Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Review Phim “It Follows” (2014) - Ác Mộng Tuổi Thiếu Niên

It Follows (2014) - Sau khi quan hệ tình dục với một chàng trai lạ, Jay dính phải lời nguyền đáng sợ. Một con quỷ, hoặc thực thể nào đó sẽ đi theo cô, và tìm cách giết chết cô. Nếu muốn thoát khỏi nó, Jay phải "lây nhiễm" nó cho ai đó khác, bằng cách mà cô đã nhận vào.

----------------------------------

It Follows là một bộ phim làm được nhiều điều hơn lớp vỏ nó đang mang: một phim kinh dị kinh phí thấp (khoảng 2 triệu đôla), một dàn diễn viên vô danh, một đạo diễn mới chỉ chạm ngõ điện ảnh lần thứ 2, và nhạc nền đến từ một nhạc sĩ chuyên về video game. Đây là bộ phim kinh dị nguyên gốc, điều vô cùng hiếm hoi với dòng phim này hiện nay, với những lớp nền phức tạp ẩn giấu đan xen, được chỉ đạo vô cùng xuất sắc từ góc quay, âm nhạc cho đến bầu không khí ám ảnh. Một tuyệt phẩm.

It Follows khiến tôi phải ra rạp để xem hai lần trong cùng một ngày, và ở lần xem thứ hai, nó trở thành bộ phim kinh dị đáng xem nhất kể từ Conjuring năm 2013, nhưng có được những thứ mà ngay cả Conjuring cũng không thể có được.

Cốt truyện của phim gần tương tự như một trò chơi bằng thư vẫn còn phổ biến đến ngày nay. Gần như ai cũng từng nghe nói đến hoặc đã nhận được một lá thư “xui xẻo”, ghi rằng bạn phải chép lại và gửi đến cho những người khác, nếu không sự xui rủi hoặc thậm chí cái chết sẽ tìm đến bạn. Đối với cô gái tuổi teen Jay (Maika Monroe), trò chơi này tìm đến ở một phiên bản khủng khiếp hơn. Sau khi hẹn hò và quan hệ với một chàng trai trẻ, Jay được anh ta thông báo rằng cô đã bị “nó” bám theo. Anh ta đã bị một ai đó truyền lại lời nguyền qua đường tình dục, và giờ đây đẩy nó sang cho cô.

“Nó” là một thực thể vô hình với tất cả mọi người, trừ nạn nhân. Nó sẽ tiếp cận người mang lời nguyền bằng cách giả dạng thành một ai đó, có thể xa lạ hoặc quen biết, và tiến đến gần khi họ không để ý. “Nó rất chậm, nhưng nó không ngu đâu,” anh ta giải thích sau khi cho Jay thấy “nó” trong hình dạng một phụ nữ, và bảo rằng cách duy nhất để cô thoát nạn là “truyền” tiếp cho một người khác. Với khán giả, họ có thể hình dung kết cuộc nếu Jay để “nó” chạm vào, bằng một trường đoạn kích động và hình ảnh choáng váng đầu phim. Nếu cô chết, lời nguyền sẽ quay lại người trước đó, và sẽ tiếp tục mãi cho đến khi trở lại với người đầu tiên.

Đạo diễn kiêm biên kịch người Úc David Robert Mitchell từng nói rằng, ý tưởng của phim đến từ những cơn ác mộng lặp đi lặp lại của anh thời thơ ấu. “Tôi có nó khi còn rất bé, cơn ác mộng ấy. Tôi thấy nó vài lần nhưng vẫn còn nhớ những hình ảnh. Tôi không dùng những hình ảnh đó cho bộ phim, nhưng dùng đến ý tưởng cơ bản và cảm giác tôi cảm thấy.” It Follows, sau khi xây dựng được phần nền một cách đơn giản nhưng chắc chắn, bắt đầu đưa người xem vào cơn ác mộng kinh hoàng của Jay. “Nó” bám theo cô bất kỳ nơi đâu, đột nhập vào nhà, và thậm chí đi ngang qua những người bạn cô, tìm cách giết chết cô cho bằng được. Với sự trợ giúp của nhóm bạn thời thơ ấu và em gái, Jay vừa trốn chạy, vừa phải suy nghĩ đến việc chuyển tiếp lời nguyền cho một ai đó khác, hoặc chính mình kết thúc nó.

Ý tưởng độc đáo này đã dẫn lối cho rất nhiều nỗi sợ hãi, không chỉ bởi những màn hù dọa được làm chắc tay, mà sâu thẳm hơn trong tiềm thức. Khoa học từng gọi tên hai nỗi sợ, vốn đang tăng dần lên khi môi trường sống xung quanh bị đe dọa. Bạn đã bao giờ kinh hãi với ý nghĩ về một ai đó thình lình xuất hiện trong nhà lúc nửa đêm? Mẹ tôi gần như tối nào cũng nhắc tôi về tình huống một tên trộm nấp dưới gầm giường hoặc ghế, và chờ lúc mọi người ngủ say mới chui ra. Đó là nỗi sợ khi không gian riêng bị xâm phạm. Một nỗi sợ khác nằm trong “vùng kinh hãi” bản năng của con người, khi đối diện với những sự vật vừa quen thuộc xa lạ, và bộ não không biết phải xử lý ra sao, thường là những vật hoặc “thứ gì đó” mang hình dáng người mà không phải người. Đó là lý do có chúng ta thường nổi da gà khi nhìn thấy gương mặt búp bê hay người ta mang mặt nạ. It Follows sở hữu cùng lúc hai nỗi sợ này, và khiến tôi thật sự khó thở khi theo dõi. Nó gợi đến cảm giác gờn gợn ngày ấu thơ khi đứng một mình trong bóng tối, với hình dung về những ánh mắt vô hình đang dõi theo mình.

Nhưng sức ám ánh thật sự đến từ tài năng của Mitchell. Anh thật sự “bắt” được không gian ác mộng trong những giấc mơ thiếu niên và chuyển tải nó lên màn ảnh rộng. Chúng ta, ai lại chưa từng mơ thấy bị một “thứ gì đó” đuổi theo, và thỉnh thoảng, không thể chạy trốn? Nhưng không gian ấy dường như thường là không gian của ký ức, của những ngày cũ hơn là thời hiện đại. Dù có sự xuất hiện của thiết bị đọc sách điện tử, nhưng It Follows lại mang hơi hướm và sự ngột ngạt của thập niên 80, hoặc 70. Khu phố Jay ở hiện lên u ám và vắng lặng qua những góc máy rộng, đặc tả từng quang cảnh cây cối hoặc nhà ở. Không gian phim phủ đầy với những âm thanh nền, lúc nào cũng là tiếng nói phát ra từ tivi, radio, hoặc loa phát thanh. Có phải đó là âm thanh ta thường nghe thấy trong giấc ngủ chập chờn? Nó gợi đến không gian huyễn hoặc của tiếng đồng hồ tích tắc tôi từng trải qua với tựa game “The Mirror Lied” của hãng FreeBird vào năm 2009. Sự hỗ trợ rất lớn khác đến từ phần nhạc nền xuất sắc của Rich Vreeland, giống như một nhân vật vô hình, thiết lập tông chung cho mọi cảnh phim. Tương tự, phần nhạc phim này dù khá rợn người với các âm thanh kim khí hiện đại, vẫn mang màu sắc hoài cổ đặc trưng.

Mitchell, có thể sẽ là đạo diễn kinh dị trẻ và tài năng nhất sau James Wan nếu anh quyết định đi theo thể loại này, lần đầu cho thấy tư duy làm phim bậc thầy, không hề thua kém của mình. Anh biết cách tạo ra áp lực và duy trì nó trong suốt chiều dài phim, không đánh mất một giây nào. Những góc quay 360 độ tạo cảm giác chóng mặt, chông chênh, vừa là đặc trưng (như Wan dùng với góc quay “ngược trần”), vừa là cách để tạo cảm giác bất thình lình khi “nó” xuất hiện, khiến người xem cực kỳ khó chịu. Cũng khó chịu như khi “nó” luôn được nhìn thấy qua vai Jay, từ phía sau, mang đến nhận thức về mối đe dọa thường trực. Người xem cảm thấy rất rõ rằng, Jay không bao giờ được an toàn. Sức ép đó cũng đè nặng lên tâm trí khán giả, để mỗi cảnh “Jumpscare” đều là những cảnh bất ngờ và giật mình thật sự.

Tuy vậy, nếu chỉ thành công trong việc tạo dựng không gian (điều mà James Wan, đạo diễn kinh dị hàng đầu hiện nay, làm rất giỏi) và khiến người xem giật mình trong vài cảnh, thì It Follows chỉ dừng lại ở mức trung bình. Bộ phim này có nhiều hơn thế, khi chứa đựng những lớp nền sâu sắc và phức tạp, với nhiều lớp ẩn dụ mà khán giả thông thường dễ bỏ qua. Cơn ác mộng của Jay, giống như một lớp nền, một lớp tiềm thức cho những bi kịch gia đình và sự lạc lõng của tuổi trưởng thành. Các nhân vật trong phim, ngoài Jay còn có cô em gái Kelly, cô bạn đeo kính Yara và cậu bạn thân thưở bé Paul, không hề có tính cách của thế hệ hiện tại. Họ có nét trầm lắng và hoang mang của những thế hệ cũ, gợi nhớ đến các nhân vật trong The Breakfast Club (1985) hay Stand By Me (1986). Trong đó, thường sẽ có một kẻ lập dị (Yara), một kẻ lớn trước tuổi (Kelly) và một kẻ biết quan tâm, lo lắng cho người khác (Paul).

Nhân vật chính của phim là một cô gái mới lớn có vẻ u buồn, và ngay trong lần đầu tiên tiếp xúc với thế giới bên ngoài (gã bạn trai) đã bị tổn thương. Sự tổn thương đến sau khi quan hệ tình dục. Tình dục là một chủ đề nặng ký của phim, không chỉ bởi đó là cách lây truyền con quỷ đội lốt người (gợi đến HIV/AISD như nhiều nhà bình luận đã chỉ ra), mà là cách nó ám ảnh trong cuộc sống những đứa trẻ. Ngay ở cảnh đầu tiên, Jay đang ở trong bể bơi, và phát hiện ra hai thằng bé mới lớn đang nhìn trộm mình. Sau đó, một đứa còn trèo lên mái nhà nhìn trộm một lần nữa. Jay và Paul kể lại một kỉ niệm ngày bé về việc chúng tìm thấy sách báo khiêu dâm và trải ra xem trên bãi cỏ, và cười thích thú với những gì nhìn thấy. Sự ngây thơ của chúng bị xâm hại, trong một môi trường sống thiếu an toàn mà các văn hóa phẩm người lớn dễ dàng được tìm thấy bởi lũ trẻ. Nhưng đó cũng là điều tự nhiên, như rất nhiều cảnh khơi gợi hấp dẫn giới tính giữa các nhân vật trong phim, như trong những giấc mơ niên thiếu day dứt và ẩm ướt mà mỗi chúng ta đều trải qua. Nỗi ám ảnh mang tính bản năng đó cũng là một phần không gian phim.

Cùng với tình dục, lớn lên cùng mỗi đứa trẻ là nhận thức rõ ràng hơn sự hoang mang gây ra bởi cái chết, và một cuộc sống vô định đang chờ đợi. Gã bạn trai của Jay, ở lần đầu xuất hiện, đã nói lên ao ước được trở thành một đứa trẻ và vẫn còn một cuộc đời dài trước mắt. Jay, sau khi quan hệ, lấy ngón tay chạm vào một cánh hoa và hỏi rằng giờ đã là người lớn cô có thể đi đâu và về đâu. Khi lớn lên, con người phải đối mặt với hai điều, chọn một con đường để đi giữa thế giới rộng lớn và chấp nhận rằng cái chết có thể đến bất kỳ lúc nào trên con đường đó. Con người không sợ cái chết khi còn bé, họ (phần nhiều) cũng không sợ cái chết khi về già, mà chỉ ở giai đoạn bấp bênh khi chuyển từ trẻ con thành người lớn, khi biết rằng cái chết là thật và đang rình mò ngoài kia, như một con quỷ có thể thình lình xuất hiện ở đâu đó và chạm vào họ. Một số ý kiến còn cho rằng, toàn thể bộ phim là về sự bất lực và nỗi sợ hãi của con người trước cái chết, và cách chúng ta trì hoãn nó bằng những khoảnh khắc tình dục vô nghĩa, nhưng luôn luôn thất bại. Được củng cố bằng những đoạn trích được đọc trong phim, bài thơ “Bản tình ca của J. Alfred Prufock” của tác giả T. S. Elliot ở cảnh lớp học, và quyển sách “Chàng ngốc” của Dostoevsky mà Yara luôn đọc.

Với tôi, If Follows, lật ngược lại, có thể chỉ là giấc mơ trong đêm của một cô gái đang đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời. Một cô gái cô đơn và trải qua những bi kịch gia đình. Nếu để ý, bộ phim hoàn toàn thiếu vắng sự xuất hiện của người lớn, chỉ có những đứa trẻ loay hoay tự cứu mình trong mối đe dọa. Hầu hết các người lớn khi xuất hiện đều bị che mờ mặt, hoặc chỉ có những phần thân thể họ. Chúng ta không được thấy gương mặt mẹ của Jay, ngoại trừ trong những bức ảnh. Những người cảnh sát chỉ thấy phần chân và ở những góc quay xa, những người hàng xóm mờ mịt trong bóng tối. Những người lớn xuất hiện rõ là mẹ của gã bạn trai, và mẹ của cậu bạn hàng xóm (và sau đó trở thành con quỷ giết chết cậu ta). Người lớn cuối cùng, con quỷ đáng sợ nhất, người mà Jay hét lên với Kelly “chị không muốn nói cho em biết là ai”, là cha của cô. Ông ta xuất hiện trong trang phục lúc đi ngủ, và liên tục ném những món đồ gia đình vào người Jay, tái hiện một cuộc bạo hành trong quá khứ. Như lời gã bạn trai ở đầu phim khi giải thích về con quỉ “nhiều khi có cảm giác như ta bị hại bởi những người ta yêu thương”, con quỷ lớn nhất trong giấc mơ ấy, có thể là những vết thương tinh thần và tình cảm không bao giờ lành.

Trong rạp chiếu bóng, khi dòng Credit đầu tiên hiện lên, nhiều người đã ngỡ ngàng và có phần bất ngờ đến tức tối. Nhưng trước đó, cảnh Paul và Jay trò chuyện sau khi quan hệ với nhau, bên ngoài là mưa rơi tầm tã, đã chiếm trọn trái tim tôi. Paul đã khẽ khàng chạm vào ngón tay của Jay và sau đó nắm chặt lấy. Họ hỏi nhau rằng có cảm thấy gì khác biệt không, và lần lượt từng người ngại ngùng nói rằng “không”. Người xem sẽ hiểu rằng họ đang hỏi về lời nguyền, nhưng không phải thế. Đó là cảnh phim hoàn toàn thuộc về thập kỷ 70, thuộc về những bộ phim coming-of-age hay nhất, mang đến sự mênh mang như kết thúc của Graduated. Nó có được sự lạc lõng trong trẻo của hai thiếu niên lần đầu nếm trái cấm, trong sự thắc mắc đến lo âu rằng một điều có vẻ lớn lao như tình dục, sẽ khiến họ cảm thấy như thế nào về nhau. Để rồi nhận ra, tình dục không mang đến nhiều ý nghĩa như thế, cũng như bất kỳ thứ gì có vẻ lớn lao trên đường đời. Điều quan trọng là, trong cơn ác mộng của Jay, cuối cùng đã có một ai đó thật sự bên cạnh cô và che chở cho cô.

Nếu bạn đã từng trải qua một giấc mơ đầy đau khổ và nước mắt, hoặc đáng sợ, nhưng cuối giấc mơ ấy, có một ai đó xuất hiện và nỗi sợ hãi thay bằng cảm giác bình yên lạ lùng, đó vẫn là một giấc mơ đẹp. Nếu có cách nào tốt nhất để thoát khỏi con quỷ đeo bám kia, tôi nghĩ rằng chỉ có thể là kết thúc mà Mitchell đã mở ra. Là hai người, chứ không phải một, cùng nhận lời nguyền và trông chừng cho nhau. Có thể cuối cùng Jay đã có cuộc sống mà cô mơ ước, khi phải luôn luôn di chuyển và không biết ngày mai sẽ ở đâu. Như tất cả chúng ta.

It Follows là số ít những cơn ác mộng mà tôi thích thú được ở trong đó. Tôi sẽ đến rạp và thưởng thức một lần nữa, và để xem sự mê hoặc lạ lùng ở bộ phim này, ở cả chất kinh dị và lớp màng lạnh giá của sự lớn lên, của nỗi sợ hãi chông chênh của việc trưởng thành, và cái chết – sẽ dẫn tôi đến với miền tỉnh thức nào.

 
TỔNG KẾT: Cơn ác mộng về sự đáng sợ của tuổi trưởng thành và cái chết chờ chực, được khoác lên lớp vỏ kinh dị tuyệt vời.
 
Theo 35mm

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

5,312 lượt xem