigmund Freud, sự dồn nén (repression) là một trong 8 cơ chế phòng thủ. Khi một nhu cầu bản năng không thực hiện được hay không được chấp nhận nó dễ được đẩy vào vô thức. “Dồn nén là một phương thức trực tiếp nhất nhằm giải quyết tình trạng lo âu, thay vì phải giải quyết một xung động gây ra tình tạng lo âu ở bình diện ý thức, người ta chỉ việc phớt lờ nó đi”. Chẳng hạn một cậu bé căm ghét cha mình, nó bị dồn nén, đến lúc đi học nó gặp những ông thầy khó tính và kết quả còn tồi tệ hơn. Thế là nó sẽ gia nhập cảnh sát để có thể ra những mệnh lệnh và bắt người khác phải thực hiện mà không có khiếu nại nào. Đó sẽ là một vòng lặp tiêu cực được truyền lại xuyên không-thời gian và cứ thế. Mọi việc sẽ được chuyển thể từ dạng này qua dạng khác theo chiều hướng thuận.

Nếu chúng ta gặp vấn đề ở giai đoạn đi học, tốt nhất hãy giải quyết chúng ở giai đoạn ấy để tránh lặp lại lỗi lầm tương tự ở giai đoạn sau. Hãy tìm hiểu rõ nguyên nhân tại sao chúng ta lại có những suy nghĩ và hành xử như vậy. Nếu không, cứ để chúng kéo dài trong vô thức quá lâu. Cho dù sau này, giả dụ, bạn  muốn trốn thoát việc mình không yêu thích, hay thậm chí là căm ghét bằng việc đi du lịch, thì cho dù đến núi non hùng vĩ đến mấy, cũng không chon chặt được nỗi chán ghét công việc thực tại của bạn.

Đáng sợ nhất không phải sự nhàm chán, mà là không có gì để làm

Những nhà nghiên cứu người Mỹ tìm ra nguyên nhân gây ra nhàm chán là do họ làm những việc nhàm chán. Các nhà tâm lý vẫn công nhận là có tính "chóng chán" của con người. Nhưng rõ ràng là có tồn tại những điều nhàm chán, tính chóng chán chỉ đóng vai trò nhỏ. Ví dụ như khai báo hoàn thuế, tham dự các lớp hướng nghiệp, không có việc làm cụ thể, hoặc là …học.... 

Cụ thể hơn là các tác nhân gây hấp dẫn bạn hơn những việc bạn đang làm dẫn đến bạn cảm thấy nhàm chán. Ta được lựa chọn cuộc sống giàu tính kích thích hơn, rõ ràng nhất là khi ta tiếp xúc với mạng xã hội, 1 trang web hay 1 ứng dụng, công việc của những nhà quảng cáo là chiếm sự chú ý của bạn, làm cho việc bạn tương tác trên mạng, nhất là với dịch vụ của họ, khiến tất cả việc bạn đang làm trở nên nhàm chán.

Thế nên không có gì lạ khi những việc bạn từng thấy ý nghĩa – đi học, đọc sách, nói chuyện với người thân,.... bắt đầu trở nên nhàm chán. Đây là 1 lý do để bạn bỏ chứng nghiện kỹ thuật số tiêu tốn thời gian, khiến cuộc sống bạn trở nên thú vị hơn. Tôi cũng từng là một trong số ấy. Tôi gần đây luôn thấy cuộc sống của mình đôi lúc vô vị nhạt thếch, trống rỗng như chẳng có việc gì ý nghĩa để làm. Đi học càng không. Thật khó để tái diễn lại một sự việc mà chẳng mấy vui vẻ suốt một thời gian dài. Tôi luôn lao vào các công cuộc tìm kiếm, việc này việc nọ, từ  học kỹ năng mới đến học nhạc cụ, vẽ vời,… nhưng không thành công. Tôi chỉ có hứng thú ở tuần đầu tiên và bắt đầu giảm dần những ngày sau đó và cuối cùng niềm đam mê ấy tắt ngóm hẳn. Và cuối cùng thì sao? Chắc chắn phải có sao thì hôm nay tôi mới ngồi đây và viết những dòng này. Để chia sẻ. Như phần nào đó cứu rỗi phần người mạnh mẽ đang bị “yếu đuối” trong bạn.

Chính sự nhàm chán đã thúc đẩy tôi luôn luôn kiếm tìm, cho đến khi dừng chân lại, tôi phát hiện ra mình là một người yeu thích và có khả năng với viết lách. Qua qua trình thực tập tại một công ty tôi cũng nhận ra điều này, và giờ tôi đã giữ cho mình sự cân bằng trong đam mê học tập – làm việc một cách tương đôi. Hai việc này đang bổ sung cho nhau và có chiều hướng tích cực. Công việc của tôi là viết lách và hỗ trợ nội dung cho một dự án dành cho người trẻ. Và tôi cảm thấy chúng thật sự có ý nghĩa khi giúp đỡ cho nhiều người.

Cuối cùng, điều quý giá nhất mà tôi rút ra được cho đến tận bây giờ là: Hãy cứ làm, nhàm và chán đi, rồi chính vòng lặp ấy sẽ giúp bạn tìm thấy chìa khoá cho cánh cửa mình đang kiếm tìm.

 

Tác Giả: Nông Thị Yến Nhi@Khoa Tâm lý học - ĐHKHXH&NV

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/my.ruly.5

                 --------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (1 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

3,209 lượt xem, 3,198 người xem - 3212 điểm