Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Một Tuần Không Có Mạng Xã Hội: Liệu Tôi Có Sống Sót Hay Không?

Hạn cuối: 2/26/2027

“Bài viết được dịch từ chia sẻ của Robert Beardwell trên trang www.social-change.co.uk kể về trải nghiệm một tuần không sử dụng mạng xã hội và bài học thiết thực có được từ trải nghiệm đó”

Mạng xã hội

Hiện nay tồn tại một số nhận định rằng mạng xã hội đang có ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của chúng ta. Vì vậy tôi quyết định gạt bỏ mạng xã hội ra khỏi cuộc sống của mình trong vòng một tuần. Nhiều người khi đọc điều này có thể sẽ nghĩ rằng đây là một việc dễ dàng. Tuy nhiên, với một người 23 tuổi như tôi cũng như rất nhiều bạn trẻ khác thì mạng xã hội như là một phần tất yếu để tồn tại vậy. Facebook đã xuất hiện được hơn 10 năm rồi. Như thế là tôi đã dành phần lớn quãng thời gian niên thiếu của mình để “tán tỉnh” thông qua mạng xã hội, và có được một mối quan hệ thực sự lúc trưởng thành. Hãy cùng tìm hiểu làm thế nào mà tôi sống qua ngày khi phải tạm ngưng sử dụng mạng xã hội.

Ngày 1 – Thứ Hai

Tôi thích nghĩ rằng mình là người thông minh, có khả năng đặt ra cho bản thân những thử thách để rồi tự vượt qua và học hỏi từ chúng. Ví dụ như, cách đây vài tháng tôi đã ăn chay một tuần để thấy được liệu một sự thay đổi trong chế độ ăn uống ảnh hưởng đến tôi như thế nào.

Hồi tưởng lại mọi thứ vào lúc này, dù ghét nhưng tôi phải thừa nhận rằng mình đã từng quá “ngây thơ” khi đối mặt với những thách thức nhỏ nhặt kia. Phương pháp này áp dụng đối với mạng xã hội mà nói thì thật là kinh khủng.

Thông thường thói quen hàng ngày của tôi đó là không dùng mạng xã hội cho đến thời gian ăn trưa, chủ yếu là vì ai mà muốn nhìn vào màn hình điện thoại/ máy tính ngay khi vừa thức dậy cơ chứ? Tuy nhiên, “trở ngại” đầu tiên đó là khi tôi bắt đầu ăn sandwich. Không giống như những thử thách khác khiến bạn từ bỏ thói quen tầm 10-20 lần mỗi ngày, chẳng hạn bỏ thuộc lá, thách thức này có thể liên quan đến việc từ bỏ tới hơn 50 thói quen trong một ngày. Lướt Facebook lúc ăn trưa ư, không được. Nhanh chóng kiểm tra tin nhắn trong ngày ư? Không. Tò mò về mọi thứ trên Twitter ư… bạn biết rồi đấy.

Tôi đã nghĩ rằng “ảnh hưởng” của thử thách này sẽ chỉ đến trong vài ngày nữa, nhưng thực tế là ngay lập tức tôi cảm thấy mình bị cô lập với tất cả bạn bè. Tôi thường nghĩ kiểu “Mình có bỏ lỡ điều gì không nhỉ?” Sau đó là “Liệu mọi người có nghĩ là mình “đã chết” hay không?”

Ban đầu có vẻ đây là một vấn đề lớn nhưng tôi hy vọng là mọi thứ sẽ được cải thiện trong những ngày tới. Dù vậy, tôi vẫn có một dự cảm không hay rằng cũng như bất kỳ kiểu nghiện ngập nào khác thì mọi chuyện sẽ chỉ tồi tệ hơn mà thôi, trước khi nó trở nên tốt hơn theo một cách nào đó.

Ngày 2 – Thứ Ba

Tất cả mọi người đều đã từng trải qua một hay hai ngày mà không dùng đến mạng xã hội ở thời điểm nào đó trong cuộc đời, kể cả bản thân tôi. Tuy nhiên, khi những ngày như thế qua đi thì sự lôi kéo của mạng xã hội lại bắt đầu trở nên mạnh mẽ hơn.

Hôm nay tôi đã nhận ra rằng mình có nhiều cuộc trò chuyện như thế nào trên các trang mạng xã hội. Một số ở trong các nhóm trò chuyện, một số kéo dài qua nhiều tuần, một số diễn ra hằng ngày với những người bạn vô cùng thân thiết. Tôi lại có những cảm xúc giống với ngày hôm qua, đặc biệt là ý nghĩ “Liệu mọi người có nghĩ là mình “đã chết” hay không?”, nhưng rồi một suy nghĩ mới chợt nảy ra trong đầu tôi “Liệu mọi người có nghĩ rằng mình không còn yêu mến họ nữa không nhỉ?” Lý do khiến tôi nghĩ như thế là vì tôi đã cắt đứt mọi liên lạc mà chỉ thông báo rất qua loa.

Với suy nghĩ này, tôi đã phải nhanh chóng gửi tin nhắn đến một vài người để giải thích về điều gì đang diễn ra. Mặc dù chỉ mới hai ngày mà thôi nhưng tôi nghĩ là mình có thể nói rằng tôi đã/ đang bị nghiện mạng xã hội, và bạn bè của tôi cũng thế. Chỉ mất 48 tiếng để tôi nghĩ rằng bạn bè mình sẽ nghĩ là tôi không thích họ nữa. Điều đó có nói lên được điều gì về nỗi lo sợ bị tách biệt khỏi xã hội rõ như ban ngày của tôi hay không? Hay là sự hoang tưởng của tôi về sức mạnh của những tình bạn mà mình có? Hay là cả hai?

Ngày 3 – Thứ Tư

Hôm nay tôi đã suy nghĩ về tác động thực sự của mạng xã hội đối với tôi từ góc độ xã hội và tâm lý. Tôi tiếp tục trở về với suy nghĩ là mạng xã hội cũng giống như một cửa hàng đồ ngọt lớn vậy và tất cả những người dùng chính là những em nhỏ được vui chơi tự do mà không có sự kiểm soát của bố mẹ chúng. Chúng trở nên cuồng đồ ngọt, chạy vòng quanh để nói chuyện/ la hét với mọi người, nhặt nhạnh mọi thứ, đưa cho mọi người xem để cảm thấy hả hê hoặc là khiến người khác ghen tị.

Khi bạn là một phần của đám đông ồn ào đó, thì có vẻ cũng không tệ lắm, bạn là một trong số những đứa trẻ tăng động, luôn cập nhật về mọi thứ, thường tham gia vào những cuộc trò chuyện vô nghĩa về bất cứ điều gì hay là về tất cả mọi thứ với bất kỳ ai. Lúc này đây khi tôi đã trải qua giai đoạn “thoái trào sự ngọt ngào” của việc gạt bỏ mạng xã hội ra khỏi cuộc sống của mình, tôi đã nhận ra rằng… mọi thứ thật là tĩnh lặng.

Bạn nhận ra ai mới là bạn bè thực sự, đó là những người cố gắng nhắn tin hoặc là gọi điện cho bạn chỉ để cập nhật tình hình, bởi vì ngay cả một tuần cũng là quá dài để không nói chuyện với nhau. Như thế nghe có vẻ là bám dính nhau, nhưng khi đó là một tình bạn tốt đẹp thì nó chẳng bao giờ là xấu cả. Điện thoại của tôi sẽ không tràn ngập thông báo rác từ những cuộc trò chuyện nhóm, sẽ không rung liên hồi 24/7 để thu hút sự chú ý của tôi, hay là hiện lên những tin quảng cáo về mọi thứ liên quan đến máy hút bụi, đơn giản chỉ vì tôi đã từng google về nó một lần cách đây vài tuần.

Tôi đã từng “cắt bỏ” tất cả những sự ồn ào kia đi vì sợ trở nên quá cường điệu, nhưng bây giờ tôi phải làm quen với sự tĩnh lặng.

Ngày 4 – Thứ Năm

Khó chịu. Nản. Không thoải mái. Đó là một vài cảm giác mà tôi đã trải qua mỗi khi tôi lại nghĩ về mạng xã hội, hay là về việc nói chuyện với bạn bè. Chắc bạn đang nghĩ là chỉ cần tôi gọi hoặc nhắn tin cho họ là đươc thôi. Tuy nhiên, sức lôi cuốn của mạng xã hội nằm ở chỗ tốc độ của nó rất nhanh. Bạn có thể “thêu dệt” nên 1 đến 2 tin nhắn cho mọi người trong một ngày và điều đó sẽ chẳng làm gián đoạn gì nhiều cả.

Suy nghĩ về một số lợi ích “tiềm tàng” của việc không dùng mạng xã hội, tôi cảm thấy việc cập nhật một chút thông tin là cần thiết bởi dù sao thì chúng ta cũng đã qua được nửa đoạn đường rồi. Liệu tôi có trở nên một người hạnh phúc hơn không? Thật khó để nói như vậy, vào thời điểm mà tôi có nhiều thời gian hơn nhưng sự nản chí lại cản trở việc nâng cao hiệu suất làm việc. Liệu giấc ngủ của tôi có được cải thiện? Có một điều rất kỳ lạ ở đây. Tôi đã đi ngủ muộn hơn, nhưng chất lượng giấc ngủ lại được cải thiện. Liệu khả năng tập trung trong khi “tăng cường” làm việc có được cải thiện? 100% là có. Điện thoại của tôi không còn rung mỗi 5 giây một lần và tôi cũng không còn suy nghĩ về những chủ đề nói chuyện nhóm gần đây nữa.

Liệu tôi sẽ hạnh phúc khi tất cả chuyện này kết thúc chứ? Đúng vậy. Tuy nhiên, đó cũng có thể chỉ là cách nói của một người vừa mới trải qua những ngày đầu khắc nghiệt khi “thoát” nghiện mà thôi.

Ngày 5 – Thứ Sáu

Rất nhiều bạn bè của tôi thuộc kiểu người “sống vì những ngày cuối tuần” Bạn có thể nhìn thấy một vòng cung hạnh phúc tích cực trong thái độ của họ khi một tuần trôi qua, thường bao gồm thái độ căm ghét mạnh mẽ đối với những ngày thứ Hai và hạnh phúc cực điểm đạt được lúc 5 giờ chiều ngày thứ Sáu. Sau khi tiếp xúc với trình tự hàng tuần này trong nhiều năm, tôi đã nhận thức được đầy đủ rằng vào lúc này đây, khi không sử dụng mạng xã hội thì có khả năng là tôi đã bỏ lỡ mọi kế hoạch được nung nấu trong những mỗi quan hệ xã hội của mình.

Suốt cả tuần hầu như tôi không có nhiều hoạt động xã hội vào các buổi tối, chủ yếu là do mệt mỏi và vì tôi muốn thư giãn cùng với một bữa ăn tự nấu và Netflix. Điều này có nghĩa là tôi đã cố gắng hết sức để khiến cho những ngày cuối tuần của mình trở nên bận rộn bởi vì tôi rất dễ rơi vào trạng thái cô đơn.

Việc không dùng mạng xã hội giảm thiểu khả năng tôi có thể sắp xếp cho những buổi gặp gỡ, tụ họp. Dĩ nhiên là tôi có thể nhắn tin hoặc gọi cho một người bạn và hỏi về chuyện gì đang diễn ra, nhưng điều tôi muốn nói đến đó là những khoảnh khắc tự phát với những người bạn mà bạn có thể sẽ không trò chuyện hằng ngày. Khi tôi đọc được dòng trạng thái của họ về việc cần nghỉ việc một thời gian, tôi có thể nhắn tin riêng cho họ và sắp xếp cái gì đó. Tóm lại, đây có lẽ là ngày khó khăn nhất cho đến thời điểm này bởi vì mọi thứ đều mang lại cảm giác rằng những mối quan hệ xã hội của tôi đã bị suy giảm đáng kể vậy.

Ngày 6 – Thứ Bảy

Bạn có thể bảo là tôi yếu đuối nhưng tôi không thể duy trì suốt 7 ngày được. Đã đến tối thứ Sáu và tôi vẫn luôn gặp phải những vấn đề mà mình đã vạch ra trong những bài viết trước. Hàng loạt thông báo và rất nhiều cuộc hội thoại “chào đón” tôi khiến tôi phải đưa ra những lời xin lỗi vì đã hồi đáp quá chậm trễ. Tôi còn phải “bắt kịp” những cuộc trò chuyện nhóm có tới hơn 200 tin nhắn. Tuy nhiên, trong vòng 10 phút quay trở lại với mạng xã hội, tôi đã lập được những kế hoạch cho thời gian còn lại trong tuần.

Mặc dù ý tưởng để cho chiếc ví của mình được “thảnh thơi” vào ngày cuối tuần cũng khá hay nhưng tôi cho rằng việc duy trì sự tương tác xã hội cùng với bạn bè mới và cũ sẽ có giá trị hơn nhiều chuyện tiết kiệm một chút tiền.

 Tôi đã học được những gì?

Trước khi thực hiện thí nghiệm nhỏ này, từ “nghiện” đối với tôi mà nói thường gắn với những thứ như là hút thuốc lá, ma túy hay câu đùa “Tôi quá nghiện Netflix!” Và bây giờ thì tôi sẽ thêm mạng xã hội vào danh sách này.

Tôi đã học được rất nhiều về sức mạnh ý chí của mình, một thứ mà tôi nghĩ là đủ mạnh mẽ để có thể vượt qua thử thách này mà không gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, rõ ràng là nó đã không đủ mạnh mẽ như tôi nghĩ. Điều này khiến tôi phải thừa nhận rằng việc từ bỏ mạng xã hội còn khó hơn cả bỏ hút thuốc lá. Tôi có thể nói như vậy bởi vì tôi đã từng hút thuốc và từ bỏ nó.

Còn về sức khỏe của tôi thì sao?

Ý tưởng ngưng sử dụng mạng xã hội vốn xuất phát từ việc tôi muốn bản thân đỡ bị ám ảnh bởi những người khác, với những gì mà người khác nghĩ về mình. Nó vốn là để tôi tự ý thức về bản thân và khiến tôi cảm thấy tự tin trở lại.

Điều này đã không xảy ra.

Tôi đã trở nên hoang tưởng mà nghĩ bạn bè mình sẽ hiểu nhầm rằng tôi đã quá chán ngán họ, hoặc là họ có thể cho rằng chuyện gì đó tồi tệ đã xảy ra với tôi. Bản thân chuyện này nói lên nhiều điều về sự ám ảnh đối với mạng xã hội, bởi vì chỉ cần một vài ngày bạn không nói chuyện với bạn bè của mình thì họ sẽ nghĩ đến những điều khủng khiếp nhất. Hoặc nó cũng nói lên tình trạng tinh thần không lành mạnh, luôn lo lắng bị cô lập của chính tôi.

Tôi sẽ thừa nhận một cách công khai rằng trong suốt quá trình trưởng thành, rời giảng đường đại học, có được chỗ đứng của riêng mình và bước đầu có thể tự lập, tôi luôn lo sợ về một số điều như là an ninh nhà ở, những kế hoạch cho tương lai, các mối quan hệ, và thậm chí là thái độ hay cảm xúc của chính bản thân đối với tất cả những điều này. Liệu sự lo âu này có xuất phát từ mạng xã hội hay không? Liệu có phải là do bấy lâu nay tôi thường theo dõi câu chuyện của những người đã lớn lên cùng với tôi, chứng kiến họ đạt được những điều tuyệt vời và đạt được mục tiêu trong cuộc sống nên dần dần tôi lại tin rằng mình khó mà được như họ? Vì thế nên cũng như rất nhiều người khác, tôi cũng tự vẽ ra một bức tranh hoàn hảo trên mạng để chứng tỏ với mọi người là tôi đang đạt được những mục tiêu đó. Khả năng là tôi đã lo lắng không đâu, kể cả những nỗi lo của người khác.

Sau tất cả, tại sao bạn lại phải thực hiện điều này một lần nữa?

Một lý do để thực hiện thí nghiệm này đó chính là nhằm khám phá xem việc lạm dụng mạng xã hội có thể làm gia tăng mức độ trầm cảm ở những người trẻ tuổi hay không. Tôi đã đọc được nhiều bài báo như vậy và muốn tự mình tìm hiểu liệu việc gạt bỏ mạng xã hội ra khỏi cuộc sống có thể làm tôi hạnh phúc hơn không. Những bài báo mà tôi đã đọc bao gồm:

“Những người sử dụng mạng xã hội thường xuyên “bị mắc kẹt trong tình trạng trầm cảm không lối thoát” – The Independent

“Nghiên cứu cho thấy việc lạm dụng Facebook và các mạng xã hội khác có liên quan đến sự trầm cảm” – Forbes

“Khi mạng xã hội gây ra sự trầm cảm” – Psychology today

“Facebook và sức khỏe tinh thần” Mạng xã hội đang “gây tổn thương” hay là đang giúp đỡ? – MentalHelp

Thế hệ “lo lắng”

Tôi cảm thấy rằng chúng ta cần rất cẩn thận và phải khám phá xem những người trẻ tuổi đang sử dụng mạng xã hội theo cách nào. Mạng xã hội bắt đầu được biết đến nhiều hơn lúc tôi khoảng 12-13 tuổi. Ngay cả khi đó thì nó vẫn hiếm khi được sử dụng. Tuy nhiên,thật ngớ ngẩn bởi vì trẻ em hiện nay lại được tiếp xúc với mạng xã hội ở độ tuổi rất sớm. Đã bao nhiêu lần bạn nhìn thấy một đứa trẻ đang sử dụng một chiếc điện thoại, máy tính hay Ipad? Có lẽ là vài lần phải không?

Tôi từng không nghĩ là mình bị nghiện mạng xã hội nhưng thực tế lại là như vậy. Tôi có thể tự tin mà nói rằng nhiều người ở thế hệ của tôi cũng không biết là họ bị nghiện mạng xã hội. Câu hỏi đặt ra đó là liệu chúng ta có cảm thấy vui vẻ với điều này?

Lo lắng là khởi nguồn của lo lắng, và cá nhân tôi nghĩ rằng đã đến lúc chúng ta hành động để ngăn chặn sự tiếp diễn chu kỳ đó. Và những suy nghĩ của bạn là gì? Hãy thể hiện chúng ngay phía dưới đây.

------------------------

Tác giả: Robert Beardwell

Link bài gốc: Tại Đây

Dịch giả: Trang Nhung - YBOX.VN Translator 

 (*) Bản quyền bài viết thuộc về YBOX.VN. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Dịch Giả: Trang Nhung - Nguồn: YBOX.VN". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ:"Theo Ybox" hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Trở thành dịch giả trên YBOX.VN, xem chi tiết tại đây: http://bit.ly/yboxtranslateteam

Hạn cuối: 2/26/2027

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,202 lượt xem