Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Review Sách “Khi Hơi Thở Hóa Thinh Không” Tìm Ra Ý Nghĩa Cuộc Sống Khi Đối Mặt Với Cái Chết Của Chính Mình

“Sẽ có lúc con chạm đến một trong nhiều khoảnh khắc của cuộc đời, khi con phải đánh giá bản thân mình, về những gì con đã làm, đã trở thành, và đã mang ý nghĩa gì với thế gian…”

Mọi mảnh đời đều nằm dưới bóng tối của sự hữu hạn, một sự hữu hạn mà chúng ta luôn nhận thức được – một nhận thức mà chúng ta thường xuyên bị che khuất bởi những xao nhãng của cuộc sống hàng ngày. Nhưng khi càng đến gần với giới hạn, con người ta đột nhiên nhận ra rằng mình không còn lựa chọn nào khác ngoài việc lấp đầy bóng tối bằng toàn bộ những ánh sáng mà bản thân có thể tạo ra – loại ánh sáng bên trong thâm tâm mà chúng ta gọi là ý nghĩa: ý nghĩa cuộc sống.

 

 

Bước ngoặt lớn lao đó chính là những gì Paul Kalanithi, chuyên gia giải phẫu thần kinh, viết trong Khi Hơi Thở Hóa Thinh Không (tựa gốc: When Breath Becomes Air) – cuốn nhật ký đau đớn ghi lại những nghĩ suy khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối ngay khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp, chứng kiến một cuộc đời bất ngờ tràn ngập sự sống. Với tư tưởng pha trộn giữa Montaigne và Oliver Sacks, Kalanithi đã đan xen nhiều suy nghĩ triết lý trong hành trình với những câu chuyện về bệnh nhân của mình để làm sáng tỏ điểm chung duy nhất giữa chúng ta – cái chết – và cái cách mà nó thúc đẩy tất cả chúng ta theo đuổi một cuộc sống có ý nghĩa.

Từ đây xuất hiện một sự mặc khải sâu sắc, chân thành, và nồng hậu về mối liên hệ giữa nhận thức bản thân của chúng ta với ý thức về tiềm năng và khả năng của chúng ta – những hình mẫu chúng ta muốn trở thành, những hình mẫu mà chúng ta làm việc không mệt mỏi để trở thành. Vậy chúng ta là ai, và “chúng ta” còn lại những gì khi sự sống bất ngờ bị dập tắt?

Một thế hệ sau khi nhà phẫu thuật Sherwin Nuland cho xuất bản bài viết về việc đối mặt với ý nghĩa của cuộc sống trong khi sắp chết, Kalanithi đưa ra câu trả lời cho những câu hỏi này và vô số những ý nghĩa của chúng. Anh viết:

Năm ba mươi sáu tuổi, tôi sẽ lên đến đỉnh núi; tôi có thể nhìn thấy Đất Hứa, từ Gilead đến Jericho đến biển Địa Trung Hải. Tôi có thể nhìn thấy một con thuyền trên vùng biển ấy, con thuyền mà tôi và Lucy, cùng những đứa con trong mơ của chúng tôi, sẽ dạo chơi vào cuối tuần. Tôi có thể cảm nhận lưng mình bớt căng cứng khi lịch làm việc quay cuồng của tôi được giảm bớt và cuộc sống trở nên dễ quản lý hơn. Tôi có thể nhìn thấy bản thân mình cuối cùng trở thành người chồng mà tôi vẫn luôn hứa hẹn.

Và sau đó điều ta chẳng thể tưởng tượng lại xảy ra. Kalanithi kể lại một trong những sự kiện đầu tiên mà trong đó con người trước đây và số phận tương lai của anh đã va chạm dữ dội:

Lưng của tôi cứng lại trong suốt chuyến bay, và khi đến được Grand Central để bắt chuyến tàu đến chỗ bạn tôi ở miền bắc, cơ thể tôi đã run lên vì đau đớn. Trong vài tháng qua, tôi đã bị co thắt cơ lưng sau nhiều cơn đau khác nhau, từ những cơn đau vặt vãnh mà bạn có thể chịu đựng được, đến những lần đau buốt khiến tôi phải nghiến chặt răng, đến mức tôi phải lăn lộn trên sàn nhà mà la hét. Cơn đau lần này nằm ở phía nghiêm trọng hơn trong nấc thang đau đớn. Tôi nằm xuống trên một băng ghế cứng ở khu chờ tàu, cảm nhận cơ lưng của mình vặn xoắn, cố gắng hít thở để kiểm soát cơn đau – thuốc ibuprofen đã không phát huy tác dụng – và cố gắng nhớ lại tên của mỗi bó cơ khi chúng co thắt chỉ để ngăn dòng nước mắt chực trào: erector spinae, rhomboid, latissimus, piriformis[1]

Một nhân viên bảo vệ đến gần. “Thưa ngài, ngài không thể nằm ở đây được.”

“Tôi xin lỗi,” tôi nói, thở hổn hển. “Lưng… co thắt … cơ lưng”

“Nhưng ngài vẫn không thể nằm đây đâu.”

[…]

Tôi nặng nhọc ngồi dậy rồi đi khập khiễng về phía đoàn tàu.

 

khi hoi tho hoa thinh khong

 

Cũng giống như cuốn sách, mẩu chuyện nhỏ này thực ra muốn nói về một điều còn to lớn và mạnh mẽ hơn là bản thân một câu chuyện cụ thể – trong trường hợp này, là thái độ của chúng ta đối với những gì ta cho là thất bại của cơ thể mình: sự đau đớn, và cuối cùng là cái chết. Chúng ta cố gắng xác định các điều kiện mà những thất bại này có thể xảy ra; để khiến chúng phù hợp với mong muốn trong đời thực; để xóa bỏ chúng bằng ý chí và sự phủ nhận. Ta làm tất cả những điều này bởi tận sâu trong thâm tâm, ta xem chúng là điều không thể chấp nhận được – trong chính chúng ta và trong những người khác.

Điểm trong hành trình Kalanithi là các câu chuyện minh họa cho những khoảnh khắc tuy nhỏ bé nhưng vô cùng to lớn, khi mà số mệnh bất ngờ dổi dời và vũ trụ phức tạp của những ưu tiên mà ta dành cả đời xây dựng bỗng chốc cháy vụn thành bụi sao. Trong những khoảnh khắc đó, xuất hiện dấu chấm hết cho những chương truyện mà ta vẫn ngây thơ tin theo bấy lâu nay, về con đường dẫn đến Hạnh Phúc Mãi Mãi Về Sau mà thực ra ta chẳng thể chạm đến, bởi những đoạn kết ta tưởng tượng cho chính mình thì nào phải cái kết thực sự. Một cái kết đúng nghĩa là sự thất vọng và không hài lòng, còn một kết thúc chúng ta tưởng tượng cho mình lại là sự hài lòng vĩnh cửu, vô hạn.

Kalanithi kể lại một khoảnh khắc “nhỏ bé lớn lao” như vậy khi phải chứng kiến mình trở thành một bệnh nhân ngay tại bệnh viện mà anh vốn làm việc như một bác sĩ giải phẫu thần kinh, chờ đợi được chuẩn đoán bệnh tật của mình:

Một y tá trẻ, người tôi chưa từng gặp, ghé đầu vào phòng.

“Bác sĩ sẽ đến sớm thôi.”

Và chỉ bằng điều đó, tương lai tôi đã tưởng tượng, tương lai sắp được trở thành hiện thực, đỉnh cao của hàng thập niên dài phấn đấu, cứ thế tan biến.

Là một người đàn ông trẻ tuổi, Kalanithi đã nối kết tình yêu cả đời với việc đọc sách của mình, vốn được truyền lại nhờ sự say mê văn học của mẹ anh, với niềm đam mê khoa học thần kinh – tất cả là nhờ một cuốn tiểu thuyết dài 500 trang. Dù chất lượng văn học vẫn còn nhiều nghi vấn, nhưng nó đã đặt ra một ý tưởng khiến toàn bộ thế giới quan của anh đảo ngược. Anh thuật lại thời điểm anh tự thấy mình đang ở cái ngã tư đầy mê hoặc giữa cuộc sống của tâm trí và cuộc sống của não bộ:

Giả thuyết thiếu cơ sở rằng tâm trí chỉ đơn giản là sự vận hành của não bộ là một ý tưởng khiến tôi phải giật mình; nó đánh động sự hiểu biết ngây thơ của tôi về thế giới. Dĩ nhiên, nó phải là giả thuyết đúng – bởi nếu không thì não bộ của chúng ta sẽ làm gì chứ? Dù chúng ta có ý chí tự do, nhưng ta cũng chỉ là những sinh vật sinh học – bộ não cũng là một cơ quan, và nó cũng tuân theo các định luật vật lý! Văn học đem đến một kho tàng phong phú về ý nghĩa của phận người, còn bộ não là chiếc chìa khóa mà bằng cách nào đó cho phép mở kho tàng ấy ra. Nó tựa như phép thuật vậy. Đêm đó, trong phòng của mình, tôi mở cuốn lịch học của trường Stanford mà tôi đã đọc qua hàng chục lần, và cầm lấy một cây bút. Ngoài tất cả các lớp văn học tôi đã đánh dấu, tôi cũng bắt đầu tìm hiểu về sinh học và thần kinh học.

Vài năm sau, dù không nghĩ nhiều về sự nghiệp, nhưng tôi đã hoàn thành bằng cử nhân văn học Anh và nhân sinh học. Động cơ thúc đẩy tôi không hẳn là thành công mà là mong muốn cố gắng hiểu, một cách nghiêm túc: Điều gì làm cho cuộc sống con người có ý nghĩa? Tôi vẫn cảm thấy văn học chứa đựng những câu chuyện hay nhất về cuộc sống của tâm trí, trong khi khoa học thần kinh đưa ra các quy tắc tuyệt nhất về cuộc sống của não bộ. Ý nghĩa, dù là một khái niệm rất đỗi mơ hồ, dường như lại chẳng thể tách rời khỏi mối quan hệ của con người và các giá trị đạo đức … Văn học không chỉ làm sáng tỏ trải nghiệm của người khác, tôi tin rằng, nó cung cấp chất liệu phong phú nhất để suy ngẫm về đạo đức. Những bước đi ngắn ngủi của tôi vào lĩnh vực đạo đức của triết học phân tích lại quá khô cằn, mất đi bản chất lộn xộn và ý nghĩa của cuộc sống thực của con người.

Kalanithi chia sẻ về quyết định tiếp tục theo học thạc sĩ về văn học Anh:

Tôi cảm thấy ngôn ngữ gần như một lực lượng gần như siêu nhiên, hiện hữu giữa con người, giúp não bộ của chúng ta, vốn được che chắn trong lớp hộp sọ dày vài centimet, có thể thấu hiểu lẫn nhau. Một từ ngữ sẽ chỉ có ý nghĩa khi nó được dùng giữa người với người, và ý nghĩa cuộc sống, giá trị đạo đức của nó, có liên quan đến chiều sâu của mối quan hệ mà chúng ta hình thành. Chính khía cạnh quan hệ của con người – nghĩa là “quan hệ giữa người với người” – đã bảo vệ ý nghĩa. Tuy nhiên, bằng cách nào đó, quá trình này tồn tại trong não bộ và cơ thể, tuân theo các yêu cầu về sinh lý của chúng, và dễ bị tổn thương cũng như thất bại. Tôi nghĩ phải có một cách nào đó để để ngôn ngữ của cuộc sống – về đam mê, về cái đói, về tình yêu – đưa chút gì đó của các mối quan hệ, bất kể phức tạp đến mức nào, chuyển hóa thành ngôn ngữ của neuron, của hệ tiêu hóa, và của nhịp tim.

[…]

Khi làm luận án, tôi đã nghiên cứu các tác phẩm của Walt Whitman, một nhà thơ mà cách đây một thế kỷ cũng bị ám ảnh bởi những câu hỏi giống tôi, người muốn tìm một cách để hiểu và mô tả cái mà ông gọi là “Con người sinh lý – tâm linh” (the Physiological-Spiritual Man).

Trong khi bạn bè lựa chọn theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực nghệ thuật, Kalanithi vẫn tiếp tục con đường của riêng mình vì những nỗ lực lạ thường để xác định vị trí giao thoa của văn học, sinh học, triết học và đạo đức, và khai thác nó để làm nguyên liệu sơ cấp cho ý nghĩa của cuộc sống con người. Cuối cùng, một số giáo sư của anh đề nghị rằng một tấm bằng cử nhân lịch sử và triết học có thể giúp anh đến gần hơn với mong ước của mình, vậy là anh đã nộp đơn xin theo học chương trình ở Cambridge và lên đường sang vùng nông thôn Anh. Kalanithi kể lại:

Tôi thấy mình ngày càng thường xuyên lập luận rằng trải nghiệm trực tiếp các câu hỏi về sự sống còn là rất cần thiết để tạo ra những quan điểm đạo đức quan trọng về chúng. Từ ngữ bắt đầu trở nên vô trọng lượng như chính những hơi thở mang chúng. Khi lùi lại một bước, tôi nhận ra rằng mình chỉ đơn thuần xác nhận lại những gì tôi đã biết: Tôi muốn được trải nghiệm trực tiếp. Và chỉ có y học thực hành mới có thể giúp tôi theo đuổi triết lý sinh học cách nghiêm túc. Suy nghĩ về đạo đức trở nên nhỏ bé trước hành động đạo đức. Tôi đã hoàn thành bằng cử nhân và quay lại Mỹ. Tôi sẽ đến Yale để học y khoa.

Chính “đôi cánh” chủ nghĩa lý tưởng sâu sắc này đã đưa Kalanithi bay vút trong cuộc đời bác sĩ giải phẫu thần kinh, và nó cũng là thứ đưa anh vượt khỏi cái chết của mình. Anh viết:

Tôi đã dành rất nhiều thời gian nghiên cứu văn học tại Stanford và lịch sử y học tại Cambridge, nhằm cố gắng hiểu rõ hơn về những đặc tính của cái chết, chỉ để rồi nhận ra tôi vẫn chẳng thể nào hiểu chúng … Những thứ như thế chỉ có thể biết được khi đối diện trực tiếp. Tôi đã theo đuổi ngành y để được chứng kiến những bí ẩn của sự chết, những biểu hiện về mặt trải nghiệm và sinh học của nó: theo một cách vừa mang tính cá nhân sâu sắc, vừa hoàn toán không có chút cá nhân nào.

Nhưng khi đối mặt với những bí ẩn trên tư cách một người tham gia chứ không phải là một người quan sát đã làm đảo lộn những niềm tin cơ bản nhất của Kalanithi. Anh kể lại trạng thái tinh thần đầy mâu thuẫn của mình trong quá trình điều trị, khi những khối u co lại và căn bệnh ung thư tạm thời được kiểm soát:

Không ai hỏi về kế hoạch của tôi, điều đó thật dễ chịu, vì tôi không có. Giờ đây, khi tôi có thể đi bộ mà không cần nạng, thì một sự không chắc chắn đầy xáo trộn đã xuất hiện: Tôi sẽ là ai, sẽ tiến về phía trước trong bao lâu? Một bệnh nhân, nhà khoa học, giáo viên? Nhà nhân sinh học? Hay lại là bác sĩ phẫu thuật thần kinh một lần nữa …? Hoặc là một ông bố nội trợ? Nhà văn? Tôi có thể, hoặc nên, là ai? Khi là một bác sĩ, tôi đã phần nào hiểu được những gì mà các bệnh nhân cận kề cái chết đang phải đối mặt – và đó chính xác là những khoảnh khắc tôi muốn khám phá với họ. Vậy thì ung thư giai đoạn cuối phải chăng là món quà hoàn hảo cho gã thanh niên luôn mong muốn hiểu về cái chết? Còn cách nào tốt hơn để hiểu nó hơn là trải nghiệm nó? Nhưng tôi đã không có ý tưởng rằng nó sẽ khó khăn đến mức nào, sẽ có bao nhiêu vùng đất tôi phải khám phá và vẽ lại bản đồ. Tôi luôn luôn tưởng tượng công việc của bác sĩ là điều gì đó giống như kết nối hai ray đường sắt, để tạo ra một hành trình trôi chảy cho bệnh nhân. Tôi đã không mong đợi viễn cảnh phải đối mặt với cái chết của mình, cũng với việc mất phương hướng và đầy hỗn độn. Tôi nhớ lại bản thân mình hồi trẻ, cậu trai có thể sẽ muốn “rèn dũa lương tâm chưa được sáng tạo của giống nòi mình trong lò rèn của linh hồn tôi.” Nhưng khi nhìn vào tâm hồn mình, tôi chỉ thấy những dụng cụ quá mỏng giòn, lò lửa thiếu sự bập bùng, để có thể rèn lương tâm của tôi.

Không thể tìm thấy sự an ủi trong khoa học, anh quay lại với văn học, công cụ tuyệt vời của trái tim con người đã từng cứu mạng Oliver Sacks theo một cách rất khác. Kalanithi viết:

Chính văn học đã đưa tôi trở lại cuộc sống trong thời gian này. Những bất định về tương lai đã dần yếu đi; ở bất cứ nơi nào tôi đến, bóng tối của cái chết đã che khuất ý nghĩa của bất kỳ hành động nào. Tôi nhớ những khoảnh khắc khi mà sự khắc khoải trong lòng dâng cao, khi cả vùng biển bất định tưởng như bất khả xâm phạm lại tan vỡ. Tôi tỉnh dậy trong đau đớn, phải đối mặt với một ngày khác – không có dự án nào sau giờ ăn sáng là trông có vẻ lâu dài. Tôi nghĩ mình chẳng thể tiếp tục, và ngay lập tức, lời phản đối xuất hiện, hoàn tất câu thần chú bảy từ của Samuel Beckett, những từ mà tôi đã học được từ lâu khi còn ở bậc đại học: tôi sẽ tiếp tục. Tôi đã ra khỏi giường và bước từng bước, lặp đi lặp lại những câu nói đó: “Tôi không thể tiếp tục. Tôi sẽ tiếp tục.”

Sáng hôm đó, tôi đã quyết định: Tôi sẽ trở về với phẫu thuật thần kinh. Tại sao? Bởi vì tôi có thể. Bởi vì đó là tôi. Bởi vì tôi phải học cách sống theo một cách khác, nhìn thấy cái chết như là một vị khách vãng lai đang đến gần, nhưng tôi biết rằng ngay cả khi tôi đang chết, thì cho đến khi tôi thực sự chết, tôi vẫn còn đang sống.

Càng gần đến cuối đời, Kalanithi lại càng đến gần hơn với ý nghĩa quan trọng của cuộc sống, bỏ đi những ước muốn, ảo tưởng, và những nơi trú ẩn giả tạo mà ta đã xây dưng để chống lại sự vô thường của chúng ta. Anh chia sẻ:

Mọi người đều thất bại trước giới hạn. Tôi ngờ rằng mình không phải là người duy nhất đạt đến trạng thái sâu sắc này. Hầu hết các tham vọng đều có thể đạt được hoặc bị bỏ rơi; dù theo cách nào, chúng vẫn thuộc về quá khứ. Tương lai, thay vì bước lên bậc thang gồm những mục tiêu của cuộc sống, lại trải dài thành hiện tại vĩnh cửu. Tiền bạc, địa vị, và tất cả những hư vô mà các nhà truyền giáo mô tả đều chứa rất ít bận tâm: quả thật, đó là đuổi theo những thứ vô hình!

Khi nghĩ về con gái – trở thành cha mẹ là một sự lựa chọn có chủ ý mà anh và vợ, Lucy, đã quyết định sau khi Kalanithi được chẩn đoán – anh đã cân nhắc những thông điệp gì mà mình sẽ trao lại cho sinh linh bé nhỏ này, được ban phước đồng thời trao gánh nặng, bởi tiềm năng vô hạn của chính mình trong một cuộc đời hữu hạn:

Có lẽ chỉ có một điều để nói với đứa trẻ sơ sinh này, đứa trẻ mà trong tương lai sẽ chỉ gặp tôi trong một thời gian ngắn, đứa trẻ mà cuộc sống của nó, trừ khi không thể xảy ra, sẽ là tất cả trừ quá khứ.

Thông điệp đó rất đơn giản:

Sẽ có lúc con chạm đến một trong nhiều khoảnh khắc của cuộc đời, khi con phải đánh giá bản thân mình, về những gì con đã làm, đã trở thành, và đã mang ý nghĩa gì với thế gian. Xin đừng, cha thầm nguyện, cảm thấy thất vọng vì con đã lấp đầy những ngày cuối cùng của một gã đàn ông sắp chết với niềm vui sảng khoái, một niềm vui mà cha đã chẳng biết tới trong tất cả những năm tháng trước đây, một niềm vui không nhuốm chút muộn phiền mong mỏi được nhiều hơn, nhưng là niềm vui đủ đầy, thỏa mãn. Trong thời gian này, ngay chính lúc này đây, đó là một điều to lớn.

Kalanithi qua đời vào tháng 03/2015, để lại Khi Hơi Thở Hóa Thinh Không – một cuốn sổ ghi chép lại chính xác nỗi đau khủng khiếp và một tác phẩm nghệ thuật hiếm có với cấu trúc song hành, trong đó bi kịch chết chóc không bị lật đổ hoặc hòa loãng nhưng cùng tồn tại chân thật, với chiến thắng của sự sống như là tiềm năng cao nhất của con người. Hãy đọc nó cùng với tác phẩm của Anne Lamott về đau buồn và hạnh phúc, hay sách của Oliver Sacks về phẩm giá của việc chết khi đang sống, và những quyển sách thiếu nhi kỳ lạ này về ý nghĩa của cái chết.

———————–

[1] Tên các bó cơ lưng (bằng tiếng Latinh)

Theo Bookaholic.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

5,617 lượt xem