Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Những Cuốn Sách Kinh Tế Toàn Dân Nên Đọc!

Nói “toàn dân nên đọc” tất nhiên chỉ là nói vui, nhưng chắc chắn đây là những cuốn sách dễ đọc, dễ hiểu, và đặc biệt bổ ích đối với bạn đọc ở một đất nước đang hăng hái bước vào kinh tế thị trường như Việt Nam.

Dịch giả Trịnh Lữ trong bài viết "Dịch sách tri thức Âu Mỹ - nên chọn cuốn gì trước?" (năm 2006) từng nêu ý kiến: "Để truyền bá tri thức trong điều kiện hiện nay, tôi nghĩ ta chỉ nên, và chỉ có thể chọn dịch những bộ sách "dành cho người không biết gì" của Âu Mỹ mà thôi".

Ông cũng cho biết, "viết để phổ biến khoa học cho công chúng" (Writing for Science Popularization), là một môn rất được ưa chuộng ở các trường đại học lớn và có uy tín ở Mỹ". Và ở một lĩnh vực mới mẻ như kinh tế học, tại một đất nước mới bước vào kinh tế thị trường như Việt Nam, thì những cuốn sách "dành cho người không biết gì" (về kinh tế) lại càng cần thiết. Sự tham gia của các đơn vị tư nhân vào ngành xuất bản (dưới hình thức liên doanh liên kết với Nhà nước) đã khiến thị trường sách có phần năng động hơn.

Trong khoảng ba năm qua, một loạt cuốn sách thường thức về kinh tế học của thế giới đã đến với độc giả Việt Nam: Hiểu kinh tế qua một bài học, Đô-la hay lá nho, Thám tử kinh tế, Kinh tế học hài hước, Ý tưởng mới từ các kinh tế gia tiền bối, Lời thú tội của một sát thủ kinh tế...

 

Đặc điểm chung của những cuốn sách này là chúng trình bày các kiến thức kinh tế khô khan bằng thứ văn phong bình dân, dễ hiểu, phù hợp với trình độ của những độc giả bình thường, tóm lại là "nhẹ nhàng" theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Chúng không phải là những pho sách đồ sộ nặng ít nhất 1,5 ký, mà mỏng và xinh xắn hơn nhiều. Chúng cũng không cung cấp kiến thức chuyên sâu mà chỉ nhằm diễn giải và phổ cập hóa những lý thuyết kinh điển được dòng sách hàn lâm cung cấp.

Cuốn hút bằng sự đơn giản

Vì được viết cho quảng đại quần chúng nên yêu cầu lớn nhất những cuốn sách này phải đáp ứng là thu hút người đọc bình dân từ đầu đến cuối, mà muốn vậy thì cách hiệu quả nhất là viết dễ hiểu và hài hước. Chúng không chằng chịt những biểu đồ, mô hình, công thức, mà chỉ gồm thật nhiều ví dụ đời thường sinh động, được trình bày một cách hóm hỉnh và giản dị đến mức ai cũng có thể hiểu. Như lời một trong các tác gia "viết cho quần chúng", Charles Wheelan, đã viết trong cuốn Đô-la hay lá nho: "Tôi xin đảm bảo sẽ không đưa đồ thị, không biểu đồ và các phương trình vào cuốn sách này".

Thay cho hàng loạt đồ thị, biểu đồ, phương trình phức tạp là các ví dụ được lấy từ cuộc sống. Chẳng hạn, để giải thích khái niệm "lợi thế so sánh", Tim Harford - tác giả của Thám tử kinh tế ­- kể chuyện về GS Wilson, nhà bác học lỗi lạc tại ĐH Harvard. Ông Wilson, theo Tim Harford, là một thiên tài về sinh học, tự nhiên học, và cả khoa học xã hội như kinh tế học.Và Tim Harford viết: "Tại sao tôi lại còn viết sách về kinh tế khi GS Wilson có thể cho ra một cuốn sách hay hơn nữa? Câu trả lời là lợi thế so sánh. Do lợi thế so sánh mà GS Wilson chưa viết cuốn nào về kinh tế, và tôi khá tự tin mà cho rằng ông sẽ không bao giờ viết cả".

 

Cụ thể hơn thì, Tim Harford giải thích, nếu anh chàng Tim Harford và GS Wilson cùng đi gặp một nhà tư vấn nghề nghiệp, thì ông này sẽ khuyên cả hai: "Tim, nếu anh viết sách về sinh học thì anh sẽ không thể bán được quá một quyển một năm, mà quyển duy nhất ấy cũng là do vợ anh mua chứ ai! Chuyên ngành kinh tế của anh cũng tạm ổn và chúng tôi dự đoán anh sẽ tiêu thụ được khoảng 25.000 bản mỗi năm. GS Wilson, ông sẽ chỉ bán được 500.000 cuốn sách về kinh tế mỗi năm mà thôi, vậy tại sao không chuyển sang đề tài sinh học để tẩu tán 10 triệu bản?".

Cách giải thích hóm hỉnh này dĩ nhiên là dễ hiểu hơn nhiều so với cách chúng ta thường thấy trong các sách giáo khoa về kinh tế học gồm nào bảng biểu, nào số liệu. Lấy một ví dụ rất đời thường với chính mình (và vợ mình) tham gia, Tim Harford đã giúp độc giả nắm bắt nhanh hơn bao giờ hết khái niệm lợi thế so sánh. Từ đây, độc giả có thể thấy, hiểu rộng ra thì một quốc gia cũng nên chuyên vào ngành sản xuất mà nó làm tốt nhất so với chính nó, chứ không phải so với quốc gia khác.

Không phải là "ngọc không có vết"

Ngọc còn có vết, huống chi những cuốn sách. Nói một cách công bằng thì dòng sách thường thức về kinh tế học này, tuy hấp dẫn với độc giả bình dân, nhưng cũng có một số nhược điểm.

Đầu tiên là việc chúng sở hữu một cấu trúc nội dung hơi na ná nhau, bởi cùng đề cập tới những vấn đề tương tự nhau: vai trò và thất bại của thị trường và chính phủ, giới hạn khả năng sản xuất của mỗi quốc gia, lợi thế so sánh, ích lợi của thương mại quốc tế, tác hại của bảo hộ mậu dịch... Nói cách khác, độc giả có thể chỉ cần đọc một cuốn là đủ đại diện cho đa số những cuốn còn lại. Sự khác biệt cũng có, nhưng không nhiều.

 

Điều này là dễ hiểu, bởi lẽ dòng sách phổ thông này, như trên đã nói, không nhằm đưa ra cái gì mới (ví dụ những phát hiện, lý thuyết mới hay tư tưởng mới trong kinh tế học). Mục đích của chúng trước và sau chỉ là diễn giải và phổ cập hóa những kiến thức cao siêu tới quần chúng bình dân.

Nhiều sạn vì... dịch thuật

Nhược điểm lớn nhất không nằm ở bản thân các tác phẩm, mà thuộc về bản dịch tiếng Việt của chúng. Phần lớn các cuốn sách trong dòng kinh tế học thường thức này được chuyển ngữ không lấy gì làm xuất sắc, nếu không muốn nói là khá tệ. Không thiếu gì các lỗi dịch sai hoặc dịch dở mà độc giả biết tiếng Anh hoặc có kiến thức về kinh tế học có thể dễ dàng phát hiện ra, ví dụ nhầm lẫn giữa đấu giá và đấu thầu, hoặc dùng từ sai nghĩa tiếng Việt, đến mức văn phong trở nên lủng củng và khó hiểu.

Economics in One Lesson may mắn có được một bản dịch tiếng Việt khá tốt (Hiểu kinh tế qua một bài học), nhưng đây cũng lại là cuốn sách ít hài hước nhất và kém hấp dẫn nhất, có lẽ do nó ra đời cách đây đã quá lâu (năm 1946). Cuốn "hên" hơn cả là Đô-la và lá nho, bản dịch tiếng Việt tương đối dễ hiểu, phản ánh được tinh thần của tác phẩm gốc.

Nhưng ngay từ tựa đề tiếng Việt cũng đã có những điểm cần xem lại: dịch không mấy sát nghĩa từ tiếng Anh "Naked Economics"; thêm nữa, tựa đề phụ là "Lột trần cô nàng kinh tế học" (trong khi hình bìa là một "anh chàng") thể hiện một cách "câu khách" lộ liễu và thô thiển. Còn với Thám tử kinh tế, hay Ý tưởng mới từ các kinh tế gia tiền bối thì độc giả ở Việt Nam sẽ phải mất thời gian "nghiền ngẫm" kỹ ở nhiều câu, nhiều đoạn mới có thể hiểu được ý tác giả (hay là dịch giả) nói gì.

 

Ví dụ: "Cách tiếp cận kiểu thị trường tự do của Smith đối với kinh tế học không phán xét ông như là người theo chủ nghĩa lạc quan ngây thơ kiểu Dr. Pangloss của Voltaire, người sống 'trong thế giới tốt nhất có thể có', bất chấp tất cả những bằng chứng xung quanh ông ta" - một cấu trúc ngữ pháp hiếm thấy trong tiếng Việt nhưng lại xuất hiện nhan nhản trong từng trang sách của cuốn Ý tưởng mới từ các kinh tế gia tiền bối. Kinh tế học hài hước, một trong những best-seller trên thị trường xuất bản Mỹ năm 2005, thì bản dịch chẳng mấy hài hước và chắc chắn là không được trong sáng, dễ hiểu như bản gốc.

Điều đáng tiếc là những hạn chế trong dịch thuật đã ngăn cản bạn đọc Việt Nam tiếp nhận nội dung của những cuốn sách thật ra được viết rất dễ hiểu.

Mặc dù vậy, giới thiệu các tác phẩm kinh tế học thường thức này đến độc giả Việt Nam vẫn là việc làm cần khuyến khích. Ít nhất, chúng cũng giúp chúng ta biết về một loại sách dành cho "những người không biết gì" - vốn hết sức hữu ích đối với một đất nước đang rất cần một nền văn hóa đọc sôi nổi hơn.

Nhiều hơn nữa thì những cuốn sách kinh tế "toàn dân nên đọc" này, dù thế nào cũng đã trang bị cho độc giả những hình dung đầu tiên về vô số điều thú vị của kinh tế học. Bạn có thích không nếu được nghe giải đáp những câu hỏi như: Kinh tế thị trường là gì? Thế nào là một chính phủ tốt? Tại sao Bill Gates lại giàu hơn bạn? Một tách café Starbucks bán đúng giá là bao nhiêu?...

Khánh Châu/TuanVIetNam

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,559 lượt xem