Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Làm Sao Để Hạnh Phúc? – Khi Đời Cho Một Quả Chanh Hãy Pha Nó Thành Một Ly Nước Chanh

Phần lớn lý do khiến chúng ta đau khổ, nhẹ thì không hài lòng về cuộc sống, nặng thì dẫn đến trầm cảm, là do chúng ta không hài lòng với những gì mình đạt được trong cuộc sống, và những gì đến với cuộc sống của chúng ta. Nguyên nhân chính nằm ở SỰ KỲ VỌNG sai thực tế, đã được phân tích ở bài viết Vì sao con người ta đau khổ? Sau khi đăng bài Trắc nghiệm Burn – Liệu bạn có đang bị trầm cảm?  – một bài trắc nghiệm đáng chú ý để đo lường mức độ hạnh phúc của mỗi người chúng ta, rất nhiều bạn đọc có kết quả cao, đặc biệt là trên 50 và thậm chí là trên 75, điều này thể hiện một điều, chúng ta đang đau khổ rất nhiều, và có thể chưa tìm được giải pháp làm sao để trở nên hạnh phúc. Bài viết này, đưa ra một vài góc nhìn tâm lý về bí quyết để hạnh phúc.

Purchase this image at https://www.stocksy.com/1192014

Hàng ngày, có hàng tá sự việc đến với cuộc sống của mỗi người. Khi nó không như ta mong muốn, ta không hạnh phúc. Nhận bài kiểm tra điểm kém, không hạnh phúc. Một ai đó nói câu khó chịu với mình, không hạnh phúc. Công việc nghe được một tin không tốt, không hạnh phúc. Khi về nhà, đồ đạc bỗng dưng bị hỏng, không hạnh phúc. Ngồi ăn cơm, món ăn không như ý mình, không hạnh phúc. Thậm chí lớn hơn, nhìn lại bản thân mình, thấy mình không có cái nọ, không được cái kia, thế là cũng không hạnh phúc. Các mối quan hệ không như mong muốn của mình, không hạnh phúc. Chính trị, pháp luật thay đổi chính sách, khó khăn đến với mình, không hạnh phúc. Có cả tỷ tỷ lý do khiến chúng ta, có thể không hạnh phúc. Dễ thấy, việc không được như ta mong muốn, đó chính là sự kỳ vọng. Nguyên nhân sâu sa của sự kỳ vọng, nằm ở CÁI TÔI, tức một phần thuộc bản ngã – một chủ đề quan trọng và chuyên sâu về tâm lý ứng dụng sẽ được nói ở trong một bài viết khác. Còn bài viết này, sẽ đưa ra những giải pháp đơn giản lẫn chiều sâu về tâm lý để trở nên hạnh phúc.

Trong quyển Hạnh phúc thôi chưa đủ – một cuốn sách tâm lý hay về hạnh phúc, CHRIS SKELLETT – chủ tịch quốc gia hiệp hội các nhà tâm lý học ở bệnh viện, nhà tâm lý học lâm sàng được đào tạo ở Đại học Birmingham, Anh quốc với hơn 30 năm kinh nghiệm trong nghề, đã chỉ ra nguyên nhân khiến người ta không hạnh phúc, nằm ở việc không cân bằng được giữa niềm vui và thành quả. Khi một người quá tập trung vào thành quả, tức kết quả, công việc, thành tích, thành tựu và không hài lòng với nó khi mọi thứ không đạt được mong muốn, họ không hạnh phúc. Ngược lại, khi một người lại quá tập trung vào niềm vui, tức lúc nào cũng tận hưởng, lúc nào cũng vui đùa, mà không tập trung vào thành quả, thì cuối đời họ lại chẳng làm được gì cho bản thân mình cả. Cho nên, bí quyết đơn giản để hạnh phúc đó là cân bằng giữa niềm vui và thành quả. Nhưng trước hết, để có được niềm vui, và ngay cả khi chưa có được thành quả, thì chúng ta vẫn có thể hạnh phúc, chỉ bằng cách mình nhìn cuộc đời và phản ứng với những điều tiêu cực trong cuộc sống một cách tích cực. Trong đó, việc đầu tiên cần phải làm, đó chính là:

HỌC CÁCH NHÌN CUỘC ĐỜI BẰNG LY NƯỚC NỬA ĐẦY

Cuộc sống mỗi người, đều giống như một ly nước, và nó không bao giờ đầy, nó luôn chỉ có một nửa. Bởi vì chẳng có cuộc sống của ai là hoàn hảo cả, hoàn hảo là điều phi thực tế. Thế nhưng, quan trọng là cách nhìn ly nước ấy, chúng ta nhìn nó bằng ly nước nửa vơi, hay nửa đầy, ấy mới là điều quan trọng. Khi nhìn ly nước nửa vơi, chúng ta tập trung nhìn vào những thứ mình không có, và dĩ nhiên, hậu quả là luôn cảm thấy không hạnh phúc. Còn khi nhìn bằng ly nước nửa đầy, tức nhìn và trân trọng những gì mình đang có, tự nhiên chúng ta hạnh phúc.

Trong một nhà tù, hai người cùng đứng vịn tay vào song sắt, một người chỉ thấy bờ tường trơ trụi; còn một người, ngửa mặt lên trời ngắm những vì sao. Cũng là một sự việc, nhưng cách nhìn và sự tập trung hướng vào góc nhìn của hai người khác nhau, vì vậy mà dẫn đến cảm xúc và thái độ khác nhau, quyết định đến việc một người hạnh phúc hay đau khổ. Khi nhìn đời bằng ly nước nửa đầy, nhìn những thứ mình đang có, chứ không phải là những thứ mình không thể có, tự nhiên mỗi người đã tự cảm thấy rằng mình đang hạnh phúc. Phần ví dụ thì vô cùng nhiều: chẳng hạn ví dụ đơn giản nhất như hôm nay phải đi làm, khép lại kì nghỉ lễ. Nếu nhìn ly nước nửa vơi thì sẽ thấy lại phải đi làm, không được nghỉ nữa. Nhưng nửa đầy đó là, khép lại kỳ nghỉ tuyệt vời, mở ra một tuần mới để mình tiếp tục làm những điều mới.

MẶT PHẢI – ĐI TÌM NHỮNG CƠ HỘI TIỀM ẨN TRONG CUỘC SỐNG

Khi một chuyện xảy ra, nhất là những chuyện đã xảy ra trong quá khứ, và là một chuyện không tốt lành. Nó làm cho chúng ta đau khổ, khi chúng ta chỉ nhìn thấy MẶT TRÁI của sự việc, tức những điều tiêu cực, những điều không như mình mong muốn, và những điều mình không thể thay đổi được. Nhưng cuộc sống giống như một đồng xu, có mặt này thì phải có mặt kia, có MẶT TRÁI thì phải có MẶT PHẢI.Có ý nghĩa tiêu cực thì phải có ý nghĩa tích cực tiềm ẩn đằng sau nó. Không bao giờ có đồng xu nào chỉ có một mặt, mà luôn luôn là hai mặt. Vậy thì, quan trọng là sau mỗi hoàn cảnh tiêu cực xảy ra, chúng ta có tìm được ý nghĩa tích cực đằng sau nó, để mình trở nên hạnh phúc hơn hay không.

Câu chuyện có thật ở Nhật Bản kể về một cậu bé sinh ra từ nhỏ đã bị cụt cánh tay trái trong một lần bị tai nạn. Dĩ nhiên, bị mất một cánh tay, đó là một chuyện tồi tệ, kéo theo mặc cảm vô cùng lớn làm cậu không bao giờ hạnh phúc. Cho đến một ngày, gia đình gửi cậu cho một thầy giáo dạy Judo. Cậu tìm đến Judo như một cái duyên, và bởi lẽ dù gì thì cánh tay trái của mình cũng đã mãi mãi không còn, cho nên thầy chỉ sao thì cậu tập vậy. Nhưng điều làm cho cậu không hạnh phúc là ngoài những kiến thức cơ bản, những chiêu thức thì thầy cậu chỉ dạy câu duy nhất một chiêu thức. Cậu chán lắm, nản lắm, và cũng thắc mắc với thầy. Nhưng sự kỷ luật của người thầy, thầy bắt cậu hãy cứ làm theo. Đành lòng, cậu cũng tập theo thầy.

Năm tháng trôi qua, cậu lớn lên và thầy cũng dẫn cậu đi tham gia những giải thi đấu. Mặc dù bị mất lợi thế là không có cánh tay trái, nhưng có lẽ nhờ sự nỗ lực bền bỉ tập luyện mà cậu vượt qua được nhiều đối thủ. Tuy nhiên chướng ngại vật thực sự, nằm ở trận chung kết, ở một đối thủ mà ngay cả khi cậu đã tập luyện thời gian dài, cũng không dễ dàng vượt qua được. Cậu không tin mình, và khán giả cũng không tin. Nhưng điều kỳ diệu xuất hiện, không biết vì một lý do gì đó, mà đối thủ của cậu, lại không thể chiến thắng được cậu. Do đối thủ chủ quan, do cậu quá xuất sắc, do may mắn, hay do điều gì mà một nghịch lý lại diễn ra được như vậy?

Ai cũng thắc mắc điều đó. Khán giả thắc mắc, đối thủ thắc mắc, và chính bản thân cậu ta thắc mắc. Duy chỉ có một người không thắc mắc, chính là người thầy của cậu. Bởi vì, là một võ sư lão luyện nhiều năm, một người thầy giỏi, thầy của cậu hiểu được một điều rằng: trong suốt quãng thời gian tập luyện, cậu bị bắt buộc phải tập đi tập lại chỉ đúng một chiêu thức, và đã thành phản xạ. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ: để cho các đối thủ khác có thể hóa giải được chiêu thức đó và giành được chiến thắng, thì một điều bắt buộc họ phải làm, đó là phải khóa được tay trái của cậu. Thế nhưng, cậu lại không có cánh tay trái.

Người thầy ấy không nhìn vào mặt trái của cuộc đời cậu ta khi nhận một học trò bị cụt tay trái, người thầy ấy không chỉ nhìn ra mặt phải – đi tìm cơ hội trong khó khăn mà người thầy ấy còn làm thay đổi cả cuộc đời của một con người. Khi chúng ta sinh ra, có thể có những hoàn cảnh khó khăn như gia đình nghèo khó, ngoại hình không đẹp trai xinh gái, môi trường học không thuận lợi, đi làm không quen biết phải tự lực cánh sinh, … đủ thứ hoàn cảnh tiêu cực khác, cũng có thể đến. Nhưng nếu như đi tìm được mặt phải, tức ý nghĩa tích cực của nó tiềm ẩn đằng sau, thì tự khắc chúng ta hạnh phúc hơn rất nhiều. Giống như Steve Jobs, khi bị đuổi khỏi Apple – công ty mà chính mình tạo ra, lại là một ý nghĩa tốt đẹp nhất để khi quay trở lại, Apple NeXT là công ty tuyệt vời nhất với những sản phẩm sáng tạo nhất mà trước đây, Steve Jobs chưa bao giờ làm được.

KHI ĐỜI CHO MỘT QUẢ CHANH, HÃY PHA NÓ THÀNH MỘT LY NƯỚC CHANH

Quay trở lại câu chuyện của Steve Jobs, đôi khi trong thời điểm một chuyện tiêu cực xảy ra, chúng ta chưa thể tìm ra ngay ý nghĩa tích cực và tốt đẹp của nó. Nhưng chắc chắn, nó sẽ có một ý nghĩa tốt đẹp nào đó. Hãy cứ tin là như vậy. Giống như triết lý của ông, đó là bạn chỉ có thể nhìn lại ý nghĩa khi kết nối lại quá khứ chứ không thể kết nối tương lai (Connecting the dots). Cho nên, khi đời cho một quả chanh thay vì ngậm vị chua chát của nó, hãy pha nó thành một ly nước chanh. Khi đi ngoài đường, bỗng trời đổ mưa, thay vì đứng đau khổ dưới mưa, hãy tìm một cây dù và hạnh phúc bước đi trong mưa. Quả chanh là thứ chúng ta không thay đổi được, cơn mưa là thứ chúng ta không thay đổi được, nhưng cách phản ứng tích cực lại là thứ chúng ta thay đổi được.

Lịch sử trận mạc là nơi mà những tướng lĩnh giỏi luôn biết pha ly nước chanh khi đời cho những quả chanh chua chát. Thời đó, ở một vương triều nọ, có một vị tướng được cử mang quân xông pha trận mạc lâu ngày. Nhưng thế địch mạnh, thế ta yếu, quân thua, tướng mỏi đánh lâu dần dần thua. Thất vọng, chán nản, cảm thấy mình bất tài. Nếu không xin cứu trợ, thì không thể nào thắng trận. Ông ta đành viết giấy báo gửi về triều đình với thông điệp “Thần xông pha trận mạc, càng đánh càng thua, hao binh, tổn tướng, nay xin triều đình tiếp viện”. Nhưng cụm từ “càng đánh càng thua” khác gì nói rằng mình bất tài vô dụng và khi gửi về triều đình, nghĩa là mạng sống của ông ta cũng chẳng còn giữ được, và hiển nhiên nhiều đình đã cử một người khác mang quân đi để thay ông ta đánh giặc.

Có lẽ, sự việc sẽ là như vậy nếu lá thư ấy được gửi đi với đúng cách nhìn nhận và phản ứng như thế. Nhưng may mắn cho ông ta là lá thư ấy đã không được gửi đi, mà thay vào đó là một lá thư khác do quân sư của ông ta gửi với thông điệp “Thần xông pha trận mạc, càng thua càng đánh, hao binh, tổn tướng, nay xin triều đình tiếp viện”. Thay vì cụm từ “càng đánh càng thua” – tức tập trung vào quả chanh chua, thì quân sư tài ba của ông ta đã pha thành một ly nước chanh bằng cách nhìn “càng thua càng đánh”. Thay vì thấy bản thân mình bất tài, thì giờ đây triều đình thấy sự hăng máu, quyết liệt của ông ta. Thay vì mất mạng, thì ông ta được cử quân tiếp viện đến và cuối cùng chiến thắng vang dội trở về. Tương tự như vậy, thời đi học, thay vì nghĩ rằng mình càng học càng dốt, sao không nhìn rằng càng dốt càng phải học. Thay vì nghĩ rằng, mình càng cố gắng mà bản thân vẫn nghèo, sao không nhìn rằng bản thân càng nghèo thì lại càng phải cố gắng. Thay vì nghĩ rằng, càng đi mà đường càng dài càng chông gai, sao không nhìn rằng đường càng dài, càng chông gai thì mình lại càng phải nỗ lực, càng phải quyết liệt. Khi thay đổi cách nhìn, cách phản ứng, thì hạnh phúc, tự nhiên ùa về. Cho nên:

“Khi đời cho một quả chanh, hãy pha nó thành một ly nước chanh”

Theo tamly.blog

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

3,041 lượt xem