Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Nữ Thư: Ngôn Ngữ Bí Mật Của Phụ Nữ Trung Quốc Xưa Đang Dần Mất Đi

Nếu bạn từng đọc qua tác phẩm Snow Flower and the Secret Fan (Tuyết Hoa và cây quạt bí mật) của nữ nhà văn Mỹ Lisa See, chắc hẳn bạn sẽ biết qua “Nữ thư” – ngôn ngữ duy nhất trên thế giới dành riêng cho phụ nữ Trung Quốc thế kỷ 19. Kiểu chữ đặc biệt do phụ nữ sáng tạo này đang tiếp tục phai mờ theo thời gian.

Nüshu (nữ thư) được viết bởi phụ nữ ở một khu vực nhỏ lẻ tại Jiangyong Trung Quốc, có nguồn gốc bí ẩn tiếp tục sửng sốt các sử gia.

Năm 1988, Yi Nianhua, một người phụ nữ ốm yếu đã ngoài 80, dành nhiều buổi chiều vội vàng viết những kí tự thanh lịch trên một cái bàn trong nhà bếp của bà trong một ngôi làng nhỏ trồng lúa ở Giang Tô, Trung Quốc. Chỉ với một cây bút đã cùn, những nét chữ thon dài hiện ra dày và đầy bẩn trên tờ giấy báo bà dùng làm giấy viết. Nhưng Cathy Silber, giảng viên tại Đại học Skidmore ở New York, làm việc bên cạnh Yi trong nhà bếp của bà, cần cù giải mã và học tập thứ ngôn ngữ vừa được viết ra.

“Ngoài hàng ngàn hệ thống chữ viết dành cho đàn ông, ở đây chúng ta có một loại mà ta biết nó được dành riêng cho phụ nữ,” Silber – người nghiên cứu chữ Nữ thư từ năm 1985 cho biết. Yi là một trong những người cuối cùng còn viết chữ Nữ thư, một kiểu chữ đang dần biến mất mà chỉ phụ nữ mới biết đọc và biết viết.

Có nguồn gốc từ phía tây nam vùng Hồ Nam của huyện Giang Vĩnh, một nhóm nhỏ phụ nữ sống vào thế kỷ 19 và 20 đã thực hành kiểu chữ đặc biệt này để không người đàn ông nào có thể đọc hay hiểu được. Hệ thống chữ viết này cho phép những người phụ nữ viết tự truyện, làm thơ, kể chuyện, và giao tiếp với “những chị em kết nghĩa”, mối quan hệ giữa những người phụ nữ không phải ruột thịt. Truyền thống viết Nữ thư đang dần biến mất, nhưng vào một thời điểm nào đó, Nữ thư đã trao quyền tự do bày tỏ bản thân cho những người phụ nữ vùng Giang Tô.

Một mẫu của văn bản Nüshu của Yi Nianhua.
Các nét đậm làm cho chữ viết hầu như không đọc được cho Silber.

Vào giữa thế kỉ 20, không khó để phụ nữ Trung Quốc thuộc những tầng lớp xã hội cao hơn viết những bài hát, những khúc ca, những lời phàn nàn hay những câu chuyện, như những gì Wilt Idema kể lại chi tiết trong quyển sách Heroines of Jiangyong: Chinese Narrative Ballads in Women’s Script (tạm dịch: Nữ anh hùng của vùng Giang Vĩnh: Những khúc tình ca kể chuyện bằng Nữ thư). Tuy nhiên, người ta rất hiếm khi tìm thấy những bài viết thân mật như thế từ những người phụ nữ nông dân. Tính đến năm 2012, có gần 500 văn bản viết bằng Nữ thư, từ những bài thơ bốn dòng cho đến những tự truyện dài. Ngày nay, những văn bản còn sót lại đã giúp các nhà nghiên cứu như Silber có cơ hội nghiên cứu kỹ hơn về đời sống của phụ nữ Trung Quốc xuyên suốt thời kỳ lịch sử này.

Khi Nữ thư lần đầu được tìm thấy bởi những người sống ngoài vùng Giang Vĩnh vào những năm 80 của thế kỷ 20, các phương tiện truyền thông đã cường điệu về kiểu chữ này như là một ngôn ngữ được sáng tạo một cách bí mật nhằm chọc tức đàn ông và chống đối xã hội gia trưởng. Và chính điều đó đã thu hút Silber tìm hiểu về Nữ thư. Nhưng những gì cô tìm thấy là đàn ông đều biết rõ về kiểu chữ đó. Điều này không hoàn toàn mới, một ngôn ngữ sáng tạo nhưng thật sự, nó là một hệ thống chữ viết cho ngôn ngữ địa phương, và nếu những người đàn ông nghe Nữ thư được đọc lên thì phần lớn họ đã có thể hiểu. Nhưng vấn đề là họ chỉ không quan tâm đến việc học viết nó.

“Đàn ông không thực sự muốn tham gia vào “bí mật này”, giống như việc họ không lao vào căn gác xép và đòi học thêu thùa may vá,” Silber nói. “Thậm chí Nữ thư không phải là một bí mật, nó dành cho những mục đích thực tiễn được sử dụng riêng bởi phụ nữ.”

Một ngôi làng ở huyện Jiangyong, nơi chủ yếu xuất hiệu kiểu chữ Nüshu.

Trong suốt thế kỷ 19, nhiều địa phương ở khắp Trung Quốc bị quản lý chặt chẽ bởi chế độ gia trưởng. Phụ nữ phải theo “Tam tòng”- vâng lời cha cô, chồng cô, và con trai cô. Tập tục bó chân- ngăn những cô gái trẻ bước ra ngoài xã hội để khẳng định vị thế xã hội cao của họ- vẫn còn lan rộng khắp huyện Giang Vĩnh, và những cô gái độc thân bị “giấu” vào những căn gác xép làm việc may vá, dệt vải, hay những công việc nội trợ khác.

Những cô gái của huyện Giang Vĩnh được cho là “những cô gái trên gác”, Fei-wen Liu đã viết như thế trong quyển sách Gendered Words (tạm dịch: Những từ ngữ mang giới tính). Về mặt lịch sử, chữ viết ở Trung Quốc là một đặc quyền của đàn ông, Liu giải thích, trong khi hầu hết phụ nữ bị từ chối tiếp cận việc biết đọc hay viết. Thậm chí khi phụ nữ có thể viết và nhận được sự giáo dục, nó chỉ giới hạn trong tầng lớp quý tộc sống ở thành phố. Yi Nianhua, sinh năm 1906, đến từ một gia đình trí thức và là một trong số ít những cô gái được phép tham dự lớp học với học sinh nam, Silber thêm vào.

Một người phụ nữ Trung Quốc giàu có từ thế kỷ 19 với tập tục bó chân.

Nguồn gốc chính xác của Nữ thư thật sự rất mơ hồ. Nhiều học giả đã tranh luận về những giả thuyết hợp lý khác nhau về lý do mà Nữ thư được sáng tạo. Một vài người cho rằng nó xuất phát từ hệ thống chữ viết trong những tộc người địa phương phía tây nam, hoặc thậm chí từ những câu viết khắc trên bộ xương của những thầy tu. Một truyền thuyết địa phương khác nói rằng Nữ thư được viết lần đầu tiên bởi một người thiếp của Hoàng đế vào cuối thế kỷ 11, nàng đã dùng Nữ thư để bày tỏ nỗi buồn của đời mình với những người ở quê nhà- một chủ đề mà Silber từng viết cho tạp chí Ms. Lời giải thích phổ biến nhất là Nữ thư được sáng tạo nên để trả đũa cho việc cách ly phụ nữ khỏi giáo dục.

“Tôi sẽ không nói rằng, ‘ồ, phụ nữ bị đàn áp và bị tước đi quyền tiếp cận với giáo dục, và vì thế họ tạo ra Nữ thư’”, Silber nói. “Nhưng, tôi sẽ nói rằng sự xuất hiện của hiện tượng này phù hợp với một xã hội cực kỳ trọng nam khinh nữ”.

Nhưng không một bằng chứng lịch sử cụ thể nào có thể chứng minh bất kỳ giả thuyết nào trên đây.

Mẫu văn bản này từ một Sanzhaoshu (thiệp chúc mừng đám cưới) truyền thống, hoặc “ngày thứ ba ngày lễ”, cho thấy các nét vô cùng phức tạp, mỏng.

Bản lưu trữ cổ nhất về Nữ thư được tìm thấy vào năm 1931, nhưng Silber và những người phụ nữ học thức mãi đến những năm đầu thế kỷ 19 mới biết đến sự tồn tài của ngôn ngữ bí mật này. Mỗi kí tự biểu hiện một âm tiết, về bản chất là để biểu hiện một đơn vị phát âm trong tiếng địa phương. Có hơn 1000 kí tự đã được tìm thấy, theo Idema.

“Nó có hiệu quả cao hơn tiếng Hán vì nó thuộc về ngữ âm”, Silber nói. “Một ký hiệu đơn lẻ biểu hiện một âm tiết với cùng cách phát âm. Vì vậy bạn có những lợi thế nhất định với mỗi ký tự.”

Thêm vào đó, Nữ thư bay bướm với những nét chữ có hình con thoi, không giống với những khối chữ Hán cứng cáp, phức tạp. Vẻ đẹp dễ thấy của Nữ thư là những nét chữ sắc và mảnh, có những hình viên kim cương hay những dấu chấm rõ ràng ở xung quanh chữ. Một vài người gọi nó là “chữ chân muỗi” vì những kí tự trông giống như được vẽ ra từ chân của con muỗi, Silber cho biết.

Câu chuyện dài, bài hát và những bức thư thân mật được viết trên quạt giấy và sách.

Theo truyền thống, phụ nữ sẽ sử dụng một cây bút bằng tre được mài sắc nhúng vào mực, và viết những dòng chữ lên trên giấy, trên vải hay lên những chiếc quạt giấy. Tuy nhiên, Yi và những người viết Nữ thư còn sống bị buộc phải sử dụng những gì họ có, thậm chí viết những ký tự xinh đẹp này bằng bút bi trên mép tờ báo.

Nữ thư được sử dụng cho nhiều mục đích, nhưng thường phản ánh những giai đoạn khác nhau của cuộc đời người phụ nữ. Những cô gái trẻ sẽ viết thư cho nhau, cũng như những lời khấn nguyện, bản thỏa ước hay lời cầu xin lên Nữ thần và họ sẽ để nó lại ở các ngôi miếu. Một trong những văn bản phổ biến nhất viết bằng Nữ thư là “những bức thư ngày thứ ba”, hay sanzhaoshu- một quyển sách gói trong vải được viết và gởi đến cho cô dâu vào ngày thứ ba kể từ ngày đám cưới. Những quyển sách chứa những lời chúc mừng- và cả lời chia buồn- từ mẹ, từ những người phụ nữ hàng xóm, chị hay những người bạn cùng tuổi của cô dâu. Phụ nữ cũng viết lên những tự truyện dài. Không giống như nhật ký, họ viết những đoạn thơ mang tính tường thuật câu chuyện cuộc đời của người phụ nữ, Silber thêm vào.

Trang đầu tiên của cuốn nhật ký ngày thứ ba. Phụ nữ thường lưu trữ giấy cắt và thêu ren và các dòng chữ giữa các trang.

Ngoài ngôn ngữ viết, những người phụ nữ cũng sáng tác “những bài hát của phụ nữ”, với những “giai điệu nhỏ ám ảnh” một cách đặc biệt, Silber nói. Truyền thống viết Nữ thư thậm chí đã truyền cảm hứng cho buổi hòa nhạc gần đây của nhạc sĩ Tan Dun “The Secret Songs of Women” (Những bài ca bí mật của phụ nữ), cho phép những đoạn chữ ấy được hát lên lần nữa. Bài hát dưới đây, dịch bởi Silber, với sự trình bày của Tang Baozhen- một trong những chị em kết nghĩa của Yi (tạm dịch).

Trên tờ giấy đỏ, tôi viết một lá thư.
Tôi sẽ nói lên tiếng nói của mình.
Hôm nay bạn biết rằng trái tim của tôi không rời giường ngủ,
Dù mặt trời đã chiếu sáng trong căn phòng, xuyên qua những ngọn núi.
Tôi đã bảo bạn tránh xa nó đi và bạn đã không làm,
Bây giờ bạn bị bệnh và nó đã quá trễ.
Một cơn cảm lạnh hay nhức đầu thì dễ chữa,
Nhưng bạn trở bệnh quá sớm sau khi sinh con và mất đi…
Chúng ta đã nói những lời đúng đắn,
Và nếu bạn giữ chúng, bạn vẫn còn đáng giá thứ gì đó.
Chúng ta đã ra ngoài, mua giấy đỏ,
Chúng ta mua giấy đỏ và viết một bản thỏa ước.
Chúng ta viết thỏa ước, và nói những lời ấy.
Giống như việc mua một cánh đồng toàn những cây lúa non.

Việc viết Nữ thư được truyền từ mẹ sang con, nhưng những chữ viết ấy đang dần biến mất một cách trầm trọng theo thời gian. Theo Cuộc cách mạng Trung Quốc năm 1949, một Bộ luật Hôn nhân mới và những cải cách về kinh tế xã hội đã làm thay đổi trạng thái xã hội cho phụ nữ, trong đó nhu cầu viết Nữ thư cũng giảm dần, Liu lưu ý. Và sau đó, trong suốt cuộc Cách mạng Văn hóa bắt đầu vào cuối những năm 1960, nhiều văn bản bị đốt hoặc phá hủy. * Một số phụ nữ cũng chôn những bảo thảo cùng với họ khi họ chết, vì vậy chỉ còn sót lại rất ít những bản gốc từ giai đoạn đó.

Yi mất vào năm 1991 ở tuổi 85. Người phụ nữ cuối cùng được xác định là sở hữu những hiểu biết đích thực về Nữ thư đã qua đời vào năm 2004, theo báo China Daily.

Phải chăng một Ngôn ngữ viết đã bị mất đi?

Kể từ khi thế giới bên ngoài biết đến Nữ thư vào những năm 1980, đã có nhiều nỗ lực nhằm đưa hệ thống chữ viết này trở lại. Nhiều địa phương tổ chức những lớp dạy chữ, những văn bản viết bằng Nữ thư được bảo quản trong một bảo tàng ở huyện Giang Vĩnh. Các học giả ở trường Đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh) đã dạy Nữ thư cho cả đàn ông và phụ nữ để gìn giữ nó. Tuy nhiên, Nữ thư có thể sẽ sớm trở thành một hệ thống tuyệt chủng.

Silber có kế hoạch quay lại huyện Giang Vĩnh vào mùa hè này. Cô ấy sẽ tiếp tục nghiên cứu cho cuốn sách sắp tới viết về Nữ thư và những người phụ nữ trong vùng.

“Đối với tôi, điều thú vị nhất trên tất cả là cách mà những bài viết đó đã hình thành nên hiểu biết của người phụ nữ về chính bản thân mình”, Silber nói. “Hệ thống chữ viết này dạy chúng ta nhiều điều về mối quan hệ giữa văn chương và những nhóm người quyền lực khác nhau trong xã hội”.

*CẬP NHẬT: Phần này vừa được cập nhật kể từ lần xuất bản lần đầu tiên để làm rõ mốc thời gian khi những điều luật hôn nhân mới xuất hiện ở Trung Quốc, cũng như khi những văn bản này thường xuyên bị đốt trong suốt cuộc Cách mạng Văn hóa của đất nước.

Theo Bookaholic.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,453 lượt xem