Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Làm Thế Nào Để Trưởng Thành Từ Những Nỗi Đau?

Không ai tránh được bi kịch mà vấn đề chỉ là ta đối mặt với nó sớm hay muộn mà thôi. Cuộc sống là như thế.

Marguerite Johnson ra đời vào cuối những năm 1920 ở Arkansas. Là một phụ nữ da đen nghèo khổ ở miền Nam nước Mỹ với nạn phân biệt chủng tộc, Johnson không thật sự có một tương lai tươi sáng để mong chờ. Bà đã trải qua nhiều nỗi đắng cay mà tất cả những người Mỹ gốc Phi phải chịu do nạn phân biệt chủng tộc gây ra – tình trạng công dân hạng 2, bị cô lập về kinh tế và xã hội, sống trong nỗi sợ triền miên về nguy cơ bị hành hạ và khủng bố, v.v.

Và như thể hoàn cảnh đó còn chưa đủ tệ, những sự kiện trong cuộc đời còn làm khổ Johnson hơn nữa.

Vào năm 7 tuổi, Johnson bị bạn trai của mẹ mình cưỡng hiếp. Bà chỉ kể cho anh mình biết. Vài ngày sau, tên cưỡng hiếp bị giết chết. Quá hoảng sợ và hối hận, Johnson không dám nói một lời nào trong 5 năm rưỡi. Ôm cảm giác bị ruồng bỏ bởi cả thế giới bên ngoài và chính thế giới nội tâm của mình, có vẻ như Johnson sẽ sống cả đời với sự khó khăn, vất vả và đơn độc.

Tuy nhiên, sau đó Marguerite Johnson đã đổi tên thành Maya Angelou và trở thành vũ công, diễn viên, nhà viết kịch bản, nhà thơ, nhà lãnh đạo nổi bật trong phong trào quyền công dân vào những năm 1960, và bà là người phụ nữ da đen đầu tiên viết cuốn sách phi hư cấu bán chạy nhất – cuốn hồi ký của bà – với tựa đề I Know Why the Caged Bird Sings. Bà đạt nhiều giải thưởng trong nhiều lĩnh vực và thậm chí còn được mời đọc thơ trong lễ nhậm chức của Tổng thống Bill Clinton vào năm 1993.

Và có lẽ điều ấn tượng nhất là Angelou có lần đã thừa nhận rằng không phải bà trở thành Angelou của ngày hôm nay bất chấp những chấn thương tâm lý thời thơ ấu, mà bà trở thành Angelou nhờ những chấn thương đó. Khi đặt bút, bà viết lên những vết sẹo của mình – những vết sẹo mà chỉ mình bà thấy, chạm và cảm nhận được.

Thành thật mà nói, chấn thương tâm lý không phải là điều “tốt”. Nếu được chọn, chẳng ai trong chúng ta muốn trải qua những bi kịch khủng khiếp đó cả. Nhưng không ai tránh được bi kịch mà vấn đề chỉ là ta đối mặt với nó sớm hay muộn mà thôi. Cuộc sống là như thế.

Hầu hết chúng ta đều trải qua ít nhất 5-6 sự kiện đau khổ trong đời – mất người thân, ly hôn, mất việc, bị chẩn đoán mắc bệnh nặng, bị tấn công, v.v. Thông thường, sau khi trải qua một trong những sự kiện này, ta sẽ trở nên mạnh mẽ hơn một chút, khôn ngoan hơn một chút và trở thành một con người tốt hơn một chút.

Trưởng Thành Mạnh Mẽ Khi Đối Mặt Với Nỗi Đau

Từ trước cho đến mãi gần đây, ngành tâm lý học hầu như chỉ tập trung nghiên cứu những cách mà chấn thương tâm lý làm khổ con người. Không có gì lạ khi các nhà tâm lý học dành nhiều thời gian đến vậy cho vấn đề này.

Khi ra đời vào khoảng hơn 100 năm trước, tâm lý học bị người ta xem là “khoa học bịp bợm”. Ban đầu, chỉ có những người tuyệt vọng và bế tắc mới tìm đến sự giúp đỡ của tâm lý học. Những người “bình thường” với những vấn đề “bình thường” sẽ không đi gặp nhà tâm lý, vì thời đó người ta vẫn kỳ thị hành động tìm kiếm sự giúp đỡ này, cho đó là việc đáng xấu hổ hoặc nhục nhã (và tình trạng này hiện vẫn còn tồn tại phần nào).

Kết quả là trong khoảng 50 năm đầu tiên từ lúc ra đời, ngành tâm lý/tâm thần học phải đối mặt với những ca cực kỳ khó khăn, như bệnh nhân bị tâm thần phân liệt, rối loạn tâm thần hưng-trầm cảm, có xu hướng tự tử, v.v. Điều này gây ra một kiểu thành kiến lựa chọn. Vì các nghiên cứu chỉ xoay quanh những trường hợp mắc bệnh tâm lý nặng nhất, và hầu hết các bệnh nhân này đều bị một vài chấn thương kinh khủng trong đời, các nhà tâm lý học đầu tiên rút ra kết luận logic rằng sự chấn thương tinh thần gây ra vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Nhưng thật ra kết luận này là sai, thực tế thường ngược lại. Mãi đến khi tâm lý học và tâm thần học được đón nhận hơn, các nhà tâm lý học mới bắt đầu nhận ra rằng chấn thương tâm lý rất phổ biến. Trên thực tế, chấn thương là một phần của cuộc sống. Và không chỉ hầu hết chúng ta không ngã quỵ vì bị suy sụp tinh thần nghiêm trọng, mà nhiều người còn trưởng thành và trở thành con người mạnh mẽ hơn nhờ những nỗi đau trong quá khứ. Có đến 90% số người gặp phải một sự kiện đau khổ trải qua ít nhất một hình thức trưởng thành trong vài tháng và vài năm sau đó. Những người này cuối cùng sẽ cảm thấy đầu óc mình được cởi mở hơn, ưu tiên của họ thay đổi, các mối quan hệ trở nên ấm áp và vị tha hơn, họ nhận được một nguồn sức mạnh cá nhân lớn hơn, và họ nhận ra những khả năng mới trong cuộc sống mà họ chưa bao giờ nhận ra trước đó.

Bây giờ, trước khi bạn sắp nghĩ, “Ôi trời, Mark Manson nói tất cả những gì tôi cần làm là trải qua một chấn thương kinh khủng, rồi sau đó cuộc sống sẽ được như tôi mong muốn!” thì khoan đã. Chuyện không đơn giản như vậy đâu!

Chấn Thương Không Phải Là Kết Thúc, Mà Chỉ Là Bắt Đầu

Thật ra, chấn thương trong cuộc sống của ta, dù dưới hình thức nào, cũng không phải là thứ giúp ta “mạnh mẽ” hơn. Tất cả những câu nói truyền cảm hứng về việc chịu đựng nghịch cảnh, và “cái gì không giết được bạn sẽ làm bạn mạnh mẽ hơn” đều làm bạn hiểu nhầm rằng chỉ cần chịu đựng gian khổ là đủ để bạn tôi luyện bản thân chống lại khó khăn trong tương lai.

Sự thật không hoàn toàn như vậy.

Vấn đề nằm ở những gì xảy ra sau chấn thương. Sống sót qua một chấn thương không làm bạn mạnh hơn, chính nỗ lực mà bạn bỏ ra để hồi phục sau chấn thương đó mới là cội nguồn sức mạnh.

Những đau khổ do chấn thương gây ra khuấy động tận tâm can ta. Nó làm ta nghi ngờ chính những niềm tin cơ bản của ta về thế giới, về chỗ đứng của ta trong thế giới đó, về mức độ từ bi, tử tế và ổn định của thế giới và những người quanh ta. Một số chấn thương còn nhắc ta nhớ đến sự ngắn ngủi của đời người, điều mà hầu hết chúng ta không muốn nghĩ đến.

Khi bị chấn thương, bạn hoảng sợ, hoang mang, mất phương hướng và đặt dấu chấm hỏi với tất cả mọi thứ. Lúc đó, có 2 trường hợp xảy ra:

Bạn rơi xuống vực sâu tâm lý và trải qua những giây phút khủng khiếp, gây ra nhiều sự rối loạn trong cơ thể và tâm trí (trường hợp này ít xảy ra hơn bạn nghĩ);

Bạn dùng chấn thương này làm cơ hội để xây dựng một loạt niềm tin khác và một thế giới quan mới, bền bỉ và vững chắc hơn trước (trường hợp này xảy ra phổ biến hơn bạn nghĩ).

Hãy xem chấn thương như một trận động đất cắt xuyên thành phố. Mọi thứ đều thảm thương sau những cơn chấn động kinh khủng từ lòng đất. Nhưng sau đó, với những kiến thức mới về cấu trúc công trình, người dân xây dựng lại nhà cửa và thiết kế những hệ thống vững chắc hơn để chống lại những cơn động đất trong tương lai. Thành phố không chỉ “được khôi phục” mà còn biến thành một nơi khôn ngoan và vững chắc hơn.

Do đó, khi cuộc sống bị gián đoạn bởi những chấn thương cá nhân kinh khủng, ta sẽ có cơ hội tạo dựng lại chính mình. Ta sẽ không bao giờ quên được những ký ức và nỗi đau của chấn thương đó, cũng như những người dân thành phố sẽ không bao giờ quên được ký ức kinh hoàng và sự mất mát do một thiên tai như động đất gây ra.

Câu hỏi lúc đó là, làm thế nào ta tạo dựng lại chính mình?

 

Cuộc Sống Sau Chấn Thương

Chấn thương đánh dấu cho bước ngoặt rõ ràng trong đời ta. Nó tạo ra những khoảnh khắc mà ta sẽ không bao giờ quên được.

Mức độ trưởng thành sau chấn thương phụ thuộc rất nhiều vào câu chuyện mà ta thuật lại về bước ngoặt này.

Không có gì lạ khi ta cứ vạch lại nỗi đau của mình, chất vấn ý nghĩa của nó và trải qua sự pha trộn giữa cảm giác tội lỗi, xấu hổ, sợ hãi và cô đơn. Tình cảnh có thể rất bi đát. Bạn lặp đi lặp lại bi kịch đó trong đầu mình hàng chục lần, như thể bạn đang bị trói vào ghế để không chạy được, mắt bị dán keo để không nhắm lại được và bị ép xem đi xem lại một bộ phim kinh khủng. Bạn cảm giác nó như một cơn ác mộng. Và mỗi lần xem lại, bạn cảm thấy đau đớn như lần đầu. Giống như là não bạn tự đánh nó liên tiếp trong nhiều tháng, hoặc thậm chí là nhiều năm.

Dù tệ hại đến vậy, nhưng đây lại là một bước quan trọng trong quá trình xây dựng một câu chuyện về chấn thương của bạn. Câu chuyện đó sẽ dắt bạn ra khỏi những góc tối của tâm trí và cuối cùng đi đến một nơi tốt đẹp hơn. Con người chúng ta cần phải lý giải được thế giới quanh mình, và như tôi đã nói, chấn thương ít khi nào “có lý”.

Vậy câu chuyện đó sẽ trông như thế nào? Sau đây là một số điều cần lưu ý:

1.Vấn Đề Không Phải Là Đáng Hay Không Đáng

Một khuynh hướng tự nhiên của con người khi gặp bi kịch là tự hỏi, “Sao lại là tôi? Tôi đã làm gì sai mà đáng bị như thế này?” Thông thường, khi tuổi càng trẻ hoặc chấn thương càng kinh khủng, ta càng dễ đổ lỗi cho bản thân. Ta sẽ cảm thấy bản thân mình có gì đó sai sót và hẳn mình đã làm gì đó nên mới bị như thế này.

Bước quan trọng nhất trong việc xây dựng ý nghĩa của nỗi đau mà ta phải chịu là hiểu được rằng đây không phải là vấn đề đáng hay không đáng – không chỉ với chấn thương của bản thân, mà còn với chấn thương của những người khác nữa. Nỗi đau không phải là một trò chơi có tổng bằng 0. Nếu ai đó làm ta đau, việc gây tổn thương cho họ không làm ta bớt đau.

Trên thực tế, nỗi đau lan truyền như vi-rút. Càng bị tổn thương thì ta lại càng có khuynh hướng tự làm đau mình và làm đau người khác hơn. Ta sẽ dùng những khiếm khuyết tự mình cảm nhận để biện minh cho những hành vi gây hại xa hơn cho bản thân và cho những người xung quanh.

Quan trọng là bạn phải nhận ra điều này và ngừng lại trước khi đi quá xa. Bạn không làm gì sai để đáng bị chấn thương cả. Tất cả mọi người đều như vậy. Nhưng vấn đề không phải là đáng hay không đáng. Chấn thương là một phần của cuộc sống, cuộc sống là như thế.

2.Nhận Ra Những Điều Quan Trọng Trong Cuộc Sống

Tôi nhớ khi một người bạn thân của tôi qua đời, tôi ngay lập tức nhận ra rằng những người bạn khác cũng có thể mất đi bất kỳ lúc nào. Thế là tôi quyết định nói rõ cho bạn bè biết tôi quan tâm đến họ và họ quan trọng với tôi. Hành động đó đã giúp thắt chặt một số mối quan hệ của tôi, dù thực tế là tôi vừa trải qua một mất mát to lớn.

Vì chấn thương nhắc ta nhớ đến sự ngắn ngủi của đời người, và nó có thể đảo lộn hầu hết những gì ta luôn nghĩ là đúng về thế giới, chấn thương đem lại một tác dụng phụ thú vị: giúp ta thấy rõ những điều mà ta chưa quý trọng.

Đó là một nỗi đau kinh khủng có khả năng kỳ diệu – làm sáng tỏ những điều thật sự quan trọng với ta và dẹp bỏ bất kỳ sự ngần ngại hay nghi ngờ nào ngăn ta tiến bước.

3. Chia Sẻ Về Nỗi Đau

Các câu chuyện không tự nhiên hình thành mà chỉ xuất hiện khi được chia sẻ đến người khác. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, hết lần này đến lần khác, một yếu tố dự đoán mạnh mẽ sự trưởng thành cá nhân sau chấn thương là thái độ sẵn sàng cởi mở nói về nỗi đau đó trong một mạng lưới xã hội hỗ trợ.

Hãy tìm một người bạn, một thành viên trong gia đình, một bác sĩ tâm lý, một bé thú cưng, rồi chia sẻ trải nghiệm, cảm nhận, nghi ngờ và nỗi sợ xoay quanh chấn thương của bạn. Hãy ngừng “chiếu đi chiếu lại” bi kịch đó trong đầu bạn. Hãy bước ra và chia sẻ nỗi đau.

Một số bài học sâu sắc nhất trong đời sẽ đến từ chấn thương của bạn, nhưng bài học đó sẽ không bao giờ được mở ra nếu bạn không chia sẻ nỗi đau của mình dưới một hình thức nào đó.

Văn hóa của chúng ta vẫn kỳ thị việc chia sẻ nỗi đau. Không may là việc tiết lộ mình đang bị tổn thương sẽ phạm phải một số điều cấm kỵ – rằng lẽ ra ta phải tỏ ra tích cực và dễ chịu, rằng vấn đề của ta chỉ là của ta mà thôi, và rằng chính vì dựa dẫm vào người khác nên ta mới bị chấn thương đó.

Nhưng kìm nén nỗi đau chỉ làm mọi chuyện trở nên tệ hơn. Vết thương sẽ mưng mủ và hành hạ ta. Và đây có lẽ là bài học lớn nhất mà chúng ta học được từ Maya Angelou. Không phải hành động che giấu và kìm nén, mà chính khả năng biến nỗi đau thành thông điệp của hy vọng và sức mạnh đã giúp bà chữa lành vết thương.

Chính việc chia sẻ nỗi đau của ta sẽ giúp ta vượt qua nó. Vì khi ta chỉ ngồi ngẫm nghĩ một mình, nỗi đau sẽ mãi ở lại trong ta. Nhưng khi ta chia sẻ và biến nó thành một thông điệp gửi ra ngoài thế giới, nỗi đau sẽ rời khỏi ta. Và vì bây giờ nó không còn nằm bên trong ta nữa, ta cuối cùng cũng có thể sống mà không bị nỗi đau ám ảnh.

***

Theo tamlyhoctoipham.com

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,210 lượt xem