Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Những Cuốn Tiểu Thuyết Khiến Bạn Không Muốn Lớn

Càng lớn lên, đi học, đi làm, trở thành người thành đạt… chúng ta càng đánh mất bản thân mình, và rồi chúng ta lại ép con cái mình đi trên chính con đường lạc lối mà chúng ta đã đi qua. Chúng ta đánh đổi sự thơ mộng, trí tưởng tượng bay bổng, những xúc cảm lung linh để đổi  lấy nhà lầu, xe hơi, địa vị cao sang. Chúng ta dễ dàng thương xót những người cùng khổ dưới đáy xã hội nhưng lại không thương xót cái bản thân bị chôn vùi của chính mình. Nhiều nhà văn đã không quên điều này, họ đã viết các tác phẩm tìm về cái thuở nguyên sơ của linh hồn và gợi nhắc chúng ta bằng những biểu tượng nhiều ẩn ngữ, những suy niệm chỉ trẻ thơ mới hiểu… Nhưng đừng coi thường trẻ thơ, cả đấng Jesus và “Kẻ phản Kito” Nieztches đều khẳng định, chỉ những người như trẻ thơ mới đạt được sự hoàn hảo và thánh thiện.

Chúng tôi xin giới thiệu với các bạn một số tiểu thuyết mà sau khi đọc chúng xong, chúng ta sẽ không muốn trở thành người lớn theo cách xã hội vẫn đang vận hành:

tumblr_mr318qHlVd1s4szydo1_500

“Peter Pan” của J.M Barrie là một cuốn tiểu thuyết độc đáo về vùng đất của những đứa trẻ không bao giờ lớn. Các bạn có thể xem bộ phim “Peter Pan” do Walt Disney sản xuất, nhưng tôi khuyên bạn nên đọc tiểu thuyết. Mảnh đất Neverland trong tiểu thuyết hoàn toàn hoang dã và kì ảo, những đứa trẻ đi lạc do Peter Pan cầm đầu hoàn toàn bản năng và hiếu chiến. Có những đoạn, tác giả môt tả cuộc chiến của lũ trẻ lạc với lũ cướp biển và người da đỏ như một trò chơi vòng quanh, đẫm máu đấy, nhưng vẫn nghịch ngợm. Điều khiến trẻ con khác người lớn, không phải vì chúng có trí tưởng tượng mà là thứ bản năng không giới hạn, không khuôn khổ, mà người lớn bị trói buộc. Ý tưởng thích thú nhất trong “Peter Pan” đó là chúng ta có thể bay lên nhờ một ít bụi tiên và tiếng cười, tượng trưng cho niềm vui và sự kỳ ảo khiến chúng ta có thể thực hiện mọi điều ngược với sức hút của Trái Đất, thoát khỏi mọi ràng buộc.

Antoine-de-Saint-Exupéry-The-Little-Prince-quotes

“Hoàng tử bé” là cuốn tiểu thuyết kinh điển của nhà văn A.Saint Expéry vừa được chuyển thể thành phim. “Hoàng tử bé” đại diện cho con người tuổi thơ của mỗi người , cái thuở chúng ta còn là độc nhất, chúng ta còn thích phiêu lưu, tâm hồn chúng ta rộng mở, chúng ta còn thấy thế giới người lớn lao theo tiền bạc, địa vị, tham vọng, bổn phận là một điều gì đó ngớ ngẩn. Cuộc đối thoại của phi công và Hoàng tử bé ở giữa sa mạc như là một cuộc đối thoại giữa cái tôi trưởng thành và cái tôi trẻ thơ bên trong. Cuốn tiểu thuyết khiến chúng ta buồn man mác như đang cố với tay về vô cùng tìm lại Hoàng tử bé của chính mình.

(Cảnh giác với bản dịch “Hoàng tử bé” nào dịch “cáo” thành “chồn”. Trong sách có kể về người bạn của Hoàng tử bé khi mới xuống trái đất là một con cáo. Cáo thông minh và thích sống sạch sẽ. Ngược lại, chồn khôn vặt và sống chui lủi, ẩm thấp. Biến người bạn của Hoàng tử bé thành chồn cho thấy người dịch, hoặc dốt tiếng Pháp và tiếng Việt, hoặc dốt kiến thức về các loài động vật, hoặc cố tình thay đổi cuốn sách theo hướng tối tăm mà họ muốn)

Biên niên sử Narnia

“Biên niên sử Narnia” của C.S Lewis là một cuốn tiểu thuyết tầm vóc trong chủ đề này. Đây là một bộ 7 quyển gồm các cuộc phiêu lưu của các bạn trẻ ở thế giới đời thường tới thế giới Narnia thông qua chiếc tủ quần áo. Tại đây, các bạn trẻ đóng vai trò như những “người được chọn” qua lời tiên tri của sư tử Aslan, giúp dân xứ Narnia chống lại kẻ địch muốn thống trị họ. Thế giới Narnia mà Lewis vẽ lên là một thế giới nơi vạn vật hòa hợp, cây cối, muông thú, tự nhiên… đều có thể giao tiếp với nhau theo những cách đặc biệt. Thứ được tôn vinh trong xứ Narnia là lòng hào hiệp và dũng cảm chứ không phải khuôn phép đạo đức và pháp luật cứng nhắc. Nữ hoàng băng hay các thế lực người khác muốn cai trị Narnia, bắt cư dân Narnia thành nô lệ, cắt đứt khả năng giao tiếp của vạn vật… Và chỉ những “người được chọn” mới giải cứu được cho Narnia. Ở những cuốn 5,6,7 của “Biên niên sử Narnia”, cuộc chiến mang tính chất khải huyền, giữa cái thiện và cái ác, giữa sự mệ hoặc và mục đích cao cả. Những bạn trẻ nhiều lần qua lại giữa đời thường và Narnia nhiều hơn, và cuộc chiến trở nên hiện diện ở cả hai thế giới. Bất cứ ai còn giữ tâm hồn trẻ thơ, đã từng phiêu du đến những mảnh đất như Narnia thì sẽ hiểu về những cuộc chiến song song giữa hai thực tại này. Bộ sách này được tổ chức dịch và phát hành bởi NXB Kim Đồng. Nhưng đáng tiếc là bản dịch có chất lượng thấp, không thể hiện được văn phong giàu tính thơ và tầm vóc sử thi của Narnia.

Có một cuốn tiểu thuyết đặc biệt, không bay bổng, không lãng mạn, không tạo ra thực tại cho những đứa trẻ, mà hoàn toàn khiến ta ghê rợn và ám ảnh khi đọc. Đó là “Cái trống thiếc” của Günter Grass.

Nhân vật chính là cậu bé Oskar, cậu đã quyết định là sẽ không bao giờ lớn lên, và không bao giờ rời xa cái trống thiếc của mình. Bối cảnh câu chuyện xảy ra trong thời Đức quốc xã và bố cậu là Đảng viên của Đảng quốc xã. Tôi còn nhớ cái cảnh Oskar treo cái trống thiếc, núp ở một xó trong khi các đoàn diễu hành đang biểu diễn. Cậu bé chơi trống thiếc một cách cuồng loạn khiến đoàn diễu dành rối loạn, mất hết cái sự nghiêm túc và cứng nhắc ngớ ngẩn của mình. Qua con mắt của Oskar, chúng ta thấy một thế giới người lớn bệnh hoạn, dã man, đạo đức rởm. Tác giả không để Oskar trốn vào một thế giới bay bổng mà để cậu chấp nhận thế giới thực, đối mặt với những vấn đề của chúng, làm loạn nhịp chúng, khiến chúng phải phơi bày bộ mặt thật bằng tiếng trống thiếc cuồng loạn. Năm 1999, nhà văn Günter Grass được giải Nobel văn học và “Cái trống thiếc” là tác phẩm quan trọng nhất của ông. “Cái trống thiếc” cũng được chuyển thể thành phim, dành được giải Liên hoan phim Cannes và giải Oscar.  Cảnh báo, cả tiểu thuyết và phim đều không thích hợp với những ai có thần kinh yếu và thích nói chuyện đạo đức cao vời!

Mời các bạn xem trailer phim:

 
Nguồn: foxspirit.info

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,898 lượt xem