Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Liệu Bạn Có Phải Là Một Người Lắng Nghe Giỏi?

Khi chúng ta nói, chúng ta chỉ biết những gì mình đã biết. Khi chúng ta lắng nghe, chúng ta sẽ biết những gì mình chưa biết. Người ta bảo ai trên đời cũng vậy, sinh ra có một cái miệng và hai cái tai, là ngụ ý để lắng nghe nhiều hơn nói. Cho nên, người giỏi là người biết lắng nghe nhiều hơn nói và biết nói đúng lúc cần phải nói.

Trong một cuộc tranh luận hoặc trong một cuộc họp hoặc trong một cuộc nói chuyện, một người lắng nghe nhiều hơn sẽ có nhiều tác dụng. Thứ nhất, người ấy bởi vì lắng nghe nhiều nên người ấy có đầy đủ thông tin hơn, từ đó mà khi đưa ý kiến thì họ cũng đưa ra ý kiến một cách rõ ràng và lập luận đầy đủ, thuyết phục hơn. Bên cạnh đó, khi một người lắng nghe và ít chen ngang lời người đối diện, sẽ làm cho họ cảm thấy được tôn trọng. Ngoài ra, cũng bởi vì trong tâm thế lắng nghe nên người ấy sẽ cố gắng hiểu nhiều hơn điều mà người đối diện đang muốn nói.

Nhiều khi có những người tìm đến ta, và gặp một chuyện gì đó; khi ấy thứ họ cần không phải là một người hiểu biết, kiến thức đầy mình và đưa ra lời khuyên. Đôi khi, thứ họ cần là một người ở đó, lắng nghe họ, thấu hiểu nỗi lòng của họ. Và ngay cả khi chẳng đưa ra bất kì lời khuyên gì, thì họ vẫn cảm thấy ấm lòng bởi đã có một người lắng nghe họ, để họ chia sẻ phần nào tâm tư tình cảm. Đó là thực tế. Nhưng thường thì về mặt tâm lý, chúng ta rất thích là những người giải quyết vấn đề và đưa ra giải pháp. Cho nên, ai cũng muốn mình sẽ là người đưa ra lời khuyên và nghĩ rằng việc đưa ra lời khuyên ấy sẽ giúp cho người ta giải quyết được vấn đề của họ.

Trong một xã hội hiện đại, thời đại của Smart Phone, lắng nghe thực sự chưa bao giờ là điều dễ dàng. Đôi khi, chúng ta mới chỉ nghe thôi chứ chưa có lắng. Hai người yêu nhau đi chơi với nhau, lẽ ra nên dành thời gian chất lượng cho nhau. Thế nhưng, nhiều cặp đôi yêu nhau, thứ họ dành ra là chú mắt vào màn hình điện thoại. Hai người đồng nghiệp nói chuyện với nhau, người này đang nói còn người kia thì chẳng nhìn thẳng vào mắt người đối diện mà miệng thì vẫn nói rằng “Tôi đang lắng nghe”. Gia đình ngồi ăn quây quần bên nhau, lắng nghe sao được khi một người cứ chú mắt vào màn hình ti vi trong khi người kia đang nói. Lắng nghe thực sự, nếu giữa hai người thì phải là bốn con mắt nhìn thẳng vào nhau, và cất hết những thứ như Smart Phone, máy tính bảng,… những thứ có thể làm phân tán và ngắt mạch giao tiếp.

Lắng nghe thực sự, là giữa một và một – nếu cuộc giao tiếp ấy có hai người. Lại thêm một lần nữa, vì sự thay đổi của thời đại công nghệ, nó làm cho con người ta có thể giao tiếp với nhau ngay cả khi đang cách xa nhau, chẳng hạn gọi cho nhau online, hoặc nhắn tin với nhau. Có nhiều người, khi giao tiếp, thông qua nhắn tin chẳng hạn, có thể cùng một lúc giao tiếp và nhắn tin với nhiều người. Thế nhưng, nếu như thế thì cuộc giao tiếp ấy chỉ còn là trao đổi thông tin chứ không phải là lắng nghe thực sự. Bởi vì, lắng nghe thực sự thì phải là giữa một và một. Lắng nghe thực sự phải là người này dành toàn tâm trí vào người đối diện, để hiểu xem người kia đang chia sẻ điều gì, người kia đang có chuyện gì. Cho nên, nếu được thì hãy nói với một người khác rằng mình đang bận một chút, khi giao tiếp xong với một người hãy chuyển sang nhắn tin với người tiếp theo.

Con người ta, thứ làm cho chúng ta người hơn, đó chính là cảm xúc. Chính vì lẽ đó, đây là điều mà những “cái máy” không thể làm được. Một người lắng nghe giỏi là một người có cảm xúc trong một cuộc giao tiếp. Một cuộc giao tiếp hiệu quả là khi cả hai người thấu hiểu cảm xúc của nhau, thấu hiểu điều mà người kia muốn diễn đạt, và mang lại cảm xúc cho nhau. Đó là một điều mà nhiều khi, thời đại công nghệ – công nghệ lại là thứ không thể làm được. Thời nay, là cha mẹ – thứ họ làm tốt nhất cho con cái là thời gian con được trải nghiệm, chứ không phải là mấy thứ dễ dàng quản lý con, khiến nó ngoan ngoan ở một chỗ – nhưng lại đang đánh mất cảm xúc và tương lai của con – đó là Smart Phone và Youtube.

Năm 2015, Pixar cho ra mắt một bộ phim rất nổi tiếng: Inside Out; bộ phim kể về hành trình của Riley với những cảm xúc cơ bản là Joy, Sadness, Disgust, Anger và Fear – 5 cảm xúc ấy cũng là những cảm xúc cơ bản mà bất kì ai cũng có bên trong. Riley với một hành trình bị đảo lộn về cuộc sống, với những cảm xúc khác thường sau sự kiện chuyển nhà tới một nơi xa của cô bé. 5 cảm xúc trong người, được hóa vai vào các nhân vật, ai cũng mong muốn mình sẽ là thứ cảm xúc giúp cho cô bé. Và người mà mọi người tin vào nhất đó chính là Joy (Niềm vui). Nhưng rồi khi các biến cố trong hành trình kí ức và cảm xúc của Riley xuất hiện – thì lúc đó những cảm xúc tiêu cực bên trong dẫn đến hàng loạt những hành động tiêu cực của Riley. Chẳng hạn như vì chán nản mà đến trường thấy buồn vì xa bạn cũ. Muốn bỏ về nhà nên tức giận cãi lại bố mẹ. Lấy trộm tiền của mẹ để định trốn về nhà… Những lúc như vậy, Joy luôn tích cực và cố gắng thuyết phục kí ức cũ của Riley là Bing Boong. Nhưng Bing Boong rất rất buồn. Cuối cùng, điều duy nhất khiến Bing Boong có thể quay trở lại, để mang các cảm xúc của Riley trở về, là bởi vì Sadness (Nỗi buồn) với một lí do rất đơn giản. Mặc dù lúc nào Sadness cũng bị chê cườ nhưng Sadness không hề cố thuyết phục Bing Boong, cũng chẳng hề động viên Bing Boong, mà Sadness chỉ đơn giản là lắng nghe Bing Boong.

Chi tiết đắt giá ấy vừa gửi đến thông điệp sự lắng nghe nhau mới là quan trọng nhưng cũng là thông điệp là mỗi người có thực sự lắng nghe những cảm xúc, những tiếng nói ẩn sâu bên trong mình hay không. Nếu là một người có thể lắng nghe thực sự những điều đó, thì cuộc sống này mọi thứ sẽ thay đổi hoàn toàn. Sẽ không còn là chạy theo cảm xúc, sẽ không còn là phụ thuộc cảm xúc, mà lúc đó mỗi người sẽ đều cố gắng để hiểu được những gì đang diễn ra bên trong mình. Cũng như từ đó mà dẫn đến việc điều chỉnh hành động, điều chỉnh cách phản ứng của mình để có được những phản ứng phù hợp nhất trong cuộc sống.

Theo tamly.blog

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,986 lượt xem