Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Lý Thuyết Bến Xe Buýt Helsinki

Tháng Sáu năm 2004, Arno Rafael Minkkinen bước đến đọc diễn văn tại buổi lễ phát bằng của Trường Nhiếp ảnh New England. Khi ông hướng mắt về phía các sinh viên đã tốt nghiệp, Minkkinen chia sẻ một lý thuyết đơn giản, mà theo ông đánh giá, là đã tạo nên sự khác biệt giữa thành công và thất bại. Ông gọi đó là Lý Thuyết Bến Xe buýt Helsinki.

LÝ THUYẾT BẾN XE BUÝT HELSINKI

Minkkinen được sinh ra tại Helsinki, Phần Lan. Trong trung tâm thành phố này có một bến xe buýt lớn và ông bắt đầu bài diễn văn bằng cách mô tả bến xe đó cho các sinh viên.

Minkkinen nói, “Có vài chục trạm xe được bố trí trong quảng trường tại trung tâm thành phố. Ở đầu mỗi bến đặt một tấm biển ghi số của những chiếc xe buýt chạy theo tuyến đó. Số xe có thể được ghi như sau: 21, 71, 58, 33 và 19. Mỗi chiếc đi theo một lộ trình ra khỏi thành phố ít nhất là một kí-lô-mét, dừng lại ở những trạm xe trên đường.

Ông tiếp tục, “Giờ ta hãy tiếp tục nói một cách ẩn dụ rằng mỗi trạm xe đại diện cho một năm kinh nghiệm của nhiếp ảnh gia. Nghĩa là trạm dừng thứ ba đại diện cho 3 năm hoạt động nhiếp ảnh. Rồi, vậy bạn đã nghiên cứu trường phái ảnh khỏa thân được 3 năm. Ta gọi nó là xe buýt số 21.”

“Bạn đem tác phẩm của mình trong 3 năm đó đến Viện Bảo tàng Mỹ thuật ở Boston và người phụ trách bảo tàng hỏi rằng bạn có biết dòng ảnh khỏa thân của Irving Penn không. Tuyến xe của người phụ trách, tuyến số 71, đi theo hướng của nhiếp ảnh gia này. Hoặc bạn đem tác phẩm đến một phòng trưng bày ở Paris và được một người có tuyến số 58 gợi ý bạn tìm hiểu các tác phẩm của Bill Brandt, rồi cứ thế. Bị sốc, bạn nhận ra những gì mình làm trong 3 năm qua đã được người khác làm rồi.”

“Vì vậy bạn xuống xe, bắt taxi – vì cuộc đời ngắn lắm – và hướng thẳng về bến xe để tìm trạm mới.”

Ông nói, “Lần này, bạn chụp ảnh màu khổ 8×10 cảnh người nằm trên bãi biển từ trên xe thang nâng. Bạn tốn 3 năm, 3.000 đô-la cho việc này, và tạo ra một loạt tác phẩm chỉ để nhận được cùng một nhận xét. ‘Anh chưa xem tác phẩm của Richard Misrach à?’ Hoặc, nếu đây là ảnh trắng đen mờ ảo khổ 8×10 chụp cây cọ đung đưa ở bãi biển, lời nhận xét sẽ là ‘anh chưa xem tác phẩm của Sally Mann sao?’”

“Vậy lại một lần nữa, bạn xuống xe, bắt taxi, chạy về và tìm một trạm dừng mới. Chuyện này tiếp tục diễn ra suốt cuộc đời sáng tạo của bạn, lúc nào cũng cho ra tác phẩm mới, lúc nào cũng bị so sánh với người khác.”

“Ở NGUYÊN TRÊN XE”

Minkkinen ngừng lại một chút. Ông hướng mắt về phía các sinh viên và hỏi, “Làm sao đây?”

Ông nói, “Đơn giản thôi. Hãy ở lại trên xe. Ở lại trên cái xe đáng ghét đó. Vì nếu ở lại, đến cuối cùng, bạn sẽ bắt đầu thấy sự khác biệt.”

“Những chiếc xe đi khỏi Helsinki đi cùng một tuyến đường, nhưng chỉ trong một lúc – có thể là một 2 kí-lô-mét. Sau đó các xe bắt đầu tách ra, mỗi xe lên đường đến điểm đến độc nhất của riêng nó. Xe số 33 đột ngột rẽ lên phía bắc. Xe số 19 đi hướng tây nam. Có một giai đoạn xe số 21 và 71 có thể đi chung tuyến, nhưng sớm muộn gì hai xe cũng tách ra. Irving Penn đã hướng đến nơi khác.”

Minkkinen nói, “Sự tách biệt là cái tạo nên mọi sự khác biệt. Và khi bạn bắt đầu nhìn thấy sự khác biệt đó trong tác phẩm của mình so với các tác phẩm mình hâm mộ – dù gì thì đó cũng chính là lý do mà bạn chọn trạm dừng này – thì đó là lúc bạn cần tìm sự đột phá. Đột nhiên tác phẩm của bạn bắt đầu được chú ý. Bây giờ bạn đơn thương độc mã nhiều hơn, tạo ra nhiều khác biệt giữa tác phẩm của mình và những tác phẩm đã ảnh hưởng đến nó hơn. Tầm nhìn của bạn phát triển. Khi bạn có nhiều kinh nghiệm và bắt đầu có nhiều tác phẩm, không bao lâu nữa các nhà phê bình sẽ trở nên rất hứng thú với bạn, không chỉ vì điểm tách biệt tác phẩm của bạn với tác phẩm của Sally Mann hay Ralph Gibson, mà còn vì những gì bạn đã làm khi bạn mới vào nghề!”

“Thật ra, bạn đã đi lại đúng cả tuyến đường. Mấy tấm ảnh cổ điển được tạo ra từ 20 năm trước đột nhiên được đánh giá lại và bắt đầu được bán với giá cao. Đến cuối tuyến đường – khi chiếc xe ngừng lại nghỉ và bác tài có thể xuống xe hút điếu thuốc hoặc tốt hơn nữa là uống một ly cà phê – đó là khi công việc đã xong. Đó có thể là điểm đích trong sự nghiệp nghệ sĩ của bạn hoặc là điểm đích của cuộc đời bạn, nhưng tất cả kết quả hiện đang ở trước mắt bạn, (cái gọi là) sự bắt chước ban đầu, những đột phá, những thăng trầm, những tuyệt tác cuối cùng, tất cả đều có dấu ấn riêng của bạn.

“Tại sao? Vì bạn đã ở nguyên trên xe.”

SỰ KIÊN ĐỊNH CÓ DẪN ĐẾN THÀNH CÔNG?

Gần đây tôi viết về việc trở thành bậc thầy cần phải có sự kiên định. Sự kiên định gồm việc làm đi làm lại, cải thiện tốc độ làm việc trung bình, và tập yêu thích sự nhàm chán. Những tư tưởng này rất quan trọng, nhưng Lý Thuyết Bến Xe Buýt Helsinki giúp làm rõ và phân biệt vài chi tiết quan trọng mà bình thường hay bị bỏ sót.

Sự kiên định có dẫn đến thành công không?

Hãy nghĩ đến một sinh viên đại học. Tới giờ thì họ gần như đã tốn hơn 10.000 giờ trong lớp. Họ có phải là chuyên gia lĩnh hội tất cả các thông tin mà giáo viên đưa ra không? Hoàn toàn không. Phần lớn thông tin ta nghe được trong lớp sau đó nhanh chóng bị lãng quên.

Hãy nghĩ đến một người làm việc mỗi ngày trên máy tính. Nếu bạn đã làm công việc này nhiều năm trời, rất có khả năng bạn đã tốn hơn 10.000 giờ viết và trả lời email. Sau tất cả những hoạt động viết lách này, bạn có kỹ năng viết ra quyển tiểu thuyết ăn khách tiếp theo không? Chắc là không.

Hãy nghĩ đến một người bình thường đi tập gym mỗi tuần. Nhiều người tập gym nhiều năm trời và thậm chí đến mấy chục năm. Dáng vóc của họ có được như các vận động viên xuất sắc không? Họ có sở hữu sức mạnh ở mức đó không? Không hẳn.

Đặc điểm chủ chốt của Lý Thuyết Bến Xe Buýt Helsinki là buộc bạn không chỉ làm việc nhiều hơn mà còn phải làm lại nó nhiều hơn.

KHÔNG PHẢI LÀM, MÀ LÀ LÀM LẠI

Các sinh viên bình thường học các khái niệm một lần. Các sinh viên giỏi nhất học đi học lại các khái niệm. Các nhân viên bình thường viết email một lần. Các tiểu thuyết gia xuất sắc viết đi viết lại các chương sách. Người thích tập gym bình thường tập cùng một động tác thể dục mỗi tuần theo thói quen. Vận động viên giỏi nhất chủ động phê bình mỗi động tác mình lặp lại và luôn cải thiện kỹ thuật. Chính việc điều chỉnh lại mới là quan trọng nhất.

Tiếp tục lấy hình tượng chiếc xe buýt, những nhà nhiếp ảnh xuống xe sau vài trạm dừng rồi sau đó lên một tuyến mới vẫn đang làm việc suốt. Họ đang tích lũy 10.000 giờ đồng hồ. Tuy nhiên, họ không làm đi làm lại. Họ bận đổi từ tuyến này sang tuyến khác với hy vọng tìm được con đường chưa từng có ai đi đến nỗi không đầu tư thời gian thực hiện lại ý tưởng cũ của mình. Và theo như Lý Thuyết Trạm Xe Buýt Helsinki đã làm rõ, thì hành động làm đi làm lại này là mấu chốt để tạo ra sự độc đáo và tuyệt vời.

Bằng cách ở nguyên trên xe, bạn cho mình thời gian làm đi làm lại và điều chỉnh cho đến khi tạo được một điều gì đó độc đáo, truyền cảm hứng và vĩ đại. Bạn chỉ đạt được sự tinh thông khi ở nguyên trên xe. Nếu bạn dành đủ thời gian để loại đi những ý tưởng bình thường, sẽ có lúc ý tưởng đột phá sẽ tự xuất hiện.

Quyển Outliers của Malcolm Gladwell đã phổ biến quy luật 10.000 giờ, khẳng định rằng để trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực nhất định, ta phải mất 10.000 giờ tập luyện có ý thức. Tôi cho rằng chúng ta thường quên đi sự thật rằng luyện tập có ý thức cũng là một sự điều chỉnh lại. Nếu không chú ý đúng mức đến việc này thì bạn không phải đang luyện tập có ý thức.

Nhiều người tích lũy 10.000 giờ. Rất hiếm người tích lũy 10.000 giờ điều chỉnh lại. Cách duy nhất để làm điều đó là ở nguyên trên xe.

BẠN SẼ ĐI TUYẾN XE NÀO?

Chúng ta đều là những nhà sáng tạo trong một khả năng nhất định. Nhà quản lý nỗ lực nghĩ ra một sáng kiến mới. Người kế toán tạo ra quy trình quản lý giấy tờ khai thuế nhanh nhất. Người y tá nghĩ ra cách quản lý bệnh nhân tốt hơn. Và dĩ nhiên, nhà văn, nhà thiết kế, họa sĩ và nhạc sĩ dốc sức đưa tác phẩm của họ đến với thế giới. Họ đều là những nhà sáng tạo.

Nhà sáng tạo nào cố gắng làm xã hội tiến bộ cũng sẽ trải qua thất bại. Ta thường phản ứng với những thất bại này bằng cách gọi taxi và chuyển sang một tuyến xe buýt mới. Có lẽ chuyến đi sẽ dễ chịu hơn ở tuyến này.

Thay vì vậy, ta nên ở nguyên trên xe và quyết tâm xem xét lại, suy nghĩ lại và điều chỉnh lại các ý tưởng.

Tuy nhiên, để làm được điều đó, bạn phải trả lời được câu hỏi mang tính quyết định và khó khăn nhất. Bạn sẽ đi tuyến xe nào? Bạn muốn kể cho đời câu chuyện gì? Bạn muốn dành cuộc đời mình để điều chỉnh và cải thiện điều gì?

Làm thế nào bạn biết đâu là câu trả lời đúng? Bạn không biết đâu. Không ai biết chuyến xe nào là tốt nhất, nhưng nếu muốn phát huy tiềm năng của mình thì bạn phải chọn một chuyến. Đây là một trong những áp lực chính của cuộc sống. Đó là lựa chọn của bạn, nhưng bạn phải chọn.

Và một khi bạn đã chọn rồi thì hãy ở nguyên trên xe.

Theo tamlyhoctoipham.com

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,764 lượt xem