Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Review Phim: "The Pursuit Of Happyness" (Mưu Cầu Hạnh Phúc) - Bộ Phim Truyền Động Lực Cho Cả Thế Giới

“Đừng để ai nói rằng con không thể làm được điều gì, kể cả là bố. Được chứ? Con phải bảo vệ ước mơ của mình. Những người thường không làm được như vậy sẽ hay xui con nên từ bỏ ước mơ. Nếu con thực sự muốn điều gì, hãy bắt tay vào làm.”– Chris Gardner (The Pursuit of Happyness).

Nhắc đến một bộ phim được gắn mác “dựa trên chuyện có thật”, người ta thường sẽ tự đặt ra hai câu hỏi. Đầu tiên là liệu phim có lột tả được toàn bộ những gì mà nhân vật đã thực sự trải qua, những sự việc, sự kiện ảnh hưởng và làm nên con người ấy hôm nay. Thứ hai, cũng chính là cái khó của những nhà làm phim đó là liệu họ có thoát ra khỏi cái ràng buộc của thực tế, cân bằng được hai yếu tố thực và phim để dẫn dắt câu chuyện theo ý mình nhằm đưa một thông điệp mạnh mẽ đến với người xem.

The Pursuit of Happyness với tôi là một trong biết bao trường hợp như vậy. Chưa nói tới việc vai nam chính được giao cho Will Smith, diễn viên nổi danh nhờ những phim hành động như Bad Boys, Men In Black, I Robot, liệu anh chàng có thể làm được gì với một vai nặng tâm lý như này? Bỏ qua tất cả những nghi vấn, tôi đặt lưng và cảm nhận bộ phim để rồi chết lặng vì những gì mà ta vừa chứng kiến trong gần hai tiếng đồng hồ.

http://static.ybox.vn/2017/1/24/b96e7fec-e246-11e6-a80a-cac091044fd5.jpg

Kể về câu chuyện vượt lên số phận của Chris Gardner và đứa con trai bé bỏng, bộ phim bắt đầu vào thời điểm mà mọi thứ tồi tệ nhất sắp xảy đến với anh. Khi xưa lúc mới khởi nghiệp, Chris cùng vợ mình là Linda dồn tất cả những gì họ có vào một thứ gọi là “Máy soi xương di động”, một thiết bị y tế tốt hơn máy chụp x-quang đôi chút nhưng lại đắt gấp đôi. Và thời gian đã chứng minh sự đầu tư của họ có phần sai lầm. Không thể trả tiền nhà đúng hạn, những xung đột trong tình cảm vợ chồng, những khó khăn mà hầu như gia đình trung lưu nào ở Mỹ cùng phải trải qua.

Trong tình cảnh khó khăn ấy, Chris cần phải làm điều gì đó để tự cứu lấy bản thân mình, cứu lấy gia đình bé nhỏ của anh. Một ngày khi trên đường đi làm, anh bắt gặp một người đàn ông thành đạt, và rbằng một cuộc trò chuyện xã giao Chris nhận ra đây chính là con đường của mình: trở thành một nhà môi giới chứng khoán. Anh đăng ký ứng tuyển vào một công ty môi giới, nhưng để chính thức có được công việc này anh phải trải qua sáu tháng huấn luyện đi kèm với việc đánh bại hàng chục ứng viên khác, dù sao đây cũng là bước đầu tiên trên con đường “đổi đời” thực sự của Chris.

Những tưởng mọi chuyện đang đi đúng quỹ đạo thì vào một đêm mưa, khi sức chịu đựng của người phụ nữ đạt đến giới hạn, Linda quyết định rời xa Chris mang theo cả Christopher (thủ vai bởi chính con trai ruột của Will Smith – Jaden Smith). Vợ bỏ, bị đuổi ra ngoài vì thiếu tiền thuê nhà, những khoản thuế, khoản nợ khổng lồ bám theo sau lưng, cả thế giới như sụp đổ trước mắt Chris. Trời luôn éo le, những cái gì khốn nạn nhất thường kéo đến với con người ta cùng lúc khiến họ không kịp xoay xở. Giống như một cơn ác mộng ngược, thay vì cố gắng tỉnh dậy khỏi nó thì ta chỉ muốn ngủ, ngủ một giấc thật dài để khỏi phải đối mặt với hiện thực khốc liệt ấy.

Xem đến đây bạn tự hỏi nếu bản thân mình rơi vào hoàn cảnh này, bạn sẽ phải làm gì? Bỏ cuộc ư, tự giải thoát mình khỏi cuộc đời khốn khổ này ư? Không, tuyệt đối không, đó là điều một người đàn ông không bao giờ được nghĩ tới dù rơi vào bất cứ hoàn cảnh nào. Chris đã lựa chọn cho mình con đường khó khăn, anh kiên quyết giành quyền nuôi Christopher cho bản thân mình, và thế là cuộc hành trình đi tìm hạnh phúc của hai cha con bắt đầu.

http://static.ybox.vn/2017/1/24/fddd8506-e246-11e6-80be-cac091044fd5.jpg

Trong phim sẽ có một trích đoạn mà Chris tự tâm sự với bản thân, hay đúng hơn chính là thông điệp mà toàn bộ ê-kíp làm phim muốn đưa tới người xem, những tâm sự về câu nói “Truy tìm hạnh phúc”. Bởi lẽ nếu không thực sự đấu tranh, thực sự nỗ lực phấn đấu thì hạnh phúc sẽ không bao giờ đến được với bạn. Cả hai cha con Chris đã vượt qua chính bản thân mình, đấu tranh, và nỗ lực để đạt tới cái đích cuối cùng, cái đích mà với họ là sự hạnh phúc dù hạnh phúc với nhiều người chúng ta chỉ là những giá trị chủ quan. Có những giờ phút cả hai phải ngủ trong nhà vệ sinh, cái cảm giác nhục nhã mà chẳng có lời nào có thể diễn tả được, những giọt nước mắt của nhân vật chính kéo theo xúc cảm của người xem, những giọt lệ của nỗi đau, của sự thông cảm.

Sẽ là không ngoa nếu nói toàn thể bộ phim này là một cuộc chạy đua của Chris, chạy đua với thời gian, chạy đua với công việc. Cái cách đạo diễn người Ý Gabriele Muccino “hành” nhân vật chính thật đáng nể, ông đẩy nhân vật đi hết từ cảm xúc này tới cảm xúc khác, khi đang gần chạm được tới thành công thì lại bị kéo xuống một cách đột ngột, khi đang ở trong hoàn cảnh đen tối nhất bỗng lại nhìn thấy ánh sang nơi cuối con đường. Chính những con người, những bước ngoặt mà Chris gặp phải trong cuộc sống đã hoàn thiện con người anh. Dù gặp biết bao khó khăn, nhưng anh vẫn quyết tâm phấn đấu bởi anh biết sự nỗ lực của anh không chỉ vì bản thân, anh không sống vì mình mà còn là vì đứa con trai bé bỏng, thứ quý giá duy nhất còn sót lại trong cuộc đời khốn khổ của anh.

The Pursuit of Happyness không có những cảnh rộng lớn choáng ngợp, không sở hữu những góc máy độc đáo, âm nhạc cũng không phải là một điểm mạnh của bộ phim, nhưng có những trích đoạn mà đã xem một lần là mãi mãi không bao giờ quên. Ngoài cảnh quay xúc động khi hai cha con phải ngủ lại một phòng vệ sinh tại trạm tầu điện ngầm, khán giả sẽ phải lặng người khi xem tới phân đoạn gần cuối. Khi trong ví không còn một xu, Chris dành nốt những đồng ít ỏi của mình để sửa chiếc máy soi xương bị hỏng, mà không biết rằng có thành công hay không. Và khi ánh đèn từ chiếc máy lóe lên, nó như một điềm báo, như một lời chỉ dẫn cho anh, trong thời điểm khốn cùng nhất, như tia hy vọng thắp sáng và cứu rỗi tâm hồn Chris. Rồi cho đến cảnh quay cuối cùng của bộ phim, nơi Chris được nhận chính thức vào công ty môi giới, thực sự thành công với con đường chông gai anh đã lựa chọn. Anh lạc giữa dòng người, dòng đời tấp nập, nở một nụ cười xen lẫn giọt nước mắt, giọt nước mắt của hạnh phúc, hạnh phúc tột cục khi những hy sinh của mình được đền đáp xứng đáng.

Will Smith xứng đáng nhận được giải Oscar cho vai diễn của mình. Vẫn còn nhiều người phải tiếc nuối khi năm đó Forest Whitaker quá xuất sắc trong “The Last King of Scotland”, nhưng dù sao đây cũng là vai diễn để đời của Will. Như tựa đề của bộ phim, “The Pursuit of Happyness”, nhiều người sẽ thắc mắc rằng tại sao lại là “Happyness”, chẳng phải là sai chính tả hay sao? Nhưng tất cả đều là dụng ý sâu xa của đạo diễn. Chữ Y thay vì I khiến ta phải nhìn nhận lại định nghĩa “Hạnh phúc” một cách đúng đắn. Hạnh phúc không phải là tiền hay một thứ gì đó tuân theo khuôn mẫu, điều làm người này hạnh phúc chưa chắc đã làm người khác vui lòng. Mỗi người lại có một định nghĩa về hạnh phúc riêng cho mình, dù là lớn lao hay đơn giản là những thứ nhỏ bé, quan trọng nhất là phải xác định được điều chúng ta cần là gì, để rồi nỗ lực hết sức nhằm tìm thấy hạnh phúc ấy.

Theo mannup.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

32,223 lượt xem