Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Review Phim "Năm Ấy Hoa Nở Trăng Vừa Tròn": Xem Châu Doanh Mà Nhớ Mị Nguyệt

Tác phẩm truyền hình mới nhất mà Tôn Lệ tham gia Năm Ấy Hoa Nở Trăng Vừa Tròn kể về số phận nữ thương nhân Châu Doanh, một người vốn xuất thân nghèo khó, vươn lên từ hai bàn tay trắng nên giàu có nhất vùng Thiểm Tây. Đây là tác phẩm truyền hình lớn của Tôn Lệ kể từ thành công của Mị Nguyệt Truyện cách đây gần 2 năm, nói về Mị Bát Tử - Thái Hậu đầu tiên của Trung Quốc, lãnh đạo nước Tần trong nguy khó khi Tần vương còn nhỏ.

Cả 2 tác phẩm đều được trau chuốt rất kỹ về nội dung cũng như chất lượng hình ảnh với cả 2 nhân vật đều được dựa trên những nhân vật lịch sử có thật. Và không biết vô tình hay hữu ý mà cả 2 đại nhân vật này trên con đường đến đại thành công đều phải gặp những trắc trở, biến cố cuộc đời tương đồng nhau, đều có những sự trưởng thành về tính cách khá tương tự… khiến cho khán giả cứ xem Châu Doanh thỉnh thoảng lòng lại nhớ Mị Nguyệt.

1. Đều mang trong mình một tính cách lém lỉnh đặc biệt, vô tư vô lo cùng với một thân phận thấp cổ bé họng

“Phải tự mình làm chủ cuộc đời mình”, không được “Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn”. Đó là tôn chỉ hàng đầu của cả hai nhân vật nữ. Nếu như Mị Nguyệt không phải công chúa dòng chính, là bá tinh hại quốc của nước Sở, đi theo công chúa Sở Quốc gả cho Tần Vương chỉ để làm dằng thị thì Châu Doanh xuất thân là dân Sơn Đông mãi võ cùng cha nuôi biểu diễn lừa thiên hạ, kiếm cơm qua ngày là no, cha có bạc để đánh bài là vui. Với số phận “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen” như vậy, Mị Nguyệt và Châu Doanh lại chưa bao giờ muốn khuất phục phận đời, cả hai đều mang tư tưởng lớn phải làm chủ cuộc đời của mình, không phụ thuộc vào ai. Họ mang trong mình trong mình tính cách lém lỉnh, khôn ngoan, đều ham thích học hỏi những điều mới lạ, những đạo lý to lớn vĩ đại; điều mà ở thời đại phong kiến đôi lúc được xem là “đại nghịch bất đạo”.

2. Cơ duyên gặp đấng phu quân tài đức vẹn toàn

Cả hai đều được những nam nhân tài giỏi chú ý, phải lòng và nhờ vậy cũng trưởng thành hơn. Mị Nguyệt ngưỡng mộ sự uy phong, tài trí của Tần Huệ Văn Vương và được ông sủng ái. Cả hai tình ý tương thông, nhờ vậy mà chí lớn thống nhất thiên hạ, đem lại hòa bình cho bách tính của Tần Vương được truyền lại cho Mị Nguyệt. Nàng liền nhận ra trách nhiệm to lớn của mình trong thời cuộc chiến quốc hỗn loạn.

Còn Châu Doanh, nàng được Ngô Sính yêu mến vì tài năng và tính cách đặc biệt. Nhờ đó nàng được ở Ngô Gia Đông Viện, học những bài học về làm ăn và đạo đức kinh doanh, trong đó nổi bật nhất là bài học về hai chữ “Thành” và “Tín” của Ngô Úy Văn và Ngô Sính dạy, bài học đã làm kim chỉ nam cho suốt cuộc đời thương nghiệp của nàng. Trước khi có được bài học để đời như vậy thì cả 2 đều là những người cứng đầu cứng cổ, rất khó dạy bảo. Những phân đoạn trưởng thành về tính cách của 2 nhân vật đòi hỏi khả năng diễn xuất cực kì nhập vai của Tôn Lệ và được cô thể hiện khá tốt.

3. Biến cố lớn: Phu quân không còn và phải đấu tranh để giành quyền làm chủ

Đây chính là lúc mà nhân vật của chúng ta cải tử hoàn sinh. Sau khi Tần Vương băng hà vì quá lao tâm khổ trí, Mị Nguyệt cùng con Doanh Tứ bị đày qua nước Yên làm con tin. Sau bao nhiêu lần bị hãm hại đến suýt mất cả mạng, nàng và con cuối cùng cũng đã về được lại Tần Quốc và lãnh đạo đất nước. Nàng cùng với em mình là Ngụy Nhiễm đưa con trai là Doanh Tứ lên làm vua, vừa là người mẹ thương yêu con mình vừa làm Thái Hậu dạy dỗ Tần Vương khi thượng triều, giúp con mình thành một minh quân nối nghiệp lớn của tổ tiên. Còn Châu Doanh, sau khi Ngô Sính qua đời đột ngột, chữ tai liền vần với chữ tài của nàng đã đến. Nàng bị kẻ ác và cả người trong nhà hại đến nỗi có thể bỏ mạng và mất cả danh dự, “lòng son” của người phụ nữ. Nhưng nhờ vào tài trí và “sự nâng đỡ của biên kịch” mà nàng cũng có thể minh oan cho chính mình và giành lại quyền làm chủ của Đông Viện. Từ đó gầy dựng lại Đông Viện từ cảnh nhà tan cửa nát.

4. Có những gã si tình – Người nguyện chết , kẻ làm quân tử

Đồng hành cùng với 2 nhân vật trong suốt cuộc đời từ trước khi gặp được phu quân cho tới lúc công thành danh toại đều có những đại nam nhân không ngại gian khổ. Ở tác phẩm Mị Nguyệt Truyện, quân tử ở đây là Sở công tử Hoàng Yết và người nguyện chết là Nghĩa Cừ Vương. Hoàng Yết thanh mai trúc mã thuở nhỏ, người luôn hướng tâm về Mị Nguyệt, giúp nàng vượt qua bao gian khó, một nhân vật được hư cấu để giải thích về nhân vật người tình có thật của Thái Hậu lúc về già là Ngụy Sửu Phu. Còn Nghĩa Cừ Vương là kẻ si tình cuồng điên, đã nguyện vào sinh ra tử cùng Mị Nguyệt, cùng nàng tạo nên mối tình chính trị bi đát, và phải hy sinh để giúp nàng thành đại nghiệp.

Sở công tử Hoàng Yết

Nghĩa Cừ Vương

Với Năm Ấy Hoa Nở Trăng Vừa Tròn, thay cho Hoàng Yết ta có một Triệu Bạch Thạch cũng quân tử chẳng kém, và thay cho Nghĩa Cừ Vương ta cũng có một Thẩm Tinh Di nam chính ngôn tình. Nếu như Triệu Bạch Thạch là người góp công lớn nhất cho sự nghiệp dệt vải của Châu Doanh thì Tinh Di là người bằng hữu thân ái nhất. Số phận của anh cũng như Nghĩa Cừ Vương, phải nguyện hy sinh tính mạng để cứu Châu Doanh.

Triệu Bạch Thạch - Chỉ đành làm Anh trai tốt

Thẩm Tinh Di si tình

Người thì hy sinh cho sự nghiệp, người thì vì tính mạng của cả nhà nàng. Thôi thì cứ làm quân tử, dù không chiếm được trọn vẹn trái tim mỹ nhân nhưng vẫn còn giữ được cái mạng quèn còn hơn, không lại phải bỏ mạng cho nàng. Người khởi xướng cho việc này có lẽ là Quả thân vương Doãn Lễ trong tác phẩm Hậu Cung Chân Hoàn Truyện.

Doãn Lễ chọn chén rượu độc để cứu Chân Hoàn

Xuất thân thấp bé, học hỏi ở đời, gặp nhiều biến cố và chiến đấu ngoan cường cùng với những nam nhân si tình nguyện hy sinh thân mình che chở, cả Mị Nguyệt và Châu Doanh đều đạt những thành tựu to lớn cuối đời. Với Mị Nguyệt, bà thành Thái Hậu của nước Tần góp công làm nước giàu mạnh, phim còn đưa ra giả thuyết bà là người tạo nên ngôi mộ binh lính đất nung bí ẩn chứ không phải là Tần Thủy Hoàng sau này. Còn Châu Doanh dù mất sớm, nhưng bà cũng giúp phần thay đổi định kiến trong xã hội phong kiến, góp phần làm giàu mạnh cho đất nước, được Từ Hi Thái Hậu phong làm nghĩa nữ. Chí lớn của Mị Nguyệt gửi lại cho con cháu là ở việc thống nhất giang sơn thì Châu Doanh là mở thương hiệu Ngô Gia đến với 5 châu trên thế giới.

Châu Doanh hay Mị Nguyệt đều là những nhân vật thú vị khiến phim rất đáng để thưởng thức. Dù có theo một mô-típ quen thuộc nhưng nội dung tình tiết và lời thoại mới là thứ làm nên chất riêng của phim. Hy vọng Tôn Lệ sẽ có nhiều vai diễn mới lạ và đột phá hơn, và tốt hơn hết có lẽ là đừng theo công thức này nữa nếu không muốn khán giả dần thấy nhàm chán. Nhưng nếu là fan của những bộ phim cổ trang được dựng chỉn chu và công phu như hai tác phẩm được nhắc tới trong bài hoặc là fan cứng của Tôn Lệ thì đâu cần quan tâm phải không nào?

Theo moveek.com

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

13,513 lượt xem