Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Quẳng “Notification” Đi Và Vui Sống

Trong thời đại smartphone lên ngôi này, việc đầu tiên khi thức dậy của nhiều người là nhìn vào điện thoại xem các dòng thông báo chuyện gì đã diễn ra trong khi ta ngủ. Cả ngày, thông báo đủ loại đổ về như thác lũ...

Hầu như ứng dụng nào cài vào điện thoại cũng có tính năng gửi thông báo (notification) cho người dùng. Messenger hay Viber sẽ hiện nội dung tin nhắn mới ở dạng thông báo để người dùng có thể đọc luôn mà không cần mở app.

Các ứng dụng đọc báo có thể “bắn” thông báo là các dòng tít thời sự nóng hổi để dụ người dùng mở app ra xem, còn game cài trên điện thoại rất siêng năng hiện thông báo nhắc người dùng vào chơi.

Các thông báo trên điện thoại được “đẩy” (push) trực tiếp từ nhà cung cấp dịch vụ hay phát triển ứng dụng đến thẳng màn hình điện thoại của người dùng, bất kể lúc đó họ có đang sử dụng điện thoại hay mở các app đó hay không. Chính đặc quyền “mọi lúc mọi nơi” này là nguyên nhân khiến tính năng trên là cơn phiền toái cho người dùng.

Đau đầu vì thông báo

Trang Popular Science khuyên người dùng nên “chế ngự chuỗi thông báo bất tận” đó trên điện thoại của mình vì khi có quá nhiều thông báo, đôi khi cái quan trọng cần xem lại bị chìm giữa những thông tin khuyến mãi, nhắc chơi game hay các thông báo vớ vẩn khác.

Trong bài viết “Làm sao để đặt quyết tâm năm mới giúp ta có thể hạnh phúc hơn?” vào đúng ngày đầu năm 2018, báo Independent (Anh) cũng khuyên người dùng nên “xét lại” quan hệ “bền chặt” giữa mình và các sản phẩm, dịch vụ công nghệ.

Tác giả liệt kê vài lời khuyên kiểu “ai cũng biết mà làm thì khó” như hạn chế thời gian dùng điện thoại hay lên mạng xã hội, xóa các app không cần thiết trên smartphone và không đem điện thoại lên giường, song đáng chú ý là “tắt chức năng thông báo”.

Bí quyết của tác giả là trước tiên hãy tắt tính năng gửi thông báo của tất cả các app có trên điện thoại và sử dụng một thời gian để xem thông báo của app nào thực sự cần thiết mà bật lại, thay vì thả cửa để một rừng thông báo thi nhau hiện lên màn hình từng phút từng giây.

Nhưng tai hại lớn nhất mà có lẽ ai cũng nhận thấy là các thông báo trên smartphone sẽ ảnh hưởng năng suất làm việc, vì các “cơn thác thông báo” khiến ta không thể tập trung vào việc gì ngoài điện thoại.

Ngay cả khi nhận thức được việc không nên chúi mũi vào smartphone cả ngày, ta khó mà không đưa tay cầm hay nghía mắt nhìn vào màn hình điện thoại khi các thông báo cứ hiện ra liên tục.

Điều quan trọng là rất nhiều app lạm dụng tính năng thông báo để gửi thông tin vớ vẩn, không liên quan gì đến người dùng.

Làm sao tập trung làm việc khi Facebook cứ nhắn ta mỗi lần có ai đó không hề quen biết cùng bình luận một status với ta, hay Instagram sẽ gửi thông báo “nhắn nhe” rằng “sao này sao kia lâu rồi mới lại chia sẻ hình mới, hãy vào xem đi”.

Các ứng dụng giải trí như YouTube có thuật toán “đoán sở thích” và gửi thông báo giới thiệu video mới mà nó tin rằng ta sẽ khoái...

Điều không may là khi đã cương quyết để điện thoại sang một bên mà “lỡ tay” cầm lên xem thông báo (vớ vẩn), ta thường có xu hướng “sẵn tiện” vào xem Facebook một tí, liếc qua Instagram một chút. Thế là lại đắm mình vào smartphone và quên mất việc đang làm.

“Vĩnh biệt năng suất làm việc - tác giả David Pierce chua chát trong bài viết trên WIRED với đầu đề thống thiết - Hãy tắt toàn bộ tin thông báo trên điện thoại của bạn đi”.

Còn tệ hơn mất tập trung, giảm năng suất làm việc, các cơn thác thông báo đổ vào smartphone cũng gây tác hại lên tâm trạng của người dùng, theo một nghiên cứu do Nottingham Trent University (Anh) công bố trên tạp chí IEEE Access hồi tháng 10-2017.

Nhóm nghiên cứu theo dõi tâm trạng của 50 người trong 5 tuần và nhận thấy 32% trong số hơn 500.000 thông báo những người này nhận được trong khoảng thời gian chưa đầy 3 tháng nói trên mang lại cảm xúc tiêu cực, khiến người nhận cảm thấy buồn bực, lo lắng, sợ hãi, xấu hổ và cả “nổi xung”.

Khi tung ra đồng hồ thông minh Apple Watch, “Quả táo cắn dở” kỳ vọng thiết bị đeo này sẽ giúp người dùng khỏi chú mục vào iPhone để kiểm tra tin nhắn hay các thông báo.

Nhưng trớ trêu là Apple Watch báo hiệu có thông báo bằng cách rung, và cổ tay cứ rung bần bật cũng chẳng thoải mái gì hơn là nghe điện thoại kêu tít tít và nhìn các dòng thông báo nhảy múa trên màn hình smartphone.

Chỉ có giải pháp duy nhất cho các cơn đau đầu này là “diệt sạch” thông báo trên điện thoại của bạn, chỉ chừa lại những thứ thật sự cần thiết như cuộc gọi hay tin nhắn.

Không notificaiton không có nghĩa là hết

Có một điều trớ trêu là push notification ban đầu được tạo ra để giúp người dùng tránh xa điện thoại, thay vì gắn chặt vào nó. Tiền thân của push notification là push mail, tính năng “đẩy” email tới người dùng ngay khi có thư điện tử mới do BlackBerry giới thiệu lần đầu năm 2003.

Công nghệ này khiến người dùng nức lòng vì họ không phải kiểm tra điện thoại thường xuyên vì sợ có mail tới mà không biết nữa.

Apple tạo ra hệ thống tương tự vào năm 2008 và Google cũng nhanh chóng nối gót. Vậy nhưng giới tiếp thị quảng cáo nhanh chóng nhận ra tính năng thông báo này cho phép họ “nhảy bổ” vào màn hình điện thoại của khách hàng và thu hút sự chú ý của họ với sản phẩm, dịch vụ của mình.

Với các nhà phát triển app, mục tiêu tối thượng là giữ chân người dùng sử dụng ứng dụng của mình càng lâu càng tốt.

Vì thế mà các tờ báo liên tục gửi thông báo để ép người dùng vào app của họ đọc tin tức thay vì ứng dụng của đối thủ, còn các trò điện tử giội bom tin nhắn để bạn chơi nhiều hơn và thu tiền quảng cáo hay bán vật phẩm.

Vì lẽ đó, tác giả Pierce trên WIRED mạnh dạn khẳng định “ta sẽ không bao giờ nhớ nhung hay nuối tiếc những dòng tin thông báo rên điện thoại” khi đã tắt chúng đi, bởi “sự tồn tại của chúng chẳng có ích gì cho bạn”.

Theo tác giả, cho phép một app gửi thông báo qua smartphone của mình cũng giống như “để một tay bán hàng tóm lấy tai bạn và lôi vào cửa tiệm của hắn”. Vì thế, “hãy tắt hết mọi thông báo đi” bởi tính năng này chỉ “giúp người khác nhét quảng cáo của họ vào đời bạn mọi lúc mọi nơi”.

Tắt tính năng gửi thông báo thật ra chẳng ảnh hưởng gì đến chức năng chính của các ứng dụng. Không cho YouTube gửi tin thông báo không có nghĩa là không dùng YouTube được nữa. Trái lại, nó giúp ta kiểm soát mọi thứ tốt hơn.

“Bạn chỉ tìm đến điện thoại khi thật sự cần thiết, chứ không phải khi app của Amazon bật thông báo khuyên rằng đã đến lúc vào Amazon và mua hàng rồi” - Pierce viết.

Bạn không cần phải để Twitter, Facebook hay Instagram gửi thông báo cho mình liên tục vì các ứng dụng này được thiết kể để “bày biện” món ngon nhất cho người dùng mỗi khi truy cập, nghĩa là “không bật thông báo không có nghĩa là bỏ lỡ trò hay”.

Đừng sợ bỏ lỡ thông tin hay ho từ các ứng dụng, vì bạn vẫn luôn có thể xem chúng khi mở app lên hoặc thông qua các kênh khác.

Và như đã nói, bạn sẽ nhận ra không có những thông báo, ta vẫn sống khỏe và thậm chí còn “quên” điện thoại vì chẳng còn app nào giục giã. Hơn nữa, ít ra ta cũng hoàn thành được một “mục tiêu đầu năm”!

Theo tuoitre.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

658 lượt xem