Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Review Sách “Hoàng Tử Bé”: Khi Trẻ Con Lạc Vào Trần Giới!

Hoàng Tử Bé là một cuốn sách kinh điển làm người lớn phải phải giật mình. Hoàng tử bé kể về một phi công phải hạ cánh khẩn cấp trong sa mạc. Anh gặp một cậu bé, người hóa ra là một hoàng tử từ hành tinh khác đến. Hoàng tử kể về những cuộc phiêu lưu của em trên Trái Đất và về bông hồng quý giá trên hành tinh của em. Em thất vọng khi phát hiện ra hoa hồng là loài bình thường như bao loài khác trên Trái Đất. Một con cáo sa mạc khuyên em nên yêu thương chính bông hồng của em và hãy tìm kiếm trong đó ý nghĩa của cuộc đời mình. Nhận ra điều ấy, hoàng tử quay trở về hành tinh của em…

Hành trình trở về tuổi thơ đầy trăn trở

Nếu “Cho tôi một chiếc vé đi tuổi thơ” làm mình bật khóc vì nhớ những gì ngây thơ nhất của tuổi thơ thì “Hoàng Tử Bé” lại làm cho mình trăn trở và suy nghĩ rất nhiều. Trong thế giới của “Hoàng Tử Bé”, mọi thứ đều có sinh mệnh và sinh động. Mọi thứ đều nhỏ bé và “biết động đậy”. Từ con cừu, đến bông hoa hồng, cây bao bá hay con rắn, con sói đều có những suy nghĩ của riêng mình. Tại sao mình lại nói: “Hoàng tử bé là hành trình trở về tuổi thơ đầy trăn trở”. Bởi vì…Ngay từ đầu cuốn sách, bạn đã thấy một đứa trẻ bị “tiêu diệt” óc sáng tạo như thế nào.

Cuộc sống và người lớn dạy chúng ta rằng, chúng ta nên tập trung học các môn học ở nhà trường. Những đứa trẻ có thành tích học tập tốt là những đứa trẻ ngoan. Còn những đứa trẻ vẽ vời thì gọi là vẽ linh tinh. Người lớn không có trí tưởng tượng. Họ chỉ nhìn 1 là 1 và 2 là 2. Họ làm sao có thể hiểu được chiếc mũ mà đứa trẻ vẽ lại chính là một sự kiện đáng sợ: “Loài trăn nuốt chửng cả con mồi, không nhai. Sau đó chúng chẳng nhúc nhích gì được nữa và ngủ sáu tháng liền để tiêu hóa con mồi”. Vậy nên trẻ con cứ phải: “Lúc nào, lúc nào cũng phải giảng giải cho các ông, đến nhọc”.

Bởi vì:

Các người lớn thích chữ số. Khi bạn nói chuyện với họ về một người bạn mới, không bao giờ họ hỏi bạn về cái chính đâu. Họ không bao giờ hỏi: “Giọng hắn ta thế nào? Hắn thích chơi trò gì? Hắn ta có sưu tầm bươm bướm không?”. Họ chỉ hỏi bạn: “Hắn ta bao nhiêu tuổi? Có mấy anh chị em? Hắn ta bao nhiêu cân? Bố hắn ta lương bao nhiêu. Thế. Sau đó, họ cho là họ hiểu hắn ta rồi. Nếu bạn nói với những người lớn: “Tôi có thấy một cái nhà bằng gạch màu hồng, với hoa phong lữ trên cửa sổ và chim bồ câu trên mái”, họ chẳng thể nào hình dung nổi nhà ấy như thế nào. Phải nói với họ: “Tôi có thấy một cái nhà mười vạn đồng”. Họ sẽ kêu lên ngay: “Ôi, thật là đẹp”

Và kết quả là các người lớn đã làm cho cậu bé lên sáu phải bỏ một cuộc đời họa sĩ tuyệt diệu. Mà có thể với trí tưởng tượng của cậu, cậu sẽ trở thành một Picasso trong tương lai. Ồ, ai mà biết được chứ. Ngay trong những dòng đầu tiên của “Hoàng Tử Bé”, người ta thấy chính mình. Thấy chính mình với sự khác biệt, sau đó bị cô đơn, bị nhồi vào một khung chuẩn và đúc ra những đứa trẻ giống nhau.

Đừng vội lớn, Hoàng Tử Bé!

Trẻ con có thể mãi mãi chỉ là trẻ con nhưng không có người lớn nào chưa từng là trẻ con. Và chúng ta đều nợ tuổi thơ một điều gì đó.  Khi Hoàng Tử Bé đến và nói: “Ông làm ơn, ông vẽ cho tôi một con cừu”, giữa một bãi sa mạc hoang vu và chiếc máy bay hỏng, “ông người lớn” chẳng thể nào mà từ chối nổi cậu, vì cậu là tuổi thơ. Những cuộc nói chuyện giữa tác giả và Hoàng Tử Bé, chính là tác giả với tuổi thơ của ông. Lúc nào ông cảm thấy Hoàng Tử Bé “rất mong manh” và “dễ dàng biến mất”, bởi vì tuổi thơ cũng thế. Hành tinh của Hoàng Tử Bé, bé tới nỗi chỉ bằng một căn nhà, nhưng em cai quản hành tinh của em. Em phải phát hiện ra mầm mống của cây bao bá để tiêu diệt, em chăm sóc cô hoa hồng và hai ngọn núi lửa bé chỉ bằng cái ghế . Dù chỉ đi du ngoạn khắp nơi chỉ vì “mếch lòng” với nàng hoa hồng, em vẫn nhớ quê hương của mình da diết. Có lẽ em cũng như chúng ta, vội vã muốn trải nghiệm những gì mới lạ trong thế giới của người lớn nhưng khi ra đi rồi, em mới thấy hành tinh tuổi thơ của mình là tuyệt nhất. Chỉ có điều, ở hành tinh ấy, em rất cô đơn, người lớn đâu thể nào hiểu nổi em.

– Có một ngày, tôi nhìn thấy mặt trời lặn 43 lần.

Một chốc sau, em nói thêm:

– Ông biết đấy, khi người ta buồn quá. Người ta thích nhìn cảnh mặt trời lặn.

– Ngày có 43 lần ấy, em buồn tới thế sao?

Nhưng cậu hoàng tử không trả lời.

Trong thế giới của Hoàng Tử Bé, chuyện gì cũng to tác. Trong thế giới của tuổi thơ, chuyện gì cũng quan trọng. Nhưng người lớn không nghĩ thế, họ bận, họ bận “quai búa” với cuộc đời. Vì họ sống ở sa mạc, họ phải chiến đấu nhiều lắm, tội nghiệp họ. Nhưng trẻ con vẫn tức giận, tức giận vì họ không hiểu nổi em, không hiểu nổi những điều quan trọng.

Khi một người yêu đóa hoa, hoa ấy chỉ có một đóa thôi, trong hàng triệu hàng triệu ngôi sao, chừng ấy đủ làm cho anh sung sướng khi nhìn những ngôi sao. Anh ta nghĩ thầm: “Đóa hoa của mình nó ở đâu đây….” Nhưng mà khi cừu ăn hoa, thì anh ta sẽ cảm thấy mọi ngôi sao đều bỗng nhiên tắt! Và chuyện đó không quan trọng sao?

Người lớn kỳ lạ lắm, họ không giống chúng ta

Trước khi Hoàng Tử Bé đến với trái đất, cậu đi lang thang và gặp các người lớn ở những hành tinh khác nhau. Và kết luận chung của cậu là “Người lớn thật kỳ quặc”. Một ông vua không có một thần dân nào để trị vì nhưng ông ta vẫn tự cho mình là vua. Mỗi lần ông ta nói đều phải là “Ta lệnh cho ngươi…”. Đó là biểu trưng cho sự bất lực của người lớn. Người lớn trong mắt trẻ con rất oai hùng, họ mua những gì họ muốn, làm những gì họ thích và rất quyền lực với lũ trẻ. Thế mà họ lại chẳng có quyền lực gì cả, dù họ nói là họ cai trị “Muôn vật”.

Tiếp đó, Hoàng Tử Bé gặp kẻ khoác loác. Kẻ khoác loác này cứ tưởng là mọi người đều khâm phục hắn:Khâm phục nghĩa là thừa nhận ta đẹp nhất, ăn mặc sang nhất, giàu có nhất và thông minh nhất trên hành tinh”. Người lớn nào cũng vậy, họ chỉ thích được nịnh nọt khen ngợi dù chẳng biết…người ta khâm phục mình vì điều gì.

Có những người lớn kỳ lạ tới nỗi, họ sống cuộc đời chìm trong men say và chẳng quan tâm bất cứ điều gì:

– Anh làm gì vậy?

– Ta uống rượu.

– Tại sao anh uống rượu?

– Uống để quên.

– Quên cái gì?

– Quên nỗi xấu hổ của ta

– Xấu hổ vì cái gì?

– Xấu hổ vì uống rượu.

Có những người thì cất tiền trong túi mà không có để làm gì hết, ngoài chuyện đếm. Họ bận kiếm tìm và đếm rồi…chẳng để làm gì:

– Thế ông làm gì với những ngôi sao ấy?

– Ta làm gì à?

– Vâng

– Chẳng làm gì sất. Ta có chúng thôi.

– Ông có những ngôi sao?

– Phải.

– Thế có những ngôi sao, việc ấy có giúp gì cho ông?

– Nó giúp ta giàu.

– Giàu giúp được gì ông?

– Mua những ngôi sao khác nếu có người tìm thấy nữa.

– Làm thế nào người ta có được những ngôi sao?

– Chúng là của ai nào? – Lão tư sản bẳn tính vặn lại.

– Không biết. Không là của ai cả.

– Thế là chúng là chúng là của ta vì ta nghĩ tới chúng sớm nhất.

– Tôi ấy ư, nếu tôi có một chiếc khăn quàng, tôi sẽ quàng vào cổ, tôi mang chúng đi. Tôi ấy ư, tôi có một bông hoa, tôi có thể hái bông hoa đó và mang chúng đi. Còn ông đâu thể hái các ngôi sao?

– Không nhưng ta có thể bỏ nó vào ngân hàng.

– Nghĩa là thế nào?

– Nghĩa là ta viết một mảnh giấy con số ngôi sao. Rồi ta khóa chặt mảnh giấy trong ngăn kéo.

– Chỉ thế thôi?

– Thế là đủ.

Lão tư sản là kẻ tự nhận mình là “người đứng đắn”, lão làm việc chăm chỉ không ngừng lại vì bất cứ điều gì và không rảnh rỗi như những người khác. Đó là những người lớn đứng đắn theo tiêu chuẩn xã hội, họ làm việc, làm việc, kiếm ra tiền rồi cất vào ngân hàng và tự nhủ: “Ta là người đứng đắn” và “Thế là đủ”. Đoạn này, tác giả miêu tả sự nực cười rất sâu sắc qua một hình thái hỏi và trả lời ngô nghê để độc giả hiểu rằng: “Không chỉ ông vua ham mê quyền lực, hay gã nghiện rượu mà kẻ đứng đắn cũng buồn cười không kém”.

Hoàng Tử Bé bỗng nói:

Tôi có một bông hoa mà hôm nào tôi cũng tưới. Tôi có ba quả núi lửa mà tuần nào tôi cũng nạo vét. Và tôi nạo vét cả quả núi lửa đã tắt. Tôi cần thiết cho các quả núi lửa, cho bông hoa của tôi, nên tôi có chúng. Còn ông đâu có ích gì cho các ngôi sao!

Thậm chí có những người lớn tưởng mình biết tất cả mà hóa ra lại chẳng biết gì như…Nhà địa lí.

– Ông làm gì ở đây?

– Ta là nhà địa lí.

– Nhà địa lí là người như thế nào?

– Đó là một bác học biết rõ đâu là sông biển, núi non, thành phố và sa mạc.

– Đẹp quá, cái hành tinh của ông. Có đại dương không ông?

– Ta không  rõ được, – nhà địa lí nói.

– Thế ạ! Còn núi non?

– Ta không rõ được, – nhà địa lí nói.

– Và các thành phố, và các con sông và bãi sa mạc?

– Ta cũng không rõ nốt, – nhà địa lí nói.

– Ông là nhà địa lí cơ mà.

– Đúng, -nhà địa lí nói, – Nhưng ta có là nhà thám hiểm đâu. Ta hoàn toàn thiếu các nhà thám hiểm để giúp việc. Nhà địa lí không phải là người đi đến các thành phố, sông, biển, núi non, đại dương và sa mạc. Nhà địa lí quan trọng hơn nhiều lắm. Nhà địa lí không thể rời cái bàn giấy của mình được. Bọn ta còn phải tiếp các nhà thám hiểm chứ. Bọn ta hỏi và bọn ta ghi chép các kỷ niệm của họ chứ.

Nhà địa lí là một loại điển hình của người lớn. Ông ta không có điều kiện thực hiện ước mơ của mình nhưng vẫn cứ ngồi im đó và mơ về một ngày ước mơ của mình được hoàn thiện. Cũng như việc thiếu các nhà thám hiểm để giúp việc, nhà địa lý chẳng làm được việc gì nhưng vẫn cho rằng việc của mình quan trọng lắm, phải ngồi ở cái bàn này và chờ các nhà thám hiểm. Trong khi…chỉ có Hoàng Tử Bé tới. Ông ta chưa từng nghĩ tới việc sẽ trở thành nhà thám hiểm để viết lại những kỷ niệm của mình mà chỉ chờ người ta mang đến cho cơ hội. Thậm chí, ông ta lại còn kiêu ngạo vì…” các bạn phải khuyên họ làm bài tính đi. Họ quý chữ số lắm. “. Thật kỳ lạ!

Chào mừng, đến với trần thế

Khi Hoàng Tử Bé đến với thế giới của loài người, một bông hoa ba cánh đã miêu tả con người như sau:

Người hả? Có loài ấy đấy, sáu hay bảy mống , hình như thế. Em có nhìn thấy ngữ ấy mấy năm trước khia. Ai biết họ ở đâu mà tìm! Gió thổi đi đâu họ đi đến đấy mà. Họ chẳng có rễ, cái đó phiền cho họ lắm.

Với một chân dung mù mờ về con người như thế, Hoàng Tử Bé bắt đầu chào hỏi hành tinh này bằng lòng thân thiện:

– Chúc một ngày tốt lành. – Em buột miệng nói.

– Chúc một ngày tốt lành…Chúc một ngày tốt lành…Chúc một ngày tốt lành…- Tiếng vang đáp lại.

– Các anh là ai? – Cậu hoàng tử nói.

– Các anh là ai…Các anh là ai…Các anh là ai – Tiếng vang đáp lại.

– Hãy là bạn thân của tôi, tôi chỉ có một mình. – em nói.

– Tôi một mình…Tôi một mình…Tôi một mình…- Tiếng vang đáp lại.

“Cái hành tinh buồn cười thật”. Lúc đó em nghĩ thầm: “Những con người thiếu óc tưởng tượng. Ai nói câu gì cũng lặp lại câu đó”.

Xuyên suốt Hoàng Tử Bé, người ta bắt gặp cách tác giả thông qua lời nói của em để nói lên tính đặc trưng của con người nhiều vô số. Đôi khi chính những điều mà chúng ta làm hàng ngày, trong mắt Hoàng Tử Bé đều trở lên rất buồn cười và phi lí. Như việc gió thổi đến đâu, có bước chân con người đến đó với bông hoa thì đó lại là sự bất tiện kinh khủng vì “chẳng có rễ”. Việc chúng ta bắt chước người khác, lặp lại những gì họ nói với chúng ta như một khuôn phép chuẩn mực của xã hội, sẽ bị coi là “thiếu tính sáng tạo”, ít nhất là trong suy nghĩ của Hoàng tử bé.

Cuộc “quen thân” với Cáo và bài học cho Hoàng Tử Bé

Khi Hoàng Tử Bé đề nghị nó làm bạn, Cáo từ chối vì nó không quen. “Quen” theo định nghĩa của Cáo là “tạo nên những tình cảm ràng buộc”, mà cái ấy thì Cáo quên lâu lắm rồi.

– Tạo nên những tình cảm ràng buộc?

– Hẳn chứ – cáo nói – Đối với tớ, hiện giờ cậu chỉ là một cậu bé hoàn toàn giống trăm nghìn cậu bé khác. Tớ lại không có gì cần đến cậu cả. Và cậu cũng chẳng cần gì đến tớ. Tớ đối với cậu chỉ là một con cáo giống như trăm ngàn con cáo. Nhưng, nếu cậu làm cho tớ quen dần cậu, hai đứa ta, đứa này cần đến đứa kia. Đối với tớ, cậu sẽ là duy nhất trên đời. Tớ đối với cậu sẽ là duy nhất trên đời.

Góc nhìn của con Cáo là góc nhìn của kẻ cô độc. Con cáo rất khao khát tình cảm nên nó bắt quen với Hoàng Tử Bé trước. Nhưng khi Hoàng Tử Bé đề nghị làm bạn thì nó lại bảo là nó không quen. Nhưng những kẻ cô độc lúc nào cũng thế, khi mà nó đã xác định làm bạn với ai đó, nó sẵn sàng kể mỏi thứ và coi người bạn đó là duy nhất trên đời. Cáo tâm sự:

Đời tớ buồn tẻ, tớ săn gà, người săn tớ. Tất cả loài gà đều giống nhau, tất cả loài người đều giống nhau. Vì thế, tớ hơi chán. Nhưng nếu cậu làm cho tớ quen thân, đời tớ sẽ chói chang như ánh mặt trời. Tớ sẽ nhận ra một bước chân khác hẳn những bước chân khác. Các bước chân khác sẽ làm tớ chúi xuống đất. Nhưng bước chân của cậu sẽ như là âm nhạc vậy, gọi tớ từ hang ra. Và cậu nhìn kìa, cậu thấy không ở đấy có những đồng lúa. Tớ đâu có ăn bánh mì. Lúa mì với tớ là vô dụng. Các cánh đồng lúa mì với tớ chẳng hấp dẫn chút nào. Mà thế thì buồn quá. Nhưng mái tóc vàng  kim của cậu, mái tóc vàng kim của cậu thật là tuyệt, khi cậu làm cho tớ quen thân cậu thì lúa mì vốn màu vàng sẽ gợi cho tớ nhớ cậu.

Cáo là kẻ cô độc nhưng nó lại, rất hiểu thế nào là tình bạn chân chính. Những quotes Cáo nói thực sự rất giá trị:

– Loài người bây giờ không còn đủ thì giờ để hiểu cái gì hết. Họ mua các vật làm sẵn ở các con buôn. Nhưng vì không ở đâu người ta bày bán bạn hữu, nên loài người không có bạn.

– Tiếng nói là nguồn gốc của mọi sự hiểu nhầm.

Chính vì con Cáo quá sâu sắc nên nó biết một ngày nào đó, khi Hoàng Tử Bé ra đi, nó sẽ buồn khổ lắm. Nhưng nó lại vẫn muốn tận hưởng hạnh phúc ngắn ngủi để rồi nó bảo: “Đúng, mình sắp khóc”. Chính nhờ sự sâu sắc của Cáo, Hoàng Tử Bé hiểu được thế nào gọi là “Quen”, là “tình cảm”, là “lưu luyến”. Khi mà trước đây, chỉ vì giận bông hoa của mình mà cậu bỏ hành tinh đi chu du khắp vũ trụ, cậu chẳng thể biết được rằng các bông hoa hồng cậu gặp bên đường không bao giờ có thể bằng bông hoa hồng mà cậu đã “quen”:

Các cô đẹp nhưng các cô trống rỗng. Chẳng ai có thể chết vì các cô được cả. Cái bông hồng của tôi ấy, những người qua đường tầm thường có thể nhầm tưởng nó giống các cô. Nhưng chỉ một mình nó thôi, đối với tôi, nó cũng quan trọng hơn tất cả các cô. Bởi vì chính nó, tôi đã đặt dưới bầu kính. Bởi vì chính nó, tôi nghe khoe khoang, thở than, đôi khi cả nín thinh nữa. Bởi vì chính trên thân nó, tôi đã diệt các con sâu. Bởi vì nó là bông hoa hồng của tôi.

Theo Hoàng Tử Bé, những bông hoa hồng vệ đường trống rỗng bởi các nàng chưa từng “quen” ai cũng chưa từng làm cho ai “quen”. Chính vì thế, các nàng chẳng thể trở thành duy nhất trên đời. Còn với cái trí thông minh của mình Cáo nói chính thời gian mà cậu tiêu phí trên bông hoa của cậu, đã làm cho nó trở lên quan trọng với cậu. Hoàng Tử Bé đã học được bài học về tình bạn và cách nhìn nhận sự việc tinh tế đúng như Cáo nói: “Người ta chỉ có thể nhìn thấy rõ ràng bằng trái tim của mình. Cái chủ yếu thì mắt chẳng thể thấy”.

Đừng đi, Hoàng Tử Bé!

Hành trình của Hoàng Tử Bé đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Em chẳng thể hiểu nổi “trần thế” – nơi con người đang sống lại kỳ dị như thế. Em bảo: “Họ chui vào những chuyến tàu nhanh, nhưng họ chẳng biết mình tìm kiếm cái gì. Thế mà họ cứ cuống quýt lên, quay cuồng lê”.

Có lẽ, em vẫn còn mông lung lắm, khi thấy họ bán những viên thuốc gia công uống cho hết khát để tiết kiệm thì giờ trong vài ba phút. Trong khi, đối với em, vài ba phút đó có thể giúp em tận hưởng hương vị mát lành của nước. Hoàng Tử Bé nói rất nhiều điều về sự kỳ lạ của loài người cho nhân vật “Tôi”. Có những lúc, nhân vật tôi chẳng thể nào hiểu nổi. Cũng có những lúc ông vỡ òa trông cảm xúc. Và khi tiếng cười của Hoàng Tử Bé trở thành báu vật lớn nhất trên đời thì cuộc chia ly của ông và cậu bé ấy trở lên khó khăn như Cáo nói: “Tớ sắp khóc”. Nhưng Hoàng Tử Bé đã hiểu tất cả, em nói:

Rồi đây, ban đêm, khi ông nhìn trời, bởi vì ở một trong những ngôi sao đó có tôi, bởi vì trong một ngôi sao đó tôi cười, nên ông sẽ tưởng chừng như tất cả các ngôi sao khác đều cười. Ông sẽ có được những ngôi sao biết cười! Và khi ông nguôi rồi (bao giờ người ta chẳng nguôi đi), ông sẽ bằng lòng đã từng quen biết tôi. Ông mãi mãi là bạn thân của tôi. Rồi đôi khi, ông mở cửa sổ nhà ông, tự nhiên thích mở…thế thôi…Các bạn hữu của ông sẽ cảm thấy làm lạ, thấy ông vừa nhìn trời vừa cười. Ông sẽ bảo họ: “Phải, các ngôi sao, chúng lúc nào cũng làm cho mình cười”

Hoàng Tử Bé là đại diện cho tuổi thơ. Em trở về với chúng ta khi chúng ta gặp khó khăn chồng chất nhất, như việc tác giả bị rơi máy bay vậy. Em trở về để nhắc nhở rằng: “Chỉ có những đứa trẻ là biết mình đang tìm cái gì”. Em trở về để nhắc nhở chúng ta rằng, chúng ta mãi mãi từng là trẻ nhỏ, chúng ta mãi mãi là bạn thân của tuổi thơ dù em phải ra đi. Nhưng, khi nhớ đến tuổi thơ, chúng ta sẽ như chính người phi công bị rơi máy bay đó, ngước lên bầu trời và mỉm cười. Chỉ với hơn 100 trang truyện, rất ngắn nhưng lời thoại lại cực kỳ ý nghĩa. Phải nói rằng mình cực kỳ hâm mộ tác giả Saint Exupery ở cái cách mà ông để cho lời thoại rất giản đơn nhưng lại cực sâu sắc. Là tác phẩm mà trẻ con và những người từng là trẻ con phải đọc, mình hy vọng các bạn sẽ luôn nhớ tới Hoàng Tử Bé như một cuốn sách nhỏ lặng lẽ yêu thương con người.

 

Nguồn sưu tầm:

http://tranhamy.com/2017/06/26/review-sach-hoang-tu-be-khi-tre-con-lac-vao-tran-gioi/

---

Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy, gửi CV (tiếng Anh hoặc Việt) về: [email protected] 

Theo dõi fanpage của  để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,163 lượt xem