Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Làm Thế Nào Để Giải Toả Áp Lực Từ Tâm Lý Cầu Toàn?

Một trong những con đường dẫn đến tình trạng kiệt sức nhanh nhất là khi những người tài giỏi cứ cố gắng làm cho mọi thứ trở nên HOÀN HẢO đến mức toàn bộ “kết quả” thu được sau những nỗ lực của họ là nhiều đêm thức trắng, công việc bị chậm trễ và nhiều việc chưa hoàn thành. Nhưng bạn không cần phải khổ sở như thế.

Những người làm việc xuất sắc hoàn toàn có thể hoàn thành nhiều việc hơn, nâng cao hiệu suất làm việc và ít bị căng thẳng hơn, nhưng điều này không có nghĩa là họ luôn phải làm thêm những việc phát sinh. Đôi khi chúng ta cần lùi một bước và đón nhận khái niệm thế nào là “hài lòng.” Sức mạnh của khái niệm này được nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Barry Schwartz trình bày vào năm 2002 và bài viết của nhà nghiên cứu Emilia Lahti có lẽ là tóm tắt đầy đủ nhất như sau:

“Hài lòng có nghĩa đơn giản là không bị ám ảnh về việc cố gắng đạt kết quả và chỉ số ROI (Return On Investment – Đo lường lợi tức đầu tư) tối đa trong từng nhiệm vụ.”

Đây là cách mà bản thân Lahti áp dụng nguyên tắc hữu hiệu này vào chương trình cao học của cô (tôi có bôi đậm ý quan trọng):

Vào học kỳ thứ hai của tôi tại Penn, tôi đã thử áp dụng chiến thuật hài lòng này. Tôi không đón nhận những bài tập với tâm lý lo lắng thái quá của một người “xuất chúng” và nghĩa vụ nặng nề là “phải tìm kiếm sự xác nhận cho việc tồn tại của tôi trên hành tinh này và phải vượt mức mọi kỳ vọng” – một trạng thái tâm lý bất lợi. Tôi bắt đầu học kỳ với tâm thế: “Tôi chỉ đơn giản làm đủ thôi, và đủ có nghĩa là tôi làm hết khả năng của mình trong giới hạn cho phép… Kết quả của việc không cảm thấy bị áp lực này là ba điểm A và một điểm A-, nhưng điều quan trọng nhất là tôi tận hưởng từng giây từng phút của cuộc hành trình. Bí quyết ở đây là: tâm trí tin tưởng bản thân bạn khi bạn nói với nó điều gì đó. Chúng ta CÓ THỂ thay thế những thói quen cũ và tạo ra những thói quen mới.”

Đây là cách bạn có thể áp dụng nguyên tắc này vào cuộc sống để hoàn thành nhiều việc hơn, cảm thấy hạnh phúc hơn và thành công hơn:

1. Chấp nhận sự thật là bạn không bao giờ hoàn thành được tất cả mọi thứ.

Bạn sẽ không bao giờ “hoàn thành được tất cả mọi thứ” cho đến khi nhắm mắt xuôi tay. Vì vậy, thay vì lo âu căng thẳng trước sự thật là công việc luôn dồn dập tới tấp, bạn hãy quyết định hoạt động nào thực sự nên được xếp vào danh sách “những thứ quan trọng cần phải làm” và không quan tâm những thứ còn lại. Nếu các hoạt động trong danh sách thứ hai – danh sách “những việc nếu làm được thì cũng tốt” – được hoàn thành thì thật tuyệt vời. Nếu không thì cũng chẳng sao. Hãy ngừng lại và tập trung sức lực vào các dự án trọng điểm ngay cả khi bạn chưa hoàn thành tất cả “những việc vặt vãnh,” thì bạn sẽ cảm thấy mình đạt được nhiều thành quả hơn.

2. Ghi lại những “ý tưởng mới”.

Những người có óc sáng tạo may mắn sở hữu thế mạnh này, nghĩa là họ thấy vô cùng hào hứng với những ý tưởng và thường thì họ nghĩ ra nhiều ý tưởng thú vị hơn so với hầu hết mọi người. Tuy nhiên, nếu bạn là người như vậy, điều này có thể trở thành một lời nguyền khi bạn cảm thấy thất bại vì không thể làm cho tất cả các ý tưởng trở thành sự thật. Thay vì cảm thấy tồi tệ vì có quá nhiều ý tưởng chưa bao giờ được thực hiện, bạn hãy tận hưởng cảm giác hồi hộp khi nảy ra ý tưởng và vui vẻ ghi nhanh nó vào một nơi nào đó như một quyển sổ tay chẳng hạn. Việc ghi lại nhanh các ý tưởng mới có thể giảm sự thôi thúc hành động, nhưng nếu vài ngày sau bạn vẫn cảm thấy hào hứng về ý tưởng này, hãy mở ra xem lại. Nói cho cùng thì bạn không cần phải thực hiện tất cả mọi ý tưởng nảy ra trong đầu mình. Như Cal Newport giải thích trong bài viết “Lời khuyên đầu năm từ Epictetus [một triết gia Stoic]: Đừng Nên Bắt đầu” của anh:

[Bạn tôi] vừa gửi cho tôi một câu nói khôn ngoan về chủ đề này từ Epictetus, nhà triết học Stoic sống ở thế kỷ thứ nhất:

Trong mọi sự việc, hãy xem xét ngọn ngành trước khi bắt tay vào thực hiện. Nếu không, bạn sẽ gặp tình huống là hào hứng bắt đầu mọi thứ nhưng lại không lường trước hậu quả, để rồi bạn phải kết thúc trong sự hổ thẹn.

Epictetus không phủ nhận vai trò của hành động. Nhưng ông tin rằng quyết tâm theo đuổi một điều gì đó cần được bắt đầu bằng việc cân nhắc thật kỹ lưỡng về các yếu tố cần thiết dẫn đến thành công.

3. Sớm tung ra sản phẩm, sau đó cải thiện dần.

Một thuận lợi và cũng là khó khăn cho đầu óc đầy sáng tạo là bạn có xu hướng xem xét tất cả những tiềm năng ngay lập tức. Điều này khiến chúng ta khó phân biệt các yếu tố cần thiết với những yếu tố bổ sung.

Lấy ví dụ, bạn cần tạo ra một trang web để thu hút khách hàng tiềm năng. Thay vì bắt tay vào thực hiện trong giới hạn thời gian và ngân sách cho phép khi đã có đủ các thông tin quan trọng, thì bạn không tiến thêm được bước nào bởi vì bạn không thể hoàn thành các đoạn video, các tính năng đặc biệt và thiết kế chính xác như ý bạn muốn.

Thật lòng mà nói thì điều này thật ngớ ngẩn. Việc không hiện thực hóa một ý tưởng nào đó bởi nó không chính xác được như cách mà bạn tưởng tượng sẽ gây cản trở lớn cho bạn. Thay vì nhắm đến sự hoàn hảo trong từng chi tiết, bạn hãy làm những điều cơ bản và sau đó nhận ra rằng bạn có thể cải thiện, sửa chữa và làm lại hầu hết tất cả mọi thứ sau. Hãy tung ra sản phẩm trước đã.

4. Ưu tiên chất lượng cuộc sống của bạn.

Như tác giả Danielle LaPorte cho biết trong cuộc phỏng vấn với Marie Forleo là, “ ‘Dù cho thế nào đi nữa’ không phải là một cụm từ nguy hiểm.’ “ Cô ấy nói đúng. Việc lúc nào cũng hy sinh sức khỏe thể chất và tinh thần, niềm hạnh phúc cũng như các mối quan hệ để đáp ứng những tiêu chuẩn bất khả thi sẽ dẫn đến một số hành vi nguy hiểm, và trớ trêu thay, cũng rất dễ dẫn đến sự trì hoãn trầm trọng.

Thay vì nói, “Tôi sẽ không đi ngủ cho đến khi làm xong mọi thứ,” bạn hãy nói, “Tôi sẽ làm việc đến (đưa ra mốc thời gian nào đó) thì ngừng. Cuối cùng có thể tôi phải xin gia hạn hoặc hoàn thành công việc kém hoàn hảo chút. Nhưng không sao cả. Tôi xứng đáng có được điều đó.” Việc thường xuyên ngủ đủ giấc, tập thể dục và nghỉ ngơi thư giãn đóng vai trò thiết yếu trong sự nghiệp sáng tạo hiệu quả và lâu dài. Một lợi ích nữa là bạn sẽ tận hưởng cuộc hành trình nhiều hơn.

Tác giả: Elizabeth Grace Saunders

Nguồn dịch: UBrand.cool

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

5,211 lượt xem