Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Phim Điện Ảnh Việt 2017: Cảm Hứng Dựa Trên Văn Hóa Nam Bộ

Từ cuối năm 2016 đến nay, phim điện ảnh Việt đã nhận được nhiều sự ủng hộ và thu hút đông đảo khán giả. Đây là bước tiến đáng ghi nhận cho thị trường phim điện ảnh Việt Nam vốn bị đóng đinh với những bộ phim hài nhảm hay kinh dị “nửa mùa”. Để có được thành công đó một phần là nhờ vào những nét văn hóa Nam Bộ đặc trưng được các đạo diễn khéo léo lồng ghép vào phim. Điều đó khiến khán giả cảm thấy gần gũi, thân thuộc và dễ cảm hơn rất nhiều. 

Đưa những điều bình dị của Nam Bộ vào phim

Phim điện ảnh Việt đang “đời thường hóa” kịch bản khi đưa nhạc Bolero, cải lương, trà đá vỉa hè, quán cóc ven đường hay những xe đẩy đồ ăn… những nét văn hóa đặc trưng của người dân phương Nam vào phim và đã nhận được những phản hồi tích cực từ khán giả. Sài Gòn, Anh Yêu Em từng nhận được nhiều lời khen và gây được ấn tượng với người xem khi khắc họa cuộc sống của hai nghệ sĩ cải lương già do NSND Ngọc Giàu và Thanh Nam thủ vai. Hai nghệ sĩ già, gắn bó cả đời với nghệ thuật cải lương chính là cầu nối chân thực và nhẹ nhàng nhất, đưa khán giả đến gần hơn với bộ phim.

 

 

Việc đưa cải lương, Bolero vào phim đã nhận được sự ủng hộ của khán giả

Việc đưa cải lương, Bolero vào phim đã nhận được sự ủng hộ của khán giả

 

Hay trong Chạy Đi Rồi Tính, một ca khúc Bolero dưới giọng ca của ca sĩ Bảo Yến trong phòng trà nhỏ cũng đủ để khắc họa hình ảnh cô con gái nhớ về người mẹ ca sĩ thời còn vang danh và dễ dàng chạm vào trái tim khán giả. Nắng lại khắc họa một Sài Gòn “rất Sài Gòn” với những xóm chợ nghèo, những ngôi nhà xập xệ, những xe hàng rong hay những người lao động nghèo khổ giữa một Sài Gòn hoa lệ... Những điều này rất đỗi bình dị, tự nhiên và đời thường, nhưng lại có thể đi rất nhanh và sâu vào tâm hồn của mọi người.

Nắng khắc họa cuộc sống mưu sinh rất chân thật của người nghèo tại Sài Gòn

Nắng khắc họa cuộc sống mưu sinh rất chân thật của người nghèo tại Sài Gòn

 

Gần đây nhất, không thể không nhắc đến hai bộ phim Việt đi ngược lại với “xu hướng” hài nhảm vẫn thường trực bấy lâu trong làng điện ảnh Việt Nam là Dạ cổ Hoài Lang và Lô Tô. Có lẽ trước đây vở kịch Dạ Cổ Hoài Lang hay bộ phim tài liệu Chuyến Đi Cuối Cùng Của Chị Phụng chưa được phần đông công chúng biết đến chứ đừng nói đến việc người ta bỏ tiền đi mua vé để xem. Thế mà, khi chuyển thể thành phim, hai tác phẩm ấy lại lấy nước mắt của không ít người vì người ta dễ cảm được những gì gần gũi, thân quen và đời thường như thế.

 

 

Sau khi được chuyển thể thành phim, Dạ Cổ Hoài Lang và Lô Tô mang theo văn hóa Nam Bộ đã chạm đến trái tim của nhiều khán giả

Sau khi được chuyển thể thành phim, Dạ Cổ Hoài Lang và Lô Tô mang theo văn hóa Nam Bộ đã chạm đến trái tim của nhiều khán giả

 

Có vẻ như những gì gắn với văn hóa Nam Bộ nói chung và Sài Gòn nói riêng cũng dễ được khán giả đón nhận hơn cả. Điều gì càng chân thật với đời sống thì càng dễ tạo ra sự đồng cảm. Đây là công thức làm phim mới được không ít đạo diễn áp dụng cho phim điện ảnh Việt Nam thời gian gần đây.

Chất Nam Bộ ẩn hiện trong số phận con người

Dạ cổ Hoài Lang là bộ phim được đạo diễn Nguyễn Quang Dũng chuyển thể từ vở kịch cùng tên nói về những thân phận tha hương cầu thực nơi xứ người. Qua hoài niệm của hai ông bạn già, ông Tư và ông Năm, những hình ảnh quen thuộc của đồng quê Việt Nam, đặc biệt là cảnh sông nước miền Tây khiến không ít người xúc động. Chiếc cầu khỉ bắc qua con kênh nhỏ, bụi tre, bến nước, những ngôi nhà đậm chất miền Tây giản dị, mộc mạc hay những giai điệu quen thuộc của Dạ ổ hoài lang cũng đủ để có được sự đồng cảm và nước mắt của nhiều người.

 

 

Những hình ảnh đậm chất Nam Bộ đã được lồng ghép vào phim rất khéo léo

Những hình ảnh đậm chất Nam Bộ đã được lồng ghép vào phim rất khéo léo

 

Dù có phải là người miền Tây hay không, chỉ cần là người xa quê hoặc có người thân đang sinh sống ở xứ người, khi nhìn thấy những khung cảnh ấy sẽ thấy phần nào cuộc đời mình trong đó, cũng đều rung cảm. Dù Dạ Cổ Hoài Lang vẫn chưa thể coi là bộ phim xuất sắc khi vẫn còn nhiều điểm chưa tốt trong diễn xuất của diễn viên, các cảnh quay tại nước ngoài... Nhưng với việc đưa những cảnh đậm chất Nam Bộ vào trong phim đã giúp tác phẩm này ghi điểm trong lòng khán giả cũng như giúp họ mở lòng hơn với điện ảnh nước nhà.

Dù chưa xuất sắc, nhưng Dạ Cổ Hoài Lang đã phần nào thay đổi cách nhìn của khán giả về phim điện ảnh Việt

Dù chưa xuất sắc, nhưng Dạ Cổ Hoài Lang đã phần nào thay đổi cách nhìn của khán giả về phim điện ảnh Việt

 

Một đại diện mới ra mắt khác cũng đi theo hướng này là Lô Tô. Nhưng thay vì khai thác chất Nam Bộ thông qua khung cảnh, bộ phim lại đem đến khán giả cái nhìn khác về thân phận của những con người sống trong đoàn lô tô, luôn phải cười nói, nhưng trong lòng lại chất chứa những nỗi buồn khó nói.

óiTuy luôn cười nói, nhưng những người sống trong gánh lô tô luôn có những nỗi buồn khó nói

Tuy luôn cười nói, nhưng những người sống trong gánh lô tô luôn có những nỗi buồn khó nói

 

Với người Nam Bộ và Nam Trung Bộ, lô tô giống như nét văn hóa không thể thiếu, nó không khác gì những gánh cải lương, nét văn hóa ấy đã ăn vào máu vào tâm khảm của rất nhiều người. Đây là cơ hội để giúp văn hóa Nam Bộ được công chúng biết đến nhiều hơn. Hơn thế, họ cũng hiểu hơn về những con người sống trong thân phận đàn ông, nhưng luôn ước ao trở thành phụ nữ. Chỉ những khi lên sân khấu, họ mới được sống với con người thật. Họ mơ ước được hạnh phúc, được yêu và được là những điều trái tim mách bảo.

 

 

Gánh lô tô gần gũi truyền tải thông điệp sâu sắc: Dù chỉ là một phút cũng hãy cứ sống là chính mình

Gánh lô tô gần gũi truyền tải thông điệp sâu sắc: Dù chỉ là một phút cũng hãy cứ sống là chính mình

 

Bộ phim đã mang đến người xem những xúc cảm  mạnh mẽ. Đó không chỉ là phim nói về người chuyển giới mà còn khắc họa chân thực cuộc sống luôn phải “đeo mặt nạ” của những con người khốn khổ mơ ước được sống đúng với bản năng. Những thông điệp đó được truyền tải nhẹ nhàng và gần gũi, đơn giản vậy mà lại dễ dàng chạm đến trái tim của người xem.

Có thể thấy đạo diễn Việt đang đi theo công thức mới, đó là đưa văn hóa vùng miền mà gần đây nhất là văn hóa Nam Bộ vào các tác phẩm điện ảnh, qua đó đến gần hơn với công chúng. Và không thể phủ nhận rằng: Phản ứng của khán giả với những tác phẩm này khá tốt. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy các đạo diễn trẻ đã bước đầu mở ra cho điện ảnh Việt hướng đi mới, tạo ra những kịch bản chân thật, gần gũi, đánh vào tâm lý người xem bằng những “nốt trầm” mà không phải là hài nhảm hay kinh dị.

Khán giả hoàn toàn có thể đặt niềm tin vào bước chuyển mình của điện ảnh Việt khi hướng đến cách làm phim văn minh, văn hóa và lắng nghe khán giả hơn.

Nguồn: Diệu Hương- songmoi.vn

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

150 lượt xem