Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Triết Học Tuổi Trẻ] Phượt Và Du Lịch – Sự Trải Nghiệm Mới Mẻ Hay Tìm Kiếm Do Mất Phương Hướng

Đi thật nhiều có tỉ lệ thuận với trải nghiệm của bản thân?

Ngày nay, thành tích xê dịch của một người được xem như một thước đo: bạn càng đi nhiều, bạn càng là con người dũng cảm, hiểu biết và cuộc đời thêm phần thú vị; bạn du lịch ít, cuộc đời bạn sẽ bị coi là nhàm chán, tầm thường và chật hẹp.

Có nhiều người trẻ cho rằng, còn trẻ phải trải nghiệm, phải đi phượt thật nhiều nơi, phải du lịch thật nhiều nước, từ đi cùng bạn bè đến người thân, với người yêu hay một mình… tuổi trẻ sẽ chẳng là gì nếu không đi du lịch, nếu không được đặt chân tới bất kỳ vùng đất mới nào. Cũng không ít người trẻ có suy nghĩ nếu không đi thường xuyên coi như mình đã bị tụt hậu, không còn cảm giác mới nào nữa. Cái mà người ta hay gọi là “cuồng chân” ấy là những con người luôn ở trạng thái thường trực bất an do thiếu định hướng, không còn cách nào khác để giải toả nỗi muộn phiền nhàm chán trong chính cuộc sống của mình tạo nên. Và điều gì sẽ xảy ra nếu như họ không còn chỗ nào mới mẻ để đi hay đơn giản là trải nghiệm chẳng còn thú vị như ban đầu nữa?

“Khi mà bạn theo đuổi sự dàn trải về mặt trải nghiệm, kết quả của mỗi cuộc phiêu lưu mới, mỗi một con người hay sự việc mới mẻ đều sẽ bị giảm xuống. Khi mà bạn chưa bao giờ rời khỏi quê nhà, thì đất nước đầu tiên mà bạn tới thăm sẽ tạo ra một sự thay đổi vô cùng lớn lao trong cách nhìn của bạn, bởi vì trước đó bạn có được những trải nghiệm hết sức hạn hẹp. Nhưng khi mà bạn đã đặt chân tới hai mơi quốc gia khác nhau, thì quốc gia thứ hai mươi mốt chỉ làm bạn ngạc nhiên đôi chút. Và khi mà bạn đã vượt qua con số năm mươi, thì con số năm mươi mốt chẳng còn đáng ngạc nhiên.[...]Lần đầu tiên tôi uống rượu trong một bữa tiệc thật vô cùng phấn khích. Lần thứ một trăm thì cũng khá vui. Nhưng đến lần thứ năm trăm thì tôi thấy nó cũng chỉ như một buổi tối cuối tuần mà thôi. Và đến lần thứ một nghìn thì thật sự rất nhàm chán và không đáng kể.”. Trích The subtle art of not giving a f*ck (Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm) - Mark Mason

Sự dàn trải về mặt trải nghiệm ấy đang dần biến đổi cuộc sống chúng ta thành những điều tạm bợ và dang dở. Chúng ta không thực sự yêu thích ngành học mình đang theo đuổi, không đam mê công việc mình đang làm, nay thích chỗ này mai thích chỗ kia. Đó chính là sự tìm kiếm không có điểm dừng. Sự tạm bợ trong tất cả mọi thứ, kể cả tâm hồn đã xoá đi cá tính riêng của mỗi người. Họ hoà lẫn vào cùng dòng người xối xả ngoài kia, vẫn đang mải miết đi tìm bản sắc riêng của chính mình. Họ không hề hay biết trước khi tìm kiếm điều gì đó, hãy tìm kiếm chính mình, chỉ có như vậy bạn mới hiểu rõ thứ mình cần, biết sâu sắc thứ mình muốn tìm hiểu.

Mặt trái của giấc mơ “hồng”

 Theo Report 2017, 1/3 thanh niên từ 18-21 tuổi sẵn sàng vay nợ để đi du lịch. Con số này cao hơn với những người ở độ tuổi 22-36 (39%). Sự bùng nổ internet đã làm không ít người tin vào những gì đẹp đẽ trong bức hình ảo diệu kia, mà họ không lường trước được bao nhiều khó khăn phải đối mặt khi quyết định dấn thân vào con đường gập ghềnh ấy. Họ chưa từng biết có bao nhiêu con đường ngoằn nghèo phải lần bước, bao nhiêu con thác hung tợn phải vượt qua, bao nhiêu ngọn núi cheo leo phải trèo, bao nhiêu hiểm nguy phải đối mặt,… Thứ mà họ mong muốn có được, chỉ là những gì họ nhìn thấy được.

Jinna Yang - nhiếp ảnh gia 26 tuổi người Mỹ, chuyên chụp về du lịch và phong cách sống - chia sẻ kể từ khi bỏ việc đi du lịch, cuộc sống với cô là những chuỗi ngày thú vị, hấp dẫn. Bởi cô không phải ngồi chăm chú bên bàn làm việc trong 8-10 tiếng, không cần đắn đo chọn trang phục mỗi sáng, hay gồng mình chống lại cảm giác muốn "ngủ nướng" trên giường. Tuy nhiên, Jinna từng cảnh báo bỏ việc đi "trốn" không phải lúc nào cũng "màu hồng", theo Huffington Post. Sau thời gian dài trải nghiệm trên khắp nẻo đường, 9X thừa nhận bỏ việc là quyết định đúng, song không phải lựa chọn hoàn hảo. Khi thực hiện chuyến đi của mình, tiền bạc trở thành vấn đề lớn hơn bao giờ hết. Cô chia sẻ thay vì chi tiêu phóng khoáng như thời còn làm công ăn lương, cô có lúc phải “bơ” khi đi qua hàng chục nhà hàng dù rất đói vì nhìn thấy giá quá đắt. Việc di chuyển liên tục, khiến cô không có cơ hội gặp gỡ, hẹn hò một ai đó thường xuyên, thậm chí là người thân trong gia đình. Hay, nơi ở có thể là những căn phòng trọ tồi tàn hay trên ghế sofa chật chội…

Cũng không ít thống kê gần đây cho rằng, có nhiều người trẻ sẵn sàng vay tiền để đi du lịch, đầu tư vào những cuộc phiêu lưu trên những miền đất lạ, sẵn sàng bỏ học để cố gắng chứng minh cái tôi bằng cách đi thật nhiều.

Theo Wisestep, trước khi từ bỏ công việc để đi du lịch, người trẻ nên chắc chắn về cảm giác, thái độ của bản thân nếu không muốn sau cùng phát hiện ra mình không phải kiểu người hợp sống nay đây mai đó. Họ cũng phải chấp nhận những sự thật như khó quay lại với công việc, cuộc sống trước khi đi theo tiếng gọi của lý trí và con tim.

Phiêu lưu trong tâm trí

Một trong những nơi mà chúng ta cần khám phá nhất đó chính là tâm trí của chính mình, nơi mà chứa đựng tất cả những gì đã, đang và sẽ quyết định nên con người mình là ai, trong tương lai mình se trở thành ra sao, công việc hiện tại đang dở dang cần phải giải quyết như thế nào. Đặc biệt hơn nữa là, khi bộ não của chúng ta được khơi gợi dựa trên nền tảng những gì đã có, chúng có thể tiến triển lên một tầm cao mới, mà người ta hay gọi là sự sáng tạo.

Theo Book of life, chúng ta có thể hoàn toàn du ngoạn bằng ký ức, bởi nghệ thuật khơi gợi. Ký ức cần được coi như một món quà ý nghĩa, nếu không lưu giữ ký ức, chúng ta sẽ giống như một đứa trẻ hư, có cái này rồi lại vứt cái kia, điềm nhiên không để ý đến cái cũ nữa. Mà thực tế, chính những ký ức mới là nền tảng để

Có thể bạn sẽ không bao giờ biết tác giả cuốn sách The Hobit lại là người rất ít đi du lịch, không gian sống của ông cũng không được rộng rãi cho lắm nếu không được gọi là chật hẹp. Trong khi tác phẩm của ông nổi tiếng với sự phiêu lưu của một anh chàng tộc người lùn, có những chuyến đi đầy nhiệm màu, khám phá những rặng núi kỳ vỹ, những khu rừng rậm rạp bí ẩn, những ngôi làng có những con người thật là kỳ quái những cũng rất tốt bụng, thì đằng sau nó lại là một sự đối lập từ chính cuộc sống của ông.

Thông điệp của ông muốn nhắn gửi đến người đọc không phải là chí khí thích phiêu lưu đầy mạo hiểm này hay sự chuyển giao đẹp kia, sẵn sàng xách balo lên và đi như nhiều người vẫn nghĩ, mà như Henry David Thoreau nói: “Lồng ngực của chúng ta đủ rộng rãi nhưng chính tâm hồn ta mới là thứ đang rỉ sét. Hãy khám phá thế giới bên trong một cách không mệt mỏi, và hạ trại mỗi ngày một gần chân trời phía tây hơn.”

Không quan trọng bạn đến bao nhiêu nước, đặt chân tới bao nhiêu nơi, mà là bạn cảm nhận được điều gì từ những nơi ấy. Hành trình tối thượng nằm trong chính bên trong chúng ta. Khi mới đôi mươi, yếu tố hàng đầu được đầu tư đấy chính là học tập, để hiểu chính mình hơn, trước khi muốn bước chân vào tâm hồn của một ai đó hay cuộc đời của mảnh đất nào đó.

Tác Giả: Nông Thị Yến Nhi – ĐHKHXH&NV

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/my.ruly.5

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (1 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

764 lượt xem