Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Review Phim “Phantom Thread”: Tình Yêu Và Sự Ám Ảnh

Tác phẩm cuối cùng của tài tử Daniel Day-Lewis là một câu chuyện lãng mạn mang hơi hướm kinh dị, rùng rợn.

Lấy bối cảnh Luân Đôn những năm 1950, phim xoay quanh cuộc đời và những mối quan hệ của nhà thiết kế thời trang nổi tiếng Reynolds Woodcock (Daniel Day-Lewis). Giống như nhiều nghệ sỹ khác, cảm hứng sáng tác của Reynolds cũng đến từ những nàng thơ xinh đẹp.

Cảm xúc là thứ bất định, đến rồi lại đi. Khi không còn hiện hữu trong đôi mắt những kẻ si tình nghệ sỹ, thì những nàng thơ cũng chẳng còn chút giá trị. Giống như cái cách cô gái trẻ Johanna (Camilla Rutherford) tuyệt vọng đưa ánh mắt cầu xin người thợ may tài năng hãy thêm một lần nữa ban phát ánh nhìn say đắm mà anh từng trao trọn cho cô.

Nhưng khi sự xuất hiện của cô hầu bàn Alma (Vicky Krieps) đã khiến cho cuộc sống của người thợ may có gout thẩm mỹ tinh tế với tính cách khắc nghiệt, cầu toàn hoàn toàn đảo lộn.

Phantom Thread là show diễn thời trang theo phong cách cổ điển của thập niên 1950 được tái hiện lại dưới bàn tay tài hoa của đạo diễn Paul Thomas Anderson. Từng khuôn hình chỉn chu, được sắp đặt đầy chủ ý trước máy quay. Nó có thể là những nhát kéo cắt trên vải, những đường chỉ thêu tinh tế trên sợi ruy băng được làm nổi bật dưới thứ ánh sáng vàng vọt, dịu êm. Những phân đoạn may váy được quay chậm, tạo cảm giác như đang xem một MV ca nhạc (Paul từng làm đạo diễn cho nhiều video ca nhạc của các nghệ sỹ như Fiona Apple, Radio Head…).

Nếu trong phim, chàng thợ may lịch lãm Reynolds luôn nâng niu, trân trọng từng bộ váy mà mình tạo ra. Thì phía sau máy quay, Paul Thomas Anderson cũng cầu kì, khắt khe với những khuôn hình để kể lại một mối tình tưởng chừng rất nên thơ, lãng mạn.

Lời chào cuối của Daniel Day-Lewis

Ở tuổi 60, tài tử người Anh Daniel Day-Lewis (đang nắm kỷ lục là diễn viên nam còn sống đạt được 3 giải Oscar) tuyên bố vai diễn trong Phantom Thread sẽ là lời tạm biệt mà ông dành cho nghiệp diễn. Bộ phim còn đánh dấu sự tái ngộ sau 10 năm của Daniel với đạo diễn người Mỹ sau thành công của There Will Be Blood (2007).

Paul Thomas cho biết, hình tượng nhân vật Reynolds Woodcock được tạo ra dựa trên hình mẫu hai nhà thiết kế nổi tiếng thế giới: Charles James và đặc biệt là Cristóbal Balenciaga. Nhưng ẩn ý phía sau cuộc đời may vá của Reynolds lại giống như lời tự sự của chính Daniel Day-Lewis sau hơn 47 năm đứng trước máy quay.

Với Reynolds, thời trang chính là lẽ sống. Mọi thứ ưu tiên trong cuộc đời của người đàn ông này là những chiếc váy được anh nâng niu, chăm chút từng đường kim, mũi chỉ. Công việc kinh doanh khắt nghiệt, áp lực duy trì thương hiệu thiết kế thượng lưu House of Woodcock được trao hết cho người chị gái Cyril (Lesley Manville). Reynolds giống như một kẻ sĩ chỉ biết sống trong thế giới riêng của mình, không màng tới thế sự xung quanh.

Tình yêu, với Reynolds cũng chỉ là thứ gia vị phụ trợ tạo cảm hứng sáng tạo nghệ thuật. Khi cảm hứng không còn nữa, thì tình yêu cũng tan biến theo. Kết tinh của những mối tình đi qua cuộc đời anh, chỉ còn là những tấm váy mà biết bao phụ nữ khác thèm được khoác lên mình.

Nhưng hành trình nào cũng phải có điểm dừng. Với Reynolds là sự kiệt quệ, mỏi mệt trong hành trình đi tìm những sáng tạo mới. Những bóng ma quá khứ tràn về, nỗi thất vọng khi phải chứng kiến nghệ thuật bị đồng tiền bủa vây và sự bất an trong trái tim dành cho một người phụ nữ càng lớn dần khiến anh không còn kiểm soát được bản thân. Việc hóa thân vào vai Reynolds có lẽ đã giúp Daniel Day-Lewis nhận ra điểm dừng của bản thân.

“Trước khi làm phim, tôi không hề nghĩ tới việc ngừng diễn xuất. Cả tôi và Paul [đạo diễn] đã rất vui vẻ trước khi làm bộ phim này. Và rồi tất cả chúng tôi đều ngưng bặt tiếng cười, choáng ngợp bởi một cảm giác buồn bã” – Daniel Day-Lewis trong buổi trả lời phỏng vấn với tờ W Magazine tháng 11/2017.

Sau nhiều năm tận lực cống hiến, theo đuổi trường phái method acting (kỹ thuật diễn xuất khắc nghiệt, buộc diễn viên phải nhập tâm vào nhân vật trong suốt giai đoạn ghi hình), ngay cả bậc thầy như Daniel Day-Lewis cũng thấy quá sức chịu đựng.

Ẩn dụ về số phận của người phụ nữ

Từ khi được công bố, dự án Phantom Thread đã luôn gắn liền với cái tên Daniel Day-Lewis. Diễn xuất của tài tử người Anh vẫn rất cuốn hút và tuyệt vời. Nhưng trên thực tế, toàn bộ thời lượng phim lại là sàn diễn dành riêng cho một nữ diễn viên chưa mấy tên tuổi: Vicky Krieps đến từ Luxembourg.

Nếu như nhân vật Reynolds Woodcock quá dễ đoán về diễn biến tâm lý, thì tâm hồn của cô gái Alma do Vicky thể hiện lại là ẩn số tạo nên bước ngoặt bất ngờ của câu chuyện.

Đầu phim, Reynolds Woodcook hiện lên như hình ảnh một người đàn ông quyền lực, được bủa vây trong ánh mắt “thèm muốn” của những người phụ nữ. Điều này được thể hiện rất rõ trong câu nói mà anh dành cho Alma ngay trong buổi đầu tiên mời cô làm mẫu: “Không, em hoàn hảo. Công việc của anh là giúp em tỏa sáng, nếu như anh thích làm điều đó”.

Cách hành xử của Reynolds với họ vẫn rất lịch thiệp, quý phái, mang đậm phong thái quý tộc Anh. Nhưng xen lẫn vào đó, vẫn có những khoảnh khắc xé tan bức màn kìm nén, để lộ sự tàn nhẫn, cay nghiệt mà Reynolds dành cho những người đàn bà ở xung quanh mình.

Alma thì ngược lại. Xuất phát điểm của cô chỉ là một cô hầu bàn vô danh trong một quán ăn hẻo lánh, xa xôi. Cô không nghĩ mình xinh đẹp và luôn sống trong cảm giác tự ti. Vậy nên khi Reynolds xuất hiện, ngắm nhìn cô bằng ánh mắt say đắm, thì trái tim Alma biết rằng nó đã cam chịu cảnh “chim chậu cá lồng”.

Đàn ông có thể sống mà không cần tình yêu nhưng phụ nữ có thể vì tình yêu mà chết đi sống lại. Alma cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Dù vậy, điểm khiến cô trở nên khác biệt với những nàng thơ từng bị Reynolds rũ bỏ, chính là sự táo bạo và cương quyết: “Tôi muốn yêu anh ấy theo cách của riêng tôi”.

Diễn xuất và nét đẹp của Vicky Krieps giống như “men rượu ngon càng uống càng say”. Cô không bị lép vế trước Daniel Day-Lewis mà ngược lại còn tự tin tỏa sáng, làm chủ từng khoảnh khắc xuất hiện.

Một cách tình cờ, khá nhiều phim được đề cử Oscar Phim hay nhất trong năm nay đều là câu chuyện về nữ quyền. Ban đầu, bố cục của Phantom Thread hiện ra với Reynolds là tâm điểm nổi bật trong thế giới của những phụ nữ. Nhưng cùng với sự thay đổi trong tính cách và lối yêu của Alma, bóng hình người đàn ông quyền lực đầu phim dần biến mất, chỉ còn sót lại một gã đàn ông cô độc, sợ hãi và yếu ớt.

Hóa ra, Reynolds luôn sống trong nỗi ám ảnh về người mẹ đã khuất, chịu sự sắp đặt của bà chị Cyril trong kinh doanh. Và cuối cùng là chấp nhận đầu hàng trước sự kiểm soát của người tình, người vợ Alma. Phim rõ ràng là một cuộc đảo chính tinh tế mà Paul Thomas Anderson dành cho phái yếu – đặc biệt là những người luôn cảm thấy tự ti về bản thân.

Điểm ấn tượng nhất của Phantom Thread chính là cách kể chuyện chậm rãi, đều đều, tưởng bình thản nhưng thật ra là cả một biển sóng ngầm bên trong. Phim không dông dài giải thích bằng ngôn từ mà để tự những hình ảnh nói lên điều cần nói. Tuy nhiên, nhịp điệu này có thể khiến nhiều khán giả cảm thấy buồn tẻ, mất kiên nhẫn khi theo dõi.

Đằng sau vẻ ngoài hào nhoáng, đẹp đẽ của thế giới thời trang, Phantom Thread là một cuộc chiến tâm lý căng thẳng giữa đàn ông và phụ nữ trong tình yêu lẫn quyền lực. Yêu không đơn thuần chỉ là vấn đề về cảm xúc, nó còn là cán cân xoay chuyển giữa kẻ yêu nhiều hơn và ít hơn.

Theo muzuco.com

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

3,029 lượt xem