Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Review Phim ‘Whiplash’- Cái Giá Cho Sự Vĩ Đại

Câu chuyện về chàng sinh viên chơi trống nhạc jazz cùng người thầy ngạo ngược của cậu khiến người xem đặt ra không ít câu hỏi về cái giá thực sự để vươn đến sự hoàn hảo.

“Anh muốn trở thành một người vĩ đại”. Đó là lý do mà Andrew Neyman (Miles Teller) chia tay cô bạn gái Nicole sau khi họ mới hẹn hò nhau chưa được bao lâu.

Mới trước đó hơn một tháng, Andrew là chàng sinh viên chân ướt chân ráo tại Nhạc viện Shaffer, nơi chuyên đào tạo ra những nhạc công hàng đầu của thành phố New York, Mỹ. Theo đuổi chơi trống trong thể loại nhạc jazz, Andrew mơ một ngày có thể trở thành huyền thoại, sánh ngang tầm Buddy Rich.

Lọt vào mắt xanh của thầy Terrence Fletcher hóa ra là cơn ác mộng đối với cậu sinh viên năm đầu Andrew Neyman.

Ước mơ của Andrew Neyman không phải là không có cơ sở, bởi cậu sở hữu thực tài chơi trống. Cuộc gặp tình cờ với thầy giáo Terrence Fletcher (J.K. Simmons) mau chóng đưa cậu đến với ban nhạc danh giá nhất ngôi trường. Tuy nhiên, sự kiện đồng thời mở đầu chuỗi ác mộng dành cho Andrew khi thầy Terrence vốn là người luôn đòi hỏi ở các sinh viên của mình sự hoàn hảo tối đa.

Lấy nhạc jazz làm chủ đạo, tuy nhiên Whiplash lại là câu chuyện xoay quanh mối quan hệ giữa Andrew và Terrence, qua đó đặt ra câu hỏi về cái giá của sự hoàn hảo, cũng như những giới hạn để con người có thể vươn tới sự vĩ đại trong nghệ thuật. Điều đó phần nào khiến nhiều khán giả khi theo dõi Whiplash có thể liên tưởng đến bộ phim Black Swan (2010) của đạo diễn Darren Aronofsky.

Andrew Neyman khi mới tới Nhạc viện Shaffer có chút gì đó còn bối rối, bỡ ngỡ, nhưng bỗng trở nên tự tin hơn hẳn sau khi lọt vào mắt xanh của thầy Terrence. Liệu có gì đáng lo khi thầy Terrence tỏ ra khá quan tâm và tương đối nhã nhặn với cậu trong những buổi gặp chớp nhoáng?

Nhưng ở trong phòng tập âm nhạc, mọi chuyện xoay chuyển 180 độ. Người thầy giáo có cái đầu trọc sẵn sàng buông những lời sỉ vả khủng khiếp nhất, lấy những bí mật trong cuộc sống riêng tư mà Andrew vừa mới chia sẻ để hạ nhục cậu trước mặt cả ban nhạc, hay thậm chí quăng cả ghế vào đầu và tát vào mặt Andrew chỉ bởi cậu chơi sai nhịp, trong lần đầu tiên chơi cùng ban nhạc.

Thầy giáo Terrence Fletcher sẵn sàng "khủng bố" học sinh theo những cách tàn ác nhất.

Xuyên suốt bộ phim, khán giả được chứng kiến Terrence Fletcher nhiều lần “khủng bố” học sinh của ông theo đủ cách khác nhau. Lý do của điều đó? Theo ông, công việc của một người chỉ huy dàn nhạc kiêm thầy giáo không chỉ là dạy dỗ, giữ nhịp cho cả ban, mà còn là đẩy các thành viên vượt xa hơn giới hạn của họ.

Chỉ có làm như vậy, thế giới mới được chứng kiến những Louis Armstrong hay Charlie Parker mới, trong thời đại nhạc jazz đang chết dần chết mòn bởi thứ nhạc dễ dãi đang được bật hàng ngày trong các quán cà phê Starbucks.

Cũng theo Terrence Fletcher, hai từ nguy hiểm nhất trong tiếng Anh là “good job” (tạm dịch: làm tốt lắm). Nếu các sinh viên của ông liên tục nhận được nó mỗi ngày, thì họ sẽ không bao giờ có ý chí tiến thủ. Với Terrence, đây là niềm tin mạnh mẽ bên trong người thầy giáo. Ông thú nhận mình không thích hành hạ sinh viên, nhưng sẵn sàng làm tất cả để theo đuổi niềm tin đó.

Thầy Fletcher càng khắc nghiệt thì Neyman càng cố gắng, tới mức máu đã đổ trên dàn trống của cậu.

Trong hơn 100 phút của Whiplash, khán giả theo chân Andrew Neyman, trải nghiệm sự thay đổi và trưởng thành bên trong con người cậu sau cuộc gặp gỡ định mệnh với Terrence Fletcher.

Vốn là một người cô độc, ít bạn bè và có chút gì đó lập dị, cậu càng trở nên cô lập và hà khắc với chính bản thân hơn để miệt mài luyện tập, sao cho có thể làm vừa lòng thầy Terrence và giữ lấy vị trí trong ban nhạc. Điển hình như chuyện cậu sẵn sàng chia tay bạn gái, bảo vệ tình yêu với nhạc jazz trong một bữa ăn gia đình với những người bà con…

Trên hết còn là niềm tin vào sự vĩ đại của cậu. Với Andrew Neyman, nếu người nghệ sĩ chết ở tuổi 36 vì nghiện ngập, nhưng vẫn còn được nhắc tới trên bàn ăn 50 năm sau, thì đó hẳn là một nhân vật xuất chúng.

Khi niềm tin của Terrence và Andrew đụng độ, lẽ ra những thử thách sẽ mau chóng bị phá vỡ. Nhưng không hề! Không biết bao lần máu đã đổ trên bộ trống và dùi trống của Andrew, nhưng cậu vẫn không được chấp nhận. Thậm chí, cậu sinh viên trẻ suýt chút nữa phải đánh đổi cả mạng sống nhưng vẫn chỉ là một kẻ thất bại trong mắt của người thầy giáo ngạo ngược.

Là một tác phẩm độc lập, mọi thứ trong Whiplash đều tối giản. Câu chuyện chỉ xoay quanh chủ yếu hai nhân vật Andrew và Terrence, bối cảnh phim cũng đơn giản và không có gì quá đặc biệt. Ngay cả phần nhạc phim cũng tối giản khi chỉ chủ yếu sử dụng hai bản nhạc Whiplash Caravan. Điều này có thể khiến những người hâm mộ nhạc jazz phần nào thất vọng khi xem phim.

Câu chuyện của hai thầy trò đặt ra không ít câu hỏi cho người xem về cái giá để vươn tới sự hoàn hảo trong nghệ thuật.

Với những sự tối giản như thế, gánh nặng đè nặng lên vai hai diễn viên Miles Teller và J.K. Simmons trong hai vai chính. Tuy nhiên, cả hai đã xuất sắc hóa thân thành những nhân vật đầy ám ảnh trong câu chuyện, đặc biệt là J.K. Simmons với vai người thầy Terrence Fletcher.

Ở ngay trường đoạn đầu tiên, Miles Teller mặc áo trắng, còn J.K. Simmons vận một “cây đen”. Cảnh phim như báo trước về hai tuyến nhân vật đối lập của câu chuyện sắp sửa diễn ra. Sau đó, cứ mỗi lần xuất hiện trên màn ảnh, J.K. Simmons luôn vận bộ đồ đen từ trong ra ngoài, khiến không khí xung quanh ông như đặc quánh, ngột ngạt thông qua những lời nói khó nghe, những cơn giận dữ không biết bao giờ mới chấm dứt.

Ngoài ra, không khí căng thẳng còn được tôn lên nhờ những cảnh quay cận mặt nhân vật: gương mặt Andrew nhăn nhó vì đau đớn, máu chảy trên tay nhưng vẫn phải cố gắng giữ nhịp trống; gương mặt Terrence hò hét văng cả nước miếng khi sỉ vả học trò… Đó đều là những hình ảnh đáng nhớ của bộ phim.

Có lẽ sẽ không nhiều người đồng tình với cách thức mà Terrence Fletcher dạy dỗ, thúc ép học trò của ông; cũng như cảm thấy xót thương cho một Andrew Neyman bị cuốn theo nỗi ám ảnh về sự hoàn hảo của người thầy.

Nhưng trong trường đoạn cuối cùng của bộ phim, Andrew Neyman đem đến màn trình diễn tuyệt hảo, khiến toàn bộ khán phòng như muốn nổ tung. Phải chăng những cơn giận dữ và sỉ vả trong thời gian tập luyện của Terrence rốt cuộc cũng trở nên hiệu nghiệm, tạo ra được một huyền thoại âm nhạc mới?

Và phải chăng người xem đang tung hô cho thành quả của chúng sau tất cả những gì được chứng kiến? Trong một năm mà cái ác lên ngôi trên màn ảnh rộng, sau khi Amy Dunne của Gone Girl khiến người xem khiếp sợ xen lẫn thán phục; Lou Bloom của Nightcrawler khiến khán giả phải ghê tởm; thì Terrence Fletcher của Whiplash hẳn sẽ khiến công chúng phải đặt ra rất nhiều suy ngẫm, về cái giá thực sự để vươn tới sự hoàn hảo và vĩ đại trong nghệ thuật.

Whiplash là bộ phim từng giành giải thưởng của cả khán giả lẫn giám khảo tại Liên hoan phim độc lập Sundance năm 2014. Tác phẩm lọt vào rất nhiều danh sách top ten phim 2014 do các nhà phê bình bầu chọn. Bản thân J.K. Simmons hiện nhận được đề cử ở hạng mục Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất tại giải thưởng Quả cầu vàng năm 2014

Trailer của bộ phim

Theo zing.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

3,309 lượt xem