Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Review Phim “Split” (2017) - Cuộc Tách Biệt Đáng Tiếc

Split (2017) - Split kể về 23 nhân cách đang cùng tồn tại trong một cơ thể của chàng trai Kevin Wendell Crumb, một nạn nhân bị chứng rối loạn thần kinh do bị bạo hành tâm lý từ nhỏ

---------------------

Split, với chủ đề chính về chứng đa nhân cách, tôi đã chờ đợi đây sẽ là một tác phẩm có sức nặng tâm lý và lời thoại, nhưng đáng tiếc là phim lại đi theo một hướng hoàn toàn khác, điều mà tôi không dám nghĩ đến, đó là có yếu tố hành động với sự xuất hiện của một con quái vật cơ bắp thật sự.

Split rõ ràng là đã có cách đặt vấn đề rất thú vị, vượt lên trên những biểu hiện của chứng rối loạn thần kinh, thì đa nhân cách là khía cạnh ẩn dụ rất hay để nói về sự đa diện của một con người, một người hoàn toàn bình thường, có thể kiểm soát cảm xúc và hành vi của họ, nhưng đồng thời vẫn có thể sống rất tốt với những ‘bộ mặt’ khác nhau để thích nghi với từng hoàn cảnh, và cũng là để đạt được những tham vọng riêng.

Với cảnh hành động mở đầu hấp dẫn, một cuộc bắt cóc ba nữ sinh là Claire, Marcia và Casey của một tên biến thái, tên Dennis. Hắn chỉ là một trong số 23 nhân cách hiện tại trong cơ thể của một chàng trai tội nghiệp, tên Kevin Wendell Crumb. Ngoài Dennis, người xem sẽ bắt gặp thêm những nhân cách khác đang “chiếm ánh sáng” trên cơ thể Kevin (một thuật ngữ để chỉ những nhân cách đang chiếm ưu thế trong một con người đa nhân cách). Đó là người phụ nữ nham hiểm, một cô giáo người Anh Patricia, cậu bé 9 tuổi Hedwig, một nhà thiết kế thời trang Barry S., nhà nghiên cứu sử học Orwell và Jade, hai nhân cách thoáng vụt qua vài giây trong phim.

Thoạt đầu, M. Night Shyamalan cho tôi thấy Split có cách giới thiệu khá hay về từng nhân cách khác nhau, đang thay phiên để mượn thể xác của một con người. Không khó đoán để nhận ra các nhân cách xấu đang tìm cách chế ngự cơ thể này, nhằm nhân danh cho một bộ phận người bị xã hội ruồng bỏ vì có những biểu hiện tâm lý kỳ quặc, khác biệt với đám đông, và đặc biệt là để đứng dậy sau cơn sợ hãi, sụp đổ vì bị bạo hành bởi những người xung quanh, kể cả người thân. Khi đau khổ, bị hành hạ, bị sỉ nhục, thì cũng là lúc con người ta yếu đuối nhất, là cơ hội để triệu hồi cái ác. Và khi nhân cách thứ 2, thứ 3 trỗi dậy, cái ác đối diện với cái thiện… đó là lúc con người khám phá nội tâm của chính họ. Ai cũng tò mò muốn biết những tiếng nói khác đang chen chúc trong cơ thể của chính mình, là ‘con người’ rất lạ đã tồn tại đâu đó trong tiềm thức, đó là điều rất thú vị. Như thể khi đối diện với sự sợ hãi, một người xưa nay vô hại sẽ không ngờ rằng họ sẽ gây ra những hành động tàn bạo, tội lỗi như thế nào. Tôi cứ ngỡ rằng Split (Tách biệt), với tự thân từ cái tựa phim đơn giản đó sẽ giải đáp những góc khuất này, để cuộc đấu tranh, giành giựt từng nhân cách mạnh mẽ hơn, khốc liệt hơn. Nhưng có lẽ đạo diễn/ biên kịch của phim đã quá chủ quan về đề tài này, nó không đơn giản là cuộc chiếm dụng hoàn toàn của một con quái vật ‘The Beast’, một nhân cách mới thứ 24 vừa tìm đến để lãnh đạo các nhân cách khác, ekip đã cài cắm thêm những chi tiết hành động như một ‘Hannibal’ thô vụng, hung tợn, khát máu, mình đồng da sắt, thay vì là một ‘con quái vật’ đội lốt người thông minh siêu phàm, nhưng có những hành động man rợ không thể tưởng tượng nổi.

Khi bộ phim rơi vào tình huống căng thẳng, người xem dần hiểu rõ hơn trạng thái tinh thần của người chủ Kevin (nhưng nhân cách chính của anh vẫn chưa lộ diện) thông qua các buổi gặp hàng ngày với bà tiến sĩ Fletcher dưới nhân cách của Barry S., một quan điểm rất nhân văn đã được chia sẻ. Chúng ta hoàn toàn có thể tin rằng, những người có chứng rối loạn thần kinh thực sự là những nhân tài tiềm năng, chứ không phải là bệnh hoạn. Cuộc đối thoại đó đã làm giảm đi ít nhiều không khí tàn nhẫn trong phim, một ngọn lửa nhen nhóm giữa những đau khổ và nước mắt. Cách đặt vấn đề này của bộ phim rất hay, nhưng sau đó đạo diễn lại bỏ lửng và không khai thác thêm, để người xem nhìn thấy những thiệt thòi của Kevin đã chịu đựng.

Với Split, James McAvoy đã có 1 vai diễn khác lạ, nhưng không phải là vai diễn xuất sắc. Ban đầu, ngoài sự tò mò về chủ đề của bộ phim, thì tôi rất muốn biết người đàn ông nặng tình trong Atonement (2007) sẽ hóa thân 23 nhân cách như thế nào. Đó là động lực để tôi quyết phải xem Split cho được. Nếu kịch bản bộ phim tiết chế lại, tập trung khai thác tâm lý như bản chất chủ đề vốn thế, thì McAvoy đã có cơ hội được đánh giá cao hơn. Từng trạng thái lạnh lùng, bệnh hoạn, gian xảo, vui vẻ, hài hước, vô hại, đáng yêu… đã được anh hóa thân khá tốt, nhưng tiếc là bộ phim chỉ chừa đất diễn cho những nhân cách đen tối, còn những nhân cách còn lại chỉ vụt qua trong chớp mắt, từ file record trên máy tính, từ câu chuyện được kể lại… Chính vì thế mà tôi không thấy sự nỗ lực quá lớn ở đây của McAvoy, anh không cần biến tấu đa dạng, thể hiện sự phức tạp của đa nhân cách đang dàn xếp, đấu tranh với nhau.

Còn Anya Taylor-Joy, cô sinh viên Casey cô đơn, rất ít khi cười, nhân vật nữ duy nhất nắm giữ đường dây câu chuyện, là người đã vô tình thúc đẩy cho những nhân cách khác lộ diện. Những lát cắt trong quá khứ đầy xáo trộn đã ngấm ngầm báo hiệu về bản năng đấu tranh sống còn của cô gái này. Casey là minh chứng cho câu nói ‘những người biết vượt qua đau khổ là những giống nòi tiến hóa nhất’. Dù là vai diễn tròn trịa nhất của phim, nhưng Taylor-Joy cũng như McAvoy vẫn không thể gánh nổi trọng trách cho bộ phim với một kịch bản khá lan man và thiếu chiều sâu. Trường đoạn mà Casey đối diện lần lượt với từng nhân cách của Kevin (McAvoy) lẽ ra nên đẩy cao trào của bộ phim lên một đỉnh điểm, hai cá thể chịu nhiều đau khổ, đều bị bạo hành tâm lý lẫn thể xác từ bé đối thoại với nhau, để khán giả có thể tự thụt người lại suy ngẫm về cuộc đời này, thì lại đi chệch sang một cuộc săn đuổi rất ‘cơ bắp’.

Với sự mở đầu rất hồi hộp, khó đoán trước sự xuất hiện tiếp theo của nhân cách nào của Kevin. Nhưng càng về sau, Split dường như càng đuối dần, ít hồi hộp, dễ đoán hơn, và chúng ta hoàn toàn nhìn thấy sự bối rối của đạo diễn khi xuất hiện con quái vật, nhân cách thứ 24. Sự tham lam chi tiết và lồng ghép yếu tố hành động chưa bao giờ cho ra một kết quả tốt ở một bộ phim về đa nhân cách, nhấn mạnh vào diễn biến tâm lý con người.

Theo 35mm

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,226 lượt xem