Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Review Phim "Looking Glass": Nicolas Cage Đã Thực Sự Hết Thời?

Sau một thời gian dài vắng bóng trên màn ảnh rộng, Nicolas Cage trở lại với vai diễn người chồng trong bộ phim kể về những người phụ nữ khao khát được có con - Inconceivable (Ác Phụ). Tuy nhiên, màn trở lại này không ấn tượng mấy (nếu không nói là làm khán giả thất vọng tràn trề).

Những tưởng rằng anh sẽ rút kinh nghiệm và lựa chọn kịch bản kĩ càng hơn, thế nhưng Nicolas lại đi theo vết xe đổ và tiếp tục làm khán giả thất vọng khi tham gia vào Looking Glass (Bí Ẩn Sau Tấm Gương). Vai diễn ông chủ nhà nghỉ trong Looking Glass lại một lần nữa cho thấy ngôi sao Face/Off huyền thoại ngày nào giờ đây đã hết thời.

Phim kể về hai vợ chồng Ray (Nicolas Cage) và Maggie (Robin Tunney) mua lại căn nhà nghỉ bỏ hoang sau ở một vùng ngoại ô sau khi đứa con gái qua đời trong một tai nạn bi kịch. Tại đây, Ray bắt đầu phát hiện nhiều chuyện bất thường, từ những người hàng xóm cho đến các vị khách đến ở tại nhà nghỉ. Một ngày, anh phát hiện ra một tầng hầm và chiếc gương hai chiều nhìn vào căn phòng số 10. Thế là mỗi ngày anh đều vào đây để… nhìn trộm các vị khách. Kể từ lúc đó, hàng loạt diễn biến kỳ lạ xảy ra, ảnh hưởng đến cuộc sống, hôn nhân và cả tính mạng của hai vợ chồng.

Đúng như tựa tiếng Việt là Bí Ẩn Sau Tấm Gương, phim mang đến cho khán giả từ bí ẩn này đến bí ẩn khác, đến nỗi khi phim kết thúc, biên kịch vẫn không ngừng hành hạ khán giả khi tung ra thêm một bí ẩn khác.

Thế nhưng, không có bí ẩn nào được giải đáp và khi chữ “The End” xuất hiện trên màn ảnh, khán giả không hiểu mình vừa xem cái gì và bị bỏ lại với cảm giác hụt hẫng. Nhân vât Ben chuyên lái chiếc xe tải là ai? Ông có mối liên hệ gì với người chủ trước của căn nhà nghỉ? Người phụ nữ tóc ngắn chuyên thuê căn phòng số 10 là ai? Tại sao người khách đầu tiên khi đến nhà nghỉ lại bị giết? Tại sao tất cả những người này đều chỉ muốn thuê căn phòng số 10 ở cuối dãy?...

Quá nhiều chi tiết bị bỏ ngỏ và nhân vật thừa thải khiến cho nội dung phim như một mớ hổ lốn, không để lại được cảm xúc gì cho khán giả ngoài nhàm chán và tâm trạng nặng nề, khó chịu.

Phản diện chính của phim cũng là thứ khiến người xem thất vọng tràn trề. Xuyên suốt bộ phim, không cần quá động não hay quá chăm chú, người xem vẫn có thể dễ dàng đoán được ai là phản diện chính. Nhưng mãi đến cuối, nhân vật này mới hoàn toàn lộ diện nhưng chẳng có gì bất ngờ hay kịch tính. Hơn thế nữa, động cơ gây án của nhân vật này cũng không được nêu ra, cách gây án và mối liên hệ với các nạn nhân cũng không được giải thích.

Hình tượng nhân vật này cũng chỉ là phản diện một chiều, không có chiều sâu, không hề có điểm gì nổi bật và khiến khán giả cảm thấy giống như các nhân vật phản diện thông thường trong các phim hạng B rẻ tiền.

Nhưng điều khiến người xem ức chế và hụt hẫng nhất chính là cái cách nhân vật này bị Ray giết ở phân cảnh cuối chỉ bằng hai phát súng, hoàn toàn không có một chút cao trào hay kịch tính.

Lý do mà Looking Glass bị gắn nhãn 18+ khi được chiếu ở rạp là bởi có khá nhiều cảnh nhạy cảm giữa các vị khách và vợ chồng Ray - Maggie, đặc biệt là những cảnh BDSM giữa các vị khách. Bản thân series phim 50 Sắc Thái có những cảnh BDSM được thực hiện cũng khá tinh tế và nhẹ nhàng mà còn bị chê tơi tả, huống chi một bộ phim còn chán hơn 50 Sắc Thái gấp chục lần. Những cảnh BDSM trong Looking Glass như thể là phiên bản “cực kỳ lỗi” của 50 Sắc Thái, khi chỉ được thực hiện một cách nhàm chán, giả tạo, rập khuôn và diễn viên chỉ làm theo kịch bản một cách gượng gạo.

Cảnh làm tình giữa vợ chồng Ray và Maggie cũng không giúp làm nổi bật lên mối quan hệ tình cảm giữa hai nhân vật này mà chỉ càng chứng tỏ nhân vật Ray là một người đàn ông… biến thái và chỉ muốn thỏa mãn nhu cầu của chính mình sau nhìn trộm các vị khách qua tấm gương hai chiều. Góp phần vào sự thất bại tệ hại của phim chính là diễn xuất nhàm chán và gương mặt đơ không cảm xúc của dàn diễn viên.

Nicolas Cage và Robin Tunney chỉ diễn ở mức tròn vai, không có gì đột phá và hoàn toàn không gây được ấn tượng gì với khán giả. Sau khi xem xong phim, người ta chỉ nhớ tới Nicolas với gương mặt đầy râu ria, chiếc bụng to tướng hoàn toàn khác biệt với hình ảnh phong độ ngày nào và diễn xuất ngày càng xuống dốc. Marc Blucac vào vai cảnh sát trưởng Howard – phản diện chính của phim, cũng không có gì đặc sắc. Điều này cũng khó trách bởi bản thân nhân vật của anh không có gì nổi bật và được xây dựng một cách nhạt nhòa và nhàm chán.

Bên cạnh đó, màu sắc của phim khá tối, mờ mịt nhưng không hề tạo được cảm giác ghê rợn hay kinh dị mà chỉ khiến người xem khó chịu vì không nhìn rõ được gì. Các góc quay cũng không được lựa chọn kĩ, không làm nổi bật được nét kinh dị của căn nhà nghỉ và thị trấn đầy những cư dân kỳ quặc.

Nhưng phần âm thanh mới là phần nhạt nhất phim. Xuyên suốt bộ phim, từ đoạn đầu cho đến đoạn cuối, từ những cảnh bình thường cho đến những cảnh kịch tính, nhạc nền cũng chỉ có một tông đều đặn như nhau, nhạt nhòa đến nỗi sau khi xem phim xong tôi còn phải cố nhớ lại liệu rằng phim này có nhạc nền hay không.

Mặc dù được thực hiện bởi đạo diễn nổi tiếng Tim Hunter – người chuyên làm ra những series truyền hình xuất sắc như Breaking Bad, Pretty Little Liars, American Horror Story… và có sự tham gia của diễn viên huyền thoại một thời Nicolas Cage, Looking Glass vẫn thất bại thảm hại và góp phần làm cho danh sách những phim tệ nhất mọi thời đại dài hơn.

Sau Inconceivable (2017), Mom and Dad (2018) và giờ đây là Looking Glass, Nicolas Cage nên chọn phim kĩ càng hơn trước khi sự nghiệp xuống dốc không phanh. Và đừng trông mong Looking Glass sẽ là một bộ phim kinh dị hấp dẫn với những cảnh phim rùng rợn và bí ẩn, thực chất vẻ bề ngoài của nó chỉ là lừa dối mà thôi!

Theo moveek.com

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,774 lượt xem