Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Mặt Tối Của Sự Vĩ Đại: Khi Thành Công Dẫn Đến Thất Bại

Những gì giúp một người xuất sắc trong một lĩnh vực thường khiến họ khốn khổ ở các lĩnh vực khác.

Pablo Picasso là một trong những họa sĩ nổi tiếng nhất thế kỷ 20, đồng thời là cái tên quen thuộc ngay cả đối với những người mới “chân ướt chân ráo” bước vào giới mỹ thuật như tôi.

Gần đây tôi đã tham dự một buổi triển lãm tranh của Picasso. Điều làm tôi ấn tượng nhất không phải là bất kì bức tranh riêng lẻ nào, mà chính là khối lượng tác phẩm cực kì đồ sộ của ông. Các nhà nghiên cứu đã liệt kê 26.075 tác phẩm của Picasso và một số người tin rằng con số tổng cộng đúng hơn là 50.000.

Khi phát hiện ra Picasso sống đến 91 tuổi, tôi quyết định thực hiện một bài toán. Picasso đã sống tổng cộng 33.403 ngày. Với 26.075 tác phẩm đã công bố, nghĩa là từ năm 20 tuổi cho đến khi ông qua đời ở tuổi 91, trung bình một ngày Picasso tạo ra một tác phẩm mới. Suốt 71 năm, mỗi ngày ông đều cho ra một tác phẩm mới.

Lượng tác phẩm đồ sộ này không chỉ đóng vai trò lớn trong việc làm nên tiếng tăm của Picasso khắp 5 châu, mà còn giúp ông tích lũy một khối tài sản khổng lồ trị giá khoảng 500 triệu đô-la khi ông qua đời năm 1973. Những tác phẩm của ông đã trở nên quá nổi tiếng và nhiều đến mức, theo Art Loss Register(*), Picasso là họa sĩ bị trộm tranh nhiều nhất trong lịch sử, với hơn 550 tác phẩm hiện vẫn còn thất lạc.

Điều khiến Picasso vĩ đại không chỉ là số lượng tác phẩm của ông, mà còn là cách thức mà ông sáng tác. Ông đồng sáng lập Chủ nghĩa Lập thể và sáng tạo ra nghệ thuật cắt dán. Ông là họa sĩ được những người cùng thời sao chép. Tên ông được nhắc đến trong bất cứ cuộc thảo luận nào về những họa sĩ nổi tiếng nhất trong lịch sử.

 

Ảnh chụp chân dung Picasso.

PHẢI LÒNG PICASSO

Phải lòng Picasso là một điều kinh khủng.

Ông kết hôn lần đầu với một phụ nữ tên Olga Khokhlova và họ có với nhau một người con. Hai người chia tay sau khi bà phát hiện Picasso ngoại tình với một cô gái 17 tuổi tên là Marie-Therese Walter. Khi đó ông 45 tuổi.

Picasso có một người con với Walter, nhưng vài năm sau ông lại có những nhân tình khác. Năm 1944, ông bắt đầu hẹn hò với một nữ sinh viên hội họa tên Francoise Gilot. Khi ấy cô 23 tuổi, còn Picasso vừa bước sang tuổi 63.

Gilot và Picasso có với nhau 2 người con, nhưng mối quan hệ của họ đã chấm dứt khi lại một lần nữa, Picasso bắt đầu ngoại tình, lần này với một người phụ nữ kém ông 43 tuổi. Sau khi chia tay, Gilot xuất bản một cuốn sách với tựa đề Life with Picasso (Sống cùng Picasso), trong đó bà tiết lộ một danh sách dài những cuộc tình chóng vánh của ông, và cuốn sách này đã bán được hơn 1 triệu bản. Để trả đũa, Picasso cự tuyệt gặp mặt hai người con của ông với Gilot mãi mãi.

Nhìn chung, đời sống tình cảm của Picasso xoay quanh những cuộc ngoại tình và sự phản bội. Theo lời người hướng dẫn ở buổi triển lãm Picasso, “Lúc nào ông cũng có rất nhiều tình nhân khác.” Chắc hẳn phải có điều gì ở Picasso làm say đắm những người phụ nữ này, bởi sau khi ông qua đời, không chỉ một, mà đến hai người tình của ông tự tử vì tiếc thương quá đỗi.

MẶT TỐI

Nhiều phẩm chất khiến cho người ta trở nên vĩ đại cũng có mặt tối của nó. Việc Picasso cực kỳ tập trung vào nghệ thuật khiến ông xem mọi thứ khác trong cuộc sống chỉ là thứ yếu, bao gồm những mối quan hệ và con cái.

Hầu hết mọi người ưu tiên mối quan hệ với người yêu và có nhiều thú vui và sở thích khác nhau trong những giai đoạn khác nhau. Picasso thì ngược lại. Ông xem mối quan hệ với hội họa là trên hết, trong khi người tình chỉ như những thú vui và sở thích tạm thời, điều mà thi thoảng ông thử nghiệm trong một khoảng thời gian.

Vài học giả tin rằng nhiều mối quan hệ của Picasso có vai trò thiết yếu trong quá trình phát triển hội họa của ông. Theo nhà phê bình hội họa Arthur Danto, “Picasso sáng tạo một phong cách mới mỗi lần ông yêu một người phụ nữ mới.”

Đây là mặt tối của thế mạnh hội họa của ông. Những phẩm chất giúp Picasso trở thành một trong những họa sĩ vĩ đại nhất mọi thời đại rất có thể đã biến ông thành một người bạn đời tệ bạc. Điều này giống như hai mặt của một đồng xu. Bạn không thể có mặt này mà không có mặt kia.

MẶT TỐI XUẤT HIỆN TRONG MỌI LĨNH VỰC

Tôi không có ý chỉ trích Picasso. Ý tưởng cho rằng ưu điểm có cái giá của nó, nhất là những ưu điểm tột bậc, đúng trong hầu hết mọi lĩnh vực.

Lấy ví dụ, Floyd Mayweather Jr vốn được xem là một trong những tay đấm bốc vĩ đại nhất mọi thời đại. Kỷ lục trong sự nghiệp của anh là 49-0. Trong suốt sự nghiệp của mình, anh đã kiếm được hơn 1,3 tỷ đô-la.

Đồng thời, anh có vấn đề nghiêm trọng về kiểm soát cơn giận. Anh bị buộc tội 2 lần năm 2002 vì bạo lực gia đình, 2 lần năm 2004 vì hành hung phụ nữ. Thêm 2 lần cáo buộc hành hung nữa vào năm 2005 và 2010. Đó là chưa kể đến những cáo buộc được đưa ra nhưng về sau không được xử rốt ráo.

Những phẩm chất giúp anh trở thành tay đấm bốc có một không hai – cơn giận không kiềm chế và sự thiếu kiểm soát – cũng đồng thời khiến anh trở nên bạo lực trong những tình huống đời thường. Sự kết hợp này khiến Floyd bất bại trên sàn đấu và “bất kham” trong những lĩnh vực còn lại của cuộc sống.

MỌI THẾ MẠNH ĐỀU CÓ SỰ ĐÁNH ĐỔI

Lúc này, có thể bạn đang nghĩ, “Chà, bạn đâu nhất thiết phải lừa dối chồng hay vợ mình để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời, hay đánh người khác nhừ tử để trở thành tay đấm bốc giỏi. Đó là hai việc hoàn toàn khác nhau.”

Bạn nói đúng. Ở đây tôi dùng một số ví dụ khá cực đoan để thể hiện quan điểm của mình, tuy nhiên, đúng là mỗi thế mạnh đều có mặt tối của nó. Một số tối hơn một số khác, nhưng mọi con đường dẫn đến thành công đều có cái giá của nó.

Có thể bạn là một bác sĩ hay y tá vốn đã học được cách tách rời bản thân khỏi những cảm xúc trước cái chết. Phẩm chất này cho phép bạn làm tốt công việc của mình khi mỗi ngày đều có những bệnh nhân qua đời, nhưng đồng thời nó cũng làm giảm khả năng đồng cảm và mối liên kết giữa bạn với bạn bè và gia đình.

Có thể bạn là một nhà khoa học vốn giữ những chuẩn mực cao nhất. Sự cầu toàn này khiến bạn rất xuất sắc tại phòng nghiên cứu, nhưng lại khiến bạn yêu thương con cái theo cách khắc nghiệt, và các con bạn lớn lên với niềm tin rằng những gì chúng làm không bao giờ đủ tốt với bạn.

Có thể bạn là một người bạn thông minh, nhiệt tình, và muốn giúp đỡ người khác bằng cách luôn mang đến giá trị. Bạn chỉ cố gắng trở nên có ích thôi, nhưng cuối cùng bạn lại đem đến quá nhiều giá trị. Bạn bè mong bạn chỉ cần lắng nghe những vấn đề của họ và không cần phải “nhúng tay” vào mọi thứ.

Mặt tối có thể biểu hiện dưới vô vàn hình thức, nhưng tất cả đều đưa đến một kết luận duy nhất: mọi thế mạnh đều có sự đánh đổi.

THÀNH CÔNG CÓ ĐÁNG ĐỂ BẠN CHẤP NHẬN MẶT TỐI ĐÓ HAY KHÔNG?

Thành công vốn phức tạp. Ta thích khen ngợi người khác vì họ trở nên nổi tiếng, giành được chức vô địch và kiếm được nhiều tiền, nhưng ta lại hiếm khi thảo luận về cái giá của thành công.

Vẻ đẹp trong những tác phẩm của Picasso có mang đến cho thế giới nhiều niềm vui hơn so với nỗi đau mà ông gây ra trong hàng loạt các mối quan hệ tan vỡ không? Tôi và bạn dễ dàng tin rằng sự cống hiến của ông là hoàn toàn tích cực vì chúng ta không phải chịu đựng nỗi đau. Những người vợ và tình nhân cũ của ông có thể cảm thấy khác – nhất là hai người đã tự sát.

Người ta thường nói về thành công mà họ khao khát trong cuộc sống, nhưng như tác giả Mark Manson viết, câu hỏi quan trọng nhất dành cho bản thân không phải là, “Mình muốn loại thành công nào?”, mà là, “Mình muốn loại nỗi đau nào?”

Bạn có chấp nhận mặt tối đi cùng với thành công không? Bạn có chấp nhận những gánh nặng đi cùng với tiền thưởng không? Bạn sẵn sàng chấp nhận loại nỗi đau nào để đạt được điều mình mong muốn? Khi trả lời thật lòng câu hỏi này, bạn sẽ có cái nhìn sáng suốt hơn về điều mình thật sự quan tâm, thay vì chỉ nghĩ đến những ước mơ và khát vọng của mình.

Muốn độc lập về tài chính, được cấp trên chấp thuận, hoặc có ngoại hình ưa nhìn thì dễ rồi. Ai cũng muốn những điều đó. Nhưng bạn có muốn mặt tối đi cùng với nó không? Bạn có muốn bỏ ra 2 giờ đồng hồ tăng ca mỗi ngày thay vì ở bên con cái không? Bạn có muốn đặt sự nghiệp lên trên hôn nhân không? Bạn có muốn dậy sớm và đến phòng tập gym khi vẫn còn muốn ngủ tiếp không? Những người khác nhau có những câu trả lời khác nhau, và bạn sẽ phải tự mình quyết định đâu là điều tốt nhất cho bản thân, nhưng giả vờ rằng không hề có mặt tối nào thì không phải là một chiến lược hay.

THÀNH CÔNG CÀNG LỚN, MẶT TỐI CÀNG LỚN

Thành công ở một lĩnh vực thường đi cùng với thất bại ở một lĩnh vực khác, nhất là những thành công tột bậc. Mức độ thành công càng lớn, mặt tối càng phủ rộng hơn.

Nói cách khác, bạn càng tập trung vào một chiều hướng thì những lĩnh vực khác của cuộc sống sẽ càng bị thiệt hại. Đó là thuyết “bốn cái bếp” (Four Burners Theory) trong thực tế. Mở lửa càng lớn trên một bếp, bạn càng có nguy cơ khiến lửa ở những cái bếp còn lại yếu hơn.

Những gì giúp một người xuất sắc trong một lĩnh vực thường khiến họ khốn khổ ở các lĩnh vực khác.

(*) Art Loss Register (ALR) là hệ thống dữ liệu về các tác phẩm nghệ thật, đồ cổ bị thất lạc hoặc đánh cắp. (ND)

Theo ubrand.cool

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,175 lượt xem