Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Review Phim “What Ever Happened To Baby Jane?” (1962) - Mối Thù Bất Hủ

What Ever Happened To Baby Jane? (1962) - Jane, một nữ diễn viên được yêu mến ngày bé thơ nhưng đã bị quên lãng, sống cùng người chị nổi tiếng trong ngôi nhà lớn ở Hollywood. Ở đó, lòng đố kỵ và ám ảnh hào quang quá khứ dẫn bà ta đến những hành động khủng khiếp.

----------------------------

Điều thú vị nhất về bộ phim What Ever Happen To Baby Jane lại không nằm trên màn ảnh. Bộ phim hồi hộp tâm lý này, tương tự Sunset Boulevard (1950), kể về sự ám ảnh danh vọng của những nữ diễn viên tuổi xế chiều. Nhưng lại đặt trong mối quan hệ thù hận giữa hai chị em ruột.

Baby Jane (Bette Davis), ở đầu phim, được giới thiệu là một thần tượng thiếu nhi. Những bàn biểu diễn cùng với cha mang đến danh tiếng cho cô bé và tiền bạc cho gia đình. Nhưng Jane sớm trở nên xấu tính, và hành hạ người chị Blanche (Joan Crawford). Nhiều năm sau, tình thế đảo ngược. Blanche thành công ở Hollywood, còn Jane chìm vào quên lãng. Một tai nạn xe hơi khiến Blanche từ bỏ sự nghiệp vì bị liệt chân, và Jane chăm sóc cô trong ngôi nhà cũ của gia đình.

Jane chìm vào men rượu và tỏ rỏ thái độ căm ghét đối với chị, người cô ta đang phải phục vụ. Khi Blanche muốn bán đi ngôi nhà, Jane hóa điên. Theo mức độ tăng dần, Jane giam giữ Blanche và bắt đầu tra tấn cô, cả tinh thần lẫn thể xác. Trong thời gian đó, cô ta nuôi lại những mộng tưởng hào nhoáng xưa cũ, khi thuê về một nhạc công về để tập hát trở lại. Bộ phim chuyến biến theo hướng hồi hộp hoang tưởng, giống như Psycho của Alfred Hitcock, đưa người xem vào hành trình tâm lý của Jane, góc nhìn của Jane. “Điều gì đã xảy ra với Baby Jane?” có thể là tựa báo sẽ ra mắt ngày hôm sau, là câu hỏi về con đường từ một đứa bé được yêu mến thành kẻ giết người.

Đạo diễn Robert Aldrich, người được xem là bậc thầy ở thể loại này, cho thấy khả năng sử dụng màu sắc và ánh sáng để tạo ấn tượng, là tốt như thế nào. Cảnh phim khiến tôi nổi gai ốc là khi Jane bắt đầu hát lại bản “I’ve written a letter to daddy”. Ông để Jane đứng trong tối, khi những đường nét nhăn nheo đáng sợ còn ẩn hiện. Bài hát kết thúc, Jane bước lên một bước dưới ánh đèn, và sự già nua như một cơn ác mộng hiển hiện, khiến Jane hét lên kinh hãi. Bối cảnh phim chỉ diễn ra hầu hết trong ngôi nhà, phòng ngủ của Blanche, sạch sẽ và sáng bóng, căn bếp bẩn thỉu của Jane, và phòng tập với chiếc gương lớn phản chiếu. Những đạo diễn kỳ cựu như Aldrich luôn biết cách để các không gian nhỏ trở thành nhân vật, bằng lối sắp xếp bố cục, cách đổ bóng từ khung hình trắng đen, và lựa chọn góc quay, để không gian hòa làm một với cảm xúc nội tâm hoặc nỗi sợ hãi, tạo nên sự ngột ngạt đặc trưng và sức nặng tâm lý.

Tôi vốn không hợp lắm với những phim kiểu như Psycho hay Baby Jane, nhưng luôn thích thú được thưởng thức những sáng tạo của các đạo diễn. Không thể tìm thấy và không thể lặp lại ở nơi nào khác.

Nhưng tôi đã nói, điều thú vị nhất của bộ phim lại không nằm trên màn ảnh. Mà nằm ở mối quan hệ giữa hai diễn viên chính, Bette và Joan. Thường thì nên tách biệt những vấn đề ngoài tác phẩm để thưởng thức nó trọn vẹn, nhưng riêng bộ phim này, chính điều đó khiến trải nghiệm trên phim trở nên giá trị hơn. Baby Jane là bộ phim duy nhất mà bộ đôi này đóng chung, và giữa họ có mối thù hận, căm ghét nhau sâu sắc không thể hòa giải cho đến suốt đời.

Bette và Joan, dù có những lúc thăng trầm trong sự nghiệp, vẫn là những diễn viên hàng đầu trong thế hệ của họ, cả danh tiếng và tiền bạc. Bette thắng 2 giải Oscar diễn xuất và được đề cử 10 lần khác (trong đó có vai Jane trong phim). Joan thì thắng 1 giải Oscar trong 3 lần đề cử. Nhưng sự cạnh tranh ban đầu có lẽ không đến từ công việc, mà từ tình cảm. Họ cùng yêu tài tử Franchot Tone. Bette đem lòng yêu trước khi đóng cùng với anh phim Dangerous năm 1935. Nhưng sau đó Franchot bị Joan, khi ấy là biểu tượng tình ái của hãng MGM và vừa ly dị chồng, “quyến rũ”. Joan và Frachot cưới nhau, nhưng ly dị nhanh chóng. Dù vậy, hai nữ diễn viên đã xem nhau như kẻ thù.

Trong sự nghiệp, nhiều lần cả hai đã nói xấu nhau. Bette nói rằng Joan là kẻ “ngủ với mọi gã trong hãng MGM”, còn Joan đáp trả “tội nghiệp Bette, cô ta dường như chưa hề có một ngày, hay đêm, hạnh phúc nào trong đời mình.” Thậm chí khi Bette cưới chồng là CEO của Pepsi, Joan nhất quyết bỏ một máy bán Coca tự động vào phòng riêng. Vì thế, không ai biết bằng cách kỳ diệu nào mà đạo diễn Aldrich có thể mời họ đóng chung trong Baby Jane. Tôi nghĩ rằng vì họ thấy trong kịch bản hai chị em nhà Hudson ghét nhau đến tận xương tủy.

Có vài lời đồn đại trong quá trình quay phim. Ở cảnh Jane kéo lê Blanche trên sàn nhà, Joan đã chất đá trong túi mình cho nặng thêm. Còn trong cảnh Jane đá vào người Blanche thì Bette đã cố tình đá mạnh để Joan bị thương. Tất cả chỉ là lời đồn, nhưng khó phủ nhận rằng sự thống nhất giữa đời thật và kịch bản đã khiến cả hai vào vai nhập tâm hơn. Bette sau đó đã phát biểu: “Khoảng thời gian tốt đẹp nhất giữa tôi và Joan là khi tôi đẩy cô ta xuống cầu thang trong What happen to Baby Jane.” Ngay cả khi Joan mất vào năm 1977, Bette cũng không để hận thù lắng xuống khi nói rất độc địa rằng “Bạn không bao giờ nên nói điều gì xấu xa về người đã chết, chỉ điều tốt… Joan Crawford đã chết… Tốt.” Nhưng trong quá trình quay phim, cả hai đều rất chuyên nghiệp, đến đúng giờ, chăm chỉ, và hoàn thành tốt vai diễn.

Cũng giống như hình tượng trong Baby Jane, có vẻ Bette là người có thù hận sâu nặng hơn. Trong Baby Jane, Bette hoàn toàn xứng đáng với đề cử Oscar mà mình có được. Nhưng không phải chỉ ở sự căm ghét kinh tởm dành cho cô chị, nhờ các sự kiện ở đời thật tác động theo hướng tích cực. Mà ở tài năng thật sự khi cô thể hiện cả sự điên loạn và ám ảnh cực độ với hào quang quá khứ. Khi cô nhún nhảy trong tiếng piano của bản “Letter to Father”, chúng ta dễ dàng nhìn thấy sự mê đắm trên gương mặt cô ta, ở nụ cười vừa đáng sợ vừa đáng thương. Cả bộ váy búp bê mà cô ta đang mang, những điệu nhảy trẻ con đáng yêu từ hình dáng méo mó già nua, dễ khiến người xem rợn người. Nhưng ở đó là cùng với sự ngây ngô và tận tâm mà Jane có được ở thời thơ ấu. Và cả sự khổ đau. Chúng ta cảm thấy tất cả. Đó là một cảnh rất đáng nhớ.

Ở cảnh cuối cùng khi hòa giải một thù hận, khi cô ta đi mua kem cho người chị mình (điều chưa từng làm ở quá khứ), Jane trở lại xinh đẹp và thánh thiện, thứ mà ở tuổi thơ cô ta đã đánh mất. “Giờ chúng ta có thể là bạn,” Jane nói. Tiếc rằng ở cuộc đời thật Bette và Joan không được như vậy.

Tôi luôn có cảm giác kỳ lạ này khi xem những bộ phim cũ và đọc về những diễn viên đã mất. Những người vẫn còn đây, trên màn ảnh, ở thời khắc đẹp nhất và tài năng nhất của họ, nhưng không còn nữa. Họ đã trở thành những nắm xương ở đâu đó ngoài kia. Họ không còn là những con người đơn thuần, họ là những câu chuyện, những truyền thuyết, vẫn tiếp tục tô điểm cho điện ảnh, nghệ thuật mà họ lựa chọn. Và hàng chục năm sau, hàng trăm năm sau, vẫn tiếp tục có những người xem những bộ phim ấy, và viết về họ, như tôi đang làm. Nếu đó không phải là bất tử, thì bất tử là gì?

TỔNG KẾT: Một phim tâm lý hồi hộp cổ điển đáng xem, từ trong đến ngoài màn ảnh.
 
Theo 35mm

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,124 lượt xem