Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Mắc Kẹt Ở Mức Trung Bình: Lý Do Không Thể Thành Công

Đây là chủ đề mà Edward sẽ viết rất nhiều. Trong chuỗi bài này, ở phần 3 Edward nói về một hiện tượng tâm lý trong xã hội, chính xác hơn là một cái bẫy tâm lý rất nhiều người dễ dàng mắc phải, đó là “Mắc kẹt ở mức trung bình”.

Không cần giải thích nhiều thì cái tên gọi cũng đã nói lên tất cả. Chính xác, lý do sẽ khiến cho một số người không thể thành công, và tiến xa đó chính là vì họ bị mắc kẹt ở mức trung bình. Hãy cùng xem thống kê của Ngân hàng thế giới (World Bank) về tỉ lệ phân bổ giàu nghèo:

10% nhóm người giàu nhất —> 83% tổng tài sản

40% nhóm người trung bình —> 15% tổng tài sản

50% nhóm người nghèo nhất —> 2% tổng tài sản

Điều này nghĩa là như nào?

Hãy tưởng tượng thế giới có tất cả 100 người và tổng tài sản là 100 cái bánh Pizza, như thế nghĩa là mỗi ngày trôi qua, 10 người giàu nhất có 83 cái bánh, 40 người trung bình có 15 cái và 50 người nghèo nhất có 2 cái bánh. Chỉ cần làm phép chia đơn giản bạn cũng có thể nhận ra kết quả như sau về tỉ lệ:

Nhóm người giàu: trung bình 8,3 cái bánh/ngày

Nhóm trung bình: trung bình 0.375 cái bánh/ngày

Nhóm người nghèo: trung bình 0.04 cái bánh/ngày

Đọc đến đây, có thể bạn sẽ có những thắc mắc như sau:

SỰ CHÊNH LỆCH GIÀU NGHÈO LÀ NGHỊCH LÝ VÀ CŨNG LÀ CHÂN LÝ

Làm sao mà một người giàu trung bình 8,3 cái bánh được? Hay nói cách khác làm gì có chuyện chênh lệch giàu nghèo một cách dữ dội như thế? Vô lý. Hãy bình tĩnh nhìn một vài con số thống kê sau:

(1) Bill Gate tại thời điểm hiện tại có tổng tài sản vào khoảng hơn 85 tỷ đô (năm 2017). Năm 2042 ông được dự đoán là Siêu tỷ phú đầu tiên trên thế giới (Trillionaire chứ không phải là Billionaire) – tức người sở hữu tổng tài sản là 1.000 tỷ đô. Người đàn ông sinh năm 1955 này sẽ làm được điều đó với một điều kiện duy nhất là chỉ cần ông ta còn sống được đến năm 2042 (Khi đó ông ta 87 tuổi).

(2) Theo báo cáo của Oxfam – năm 2009 thế giới có 793 tỷ phú (1 tỷ đô), tổng tài sản là 2.400 tỷ đô, tính đến năm 2016, tổng tài sản của họ là 5.000 tỷ đô. Theo thống kê dân số thế giới 2009 là 7,6 tỷ người. Chỉ gần 800 tỷ phú so với 8,000,000,000 người đã có thể kiếm được 2.400 tỷ đô.  Oxfam ước tính 1% người giàu nhất thế giới nắm số tài sản nhiều hơn 99% còn lại. Và 8 người giàu nhất – Bill Gates, Warren Buffett, Carlos Slim, Jeff Bezos, Mark Zuckerberg, Amancio Ortega, Larry Ellison, Michael Bloomberg – sở hữu tổng cộng 426 tỷ USD. Con số này bằng nửa tài sản toàn cầu. Đó là lý do vì sao câu nói “Người giàu ngày càng giàu, người nghèo ngày càng nghèo” đã trở thành chân lý.

Dĩ nhiên, ở đây Edward cố tình đưa ra các thống kê từ thế giới (World Bank, Oxfam) và những người làm giàu chân chính và làm giàu bền vững trên thế giới để các bạn bớt phản biện chuyện con ông cháu cha ở đây.

NHÓM NGƯỜI KHÔNG THỂ THÀNH CÔNG CÓ PHẢI LÀ NHÓM NGƯỜI NGHÈO NHẤT?

Nếu nhìn vào thống kê của World Bank, một số người không thể thành công phải là nhóm người nghèo nhất chứ? Bởi vì 50% dân số thế giới chỉ sở hữu có 2% tài sản. Điều này đúng và không đúng.

(1) Đúng là bởi vì dĩ nhiên, phần lớn những người ở nhóm này họ sẽ chấp nhận nghèo nàn cả đời. Theo thống kê, 96% dân số ở nhóm người nghèo sẽ chấp nhận cả cuộc đời như vậy. Điều này, các bạn có thể đọc lại phần 1 đã lý giải nguyên nhân, tóm tắt như sau: Là do tuổi trẻ không chuẩn bị, thiếu cả kiến thức và kỹ năng, cho nên khi ra trường không bứt phá được, dẫn đến chuyện ngoài 30 tuổi thì bị hiện tượng tâm lý là “khủng hoảng tuổi trung niên”, và cuối cùng là không bao giờ thành công được.

(2) Còn lý do không đúng là bởi vì trong số 4% còn lại, vì họ quá khổ, quá khó khăn (giả sử sinh ra trong nghèo đói, thiếu thốn vật chất, tinh thần, không có điều kiện học tập tốt,…) họ sẽ quyết tâm bứt phá. Họ không muốn quá khứ lặp lại, họ không muốn tương lai của mình sẽ đen tối. Và họ quyết định sống một cuộc đời họ chưa bao giờ có được. Bạn có nhớ thống kê nhóm 10% giàu nhất sở hữu 83% tài sản? Điều đáng bất ngờ hơn nữa là 80% số người trong nhóm 10% đó xuất thân từ nghèo khó. Cho nên, xuất thân nghèo khó, hoàn cảnh khó khăn không đồng nghĩa với việc không thể thành công.

Phía cuối con đường nhỏ hẹp tại một vùng quê yên bình, trên một khu đất trống rộng rãi, xung quanh toàn bụi rậm và cỏ dại mọc um tùm. Nơi đó người ta đã xây nên một sân bóng đá nho nhỏ, đủ rộng để lũ trẻ con và những cậu thanh niên ở đây có một nơi thể thoải mái vui chơi đá bóng mỗi ngày. Và đây cũng chính là nơi mà một cậu bé chân trần đã chạy những bước đầu tiên trong cuộc đời của mình. Cậu bé ấy sinh ra là con út trong gia đình có 4 anh chị em. Mẹ làm đầu bếp, bố làm vườn thời vụ, công việc của cả hai vợ chồng không thể đủ để nuôi sống gia đình có tới 6 miệng ăn.

Và điều gì đến cũng phải đến. Gia đình nhỏ ấy tan rã khi cậu bé lên 11 tuổi. Không những vậy, cha cậu còn qua đời vì viêm gan do chứng nghiện rượu. Những tưởng việc học tập của cậu sẽ bù đắp lại gia cảnh khốn khó của mình. Nhưng không, những năm tháng trường học cũng đồng thời là những năm tháng đen tối nhất trong cuộc đời của cậu. Khi đi học, cậu bị bạn bè chê cười vì giọng nói địa phương của mình. Thành tích đi học cuối năm tiểu học của cậu, cậu bị xếp học lực loại yếu. Không những thế, vì không chịu được sự trêu trọc của bạn bè thậm chí có cả thầy cô, cậu còn để lại một chiến tích là cầm ghế đánh thầy giáo trước khi bị đuổi học.

Sau khi bị đuổi học, cậu bé ấy chỉ còn duy nhất bóng đá là đam mê để cho mình theo đuổi, bởi lẽ cuộc sống với cậu tất cả chỉ là con số 0. Không gia đình, không tiền bạc, không học hành, không bạn bè, không người thân thích. Nhưng cuộc đời chẳng dễ dàng gì khi đá bóng đến năm 15 tuổi, bác sĩ chẩn đoán cậu bị hội chứng tim đập nhanh. Và bệnh tim có thể khiến cho cậu phải từ bỏ đam mê đó mãi mãi.

Năm 2009, ở tuổi cậu bé ấy được mua lại với mức phí chuyển nhượng lên tới 80 triệu bảng (Khoảng 2.400 tỷ) và trở thành cầu thủ đắt giá nhất trong lịch sử bóng đá thế giới. Năm 2016, cậu bé ấy trở thành vận động viên có thu nhập cao nhất thế giới với thu nhập lên tới 84,1 triệu đô la (Khoảng 1.600 tỷ). Với 32 danh hiệu: vô địch Ngoại hạng Anh (Premier League), vô địch giải Tây Ban Nha (La Liga), vô địch các CLB Châu Âu (Champions League), vô địch các nước Châu Âu (Euro), trong đó có tới 4 lần chiếc giày vàng, 4 lần quả bóng vàng, 3 lần được bình chọn cầu thủ hay nhất thế giới; “cậu bé” trở thành một trong những huyền thoại đã đi vào lịch sử. “Cậu bé” ấy sinh ra không có giầy nhưng khi chết đi, trong bộ sưu tập của cậu sẽ có nhiều thứ đáng mơ ước mà nhiều người có giầy không làm được.

Chính vì vậy, xuất thân nghèo khó, hoàn cảnh khó khăn không đồng nghĩa với việc không thể thành công.

NHÓM NGƯỜI KHÔNG THỂ THÀNH CÔNG LÀ AI?

Vậy có thêm một nhóm người sẽ không thể thành công là ai? Đó chính là nhóm người mắc kẹt ở mức trung bình. Hãy cùng quay trở lại thống kê của World Bank, 40% nắm giữ 15% tài sản. Tức một người trung bình 0.375 chiếc bánh Pizza mỗi ngày. Dĩ nhiên, mỗi ngày chỉ được gần nửa cái bánh thì không thể no, nhưng vấn đề là họ cũng không bị đói. Mà không đói thì dẫn đến việc không có động lực để kiếm ăn. Không quá no, chẳng quá đói, mắc kẹt ở giữa mới là điều nguy hiểm. Và đây là lúc chúng ta cùng nhau phân tích dưới góc nhìn tâm lý.

Về mặt tâm lý, từ khóa nhiều nhất mà các bậc cha mẹ, thầy cô thường nói với chúng ta thời đi học đó là cố gắng học lấy cái bằng, ra trường tìm một việc làm để ỔN ĐỊNH. Ổn định là sao? Là có công việc, có lương cố định hàng tháng, nắng mưa ốm đau không phải lo nghĩ, lập gia đình, sinh con, tìm nhà, có những tài sản nhất định, có địa vị nhất định là sẽ ổn định theo đúng nguyện vọng của cha mẹ. Và cũng chính bởi vì sự “ỔN ĐỊNH” đó dẫn đến cảm giác an toàn. Và khi ở trong vùng trung bình, bởi vì cảm thấy an toàn cho nên người ta gần như không có động lực để tiến lên phía trước.

Khi đi làm, những ngày đầu công việc mới, kĩ năng thiếu, bạn còn lo lắng, tập trung cao độ để bản thân mình tiến lên phía trước. Sau một vài năm, bạn chợt nhận ra môi trường có những thứ không vừa ý bạn, hóa ra lý tưởng ngày nào bạn xây trong đầu giờ đã tan vỡ. Cuộc đời không như là mơ. Bạn tự nhủ, vì sao mình phải cố gắng trong khi xung quanh mình toàn người lười (trong khi bạn không biết một điều là những người giống nhau sẽ hút nhau), rồi có thể bạn than phiền về chế độ, ràng buộc bởi trách nhiệm với gia đình, loay hoay trong cái vòng luẩn quẩn. Và rồi một ngày bạn mệt mỏi vì sự luẩn quẩn ấy. Kết cục, khi người ta không bứt phá ra được, người ta sẽ bỏ cuộc và với một từ là an phận. Họ kết thúc ở mức mắc kẹt trung bình cho đến khi họ về hưu và tiếp tục nhắn nhủ đời sau, hãy cố gắng để sau này có công việc ỔN ĐỊNH.

TRÍ TUỆ NHÂN TẠO (CÁCH MẠNG 4.0) LÀM CHO NHÓM NGƯỜI MẮC KẸT MỨC TRUNG BÌNH KHÔNG THỂ THÀNH CÔNG

Nghe thì cũng không quá đáng sợ phải không? Bởi vì dù sao nhóm người này cũng không đến nỗi tệ cho lắm. Nhưng sự thật không đơn giản như thế. Gần đây, tổng thống Nga Putin tuyên bố, trong thời điểm hiện tại, nước nào nắm được AI (Artificial Intelligence) hay còn gọi là trí tuệ nhân tạo – nước đó sẽ là bá chủ thế giới. AI là gì mà kinh khủng vậy?

Nói đơn giản đó là thời đại của Robot, của tư duy đẳng cấp cao, của sự phát triển bản thân và trí tuệ đạt một tầm cao mới. Gần đây, hàng loạt người lao động ở mức trung bình bị mất việc làm bởi robot. Điển hình như nhờ tự động hóa sản xuất, gốm sứ Minh Long I đã cắt giảm 95% người lao động. Điều này có nghĩa là sau một đêm, 95% những người đang ỔN ĐỊNH bỗng dưng mất việc.

Tương tự như vậy, cách đây 1-2 năm khái niệm Grab, Uber còn là một điều gì đó rất xa lạ với người dân Việt Nam. Còn bây giờ – có lẽ cũng phải 95% xe ôm truyền thống buộc phải lựa chọn: (1) là bỏ nghề; (2) là học cách sử dụng smart phone để chuyển sang grab, uber và dĩ nhiên phần nhiều, những người có thu nhập mức trung bình phải bỏ cuộc chỉ sau cơn sóng thần Grab, Uber. Foxconn, doanh nghiệp Đài Loan chuyên sản xuất phụ kiện cho Apple, Sony và Nokia đã cắt giảm 60.000 công nhân, tức là hơn một nửa lượng lao động để thay thế bằng robot. Nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) dự báo, trong 2 thập niên tới, khoảng 56% số lao động tại 5 quốc gia Đông Nam Á có nguy cơ mất việc vì robot, đặc biệt là ngành may mặc với tỉ lệ lên đến 86%. Còn theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, đến năm 2021, sẽ có 7,2 triệu lao động dư thừa trên toàn cầu, chủ yếu trong các lĩnh vực quản lý và quản trị, đặc biệt là trong ngành y tế.

Ngay cả những người trong lĩnh vực bán hàng, ngân hàng, luật sư cũng có nguy cơ mất việc cao hơn thế. Thậm chí nhóm nghề khủng như phi công cũng đang phải cạnh tranh với robot bởi vì hai giai đoạn phi công gặp khó khăn nhất và dễ gặp tai nạn nhất là lúc cất cánh và hạ cánh. Như vậy, những phi công ở mức trung bình với kĩ thuật trung bình sẽ bị loại, còn những phi công ở đẳng cấp cao, sẽ ở lại và đồng hành cùng robot.

KẾT LUẬN

Trong tương lai, nhóm người ở mức trung bình này sẽ tự bị đào thải bởi cuộc cách mạng 4.0 – cách mạng công nghiệp mà không hiểu vì sao mình bị đào thải. Cho nên sau này, thống kê của World Bank sẽ không còn 3 nhóm người, mà sẽ chỉ phân chia thành 2 nhóm như sau:

10% những người giàu nhất —> 90% tổng tài sản

90% những người trung bình —> 10% tổng tài sản

Và bởi vì vốn dĩ nửa đời quen với khái niệm ỔN ĐỊNH, cái gì cũng tầm tầm, cái gì cũng biết chút chút, nhưng chẳng có gì là đột phá cả, thì làm sao mà nhóm người đó có thể thành công? Cho nên, nếu bạn đang ở trong nhóm mắc kẹt ở mức trung bình, thì việc bằng mọi giá để leo lên nhóm 10% giỏi nhất (thì thu nhập sẽ giàu nhất) hay việc để xã hội tự đào thải mình rơi xuống nhóm 90% những người trung bình, là LỰA CHỌN của bạn. 

Theo tamly.blog

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

549 lượt xem