Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Review Phim “Singing In The Rain” (1952) - Một Thời Để Nhớ Về Phim Câm

Singing in the Rain đã ghi dấu cột mốc chuyển mình giữa thời đại của vũ kịch cho đến phim câm, rồi sau đó là phim thoại… Sự phát triển của âm thanh đã khiến quá trình sản xuất phim phải thay đổi, phần thoại trong các kịch bản phim được trau chuốt hơn, các diễn viên cũng phải làm quen với việc vừa diễn xuất hình thể vừa đọc thoại, dẫn đến nhiều ngôi sao của thời kì phim câm phải chấm dứt sự nghiệp vì không thể thay đổi kịp với xu thế này.

Trong suốt những thập kỷ qua, Singing in the rain luôn có mặt trong các bảng xếp hạng phim âm nhạc hay nhất mọi thời đại, đứng đầu trong danh sách AFI’s 100 Years of Musicals, và đứng thứ năm trong danh sách những bộ phim Mỹ hay nhất mọi nhời đại năm 2007.

Nhưng dường như, thế giới vẫn biết đến Singing in the Rain với bản soundtrack cùng tên nổi tiếng, cảnh hát dưới mưa bất hủ của chàng diễn viên Don Lockwood (Gene Kelly) nhiều hơn là thông điệp chính mà bộ phim mang lại, là những lời nhắn gửi, trăn trở của các nhà làm phim trong bối cảnh của sự chuyển mình giữa thời kỳ phim câm và phim thoại.

Đúng như tên gọi, Singing in the Rain mang một nét rộn ràng tươi vui, hóm hỉnh và tràn đầy năng lượng. Người xem sẽ được thỏa mãn những màn vũ đạo đáng yêu vô cùng hóm hỉnh của đôi bạn thân thiết, Don Lockwood và Cosmo Brown (Donald O’Connor). Những màn nhịp chân theo giai điệu, khả năng gãy đàn điêu luyện, xen lẫn chút ảo thuật vui mắt đã giúp họ trở thành những ngôi sao trên các sân khấu lớn, tại các nhà hát kịch ở quê hương. Nhưng cho đến khi thời đại của phim câm áp đảo đời sống biểu diễn nghệ thuật, họ lại trở thành những người thừa, sân khấu giờ đây chẳng có mấy khi sáng đèn để cùng Don và Cosmo cống hiến tài năng của mình nữa. Và thế là đôi bạn thân quyết định lên California để tìm cơ hội mới. Cảnh họ trú mưa dưới hàng hiên và đặt ra câu hỏi về tháng ngày tiếp theo cuộc đời mình, đã phần nào cho người xem thấy một dư âm của cơn mưa, buồn bã và dai dẳng theo phận người nghệ sĩ đích thực, trước sự thay đổi của thời cuộc.

May mắn đầu tiên của hai chàng trai là tìm được một hãng phim nổi tiếng Monumental Pictures. Tại đây, họ chỉ là những nhạc công bình thường trong đoàn làm phim. Thời ấy, để quay một cảnh trong phim câm có tiếng nhạc, người nhạc công và cây đàn piano thường xuyên túc trực tại trường quay để thu âm trực tiếp, song song với việc quay hình. Có khi là cả dàn nhạc với những cảnh quay công phu hơn. Xem phim, khán giả có thể hiểu được vì sao lại có sự sắp xếp đồng bộ giữa hình và nhạc như vậy. Những năm đầu thập niên 1920 là thời kỳ huy hoàng của phim câm, lý do là các nhà làm phim khó tìm được giải pháp kỹ thuật nào thực sự có hiệu quả để thu và phát đồng thời cả hình ảnh và âm thanh. Vì vậy trong suốt 30 năm, các bộ phim ra đời không hề có tiếng động và công chúng dần quen với thể loại này, họ sẽ tập trung về sắc thái, biểu cảm, diễn xuất của diễn viên. Để minh họa cho các bộ phim này, người ta phải sử dụng các dàn nhạc hoặc các nghệ sĩ tạo tiếng động trực tiếp tại nơi chiếu. Thời gian đầu, Don cùng Cosmo là hai nhạc công vô danh chẳng ai buồn để ý đến, cho đến một lần Don tự nguyện đóng thế ở một vai bị người khác đấm thật vào mặt. Và từ đó Don được chọn vào các vai đóng thế nguy hiểm, rơi xuống biển, xông vào đám nhà cháy,… Sự xả thân của Don cuối cùng cũng đã được ông chủ của hãng, R.F. Simpson (Millard Mitchell) để mắt và chọn anh vào vai diễn nam chính đầu tiên. Từ đây, cuộc đời của Don được lật sang trang mới. Viễn cảnh huy hoàng của Don được tiếp nối với cuộc sống của giới nghệ sĩ thượng lưu được săn đón bởi truyền thông và người hâm mộ.

Một ngày tình cờ, để thoát ra đám đông fan nữ quá khích trong buổi ra mắt bộ phim mới The Royal Rascal đóng cặp với Lina Lamont, nữ minh tinh nổi tiếng và là người đang được gán ghép là vợ sắp cưới của Don. Khi đó, vô tình Don đã nhảy vào một chiếc xe của nữ diễn viên sân khấu Kathy Selden (Debbie Reynolds). Bắt đầu từ việc Kathy chế nhạo Don với tư cách là người của công chúng, là diễn viên của các bộ phim mà chỉ cần xem một lần thì các lần sau đều như nhau. Mâu thuẫn đến từ việc Kathy tôn vinh sân khấu và hãnh diện về những tác phẩm của Shakespeare, cô cho rằng, thế giới điện ảnh quá hào nhoáng, giả tạo và chẳng có gì là thật. Thậm chí, cô cũng nghi ngờ về tài năng của Don và chẳng hề có ấn tượng gì đến anh dù đã từng thấy tên tuổi anh tràn ngập báo chí. Tuy nhiên, Don lại suy nghĩ về những lời mà Kathy nhận xét rất nhiều và rất lâu các ngày sau đó, cũng như anh đang suy nghĩ về chính sự nghiệp diễn xuất của mình. Một cách để chúng ta thấy rằng, với một người dù đang thành công rực rỡ, nếu thiếu đi hành trình tự vấn, tự quay về bên trong để nhìn nhận khả năng thật sự của mình, thì họ sẽ khó mà tiếp tục tiến xa hơn nữa.

Trong phim, người xem sẽ không ít lần bắt gặp câu nói bất hủ của Don khi giới truyền thông phỏng vấn anh, “Tự trọng, luôn luôn tự trọng” (“Dignity. Always dignity”). Dù giờ đây sống trong sự nổi tiếng, nhưng anh vẫn chưa một lần nào quên lời dặn của cha mình, kể cả khi anh gặp khó khăn trong sự nghiệp hoặc trước những cám dỗ đến như một quy luật của cuộc chơi, anh đều dặn mình “Tự trọng, luôn luôn tự trọng”. Câu nói ấy luôn có sức nặng cần thiết và kịp lúc để kéo Don đứng vững vàng, để không bị nhấn chìm bởi các giá trị ảo và phù phiếm như các ngôi sao minh tinh khác.

Nhưng thực tế, Don luôn cảm thấy cô đơn. Nỗi cô đơn của nghệ sĩ lớn. Nỗi cô đơn khi luôn tự hỏi mình là ai? Nỗi cô đơn của một người luôn cười quá nhiều trước máy quay và trước người hâm mộ, nỗi cô đơn của một người khi đã gặt hái được thành công sau ngày tháng vất vả trầy trật để có được. Người xem khó mà quên những màn vũ đạo do chính Gene Kelly thể hiện cộng hưởng với nhạc nền, để lột tả sâu sắc nội tâm của Don. Rời xa tiếng reo vui, nhộn nhịp của ánh đèn sân khấu là nỗi buồn và niềm khắc khoải khi đêm buông. Gene Kelly đã dùng nụ cười của mình để làm rất tốt điều này, trong khi thông thường là các diễn viên khác họ dùng ánh mắt để biểu đạt cảm xúc.

Dù là một bộ phim âm nhạc có chất hài hước, nhưng Singing in the Rain vẫn là một bộ phim có chất liệu lịch sử, đánh dấu cột mốc suy thoái của thời đại phim câm kể từ khi anh em Lumière khai sinh ra nền điện ảnh hiện đại vào năm 1895 và bắt đầu suy tàn nhanh chóng sau sự ra đời của bộ phim có tiếng đồng bộ đầu tiên, The Jazz Singer (1927).

Đó là một vòng tuần hoàn bất tận cho các cuộc “soán ngôi” của các hình thức biểu diễn, để thích ứng với nhu cầu xã hội và làm hài lòng những người thưởng thức và thẩm định nghệ thuật. Singing in the Rain đã ghi dấu cột mốc chuyển mình giữa thời đại của vũ kịch cho đến phim câm, rồi sau đó là phim thoại… Sự phát triển của âm thanh đã khiến quá trình sản xuất phim phải thay đổi, phần thoại trong các kịch bản phim được trau chuốt hơn, các diễn viên cũng phải làm quen với việc vừa diễn xuất hình thể vừa đọc thoại, dẫn đến nhiều ngôi sao của thời kì phim câm phải chấm dứt sự nghiệp vì không thể thay đổi kịp với xu thế này. Cho đến những năm đầu của thập niên 1930, các bộ phim câm dần dần biến mất khỏi các rạp chiếu bóng.

Một vòng quay bất tận, báo hiệu thế giời không ngừng chuyển động, và cũng là lời cảnh báo trước một cuộc đổ bộ của những suy sụp đến với người nghệ sĩ, khi họ đã đứng quá lâu trên nấc thang danh vọng.

Nhưng không phải nghệ sĩ nào cũng tỉnh táo và biết học hỏi như Don, nỗ lực của anh cộng với sáng kiến của Cosmo, và tài năng ca hát, diễn thoại của Kathy đã giúp anh cứu vãn The Dancing Cavaliervà cả hãng phim Monumental Picture

Ngoài ra, Singing in the rain cũng phần nào phản ánh một cách châm biếm về thế giới phù phiếm, giả tạo và kệch cỡm của những diễn viên không biết diễn, không biết thoại, không có cảm xúc, lười biếng suy nghĩ như Lina Lamont. Hình ảnh của cô đã đại diện cho không ít các thế hệ diễn viên đương thời, lợi dụng truyền thông để tạo ra hình ảnh bóng bẩy trước công chúng. Và cái giá phải trả, dù ở bất cứ thời đại nào, họ cũng sẽ nhất định bị đào thải khỏi thế giới điện ảnh đích thực, nơi chỉ có những tài năng thực sự và không ngừng học hỏi như Don, Kathy và Cosmo ở lại.

Đối lập với hình ảnh xa xỉ của Lina là cô gái Kathy tội nghiệp có tài năng thật sự, người mà Don đem lòng nhớ nhung chỉ sau một trận tranh cãi quyết liệt trên phố. Kathy có giọng hát tốt, là một nghệ sĩ vũ kịch tiềm năng, nhưng trước sự đổi thay của thời cuộc, cô phải làm diễn viên quần chúng và múa phụ họa cho các ngôi sao lớn. Một hoàn cảnh điển hình để soi chiếu cho rất nhiều người nghệ sĩ thiếu may mắn khác trước sự suy biến của các loại hình nghệ thuật, họ buộc phải xa rời sân khấu, phải tạm quên đi những nàng thơ trong các vở kịch vang bóng một thời, chấp nhận hát lót, hát bè cho những chương trình giải trí mới lạ khác.

Phân cảnh hát trong mưa khi Don vừa tỏ tình với Kathy, anh lắc lư hát vô tư trên phố dưới cơn mưa (singing in the rain) là một phân cảnh đi vào lịch sử điện ảnh, nó thể hiện niềm vui trẻ thơ của Don đã được lấy lại khi bắt gặp tình yêu đích thực của cuộc đời, hiếm có trong thế giới của những người nổi tiếng, trong sáng và tinh khôi như mối tình giữa Kathy và anh. Một cảm giác nhẹ nhõm và vô tư như những cơn mưa trút xuống phố, tươi mát và an lành… Lần này, anh đã tìm được hạnh phúc đích thực sau ngần ấy năm chỉ biết đến diễn xuất và sống với nỗi cô đơn của người nghệ sĩ.

“Don à, anh có tiền bạc, danh vọng, sự nghiệp. Còn tôi, tôi chẳng có gì, chỉ là một nhạc công bình thường, nhưng tôi có hạnh phúc” – Cosmo đã từng nói với anh như vậy. Và cho đến khi tự do hát dưới mưa, làm những việc điên rồ bất cần sự dòm ngó xung quanh, Don đã hiểu, hạnh phúc chính là được hát, được nhảy, được sống như một người bình thường.

“I’m singin’ in the rain
Just singin’ in the rain
What a glorious feelin’
I’m happy again.”

----------------------------

TỔNG KẾT: Hài hước, tinh tế và xúc động, Singing in the rain là câu chuyện về nỗi cô đơn của người nghệ sĩ lớn, khi đứng trước những sự chuyển mình của các loại hình nghệ thuật.
 
Theo 35mm.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,108 lượt xem