Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Review Phim "My Old Classmate – Bạn Cùng Lớp" - Bộ Phim Gợi Nhớ Về Mối Tình Đầu Và Tuổi Thanh Xuân Của Mỗi Chúng Ta

Tên phim: My Old Classmate – Bạn cùng lớp

Thời lượng: 98 phút.

Diễn viên chính: Lâm Canh Tân (Lâm Nhất), Châu Đông Vũ (Châu Tiểu Chi) 

Đối với tôi mà nói, “Bạn cùng lớp” là một hồi ức rất xa xôi.

Hơn mười năm trước, bài hát này từng là một trong những khúc nhạc nhập môn khi tôi học guitar, và trong ấn tượng mơ hồ với thống kê chưa đầy đủ của tôi, thì nó dường như là bài nhạc được tôi chơi nhiều lần nhất trong đời. Thực ra cũng chẳng phải vì tôi đặc biệt thích bài hát này, mà nói thẳng thì tôi cũng chẳng có cảm tình gì với nó, đối với nội dung bài hát cũng chẳng có điểm nào cộng hưởng. Trong thế giới học đường của tôi, ngoài chút ấn tượng về người bạn cùng bàn thời trung học năm 2 (tương đương với lớp 7 ở Việt Nam), thì những người bạn cùng bàn khác, hoặc là suốt ngày nạt nộ tôi (có trách chỉ trách tôi khi đó quá yếu đuối), hoặc là vẽ một đường biên giới lên bàn, nếu chẳng may lấn qua cái đường đó là cấu véo tôi, lấy cái thước đo góc chọc lên người tôi khiến tôi có cảm giác như nách mình có sẹo, mệt mỏi vô cùng (không hiểu sao các bạn nữ hồi đó cứ thích vạch biên giới nhỉ).

Đối với những bạn học cùng bàn, tôi về cơ bản chẳng có cảm tình gì tốt đẹp, điều đó khiến tôi cũng chẳng có cảm tình gì với bài “Bạn cùng lớp”. Nhưng mà bài hát này rất dễ đàn, so với mấy bài của Beyond (ban nhạc guitar Hồng Kông) khó nhằn mà hồi đó tôi thích (ví dụ như Acoustic Guitar, tôi phải luyện 2 năm trời mới thuận tay), thì “Bạn cùng lớp” đúng là món quà của Thượng đế. Sau này có một thời gian tôi cùng ban nhạc đi hát trong quán bar, đột nhiên phát hiện bài hát vừa đơn giản vừa có thể tạo hưng phấn lại vừa có thể khiến mọi người cùng hát, mấy vị khách đến uống rượu nửa say nửa tỉnh cũng ngân nga theo, vô cùng nhiệt liệt, bởi thế bài hát này trở thành tiết mục nhất định phải có trong mỗi lần biểu diễn.

Vậy nên khi xem bộ phim, tôi luôn hồi tưởng lại một câu hỏi: tôi đã đàn bài hát này bao nhiêu lần? Hai trăm lần? Ba trăm? Dù sao thì kể từ khi rời ghế nhà trường, rời ban nhạc, tôi cũng chưa bao giờ đụng chạm đến nó, ngay cả bản mp3 của nó tôi cũng chưa từng tải lấy một lần. Thực sự là nghe đủ lắm rồi, đàn phát chán rồi, may mà trong phim nó chỉ xuất hiện có 2 lần.

Với tư thế là một người không có nhiều hoài niệm thời đi học, ra rạp xem bộ điện ảnh thanh xuân mà Cao Hiểu Tùng vừa biên kịch vừa giám chế tên là “Bạn cùng lớp”, bất kể cô gái ngồi bên liên tục khăn giấy sụt sùi, rồi phim chiếu xong rất nhiều người nói cảm động, thì tôi cũng chẳng rơi lấy giọt nước mắt nào.

Chỉ thấy lồng ngực ngột ngạt, cứ như có chiếc búa nặng cả cân đập vào, khiến tôi chẳng nói nên lời.

Trong phim, Lâm Canh Tân diễn vai nam chính Lâm Nhất, trông thấy cô bé Châu Tiểu Chi, do Châu Đông Vũ đóng, chuyển từ trường khác đến và trở thành bạn cùng bàn với mình, thì từ đó nhất kiến chung tình, bắt đầu mối duyên 10 năm thanh mai trúc mã. Giống như bất cứ câu chuyện đẹp đẽ nào về mối tình đầu, đoạn tình cảm này trong phim không thể thiếu những cảnh chàng vì nàng bị bắt nạt mà đánh nhau, không thể thiếu cảnh hai người cùng lên lớp, cùng tan học, cũng không thể thiếu những lúc ghen tuông khi thấy đối phương gần gũi với bạn học khác… Lâm Canh Tân diễn vai diễn này từ lúc nhân vật học cao trung (cấp 3) cho đến khi lên đại học rồi đi làm, biến đổi lớn nhưng không có cảm giác bị lệch, tự dưng làm tôi nhớ đến câu hát “Nếu như thanh xuân giữ được gương mặt trẻ mãi không già” (Nước mắt - Phạm Hiểu Huyên); Châu Đông Vũ thì vẫn là dáng vẻ thuần khiết của “Chuyện tình cây sơn trà”, y như lần đầu trông thấy.

Có người thích nửa đầu câu chuyện, nhưng tôi thì lại thích nửa sau. Thuở còn đi học tôi thực ra chẳng có nhiều hoài niệm, hồi đó mỗi ngày đều bị buộc phải học rất nhiều kiến thức vô dụng, lên rất nhiều tiết học vô bổ, lại không thể độc lập về kinh tế, mỗi tháng có mua được tạp chí “Đồng thoại đại vương” hay không còn phải nhìn sắc mặt của bố mẹ. Tôi luôn nghĩ rằng, một người muốn thực sự tự lập, thì trước hết phải độc lập về kinh tế, vậy nên trong cái thời kỳ đi học đầy bế tắc ấy, tôi không thể là chính bản thân mình, chỉ đứng dưới sự quản thúc của cha mẹ và thầy cô, đi làm một học sinh giỏi mà họ mong muốn. Hơn nữa, sau khi tôi ý thức được điều này khi học phổ thông năm 2 (lớp 11), gần giống như Lâm Nhất trong phim, tôi đã có đủ dũng khí để đối mặt với giáo viên chủ nhiệm, thường xuyên trốn tiết, cho đến khi giáo viên chủ nhiệm chịu không nổi nữa, bèn dùng đến nước cờ “mời phụ huynh”. Trong phim, bố của Lâm Nhất cho cậu ta một cái bạt tai có thể coi là đã làm cậu ta thức tỉnh, còn bố tôi thì từng vì tôi mấy ngày đêm không về, trong lễ chào cờ ngày thứ 2, đã cho tôi cái bạt tai trước mặt toàn thể giáo viên và học sinh, khiến tôi mất mặt, một thời gian dài không muốn đến trường.

Trong phim, Châu Tiểu Chi là nguồn động lực của Lâm Nhất, khiến cậu nỗ lực thi vào đại học, chỉ để có thể tiếp tục ở bên nhau. Hai người được như ý nguyện khi cùng học ở đại học Hạ Môn, cậu lại vì mục tiêu tiếp theo của cô mà phấn đấu, chính là để cùng cô đi Mỹ, du học Stanford. Cậu lại vì cô mà tiếp tục giữ lửa như thời cao trung, đi học tiếng Anh, thi CET-4, thi TOEFL… Cậu ra nước ngoài trước, nói sẽ đợi cô đến vào năm sau.

Nhưng một năm sau, cô ấy đã không đến.

Câu chuyện sau đó đi chung đường với những phim thanh xuân khác như “Cô gái năm ấy chúng tôi cùng theo đuổi” - hai người gặp lại, đã hơn 10 năm trôi qua. Thanh xuân chẳng còn, Lâm Nhất nhận được thiệp mời dự đám cưới của Châu Tiểu Chi, suy đi tính lại, cuối cùng cậu vẫn quyết định trở về. Trong buổi gặp mặt bạn bè đầy ắp những hoài niệm xưa cũ và cả những ngại ngùng lúng túng, phải đến khi men rượu thấm vào tâm can, hai người mới nói ra những lời từ tận đáy lòng. Chỉ có điều, nói ra rồi thì làm được gì?

Mong mỏi gặp gỡ là thế, để rồi phát hiện: cách trở đôi bên chính là cái 10 năm ấy.

Trong phim có một đoạn để lại cho tôi nhiều cảm xúc, đó là cuộc sống, công việc của Lâm Nhất ở Mỹ. Trong mắt những người xung quanh, trong ảo tưởng của chính cậu, cuộc sống của cậu ở Mỹ thật dễ chịu, có nhà riêng, có một công việc lương cao, có một vị hôn thê dịu dàng khéo léo… Nhưng thực ra, tất cả những thứ này đều chỉ là ảo tưởng, chỉ là mặt sáng mà người ngoài nhìn thấy. Khi Lâm Nhất lê lết cái thân xác mệt mỏi của cậu từ công ty về nhà, trông thấy vị hôn thê đang ở trên giường với kẻ khác, cậu chỉ nhẹ nhàng buông cánh cửa. Cảnh này Lâm Canh Tân diễn rất hay. Một con người đơn độc sống xa quê hương hàng vạn dặm, áp lực đè nén không phải ai cũng thấu hiểu, cậu ta cũng chẳng có cách nào để trút hết những áp lực ấy ra, chẳng thể nào nói cho người khác nghe. Không những không thể nói ra, mà còn phải liên tục duy trì hình tượng về một con người thành đạt trong mắt họ, áo vest giày da, đầu tóc chỉnh tề, đẹp đẽ sáng lạn.

Càng lăn lộn trong cái xã hội này, con người ta càng đánh mất dần bản ngã.

Mà nực cười là ở chỗ, dẫu bạn có biết rằng mình chỉ đang giả tạo, bạn vẫn phải cố tiếp tục giả tạo.

Ở đám cưới, nhớ lại những gì Châu Tiểu Chi nói năm xưa, mơ ước được làm một hôn lễ có một không hai ở giáo đường. Hôm nay thực sự là đang ở giáo đường, chỉ có điều người đứng cạnh cô dâu lại là một người khác. Trong ảo tưởng của mình, khoảnh khắc khi cha xứ nói “con có đồng ý không?”, Lâm Nhất đã đứng dậy cướp dâu, cảnh tượng giống y như khi cậu nắm tay cô chạy khỏi khu vực cách ly bệnh nhân bị nghi nhiễm SARS, đầy dũng khí, không biết sợ là gì. Nhưng cái mảnh dũng khí ấy, cái mảnh không biết sợ ấy, chỉ thuộc về tuổi trẻ mà thôi. Tuổi trẻ qua mất rồi, Lâm Nhất của ngày hôm nay không thể làm được những điều như vậy nữa.

Khoảnh khắc ấy, ngồi trong giáo đường, nhìn cô gái trao nhẫn cho người đàn ông khác, cậu ta liệu có hối hận không?

Tôi nghĩ, nếu thay tôi đứng vào cảnh tượng này, tôi sẽ hối hận. Con người sống trên đời, ít nhiều khó tránh khỏi những điều nuối tiếc. Là một Xử Nữ cố chấp, làm bất cứ việc gì, bình thường tôi không bao giờ cho mình đường lui, đã làm thì phải nghĩ đến mọi khả năng có thể xảy ra rồi mới làm, bởi vậy rất ít khi tôi phải hối hận. Thế nhưng đối với đoạn tình cảm dưới ghế nhà trường, tôi vẫn ôm nhiều điều tiếc nuối.

Trong phim, Lâm Nhất vì cô gái mình thích mà bằng mọi giá chuyển từ lớp tự nhiên sang lớp xã hội, bất chấp bị giáo viên chủ nhiệm phản đối, nhất định phải vào được lớp của cô gái, nhờ đó được xếp cho một chỗ ngay đối diện bục giảng - cái chỗ ngồi đó phải nói là rất bí bách, khó chịu vô cùng, tôi rất vinh dự được đại diện cho những người từng ngồi.

Có điều, tôi không giống Lâm Nhất ở chỗ, tôi vì trốn cô gái ấy mà chuyển trường. Tại sao lại phải trốn? Bây giờ nói ra lại thấy buồn cười, tôi của cái thời thanh xuân hoàng kim ấy đã nghĩ, nếu như phải chia tay thì phải dùng cách thức tàn nhẫn nhất. Thực ra bây giờ tôi lại nghĩ, nếu như thực sự muốn làm điều tàn nhẫn nhất thì tôi nên đi tự sát mới phải. Có điều, tôi chẳng có cái dũng khí ấy, chỉ đành rút lui, chuyển trường để tỏ lòng quyết tâm.

Trong phim, Lâm Nhất vì cô, thi lên đại học, đi ra nước ngoài; trong hiện thực, người con gái mà tôi quen biết mới là người ra nước ngoài, còn tôi thì đi Bắc Kinh. Chớp mắt đã 11 năm không gặp.

Gần đây có nghe được tin tức của cô ấy từ một người bạn thời trung học. Nghe nói cô ấy ở lại Úc, định cư luôn ở đó, lấy chồng sinh con.

Đôi khi kể với người khác những chuyện này, bạn bè thường cười tôi, nói rằng tình cảm thời trung học thì sâu đậm được đến đâu? Thực ra tôi cũng nghĩ thế, chỉ là cứ hoài niệm mãi. Có khi hoài niệm nhiều quá, đến bản thân cũng không hiểu nổi, rốt cuộc thì là vì không thể với tới được nên mới sinh ra tiếc nuối và hoài niệm, hay là vì hoài niệm mà sinh ra cảm giác tiếc nuối? Đổi một cách nhìn khác, nếu như năm xưa có thể ở bên nhau, liệu hiện tại có thực sự hạnh phúc?

Nhưng hiện thực là, ngay cả cái “nếu như” này cũng không có cơ hội thực hiện.

Mười một năm không gặp, không nói với nhau một lời, mọi liên lạc bị cắt đứt. Đến cả tấm ảnh chụp thời đi học, trong đó có gương mặt của cô ấy, tôi cũng cất vào trong một cái hộp khóa kín lại. Bao năm rồi, kí ức về cô ấy trong tôi đã bắt đầu mơ hồ, thậm chí thời gian còn ở bên cô ấy, đi dạo trên đường len lén nắm tay, đi công viên cùng cô ấy chơi trò hải tặc, những lời tôi an ủi cô ấy qua điện thoại lúc bà ngoại cô ấy mất… giờ tôi đã không còn nhớ rõ ràng nữa.

Điều đáng sợ nhất của thời gian không phải ở chỗ không thể níu giữ nó, mà là nó cho bạn những hồi ức những tưởng là khắc cốt ghi tâm, để rồi khi bạn không để ý bèn xóa nhòa dần những hồi ức ấy, cuối cùng chẳng còn lại dấu vết gì.

Thực ra tôi rất mong trong cảnh đám cưới cuối cùng của “Bạn cùng bàn”, Lâm Nhất sẽ thực sự nắm lấy tay của Châu Tiểu Chi, dắt cô ấy xông ra khỏi giáo đường, tìm đến cuộc sống thực sự của chính mình. Nhưng trong phim, Lâm Nhất chỉ ngồi đó sống trong một ảo tưởng, nhìn người con gái mình từng yêu đứng trên lễ đài nói với người đàn ông khác rằng “em đồng ý”.

Tôi vốn cho rằng phim ảnh có thể tạo nên mộng tưởng, giúp người xem trong một tiếng rưỡi đồng hồ ngồi rạp, tạm thời được thoát ly khỏi thực tế, đi thực hiện những điều mà trong hiện thực cuộc sống họ không thể làm được.

Ấy thế mà trong phim, điều này cũng chỉ là ảo tưởng, nam chính không làm được.

Ngay cả trong phim ảnh vốn hư ảo cũng chẳng thể có được kết cục tốt đẹp, nhân sinh là trào phúng và tàn khốc, có lẽ như vậy.

Rời khỏi rạp, trời Bắc Kinh bỗng đổ mưa. Trong iPod chuyển đến bài “Ngày này năm sau” của Trần Dịch Tấn.

Tôi nghĩ, tôi vẫn nên hứa hẹn với bản thân lần nữa, biết đâu trong đám cưới của một người bạn nào đó có thể đợi được sự xuất hiện của cô ấy. Ngày này năm sau, nếu có thể gặp mặt, muốn biết ai đã thay đổi thế nào. Chia cách từng ấy năm, nguyện có thể nhận ra con của cô ấy, có thể nghe cô ấy nói câu chào tạm biệt.

Có thể gặp nhau một khoảnh khắc trong đời, đó cũng là may mắn.

Tác giả: Hà Ngôn (nhà văn, biên kịch, nhà phê bình)

Theo Fanpage Kenny Lin - Lâm Canh Tân

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

6,848 lượt xem