Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Phim The Breakfast Club (1985) Tuổi Trẻ Lạc Lối, Chơi Vơi Và Vô Định

Với tôi, cấp 3 luôn là quãng thời gian tuyệt vời nhất trong suốt thời gian đi học. Đó là quãng thời gian mà chúng ta khi ấy, vẫn hồn nhiên của tuổi 16, chơi vơi vô định của tuổi 17 và lo lắng trăn trở của tuổi 18. Đó là quãng thời gian chứa đựng những tâm tư tình cảm, những ham muốn mãnh liệt thoát ra để tìm hiểu khám phá cái tối cá nhân. Đồng thời đó cũng là lứa tuổi của những hành động xốc nổi, những câu chuyện dở khóc dở cười và cả những nỗi buồn sâu thẳm trong trái tim. Chúng ta, ai cũng đã có một thời như vậy, một thời gian luôn muốn được yêu thương, quan tâm nhưng cũng muốn chứng tỏ chính mình, muốn được nổi loạn, vẫy vùng trong những năm tháng tuổi trẻ và cả những sự bế tắc, lo lắng, hoang mang và ý nghĩ muốn chết. Đó cũng là quãng thời gian, chúng ta căm ghét “người lớn” cùng cực. Bởi khi đó, ở lứa tuổi lưng chừng, chúng ta chưa lớn nhưng cũng không còn bé, chưa hiểu chuyện nhưng lại cũng hiểu chuyện. Chúng ta căm ghét những mẫu người và tự hứa bản thân sẽ không trở thành, nhưng ai biết được, khi lớn lên cuộc đời liệu có quăng quật ta, có khiến ta chai sạn đi ít nhiều để khi nhìn lại, đã trở thành chính người mình căm ghét nhất hay không?

The Breakfast Club có nội dung đơn giản, quá sức đơn giản, về một buổi phạt của 5 con người hoàn toàn xa lạ, bị nhốt chung trong 1 phòng học vào ngày thứ 7, ngày cuối tuần. Trường học vắng tanh, ông thầy giám thị khó tính và 5 con người, đại diện cho 5 nhóm học sinh tiêu biểu nhất của một trường trung học, phải ngồi cạnh nhau từ 7h sáng cho tới 4 giờ chiều. 5 con người, 5 đường thẳng không một điểm chung, chưa từng nói chuyện với nhau, tính cách và sở thích khác nhau. Đó Brian- mọt sách, Andrew- vận động viên, Claire- công chúa, Allison- lập dị ít nói và John Bender- kẻ nổi loạn. Thế nhưng 5 con người đó, hóa ra lại có 1 điểm chung lớn nhất, điểm chung là tất cả chúng ta khi ở độ tuổi đó đều có, đó là sự chơi vơi lạc lối vô định của tuổi trẻ. Và chỉ trong 9 tiếng đồng hồ, với những câu chuyện họ chia sẻ và trải lòng, họ đã trở thành những người bạn hiểu nhau hơn bất cứ ai.

Bộ phim không hề có cao trào, cũng không hề có những nút thắt mở mà đơn giản chỉ là những câu chuyện rất đời thường của 5 con người. Là những cãi vã hiểu nhầm, là sự nổi loạn hoang dại, là những nỗi buồn trong cuộc sống. Nhưng bộ phim đã trở thành cảm hứng cho tất cả những bộ phim tuổi teen sau này. Có người nói rằng, những bộ phim tuổi teen sau này, đều mang trong mình DNA của The Breakfast Club. Có thể nói, The Breakfast Club của đạo diễn John Hughes đã có những đóng góp đáng kể và thay đổi nền điện ảnh Mỹ mãi mãi. Hầu hết những cảnh quay bộ phim đều chỉ diễn ra trong không gian nhỏ hẹp của thư viện và hành lang trường học. Đạo diễn John Hughes đã xuất sắc trong việc khai thác nội tâm, những tâm tư thầm kín nhất của những cô cậu tuổi teen đại diện cho 5 nhóm người lớn nhất của độ tuổi này, tất cả đều thông qua những cử chỉ, lời nói, ánh mắt coi thường ông thầy giáo Vernon, cả những giọt nước mắt buồn tủi và nụ cười khi thấu hiểu nhau.

Có một điều tôi rất thích ở The Breakfast Club, đó là những nhân vật đều có tính cách riêng, đều có những tâm tư tình cảm và cá tính của riêng bản thân mình. Và kể cả khi kết thúc phim, họ vẫn giữ nguyên bản thân mình, không hề bị phân tách hay thay đổi. 9 tiếng đồng hồ ở cạnh nhau trong trường học, họ trò chuyện, cùng nổi loạn, cùng khóc, cùng cười, nhưng họ vẫn cứ là “thằng mọt sách”, “gã thể thao vai u thịt bắp”, “cái sọt rác lập dị”, “công chúa xinh đẹp” và “tên tội phạm”. Họ không cố thay đổi bản thân mình chỉ vì xung quanh không ai thèm nghe họ nói, không ai quan tâm hay yêu thương họ, họ không đánh giá nhau qua vẻ bề ngoài, mà tất cả chỉ là chính mình.

“Vậy điều gì sẽ tới vào Thứ Hai? Chúng ta sẽ gặp nhau nữa chứ? Ý tôi là chúng ta là bạn bè mà, phải không?”, một người trong nhóm hỏi và người khác nói:“Tôi không nghĩ vậy”. Đúng thế. Chúng ta thấu hiểu nhau, không ngần ngại hay giấu giếm mà giãi bày những tâm sự, suy nghĩ, quan điểm của mình về bạn bè, gia đình, về thầy cô, về bản thân mình. Nhưng họ chỉ ở cùng nhau ngày thứ 7 đó, còn thứ 2, khi đã trở về thế giới của riêng mình, thế giới mà những người khác đủ “trình độ, đẳng cấp” với mình. Hãy thử tưởng tượng mà xem, một hot girl và một tên tội phạm, một hot boy thể thao cùng một cô gái lập dị, và tất cả họ chơi chung với một tên mọt sách. Họ không ở thế giới của nhau, họ không thể chạy ra chào hỏi, bá vai bá cổ những người không như mình. Tất cả đều là định kiến của bạn bè- một xã hội thu nhỏ.

Tôi không nghĩ khi xem “The Breakfast Club” các bạn sẽ nghĩ về những ngày tháng học trò của mình, dù trong vô thức các bạn vẫn sẽ nghĩ về. Bộ phim cho ta thấy trường học- một xã hội thu nhỏ, cũng mang trong mình những định kiến về danh tiếng, quần áo, hoàn cảnh gia đình…những định kiến mà chúng ta phân biệt nhau về “đẳng cấp” xã hội để rồi khi chúng ta thực sự nói những tâm tư của mình, những lớp mặt nạ kia đều vỡ vụn và vẻ đẹp tinh khiết nhất trong tâm hồn họ mới hé mở. Với tôi, The Breakfast Club còn hơn cả một bộ phim tuổi teen đơn thuần. Mỗi câu thoại, cảnh quay, ánh mắt, cử chỉ của những con người trong phim đều làm tôi cảm thấy bồi hồi xúc động khó tả. Và một cái kết lửng lơ, 5 người bạn kia trở về nhà làm tim tôi nhức nhối. Tôi từng nghĩ rằng, mỗi khi kết thúc một bộ phim, tôi đều cảm thấy buồn vì tôi muốn biết những nhân vật kia sau này sẽ ra sao, nhưng với The Breakfast Club lại khác, tôi hiểu số phận những người bạn trẻ kia vào thứ 2.

Từ năm 1985 tới nay, người ta vẫn còn mong mỏi phần 2 của bộ phim, nhưng đó, dĩ nhiên mãi mãi chỉ trong tưởng tượng. Đạo diễn John Hughes từng nói rằng, ông đã hình dung toàn bộ những việc sẽ xảy ra với 5 người bạn trẻ kia, nhưng làm việc với những diễn viên lại hoàn toàn khác xa so với tưởng tượng của ông. Và sẽ chẳng có cớ gì để “công chúa” Claire và “tên tội phạm” John Bender ngồi chung một phòng một lần nữa. Và chỉ khi đạo diễn John Hughes qua đời, 5 người bạn kia, giờ đã lớn tuổi, mới có dịp ngồi chung với nhau tại căn phòng lớn tại L.A vào lễ trao giải Oscar lần 82 năm 2010, tưởng nhớ về John Hughes, vị đạo diễn được mệnh danh “King of teens”.

Theo 35mm

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

3,252 lượt xem