Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Review Phim “Loving Vincent” - Lời Hồi Đáp Đáng Giá Cho “Kẻ Khùng” Vincent Van Gogh

Loving Vincent không phải là tác phẩm điện ảnh đầu tiên làm về họa sĩ huyền thoại Vincent Van Gogh, nhưng ở bộ phim này có những điều khiến tất cả phải trầm trồ, ngưỡng mộ.

Loving Vincent lấy bối cảnh 2 năm sau khi Vincent Van Gogh qua đời. Vào mùa hè năm 1981, Armand Roulin dù không muốn nhưng vẫn phải nhận nhiệm vụ của cha, đến Paris để trao tận tay lá thư cuối cùng trước khi tự sát của vị họa sĩ Vincent Van Gogh cho em trai của ông ấy là Theo Van Gogh.

Tuy nhiên, khi đến nơi, Armand mới biết được rằng Theo đã chết. Nhờ sự giới thiệu của một người chuyên cung cấp sơn dầu Pere Tanguy, anh chàng tìm về ngôi làng Auvers-sur-Oise, nơi chứng kiến những ngày cuối cùng trong cuộc đời Vincent để gặp gỡ bác sĩ Paul Gachet. Tại đây, các cuộc gặp gỡ, đối thoại đã thôi thúc Armand phải tìm hiểu bằng được nguyên nhân thực sự đằng sau sự ra đi của vị họa sĩ bí ẩn, vốn bị hầu hết mọi người – trong đó có cả anh – cho là “kẻ lập dị” và không thể nào ưa nổ…

Cảm giác đầu tiên mà khán giả có được sau khi xem xong Loving Vincent chắc chắn là sự khâm phục cho tâm huyết của toàn bộ ekip làm phim.

Ban đầu, tất cả các nhân vật trong Loving Vincent đều được đóng bằng người thật. Những đoạn phim quay phiên bản người thật đóng sau đó trở thành tư liệu tham khảo cho các họa sĩ vẽ tranh.

Chúng ta đều biết rằng nếu như tranh ảnh là phác họa một khoảnh khắc ngưng đọng thì phim ảnh lại tái hiện sự biến đổi của vạn vật qua thời gian. Vậy nên để mỗi khung hình trở nên chân thực, sống động, họ phải sử dụng 65.000 bức tranh trên vải để tạo nên chuyển động trong phim với tốc độ xuất hiện là 12 bức mỗi giây. Tất cả những bức họa này được tạo nên bởi 125 họa sĩ trên khắp thế giới trong vòng 2 năm tại một trạm hoạt hình.

Trong đó, với 120 bức tranh của Vincent Van Gogh được lồng ghép vào phim, các họa sĩ phải biến đổi, tự tưởng tượng dòng chảy của thời gian trong các tác phẩm của ông sao cho phù hợp với nội dung phim. Đồng thời phải tìm cách làm sao để khung hình của những bức tranh này đồng nhất với khung hình điện ảnh mà vẫn giữ lại được cảm xúc của nguyên tác.

Tất nhiên tốc độ 12 hình/s không thể nào mượt bằng tốc độ 24 hình/s hay một số cảnh quay đặc tả vẫn khó có thể đạt được hiệu quả truyền tải như những bộ phim người thật, nhưng những thước phim hiện lên trong Loving Vincent cuốn hút chúng ta một cách kỳ lạ.

Thậm chí nhiều người đã bỏ qua bản phim phụ đề để thưởng thức trọn vẹn hơn sự biến đổi của từng vệt màu, nét cọ trong các khung hình. Cũng vì thế mà một lời khuyên dành cho các khán giả đó là: Với những bạn thật sự muốn “ngắm tranh trong phim”, phiên bản thuyết minh là sự lựa chọn đúng đắn nhất.

Không chỉ phần nhìn độc đáo, Loving Vincent còn thành công khi xây dựng được một kịch bản hấp dẫn về Van Gogh – người mà giờ chỉ cần với một cú click chuột thì ai cũng có thể biết là ai đấy.

Khán giả xem phim từ nghi ngại đã hoàn toàn đặt mình vào vị trí của nhân vật Armand Roulin, cùng trăn trở cùng suy nghĩ và điên cuồng, nóng lòng muốn tìm ra cho bằng được nguyên nhân nào dẫn đến sự ra đi của Vincent Van Gogh. Nhịp điệu chậm rãi tưởng chừng như sẽ gây nhàm chán, ấy vậy mà gần 100 phút đã trôi qua một cách đầy lôi cuốn, gay cấn.

Để rồi đến khi những hình ảnh cuối cùng khép lại, người xem vẫn chưa thể nào dứt ra khỏi được mạch cảm xúc của phim và còn chút nào đó chưa cam tâm. Chưa cam tâm vì còn muốn được xem nhiều hơn nữa và cũng bởi sự tiếc nuối cho vận mệnh của một nghệ sĩ tài hoa.

Một người phải cô độc đến nhường nào thì mới phải vui mừng như vậy khi thấy một con quạ đến ăn phần cơm trưa của mình. Lời tâm sự về Vincent Van Gogh  của người chèo thuyền không khỏi khiến cho chúng ta đau đớn. Nhưng đừng vội nghĩ bộ phim sẽ mang một vỏ bọc ủ dột, buồn bã xuyên suốt. Cũng như những bức danh họa mà họa sĩ để lại, phim vẫn có những mảng màu tươi sáng, ấm áp.

Đó là sự trân trọng của cô tiểu thư nhà Gachet và ông chủ quán bán sơn dầu Pere Tanguy trước tài năng của Van Gogh, là tình thương mến của những người bạn ở nhà trọ Ravoux, sự hy sinh của Theo cho anh trai…. và hơn hết là tinh thần, ý chí mãnh liệt của vị họa sĩ – điều mà chắc chắn không chỉ trở thành nguồn cảm hứng cho những người cũng mang nỗi niềm trăn trở giữa cuộc sống thực tại khắc nghiệt và tình yêu nghệ thuật, mà còn cho bất kỳ ai đang vật lộn trên hành trình tìm kiếm giá trị đích thực của bản thân mình. Ví dụ như Armand Roulin chẳng hạn.

Cuối phim, những ca từ và giai điệu của ca khúc Vincent (Starry, Starry Night)  vang lên khiến cho cảm xúc tích tụ suốt bộ phim có thể chực trào thành những giọt nước mắt: For they could not love you. But still your love was true…They would not listen, they are not listening still. Perhaps they never will… (Cho dù họ không yêu ông thì tình yêu mà ông dành cho họ vẫn luôn hiện hữu… Họ sẽ không nghe thấy, không hiểu được. Có lẽ là không bao giờ…)

“Tôi muốn chạm vào mọi người bằng những bức tranh của tôi.”

Loving Vincent không phải là tác phẩm điện ảnh đầu tiên làm về thiên tài hội họa Vincent Van Gogh nhưng ở bộ phim có những điều khiến tất cả phải trầm trồ, ngưỡng mộ. Nhất là khi toàn bộ các bức tranh đều được vẽ theo phong cách đặc trưng của Van Gogh: Từng nét cọ ngắn, chồng chất liên tiếp lên nhau; cách sử dụng những mảng màu bộc lộ cảm xúc đầy ám ảnh;… nên chẳng sai đâu khi ta có thể gọi đây chính là lời hồi đáp đáng giá dành cho “kẻ khùng” Vincent Van Gogh sau hơn 120 năm.

Dĩ nhiên, Loving Vincent không chỉ dành cho người yêu Vincent Van Gogh hay yêu hội họa mà đây quả thực là một tác phẩm điện ảnh độc đáo dành cho những ai quan tâm đến phim ảnh, đáng được hoan nghênh và xứng đáng với giá trị mà bạn bỏ ra để vào rạp xem phim.

Theo 35mm.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

4,527 lượt xem