Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Làm Thế Nào Để Dừng Tin Vào Những Ý Nghĩ Ngăn Không Cho Bạn Sống Tự Do Và Hạnh Phúc (Phần 2)

Nói chung, chúng ta hiếm khi trải nghiệm trực tiếp bất kì những gì đang diễn ra ở một khoảnh khắc nào đó vì trải nghiệm của chúng ta liên tục được tạo ra bởi những ý nghĩ của chúng ta về cái gì là "tốt" hoặc "xấu" trong quá khứ, cái gì là "tốt" hoặc "xấu".

 

Tham khảo:

A Guide to the present moment-How to Stop Believing the Thoughts that Keep You from Feeling Free, Whole, and Happy

Tác giả: Noah Elkrief
Dịch: Rubi



TRẢI NGHIỆM Ở HIỆN TẠI LÀ GÌ?

Trong bất kì khoảnh khắc nào khi chúng ta không có những ý nghĩ thuộc tâm lý, hoặc chúng ta không tin những ý nghĩ thuộc tâm lý của mình, thì cái còn lại là trải nghiệm giây phút hiện tại. Bất cứ khi nào những ý nghĩ thuộc tâm lý của chúng ta không tạo ra trải nghiệm sống của chúng ta, thì chúng ta trải nghiệm trực tiếp bất kì những gì đang xảy ra ở hiện tại. Trải nghiệm trực tiếp bất kì khoảnh khắc nào chính là trải nghiệm ở hiện tại.

Nói chung, chúng ta hiếm khi trải nghiệm trực tiếp bất kì những gì đang diễn ra ở một khoảnh khắc nào đó vì trải nghiệm của chúng ta liên tục được tạo ra bởi những ý nghĩ của chúng ta về cái gì là "tốt" hoặc "xấu" trong quá khứ, cái gì là "tốt" hoặc "xấu" ngay lúc này, hoặc cái gì là "tốt" hoặc "xấu" trong tương lai. Chúng ta không trải nghiệm việc gặp gỡ một người nào đó, mà chúng ta trải nghiệm NHỮNG Ý NGHĨ của chúng ta về người đó "quyến rũ" hay "xấu xí", "thông minh" hay "ngu ngốc". Chúng ta không đơn thuần trải nghiệm những nhiệm vụ của mình trong công việc, mà chúng ta trải nghiệm NHỮNG Ý NGHĨ của chúng ta về công việc của mình là "hoàn hảo" hay là "chưa đủ tốt", ngày làm việc của ta "buồn chán" hay "vui vẻ". Những ý nghĩ đó là cái tạo nên một loạt cảm xúc khác nhau của chúng ta.

Khi chúng ta không có hoặc không tin vào những ý nghĩ tạo ra những cảm xúc không mong muốn của chúng ta, thì chúng ta có được trải nghiệm khoảnh khắc hiện tại. Bất kể những hoàn cảnh của chúng ta có vẻ "tệ hại" ra sao, khi chúng ta trải nghiệm khoảnh khắc hiện tại thì chúng ta thoát khỏi tất cả những nỗi bất an, giận dữ, buồn bã, nghi ngờ, sợ hãi, lo lắng, stress, đánh giá, căm ghét, xung đột nội tâm, những tranh cãi, mất kiên nhẫn, thất vọng và khó chịu. Khi chúng ta ở trong hiện tại, điều còn sót lại là sự bình an vô điều kiện, sự tự do, thoả mãn. Nó là sự thoả mãn trọn vẹn.

THƯỞNG THỨC

Một khía cạnh khác của trải nghiệm ở khoảnh khắc hiện tại, là chúng ta cảm kích và tận hưởng những điều đơn giản. Chúng ta có thể bị thu hút trọn vẹn bởi mùi thơm của một bông hoa, vẻ đẹp của một cái cây, tiếng cười của một đứa bé, mùi vị của món khoai tây chiên hoặc bất kì thứ gì khác. Khi sự chú ý của chúng ta không dành cho những ý nghĩ của ta thì sự thưởng thức này sẽ xuất hiện một cách tự nhiên.

Hầu hết chúng ta đi bộ trên một con đường hằng ngày và chưa bao giờ chú ý đến những cái cây, kiến túc của những ngôi nhà, kết cấu của con đường, mùi hương của những bông hoa, tiếng chim hót. Lý do chúng ta hiếm khi để ý tới những âm thanh, mùi, cảnh tượng đó trong cuộc sống hằng ngày là bởi sự chú ý của chúng ta gần như liên tục dành cho những ý nghĩ về quá khứ và tương lai của chúng ta.

Ngay cả nếu ta nhìn thấy một cái cây, thì sự chú ý của chúng ta vẫn dành cho những lời đánh giá, những dán nhãn và bình luận của chúng ta về cái cây hơn là bản thân cái cây. Sự chú ý của chúng ta dành cho những ý nghĩ của ta về những gì ta nhìn thấy hơn là chỉ trải nghiệm những gì ta thấy đơn thuần thông qua các giác quan của mình. Khi sự chú ý của chúng ta thoát khỏi những ý nghĩ thì tự nhiênta sẽ chú ý và thưởng thức rất nhiều thứ đơn giản trong cuộc sống hằng ngày mà chúng ta chưa từng trải nghiệm trước đây.

Khả năng bất ngờ trước một thứ gì đó đơn giản xuất hiện trong hiện tại khi chúng ta có sự im lặng hoặc không gian giữa các ý nghĩ của mình. Nó cũng giống như việc nhìn thấy một điều gì đó lần đầu tiên. Cảm giác này giống với cảm giác ngạc nhiên và tò mò của đứa trẻ.



BÌNH AN VÀ THƯ THÁI

Khi chúng ta ở hiện tại, chúng ta cảm thấy được yêu thương, chấp nhận và có giá trị, đáng yêu, chúng ta không cảm thấy thiếu thốn thứ gì đó trong cuộc đời. Không phải vì chúng ta có những ý nghĩ nói rằng "Tất cả mọi người yêu thương tôi" hay là "Tôi là người vĩ đại", mà bởi vì ta không có hoặc không tin vào những ý nghĩ làm ta cảm thấy mình không đáng yêu, còn khiếm khuyết.

Khi không có những ý nghĩ tạo nên bất hạnh cho ta, ta cảm thấy thoả mãn ngay bây giờ. Khi ta đã hạnh phúc thì ta không còn có nhu cầu phải liên tục cải thiện bản thân, người khác và hoàn cảnh để cố làm ta hạnh phúc. Đây là cái cảm giác “aaaaahh, bây giờ tôi có thể thư giãn". Ta vẫn theo đuổi các mục tiêu của mình nhưng không còn quan điểm ta cần đạt được mục tiêu để làm mình hạnh phúc.

Chúng ta không nhận ra nó, nhưng suy nghĩ lấy đi rất nhiều năng lượng của ta, làm cơ bắp của ta căng cứng, cơ thể nặng nề. Còn khi ta ở hiện tại thì toàn bộ cơ thể ta mềm mại và thư thái như thể ta trút bỏ được gánh nặng lớn trên vai, ta có đầy năng lượng.

SỰ NHẸ NHÀNG VÀ TIẾNG CƯỜI NHƯ ĐỨA TRẺ

Thông thường, những ý nghĩ liên tục tạo ra bất hạnh cho ta và làm cho mọi thứ trong cuộc sống có vẻ quan trọng vì ta tin rằng hạnh phúc của mình phụ thuộc vào nó. Trong bất kì khoảnh khắc nào chúng ta ở hiện tại, thì chúng ta không cần xem cuộc sống quá nghiêm trọng vì ta đã hạnh phúc. Điều này làm chúng ta xem mọi thứ ở đời nhẹ nhàng hơn. Nhưng ta vẫn có thể lên kế hoạch cho tương lai, hành động phù hợp với tình huống trước mặt.

TÌNH YÊU, SỰ CHẤP NHẬN VÀ KẾT NỐI

Chúng ta có xu hướng dành nhiều thời gian để tìm kiếm một ai đó yêu ta vì ta tin rằng nhận được tình yêu sẽ làm mình thấy hạnh phúc và trọn vẹn.

Trên thục tế, theo đuổi tình yêu làm chúng ta cảm thấy dường như có điều gì đó bị thiếu trong cuộc đời mình và thường khiến chúng ta cư xử và nói năng theo những gì mà ta nghĩ người khác sẽ yêu ta thay vì cho phép mình sống tự do được là con người thật của mình.

Nếu chúng ta tìm kiếm người nào đó để yêu, thì chúng ta bắt đầu lo sợ rằng chúng ta sẽ không nhận lại được tình yêu của họ, chúng ta cần thường xuyên được đảm bảo rằng họ yêu ta, chúng ta lo sợ đánh mất tình yêu của họ, chúng ta đòi hỏi người yêu đáp ứng nhu cầu của mình, và chúng ta thất vọng hay tức giận khi họ không sống theo những kỳ vọng của ta hay không làm ta hài lòng.

Đây là cách những ý nghĩ liên hệ với tình yêu. Nhưng tất cả những ý nghĩ đó thực sự ngăn không cho chúng ta yêu người khác. Chúng ta nghĩ rằng mình đang yêu một ai đó, nhưng những cảm xúc đó thực sự được tạo ra bởi những ý nghĩ "Tôi vui sướng vì tôi tin rằng bạn sẽ làm tôi hạnh phúc", hoặc "Tôi yêu cách bạn làm tôi cảm nhận". Kiểu "tình yêu" này không làm ta thoả mãn và thường gây ra nhiều lo lắng, tức giận, thất vọng và tổn thương.

Nếu ai đó yêu bạn, nhưng bạn không quan tâm đến người đó, thì tình yêu của họ tác động như thế nào lên mức độ hạnh phúc của bạn? Bạn sẽ nhận ra, nó có rất ít tác động. Lý do là bởi hạnh phúc không đến từ việc nhận được tình yêu; cảm giác hạnh phúc mà chúng ta luôn muốn đến từ việc yêu người khác.

Khi chúng ta yêu ai đó mà không có kỳ vọng hay mong đợi nhận lại bất kì thứ gì, chúng ta cảm thấy tự do, cởi mở và tuyệt vời. Tình yêu vô điều kiện này không giống như những ý nghĩ tích cực về một ai đó, và nó không phải là một ý nghĩ mang tính khẳng định nói rằng "Tôi yêu bạn". Tình yêu là thứ ta trải nghiệm trong bất kì khoảnh khắc nào ta ở cùng ai đó mà không cóhay tin vào bất kì đánh giá nào về người đó ("tốt" hay "xấu"). Khi chúng ta cho phép một ai đó là chính họ, mà không có bất kì niềm tin nào rằng họ sẽ "tốt hơn" nếu họ khác đi, thì đây là tình yêu. Tình yêu đích thực không muốn nhận lại bất kì thứ gì (vd như tình yêu của người khác), vì nó chẳng cần gì cả. Tình yêu không có điều kiện nào hết.



BÌNH AN NGAY CẢ TRONG CƠN ĐAU ĐỚN THỂ XÁC

Dường như khi không có những ý nghĩ của chúng ta, thì chúng ta vẫn chịu đau khổ khi ta có cơn đau về thể xác. Tuy nhiên, đau đớn (pain) rất khác với đau khổ (suffering). Đau khổ là cảm xúc, trong khi đau đớn là một cảm giác thể lý. Bản thân cảm giác thể lý không tạo ra sự tức giận, buồn bã, tự thương hại bản thân hay trầm cảm. Chỉ có những ý nghĩ của chúng ta về những cảm giác thể lý mới có thểtajo ra những cảm xúc không mong muốn đó.

Bạn đã bao giờ từng thấy hạnh phúc dù đang trong lúc đau đớn một chút?

Cơn đau của chúng ta chỉ chuyển thành đau khổ khi chúng ta nghĩ "Cơn đau này là xấu", "Cơn đau này có thể dẫn đến thứ gì đó tệ hơn", "Tôi không nên bị đau", "Cơn đau này là lỗi của tôi". Chúng ta có xu hướng tiêu tốn nhiều thời gian và năng lượng cho những kiểu suy nghĩ đó chỉ càng tạo thêm tức giận, buồn phiền và tự thương hại bản thân. Không chỉ thế, việc tập trung vào những ý nghĩ đó về cơn đau thường cung cấp thêm năng lượng cho cơn đau và làm tăng cường độ của nó.

Tuy nhiên, trong bất kì khoảnh khắc nào chúng ta KHÔNG TIN những ý nghĩ về cơn đau của chúng ta, thì cuộc sống sẽ bình an. Chúng ta vẫn sẽ có sự khó chịu về thể xác, nhưng bất kể cơn đau của ta mạnh đến đâu, nó vẫn sẽ không mang đến đau khổ về tinh thần.

NIỀM HẠNH PHÚC CỦA GIÂY PHÚT HIỆN TẠI LUÔN LUÔN Ở ĐÂY

Niềm hạnh phúc mà ta cảm nhận khi ta có mặt ở hiện tại không phải là một cảm xúc, và nó cũng chẳng phải là một trải nghiệm. Những cảm xúc là những trải nghiệm tạm thời, được tạo ra bởi ta tin vào các ý nghĩ. Nếu một ý nghĩ không nảy sinh thì ta đã có mặt ở hiện tại. Thêm nữa, nếu một ý nghĩ nảy sinh, và ta không tin vào ý nghĩ đó, thì ta cũng đang có mặt ở hiện tại. Đây là lí do tại sao khoảnh khắc hiện tại là trạng thái tự nhiên của chúng ta và tại sao ta không thể nói rằng khoảnh khắc hiện tại là một trải nghiệm có tính nhất thời.

Tại sao cuộc theo đuổi hạnh phúc của chúng ta không bao giờ chấm dứt

Khi chúng ta tin rằng những hoàn cảnh sống của ta tạo nên những cảm xúc không mong muốn của chúng ta, thì phần lớn thời gian, tiền bạc và năng lượng sống của chúng ta được dành cho nỗ lực thay đổi hoàn cảnh của chúng ta từ "chưa đủ tốt" sang "hoàn hảo". Nếu chúng ta cố gắng đạt được bất kì thứ gì đó trong cuộc sống để phù hợp với tiêu chí của sự "hoàn hảo" của chúng ta, rồi khi ta có được thứ ta muốn, chúng ta thường cảm thấy hạnh phúc ngay lập tức. Mặc dù vậy, niềm hạnh phúc tức thì này không phải được tạo ra bởi hoàn cảnh mới đó. Hạnh phúc này trên thực tế là kết quả của sự biến mất những ý nghĩ tạo ra đau khổ của chúng ta.

NHỮNG Ý NGHĨ TÍCH CỰC VẪN CHƯA ĐỦ ĐỂ LÀM TA HẠNH PHÚC

Niềm hạnh phúc được tạo ra bởi những ý nghĩ tích cực chắc chắn là thú vị và làm chúng ta vui vẻ rồi. Tuy nhiên, hạnh phúc do ý nghĩ tích cực đem lại không bền vững.

Có vài lý do giải thích tại sao những ý nghĩ tích cực của chúng ta không làm ta thoả mãn lắm và không tạo ra hạnh phúc sâu sắc khi chúng ta có được thứ mình muốn.

Một cách tự nhiên, khi chúng ta nghĩ rằng một vài khía cạnh nào đó của cuộc sống là "tuyệt vời", thì chúng ta cũng tin rằng những khía cạnh khác là "tệ hại". Do đó, khi chúng ta nghĩ về một ý nghĩ tích cực, hạnh phúc của chúng ta bị kìm lại bởi sự chú ý của chúng ta đến một số ý nghĩ tiêu cực trong hoàn cảnh.

Khi ta có một ý nghĩ tích cực về một thứ gì đó, thì ý nghĩ đó thường dễ dàng thay đổi, trở nên "tệ hơn". Khi chúng ta dựa vào những ý nghĩ tích cực để làm mình hạnh phúc, thì hầu như luôn luôn có ngay một nỗi lo lắng mơ hồ rằng ý nghĩ tích cực của chúng ta có thể thay đổi và chúng ta có thể mất đi hạnh phúc của mình.

Ví dụ, nếu bạn nghĩ về bản thân rằng "Tôi là cô gái quyến rũ", điều này sẽ đem lại cho bạn một chút niềm vui. Vì bạn thích niềm vui này, nên tất nhiên bạn sẽ không muốn ý nghĩ này thay đổi thành "Tôi không quyến rũ". Nhưng một khi bạn cho rằng thật "tồi tệ" khi nghĩ "Mình không quyến rũ", bạn bắt đầu cảm thấy lo lắng về khả năng bạn trở nên không quyến rũ do tăng cân, những vấn đề về làn da, lão hoá, hoặc bất kì thứ gì khác. Thêm vào đó, để duy trì ý nghĩ "Tôi quyến rũ", bạn có thể phải thường xuyên lo lắng về việc liệu khuôn mặt của bạn, trang phục, cơ thể có đáp ứng được tiêu chí "quyến rũ" của bạn không. Nếu những người khác nói bạn không quyến rũ thì bạn sẽ khó mà tiếp tục tin rằng "Tôi quyến rũ", vì vậy bạn sẽ bắt đầu bận tâm tới những gì người khác nghĩ.

Bởi vì chúng ta luôn tìm về những ký ức của mình khi chúng ta không hài lòng với giây phút hiện tại, nếu chúng ta không chú ý 100% vào câu chuyện của chúng ta (vào ký ức), thì một phần nhỏ sự chú ý của ta vẫn dành cho những ý nghĩ tiêu cực của chúng ta. Những ý nghĩ tiêu cực đó ngăn không cho chúng ta trải nghiệm hạnh phúc trọn vẹn của ký ức chúng ta. Thêm nữa, những ký ức cũng thường nhuốm màu lo lắng khi biết rằng chúng ta phải quay về lại với giây phút "tệ hại" này hoặc ý nghĩ chúng ta có thể chẳng bao giờ có được giây phút "tươi đẹp" đó lần nữa.

Ví dụ, nếu bạn nghĩ về kỳ nghỉ tuyệt vời trên bãi biển của bạn vào tháng trước, điều này sẽ mang lại cho bạn chút vui vẻ, và bạn có thể nở nụ cười. Tuy nhiên, kể với bản thân câu chuyện tuyệt đẹp này cũng sẽ tạo ra những ý nghĩ về cái nơi bạn đang ở đây lúc này không "tốt đẹp" như nơi bạn đã từng ở, và nó tạo nên cảm giác bạn đang thiếu thốn thứ gì đó. Chúng ta thường không nhận ra nỗi lo hoặc những ý nghĩ tiêu cực cũng có mặt khi chúng ta chú ý đến kỷ niệm tốt đẹp, nhưng đây là một phần của lý do tại sao niềm hạnh phúc từ ký ức-tích cực ít mang lại sự bình an và thoả mãn hơn nhiều so với niềm hạnh phúc từ trải nghiệm ở hiện tại.

NHỮNG THỨ GÂY SAO LÃNG GIÚP CHÚNG TA TẠM TRỐN THOÁT KHỎI NHỮNG Ý NGHĨ

Chúng ta làm sao lãng bản thân khỏi những ý nghĩ gây đau khổ, bất mãn cho ta. Chúng ta học được từ việc quan sát bố mẹ và bạn bè của ta, cũng như từ kinh nghiệm sống của ta, rằng những thứ gây sao lãng là một con đường dễ dàng để làm ta hạnh phúc, thoát khỏi những cảm xúc khó chịu của ta. Chúng ta có thể không nhận ra, nhưng ta hay tìm đến TV, phim ảnh, âm nhạc, đồ ăn, công việc, những mối quan hệ, internet, điện thoại, bạn bè, shopping, ma tuý và rượu để làm ta sao lãng khỏi những ý nghĩ gây đau khổ cho ta.

Vì những ý nghĩ của chúng ta làm ta đau khổ cho nên chúng ta sẽ làm mọi thứ mình có thể để tránh né chúng. Đó là lý do tại sao phần lớn mọi người không muốn ở với chính mình mà không có những thứ gây sao lãng và luôn luôn cần có bạn bè, hay gọi điện thoại, nghe nhạc, xem TV, làm cho mình bận rộn, hoặc tham gia hoạt động gì đó gây sao lãng. Nhiều người thì uống rượu để không còn chú ý đến những ý nghĩ gây đau khổ.

NHỮNG THỨ GÂY SAO LÃNG KHÔNG ĐỦ ĐỂ GIÚP CHÚNG TA BÌNH AN

Những thứ gây sao lãng rất tuyệt vời với chúng ta. Chúng mang lại nhiều niềm vui trong cuộc sống. Nhưng bất kể bạn hạnh phúc thế nào trong lúc tham gia những trò giải trí, thì bạn cũng không thể luôn luôn tránh né được những ý nghĩ. Bất kể ta đi đến đâu, ta ở cùng ai, thì những ý nghĩ vẫn đi theo ta. Trong những khoảnh khắc ta không bị sao lãng, thì những ý nghĩ đó sẽ quay lại và tạo ra đau khổ cho ta.

CHÚNG TA KHÔNG THỂ BUỘC NHỮNG Ý NGHĨ CỦA MÌNH DỪNG LẠI HOẶC BIẾN ĐI

Bây giờ bạn đã nhận ra ý nghĩ của bạn tạo nên những cảm xúc không mong muốn cho bạn, bạn có thể muốn thoát khỏi ý nghĩ đó. Nhưng càng cố gắng làm tâm trí im lặng, kiểm soát ý nghĩ của bạn, dừng nghĩ, buông bỏ những ý nghĩ của bạn, hoặc tống những ý nghĩ đó đi thường không có kết quả. Những ý nghĩ của chúng ta không biến đi khi bạn nghĩ "Tôi không muốn nghĩ về những ý nghĩ đó", "Mày biến đi ý nghĩ" hoặc "Giờ tôi sẽ dừng suy nghĩ."

Những ý nghĩ sống sót thông qua năng lượng chúng lấy được từ sự chú ý của ta. Chúng ta không thể nào dừng chú ý tới bất kì điều gì quan trọng nhất với mình. Do đó nếu chúng ta dành sự chú ý cho một ý nghĩ, đó là bởi chúng ta vô thức tin rằng ý nghĩ đó quan trọng hơn bất kì thứ gì khác đang diễn ra trước mặt ta.

NHỮNG Ý NGHĨ KHÔNG ĐƯỢC CHÚNG TA TIN THÌ KHÔNG TẠO RA CẢM XÚC

May mắn là chúng ta không cần phải thoát khỏi những ý nghĩ của mình để dừng trải nghiệm cảm xúc do chúng tạo ra. Nếu một người bạn nói rằng con bạn bị tai nạn xe hôm qua, và bạn tin họ, thì bạn sẽ cảm thấy lo lắng. Nhưng nếu bạn không tin họ thì bạn sẽ không lo lắng.

Bất kể ý nghĩ gì xuất hiện trong tâm trí chúng ta, chúng ta không có trải nghiệm phản ứng cảm xúc gì với nó nếu ta không tin ý nghĩ đó.

Bất kể những gì người khác nói với bạn, nếu bạn không tin lời nói của họ, thì bạn có thể tiếp tục nghe họ nói mà không tạo ra những cảm xúc không mong muốn.

Bất kể một ý nghĩ đang nói gì, nếu chúng ta không tin ý nghĩ đó, thì nó có thể vẫn còn trong tâm trí chúng ta nhưng không tạo ra bất cứ cảm xúc gì. Vậy nên bản thân những ý nghĩ của chúng ta không bao giờ là vấn đề. Mà chỉ có niềm tin của chúng ta vào những ý nghĩ đó mới tạo ra mọi đau khổ cho chúng ta.

CHÚNG TA ĐẶT RA NHỮNG CÂU HỎI CHO MÌNH ĐỂ GIÚP TA KHÔNG TIN VÀO NHỮNG Ý NGHĨ

Tác giả đưa ra 5 bước như sau:

1. Ý nghĩ đó có đúng không?

2. Tôi có thể nghĩ ra vài lý do hoặc ví dụ chứng minh tại sao điều ngược lại có thể đúng không?

3. Tôi có chắc rằng ý nghĩ của tôi là đúng, hay nó chỉ là một quan điểm?

4. Tôi có chắc rằng cảm xúc của tôi chứng minh rằng ý nghĩ của tôi đúng, hãy xem xét chuyện những cảm xúc đó được tạo ra bởi việc tin rằng ý nghĩ là đúng?

5. Nếu những ý nghĩ của tôi tạo nên bất hạnh cho tôi, thì khi đó CÓ ĐÚNG là tôi cần thay đổi một điều gì đó về bản thân tôi, cuộc sống của tôi, hay thay đổi người khác để tôi được hạnh phúc?

(ND: Trong sách tác giả viết rất rõ về 5 bước này, các bạn đọc thêm nhé.)

Theo tamlyhoctoipham

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,378 lượt xem