Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Review Phim “City Lights” (1931) – Ánh Sáng Tình Yêu

City Lights là tác phẩm đáng xem nhất của Charlie Chaplin, vẫn lay động lòng dù ra đời cách đây hơn 80 năm. Ông khắc sâu những cảm xúc cao đẹp vào tâm hồn mỗi người, để khi bộ phim khép lại, hướng họ đến một cuộc sống nhân ái và yêu thương hơn.

Không ai không biết Charlie Chaplin, vốn được khán giả Việt quen gọi bằng “Vua hài Sác-lô”. Ngoài chùm phim ngắn tạo nên danh tiếng của ông trên toàn thế giới, ít ai biết Chaplin còn tự mình đạo diễn, biên kịch cho các tác phẩm điện ảnh xuất sắc. Được đánh giá cao nhất là City Lights, xếp hạng 1 trong “Top 10 phim hài hay nhất mọi thời đại” do viện phim Mỹ bình chọn.

City Lights có một vinh dự mà không bộ phim nào có được. Vào ngày 30/01/1931, tại buổi công chiếu diễn ra ở rạp Los Angeles, nhà vật lý học lừng danh Albert Einstein và vợ đã đến trong vai trò khách mời danh dự. Đó là một sự kiện truyền thông náo động lúc bấy giờ. Cả Einstein và Chaplin đều là những người theo chủ nghĩa hòa bình, họ đều đấu tranh cho công bằng và tôn vinh các giá trị nhân văn đẹp đẽ, dù theo những cách rất khác nhau.

Bộ phim vẫn là câu chuyện về nhân vật “gã lang thang” (The Tramp). Hình tượng đã quá quen thuộc với chiếc quần rộng thùng thình, chiếc mũ quả dưa và đôi giày quá khổ, thêm vào bộ ria nhỏ hài hước. Chaplin tình cờ nghĩ ra nhân vật này trên đường đến phòng hóa trang vào năm 1914, và đã trở thành vai diễn để đời của ông.

City Lights mở đầu bằng một cảnh châm biếm. Người ta đang tổ chức lễ khai trương bức tượng thể hiện sự thịnh vượng và sung túc của thành phố. Khi kéo tấm màn ra, đã thấy gã lang thang ngủ quên từ lúc nào. Họ tìm cách kéo gã ra nhưng càng mắc kẹt hơn. Đúng lúc đó Quốc ca vang lên, dân chúng phải chào cả gã và bức tượng. Tính châm biếm là thủ pháp đặc trưng trong các phim của Charlie Chaplin, thể hiện góc nhìn của ông với xã hội tư sản bất công và giả dối, được sử dụng rất khéo léo trong “Ánh đèn đô thị”.

Chạy khỏi bức tượng, gã lang thang tình cờ gặp và đem lòng yêu một cô gái mù bán hoa. Gã mua giúp cô một bông, khiến cô có ấn tượng đó là một người giàu có và hào hoa. Trong khi kiếm chỗ ngủ, gã lang thang gặp nhà triệu phú thật sự. Ông này đang chán đời vì bị vợ bỏ và muốn tự tử. Gã cứu lấy nhà triệu phú, và được ông ta rước về nhà cho ở cùng. Nhưng cứ tỉnh rượu là ông ta lại “đá” gã ra đường. Gặp lại cô gái nọ, gã lang thang biết được tình cảnh bi đát của cô. Gã quyết định kiếm tiền giúp cô chữa mắt và giữ được ngôi nhà.

Bên cạnh tính hài hước, vốn là điểm mạnh của Charlie Chaplin, thì thủ pháp châm biếm cũng đã đạt đến đỉnh cao trong “Ánh đèn đô thị”. Theo mỗi bước chân của gã lang thang, bức tranh xã hội tư bản giả dối, phô trương và phân hóa hiện lên rõ rệt. Cảnh phim đầu tiên cho thấy góc nhìn mỉa mai của Chaplin. Những bức tượng trang nghiêm, tượng trưng cho uy quyền và giàu có của thành phố, trở thành chỗ ngủ cho một gã vô gia cư. Sự tương phản giữa hai hình tượng tạo nên tính hài, nhưng vẫn đả kích sâu cay.

Nhân vật nhà triệu phú lại là một kiểu ẩn dụ khác. Ông ta đau khổ và chìm vào rượu chè, và phân chia thành hai người khác nhau. Triệu phú “say” thì tử tế, coi Chaplin là bạn vì đã cứu sống và an ủi ông ta. Trong khi triệu phú “tỉnh” thì đối xử với gã như cỏ rác. Hai bộ mặt này đại diện cho lối sống của các nhà tư bản. Họ sống một cuộc sống phô trương giả dối, thật trớ trêu, khi họ say xỉn lại là lúc họ tỉnh táo nhất, sống thật với cảm xúc, nỗi đau và nhân cách của mình.

Hai thế giới giàu nghèo được mô tả sống động qua từng thước phim. Vẫn là nghệ thuật tương phản tạo ấn tượng. Nhà triệu phú dẫn gã lang thang đến những nhà hàng sang trọng, nơi quí khách ăn mặc sáng loáng và chìm đắm trong các bữa tiệc xa hoa. Đối lập hoàn toàn với ngôi nhà tằn tiện của hai bà cháu cô gái mù, hay với võ đài quyền anh, trong một cảnh hài xuất sắc nhất, nơi những người cùng khổ phải dùng nắm đấm để kiếm ăn. Tình cảnh không lối thoát của hai bà cháu đại diện cho thân phận những người dưới đáy xã hội ngày ấy.

Nghệ thuật châm biếm được sử dụng rất nhiều trong các phim của Charlie Chaplin. Từ Modern Time  cho đến The Dictator, Chaplin luôn có cách để tỏ rõ thái độ của bản thân đến các vấn đề thuộc bản chất xã hội đương thời. Điều này dẫn đến bi kịch cho ông. Chaplin bị chính phủ Mỹ để ý, và với việc gia nhập Đảng Cộng Sản, ông bị Viện Hàn Lâm ngoảnh mặt. Chaplin không có được một giải Oscar nào, dù cho ra đời nhiều tác phẩm xuất sắc. Ông chỉ nhận một tượng vàng danh dự cho các cống hiến của mình vào cuối đời.

Nhưng trên tất cả, điều khiến City Lights chinh phục trái tim biết bao thế hệ yêu điện ảnh, chính là tình cảm. Đây là bộ phim được đánh giá đạt sự cân bằng hoàn hảo giữa hài hước và xúc động, khiến người xem cười thỏa thích từ đầu phim, và rơi nước mắt ở cuối phim.

Đứng thứ 38 trong danh sách “Những bộ phim truyền cảm hứng mọi thời đại” của Viện phim Mỹ, City Lights mang đến niềm hi vọng vào cuộc sống, và xuất phát từ tình yêu. Đó là niềm hi vọng vào tình người, khi một gã vô gia cư cứu lấy nhà triệu phú. Chỉ một câu thoại đơn giản “ngày mai chim sẽ lại hót” mà đi vào lòng người xem nhẹ nhàng, một châm ngôn sống lạc quan và tin tưởng. Nhân vật “The Tramp” dù có nghèo khó, khổ sở, cùng cực đến mấy vẫn luôn tươi cười, tìm cách vượt qua nghịch cảnh. Vì ngày mai sẽ khác, ngày mai sẽ lại đẹp đẽ, tràn đầy tiếng hót dịu dàng của tình yêu cuộc sống. Đó là thứ ánh sáng luôn sáng rọi trong các phim của ông.

Chuyện tình giữa cô gái mù và gã lang thang trở nên chân thực và cảm động, chính là ở sự hy sinh. Gã lang thang yêu cô gái, quyết định đi làm việc, bị đánh đập, thậm chí tù đày chỉ để kiếm tiền giúp cô chữa mắt. Giữa hoàn cảnh khốn cùng, chỉ có con người mới sưởi ấm cho nhau. Tình cảm của gã là thuần khiết, không toan tính, không vị kỷ, không cần báo đáp, lan tỏa ấm áp đến trái tim người xem. Trong khi đó, cô gái không hề hay biết, và vẫn tưởng lầm được một người giàu có giúp đỡ. Mối liên hệ được xây dựng đủ sâu sắc để làm tan chảy bất kỳ trái tim sắt đá nào ở cảnh phim cuối. Sự cao cả của gã lang thang được đền đáp, giống như niềm tin của Chaplin vào điều tốt đẹp của con người.

City Lights là tác phẩm đáng xem nhất của Charlie Chaplin. Nếu có lý do nào để các tác phẩm của ông vẫn sống, vẫn lay động lòng dù ra đời cách đây hơn 80 năm, trong thời kỳ cuối cùng của phim câm, chính là ở giá trị nhân văn mà bộ phim truyền tải. Ông khắc sâu những cảm xúc cao đẹp vào tâm hồn mỗi người, để khi bộ phim khép lại, hướng họ đến một cuộc sống nhân ái và yêu thương hơn. “Thật kỳ lạ khi tôi nói rất nhiều mà cả thế giới không hiểu, còn Chaplin thì chẳng nói gì mà cả thế giới đều hiểu”, Einstein đã từng nhận xét về “vua hề” Charlie Chaplin như thế.

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,341 lượt xem