Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Liệu Sự Cô Đơn Có Gây Ra Chứng Rối Loạn Lo Âu? (Và Làm Thế Nào Để Ngăn Chặn Nó)

Sự cô đơn trong xã hội phương Tây đang  ngày càng gia tăng. Liệu nó có phải là nguyên nhân gây ra Chứng rối loạn lo âu?

Qua từng năm, số lượng người báo cáo với những nhà khoa học và các bản khảo sát rằng họ cảm thấy cô đơn cứ tăng dần. Trên thực tế, trong một vài thập kỉ qua, tỉ lệ người lớn báo cáo rằng họ cảm thấy cô đơn đã tăng từ 20% trong những năm 1980 đến 40% hiện nay. Đó là một sự gia tăng đột biến. Và điều này trở nên tồi tệ hơn bởi: sự cô đơn gây ra chứng rối loạn lo âu.

Để có thể hiểu tại sao điều này lại xảy ra, chúng ta cần hiểu cô đơn là gì. Trái với những định kiến thông thường, sự cô đơn không chỉ là cảm giác đơn độc nhất thời bởi bạn không được mọi người bao quanh. Có rất nhiều người cảm thấy cô độc trong xã hội nhưng họ vẫn được mọi người bao quanh! Họ đi làm và tương tác với những đồng nghiệp, họ có thể là những sinh viên với vô số bè bạn, và số nhiều còn có thể đang ở trong một mối quan hệ yêu đương. Nhưng họ vẫn cảm thấy lẻ loi.

Sự thật về cảm giác cô độc

Ai cũng từng cảm thấy cô đơn khi ta trở nên thừa thãi, không ai cần đến. Nhưng khi chúng ta bắt đầu tin rằng người khác vẫn sẽ sống tốt khi không có chúng ta, thì ngay lập tức ta sẽ rơi vào trạng thái tuyệt vọng, buồn tủi. Điều này xảy ra bởi lẽ, là con người, ai cũng muốn cảm thấy rằng bản thân có một mục đích xã hội nào đó. Chúng ta cần những người khác coi trọng ta như một phần thiết yếu của cuộc đời họ, và ta nạp năng lượng từ việc hiểu rằng sự tồn tại của bản thân khiến cuộc sống của ai đó tốt hơn. Và khi ta mất đi cảm giác này thì dẫu cho ta có được bao quanh bởi hàng trăm người thì vẫn sẽ cảm thấy đơn độc.

Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên xa nhà để học đại học. Tôi và gia đình gói gém mọi đồ dùng cá nhân của tôi lên chiếc xe tải, và chúng tôi đã cười đùa vui vẻ trong suốt cuộc hành trình 3 tiếng đến ngôi trường mới. Chúng tôi dừng lại dọc đường để chụp ảnh, ngắm nhìn những địa điểm thú vị bên đường, và chia sẻ đồ ăn nhẹ. Nhưng rồi khi mọi người thả tôi xuống, đứng trước ngôi nhà mới, tôi vẫy tay chào tạm biệt họ khi chiếc xe rời đi. Khi họ quẹo vào góc và biến mất, tôi lên phòng và một cảm giác trống vắng chợt xuất hiện. Ở nơi đây, cách nhà hàng trăm cây số, không quen biết ai. Những người quan trọng nhất trong cuộc đời tôi đã biến mất.

Trong khoảng thời gian đó, tôi đã không nhận thức được rằng bản thân đang hứng chịu căn bệnh lo âu xã hộinhưng tôi sớm nhận ra rằng có điều gì đó sai khi bản thân tôi đã không gia nhập bất kì hoạt động xã hội nào mà mọi người tham gia. Chứng rối loạn lo âu của tôi tệ đến mức, tôi đã không thể nói chuyện với bạn cùng phòng và tôi đã phải lắng nghe để đảm bảo rằng không ai đang ở hành lang trước khi chạy thật nhanh đến nhà vệ sinh. Ngoại trừ việc lên lớp, tôi đã sống một cuộc sống ẩn dật. Mặc dù tôi đã được bao quanh bởi hàng nghìn người bạn đồng trang lứa, tôi vẫn thất bại trong việc khiến họ trở thành một phần trong cuộc đời tôi. Và bởi vì gia đình tôi vẫn sống một cuộc sống hạnh phúc, tôi đã cảm thấy rằng bản thân đã trở nên không cần thiết bởi bất kì ai cả.

Và tôi đã cảm thấy cô đơn hơn bao giờ hết.

Sự cô đơn đã gây ra chứng rối loạn lo âu như thế nào

Cách chúng ta nhận thức thế giới thường không phải lúc nào cũng đúng. Tầm nhìn của chúng ta về một tình huống thường được che phủ bởi những đức tin, dự đoán, và định kiến về tình huống đấy, và bản thân chúng ta, nằm sâu bên trong tâm trí của chúng ta. Bộ não của bạn là một máy theo dõi nhỏ bé. Nó quan sát cuộc đời bạn một cách chặt chẽ để có thể nhanh chóng suy ra những giải pháp cho những rắc rối mà có thể đe dọa đời sống của bạn.

Nhưng bộ não cũng rất nông cạn. Nó đưa ra những giả định về sự việc dựa trên bề mặt phân tích của tình huống.

Khi bộ não của bạn thấy rằng bạn đang cô đơn, nó sẽ bắt đầu suy nghĩ kĩ về lý do sao bạn lại cô đơn. Nó muốn tìm ra một giải pháp. Nhưng không may thay, nếu bạn có lòng tự trọng thấp, bộ não sẽ kết luận rằng bạn cô độc bởi bạn không đủ tiêu chuẩn để mọi người muốn quan tâm bạn. Cảm thấy tự hào về bản thân vì đã tìm ra lý do dẫn đến sự cô đơn của bạn, bộ não bắt đầu tạo ra những suy nghĩ và giả định dựa trên những niềm tin sai lầm. Theo thời gian, niềm tin trong tiềm thức của bạn sẽ cho rằng bạn cô đơn bởi mọi người không thích bạn, và nó sẽ trở thành bản sắc của bạn.

Không lẽ loại niềm tin này lại có thể sinh ra nhiều lo âu đến vậy? Điều gì sẽ xảy ra nếu cuối cùng bạn lại được mọi người bao quanh ? Liệu những suy nghĩ tiêu cực và niềm tin về sự thấp kém của bạn sẽ biến mất?

Không.

Mặc dù bạn được bao quanh bởi những người yêu thích bạn và muốn dành thời gian bên bạn, tiềm thức của bạn vẫn sẽ tiếp tục tin rằng bạn không đủ xứng đáng để có một người bạn tốt như họ. Trong thực tế, bạn sẽ dần tin rằng họ có đồng quan điểm về sự thấp kém của bạn. Bạn sẽ cảm thấy như họ đang đánh giá bạnthầm lặng. Bạn sẽ sớm trải nghiệm cảm giác lo âu mỗi khi bạn ở xung quanh mọi người bởi vì bạn muốn trở nên “hoàn hảo” một cách đầy tuyệt vọng để có thể tạo nên một ấn tượng tốt và dấu đi bản chất thấp kém của bản thân.

Nhưng mọi thứ đều là sự giả dối

Những dòng suy nghĩ tiêu cực mà bộ não tạo ra bởi sự cô đơn của bạn đều hoàn toàn không đúng. Bạn biết rất rõ rằng trong quá khứ, mọi người đều cảm thấy vui vẻ khi được ở bên bạn. Giải pháp để chống lại những lo âu gây ra bởi sự cô độc là tấn công thẳng vào cảm giác cô đơn ấy.

Để có thể vượt qua nỗi cô đơn, bạn cần phải lấy lại cảm giác rằng bạn có một mục đích xã hội. Bạn cần phải tin rằng ngoài kia không chỉ có những người cần bạn mà những tác động của bạn còn đem lại những lợi ích tích cực cho họ.

Hãy cùng nhìn vào một số phương pháp mà bạn có thể áp dụng để kháng cự lại nỗi cô đơn bằng cách nâng cao cảm nhận về mục đích xã hội của bản thân.

Hãy dành nhiều thời gian cho gia đình

Nếu bạn sống gần gia đình, thì phương pháp đơn giản và hiệu quả nhất để chống lại nỗi cô đơn là dành nhiều thời gian hơn cho họ. Hãy biến việc thăm họ một vài lần mỗi tháng thành một thói quen. Hoặc bạn có thể mời họ đến nhà riêng ?

Trong một khoảng thời gian ngắn, tôi đã có một truyền thống với bố mẹ tôi, rằng họ sẽ đến thăm mỗi tối thứ bảy còn tôi sẽ nướng những mẻ bánh mới tinh. Đó là cơ hội để chúng tôi gắn bó với nhau hơn và sau mỗi thứ bảy tôi đều cảm thấy tốt hơn rất nhiều.

Mặc dù không phải tuần nào bạn cũng có thời gian rảnh, nhưng hãy cố đến thăm gia đình bạn (dù đó là bố mẹ, anh chị em, ông bà hay người dì hoặc chú yêu thích của bạn) ít nhất vài lần mỗi tháng.

Sống xa gia đình là một điều rất mới mẻ. Bởi chỉ cách đây khoảng một trăm năm, loài người đã luôn sống trong cùng một khu vực với gia đình của họ. Phần lớn còn ở chung với gia đình họ.

Vậy nên cũng chẳng mấy ngạc nhiên khi ta cảm thần tồi tệ hơn khi rời xa họ.

Người yêu của bạn ?

Hiện tại, bạn có đang ở trong một mối quan hệ? Nếu không thì hãy cân nhắc rằng một trong những cách tốt nhất để làm giảm đi sự cô đơn là mở rộng gia đình bạn!

Không, điều này không có nghĩ là bạn bắt buộc phải kết hôn hoặc sinh con. Nhưng việc có một người bạn trai/ bạn gái mà bạn thực sự tâm đầu ý hợp sẽ giống như việc bạn có thêm một thành viên mới trong gia đình. Giờ đây, bạn đã có thêm một người trong danh sách những người bạn tin tưởng và có thể chia sẻ những tâm tư cá nhân cùng.

Hãy xem nếu những người bạn hiện tại của bạn có muốn đi chơi không

Đôi khi chúng ta quá khao khát để được bạn bè mời đi chơi, mà quên đi rằng bạn bè chúng ta cũng đang mong chờ một lời mời từ chúng ta. Nếu bạn đã có sẵn trong tay những người bạn tốt rồi (hoặc chỉ một hoặc hai) thì hãy bắt đầu rủ họ đi chơi thường xuyên hơn. Để xem liệu có cơ hội nào khiến tình bạn trở nên sâu sắc hơn.

Có thể bạn sẽ nhận ra rằng những người mà bạn coi là bạn xã giao (hoặc người quen) sẽ rất vui mừng khi có thể dành nhiều thời gian với bạn hơn.

Hãy tham gia một nhóm mà gặp mặt thường xuyên

Tham gia một câu lạc bộ hoặc đăng kí làm tình nguyện viên cho một tổ chức đáng giá đều là những cách tuyệt vời để làm giảm đi sự cô đơn.

Nhưng đừng chỉ tham gia bất kì câu lạc bộ nào mà mà mọi người gặp nhau mỗi thứ sáu và uống nước. Hãy nhớ rằng mấu chốt để chống lại sự cô đơn là bạn phải cảm thấy mình có một mục đích xã hội nào đó. Vậy nên câu lạc bộ hoặc tổ chức mà bạn tham gia cần phải cung cấp cho bạn một chức năng nào đó hoặc trách nhiệm.

Bạn cần phải cảm thấy rằng bản thân được đòi hỏi và được cần đến bởi nhóm. Bạn không thể trở thành một kẻ ở ngoài lề, cười và gật đầu trong khi mọi người bàn tán sôi nổi, để rồi trở về nhà cảm thấy rằng dù bạn ở đó hay không thì cũng chẳng thay đổi mấy.

Hồi kết vĩnh viễn cho chứng rối loạn lo âu gây ra bởi sự cô đơn

Chứng rối loạn lo âu của bạn sẽ không biến mất trong tức khắc. Những suy nghĩ tiêu cực mà não bạn bịa ra để giải thích cho sự cô đơn của bạn sẽ bám dai dẳng trong vài tuần hoặc có thể đến vài tháng. Nhưng khi bạn tiếp tục gây dựng cảm giác được cần đến bởi người khác, sự cô đơn của bạn sẽ giảm dần. Não của bạn sẽ để ý thấy điều này và điều chỉnh lại những niềm tin và giả định. Để rồi khi bạn bắt đầu cảm thấy tốt hơn về bản thân bởi bạn tin rằng mọi người thích bạn và muốn ở bên bạn thì chứng rối loạn lo âu của bạn sẽ dần biến mất.

 

Source: Can Loneliness Cause Anxiety? (And How To Prevent It)

Theo whypsy.com

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

4,490 lượt xem