Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Review Sách "Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ": Một Trường Ca Về Nỗi Đau Và Hi Vọng Của Khaled Hosseini

Phải nói rằng “Ngàn mặt trời rực rỡ” chưa bao giờ là một cuốn sách thu hút được sự chú ý của tôi, dù tôi đã lướt qua nó hàng trăm lần mỗi khi bước vào Nhã Nam, do hình thức chẳng có gì đặc biệt thu hút của cuốn sách, do cái tên tác giả nghe thật xa lạ, do bối cảnh của cuốn sách đặt tại một đất nước mà xưa nay tôi chỉ mường tượng ra nó nằm đâu đó ở Trung Đông – nơi gần Vương quốc Ba Tư và con đường tơ lụa cổ xưa với những di sản vô giá và câu chuyện về  nàng Sheherazade thông thái, khôn ngoan, dũng cảm và xinh đẹp đã chinh phục trái tim nhà vua và Trung Đông trong mường tượng của tôi của thời hiện đại là chiến tranh, là khủng bố, là sự hủy hoại của một nền văn minh từng rất rực rỡ của nhân loại, bằng đó những lý do khiến tôi chưa bao giờ thực sự chú ý đến “Ngàn mặt trời rực rỡ” cho đến khi tôi được giới thiệu, được nghe về nó quá nhiều đến mức khiến tôi phải chú ý và nảy sinh cảm giác muốn thử đọc một lần.

Khi đọc những dòng giới thiệu phía sau cuốn sách, về hai người phụ nữ mà số phận đẩy đưa phải cùng chung sống với một người chồng và bị hành hạ, đánh đập, về thời kì biến động kéo dài của một đất nước, nhưng vấn đề lịch sử được lồng ghép trong cuốn sách thể hiện qua phần giới thiệu đó quá mơ hồ với tôi và mọi sự tập trung của tôi đều chú ý vào vấn đề bạo hành phụ nữ được đề cập đến trong phần giới thiệu, vấn đề bất bình đẳng giữa nam và nữ còn tồn tại trong nội tại những đất nước Trung Đông – mà trong thế giới quan của cá nhân mình, đó là điều tôi không bao giờ chấp nhận được ý niệm về nó chứ đừng nói là sự tồn tại của nó.

Và khi đọc đoạn giới thiệu về Mariam và Laila, một cô gái mà cha mình không thể thừa nhận và một cô gái sống trong nhung lụa từ nhỏ, và phải cùng phải sống chung dưới một mái nhà, cố gắng sinh con cho anh ta và chịu những trận đánh đập, để rồi một người khi đi đến tận cùng những khổ đau đã phải ra tay giết chồng, và người kia phải rời khỏi đất nước với người yêu và những đứa con, tôi đã mường tượng rằng chính cô gái được sống trong nhung lụa từ nhỏ sẽ là người ra tay giết chồng bởi vì ắt hẳn cô sẽ không thể chịu được sự đàn áp chưa từng có trong cuộc đời mình, còn cô gái không được thừa nhận kia rồi sẽ có được hạnh phúc sau tất cả những khổ đau. Và đó chính là những điều tôi đã nghĩ cho đến khi thực sự lật giở từng trang sách và thấm đẫm mình vào cuộc đời của hai người phụ nữ ấy – Laila và Mariam.

Mariam là đứa con của một thương nhân  giàu có và quyền lực nhất xứ với một người đàn bà thấp kém, từng là người hầu của gia đình cô. Mariam lớn lên trong một kolba, một cái chòi, lụp xụp cách xa thành phố, cách xa mọi người cùng với Nana – người mẹ tính khí thất thường, dường như căm ghét và hằn học với cuộc đời và tất cả mọi người và mắc bệnh động kinh và được cha đến thăm vào mỗi thứ Năm hàng tuần – ngày mà cô mong ngóng nhất trong tuần. Trong suốt mười lăm năm sống với mẹ và chỉ được gặp cha một lần trong tuần, Mariam đã bị nhồi nhét không ngừng những ý nghĩ về việc mình là một đứa trẻ vô thừa nhận, một đứa trẻ bỏ đi, nhưng ý nghĩ đầy vị kỉ và hằn học của người mẹ đã dấy lên trong Mariam những mâu thuẫn nhất định trong chính con người cô, mâu thuẫn về việc tin vào giá trị của bản thân hay tin vào những điều mẹ vẫn thường nói với cô. Do đó, Mariam lại càng tôn thờ bố, người đàn ông dù chỉ đến thăm cô có một lần mỗi tuần nhưng lại luôn yêu thương cô, che chở cô, khiến cô cảm thấy an toàn khi ở bên cạnh ông, người đàn ông đã kể cô nghe những câu chuyện về các vùng đất ông đến và mang theo những món quà cho cô, Mariam đã tôn thờ bố mình và gần như quay lưng với mẹ bởi bà nói quá nhiều lời cay nghiệt về bố, trong suy nghĩ của Mariam, cô giữ một lòng tin gần như trọn vẹn với bố, ngược lại với mẹ, thái độ của cô gần như là dửng dưng, cô nghe lời bà ở bên ngoài bởi cô lo sợ jinn sẽ nhập vào bà, nhưng thật tâm lại luôn bác bỏ những điều mẹ mình nói. Rồi cái ngày mà mọi thứ thay đổi ấy cũng đến, Mariam tìm đến nhà bố mình, chờ đợi để được gặp ông, nhưng đổi lại là sự trốn tránh của người đàn ông ấy, sự hèn nhát được thể hiện rõ trong từng hành động của ông ta đã từng chút một giết đi hi vọng và sự tôn thờ trong trái tim Mariam.

Khi đọc đến đoạn Mariam đã xin bố dẫn cô đến rạp chiếu phim của ông và cho cô được gặp các anh chị em mình, tôi đã tự hỏi liệu Jahil – bố của Mariam hay Nana – mẹ cô là người nói dối cô bé trong suốt bao năm? Tôi đã hi vọng vào Jahil, một người cha luôn chạy đến với cô con gái nhỏ của mình với tất cả yêu thương và háo hức đến thế thì không thể nào là một kẻ nói dối được. Nhưng, hóa ra, chính ông ta cũng lại là kẻ nói dối, à không, chính xác hơn, Jahil là một kẻ hèn nhát, một kẻ yêu địa vị và thể hiện hơn cả cô con gái yêu của mình. Tột cùng của nỗi bất hạnh, một điều đã dẫn đến cả một quãng đời đằng đẵng gần  ba mươi năm đầy bất hạnh của Mariam ấy là khi cô bé trở về và thấy mẹ mình đã treo cổ tự vẫn sau khi cô đi. Mariam được đưa về nhà bố, nhưng nhanh chóng ngay sau đó, những người vợ của bố cô đã sắp xếp một cuộc hôn nhân cho cô với một người đàn ông hơn cô đến hai chục tuổi, sống rất xa khỏi ngôi nhà của bố cô, như một sự tống khứ đi đứa con hoang của người chồng, nỗi ô nhục của gia đình và tột đỉnh của sự thất vọng và vỡ vụn trong Mariam ấy là khi bố cô đã không hề ngăn cản cũng không hề dám phản kháng lại ý muốn của những người vợ của mình.

Và cuộc hôn nhân với một người đàn ông chưa từng biết mặt đã biến cuộc đời Mariam trở thành một chuỗi ngày đen tối khi Raseed – chồng của Mariam hóa ra là một người đàn ông gia trưởng, cực đoan, nhỏ nhen và bạo lực. Raseed đối xử dịu dàng và tử tế trong thời gian đầu của cuộc hôn nhân của họ, một điệu bộ thường thấy ở những kẻ bạo hành, ông ta yêu cầu người vợ của mình phải mặc bộ đồ trùm kín người và có mạng che mặt và rằng khuôn mặt của người vợ chỉ để cho người chồng của họ nhìn, ban đầu, Mariam đã nghĩ đó là hành động của sự bảo vệ và che chở. Sự ngây thơ của cô khiến lòng tôi thắt lại, càng thắt lại hơn nữa khi Mariam thấy những tạp chí khiêu dâm trong phòng chồng mình, khi cô hoang mang tự hỏi loại đàn ông nào yêu cầu vợ mình phải che mặt mỗi khi ra đường lại đi nhìn vào những chỗ riêng tư nhất của vợ người khác, nhưng rồi cô lại tự an ủi bản thân rằng do Raseed đã sống độc thân quá lâu và những nhu cầu của đàn ông khác với phụ nữ.

Nhưng sự thực thì, tôi nghĩ rằng chính sự tự an ủi đầy ngây ngô và ngây thơ đó gần như một sự tự huyễn hoặc, nó kéo theo những bất hạnh của Mariam khi đáng lý ngay lúc đó cô phải nhận thấy ngay Raseed vốn dĩ là gã đàn ông ích kỉ, nhỏ nhen và biến thái đến cỡ nào, nhưng ta lại không thể trách Mariam và không được trách cô. Bởi Mariam được nuôi dạy rằng sẽ chẳng có ai thực lòng yêu thương một đứa harami, một đứa con hoang như cô, và rằng cô phải chịu đựng, như mẹ Mariam đã nói: “Ngón tay buộc tội của người đàn ông luôn trỏ về phía người phụ nữ.” – ngay từ câu nói được nghe từ thủa bé ấy đã khiến Mariam hiểu được một điều rằng đàn ông sẽ luôn là những kẻ nắm quyền lực trong thế giới mà cô sống, thêm nữa, Mariam cũng không có điều kiện được học hành, được tiếp xúc với những tri thức và sống trong thời kì xã hội còn quá hà khắc với việc một cô con gái đi học, vậy thì tất nhiên, ta không thể trông mong cô làm khác đi được, ta không thể yêu cầu một người vượt lên trên nỗi sợ hãi của mình để chạm đến niềm tin mà vốn dĩ với họ nó rất mơ hồ, thiếu căn cứ, thiếu xác đáng và chẳng ai ủng hộ.

Phải nói thêm nữa là chính sự ra đi của mẹ Nana đã góp phần củng cố niềm tin của Mariam vào những điều bà nói về cô và cuộc đời cô. Mariam đã tưởng mình hạnh phúc và sẽ được hạnh phúc khi cô mang thai đứa con đầu lòng, Raseed cũng tỏ ra vui mừng và che chở cô, nhưng kì thực ông ta chỉ đang chờ đợi một đứa con trai và chỉ đứa con trai ấy mới là niềm tự hào của ông ta, nhưng khi Mariam sảy thai ở tuần thứ sáu, Raseed lập tức coi cô như một kẻ tội đồ. Rồi bảy lần sảy thai tiếp theo đã ngày càng kẽo dãn khoảng cách giữa Mariam và chồng, khiến cho cô dần trở thành chiếc bóng lặng lẽ đi bên cuộc đời Raseed, trong ngôi nhà của ông ta, chịu đựng những trận đánh đập mà bấy giờ cô mới được nhìn thấy bộ mặt thật kẻ mình đã lấy làm chồng, nhưng với một người phụ nữ cam chịu, cô vẫn tiếp tục sống, vẫn tiếp tục cố gắng làm hài lòng chồng mình. Nhưng với một người đàn ông như Raseed, cuộc đời sẽ luôn phải xoay vần quanh ông ta, và phụ nữ, những người vợ chỉ là công cụ để giúp ông ta sinh đẻ, sinh ra những đứa con trai. Nên khi Laila đến với ngôi nhà của họ, Mariam bấy giờ mới càng cảm thấy hết những nỗi cay đắng của mình, sự đáp trả từ người chồng cô đã hết lòng tôn thờ và cung phụng là việc ông ta đem về một người đàn bà mới vào ngôi nhà của họ. Tôi trộm nghĩ, có lẽ, Mariam phản đối Laila không hẳn chỉ vì nỗi cay đắng của cô, mà Mariam phản đối còn là vì cô đã lo sợ cho cô gái trẻ ấy sẽ phải sống một cuộc đời giống mình, cô cảm nhận quá rõ sự tàn ác và bẹo bẽo của người đàn ông kia.

Nhưng cũng chính Laila và đứa bé đã dần thay đổi Mariam, chính nhờ Laila mà ta mới thấy được con người thực sự của Mariam. Từ sự cam chịu và nhún nhường của Mariam, ta thấy được nhân cách cao đẹp, lòng yêu thương và lòng trắc ẩn vô bờ của cô, sự tử tế mà dù có ở trong bất cứ hoàn cảnh nào, nỗi đớn đau nào cũng chưa bao giờ và sẽ không bao giờ có thể mất đi được. Mariam giống như cái tên của cô, một đóa huệ trắng, vô cùng thanh khiết, lặng lẽ nhưng không mảnh mai, dẻo dai và một khi đã tìm được chỗ đứng của mình, hiểu được chính bản thân mình, cô sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng vì những điều mình tin tưởng, yêu thương mà không sợ cả cái chết.

Laila lại trái ngược hoàn toàn với Mariam, cô sinh ra trong một gia đình êm ấm nơi có người cha từng là giáo viên và yêu thương cô vô điều kiện, hai anh trai đã vui mừng biết mấy về sự ra đời của cô em gái nhỏ và người mẹ dịu dàng. Laila được đi học, thậm chí cha cô còn mong muốn cô sẽ học lên cao, lên cao nữa bởi ông là một người mang những tư tưởng hết sức tân tiến về sự bình đẳng và ông rất yêu thương cô con gái của mình. Laila còn được sống ở một nơi mà ở đó, việc những những người phụ nữ học hết đại học và giữ các chức vụ cao trong chính phủ hay làm các nghề cao quý trong xã hội là một việc bình thường, do đó Laila hiểu rõ những giá trị mà mình theo đuổi và tin tưởng.

Ngoài ra, cô còn có một cậu bạn thân Tariq, cậu bạn một chân đầy dũng cảm, luôn sẵn sàng đứng ra bảo vệ cô, Tariq là chỗ dựa tinh thần lớn của Laila. Nhưng cũng trong chính những năm trưởng thành của Laila, Afghanistan cũng đang trong thời kì đầy hỗn loạn, đầy biến động, những cuộc chiến tranh và nội chiến xảy ra liên miên, dường như không ngày nào là không có người chết. Khi hai anh trai của Laila gia nhập đội quân thánh chiến với sự chấp thuận của bố, việc đó đã phủ lên gia đình cô một bầu không khí ngột ngạt, một bóng ma ngăn cách tất cả các thành viên còn lại trong gia đình, mẹ cô gần như trở thành con người khác, chìm vào u uất với nỗi nhớ thương những người con trai của mình để cạn khô cả tinh thần và sức lực và bỏ quên luôn cả cô con gái nhỏ. Bố và Laila đã phải cố gắng hết sức để chăm sóc nhà cửa và người mẹ không chịu rời phòng bà nửa bước.

Nhưng ngay cả trong những ngày tháng khó khăn như vậy, Laila vẫn nhận được tình yêu thương vô bờ bến và vô điều kiện từ bố, ông đã nói cô bé là tất cả những gì ông có và chính cô đã giúp ông gượng dậy hết lần này đến lần khác sau sự trách móc của vợ, sau khi vợ ông gần như rơi vào trầm uất khi cả hai người con trai của bà đều ra chiến trường và không biết sống chết ra sao, khi cả hai đứa con trai đều hi sinh, khi người vợ căm ghét ông. Rồi nội chiến xảy ra liên miên để giành quyển kiểm soát đất nước sau khi quân đội Liên Xô đã rút khỏi Afghanistan, những cuộc giết chóc không ngừng xảy ra, mỗi ngày đều có người chết, phụ nữ bị hãm hiếp, trẻ con chết bởi bom đạn, đàn ông bị bắt nhập ngũ và bị tra tấn dã man nếu họ không nhập ngũ, cả đất nước Afghanistan chìm trong bom đạn và bầu không khí u ám, cứ mỗi khi có một đội quân chiến thắng là rồi ngay sau đó lại có một đội quân khác tiến vào và chiến tranh lại nổ ra, cứ mỗi khi có một đội quân tuyên bố giành chính quyền thì lại càng là những kẻ ác độc và tồi tệ hơn, cứ như mỗi khi hi vọng le lói được thắp lên thì ngay lập tức sẽ có một bàn tay vô hình nào đó dập tắt nó ngay sau đó, quê hương Afghanistan của Laila và những người bạn bị tàn phá và mọi người dần dần kéo nhau đi sơ tán, đi tị nạn ở những vùng đất khác, những quốc gia khác yên bình hơn. Suốt những năm tháng đó, Laila cũng đã trưởng thành và Tariq cũng vậy, đó là khi cô nhận ra tình cảm của mình dành cho cậu bạn từ thủa nhỏ chẳng đơn thuần còn là một người bạn, một người anh trai nữa.

Hai đứa trẻ ấy yêu nhau, một điều mà chẳng ai thấy ngạc nhiên bởi tất cả mọi người trong vùng đều biết rằng một ngày nào đó hai đứa sẽ lấy nhau thôi. Nhưng cũng chính những biến cố chẳng lường trước từ những biến động liên miên trong nước đã đẩy đưa cuộc đời hai con người trẻ tuổi đi sang hai ngã rẽ, mọi người đều ra đi, ngay cả Tariq cũng không nằm ngoài cái quy luật đó, anh phải đi vì người cha đang bị bệnh tim nặng của mình không thể chịu nổi tiếng bom đạn ngày ngày dội xuống Kabul – thành phố xinh đẹp của họ.

Trong cái đêm trước khi anh đi, Laila đã trao cho anh niềm vui sướng trong sự thăng hoa của tình yêu trong hai trái tim trẻ trung, nồng nhiệt, và khi anh đề nghị cô hãy đi cùng anh, hãy lấy anh, Laila đã từ chối, trong nỗi đau đớn khôn xiết, nhưng cô cũng có những bổn phận phải hoàn thành, giống như anh, bởi mẹ cô nhất quyết không rời khỏi vùng đất mà các con bà đã phải đổ máu và chết đi để bảo vệ. Lời thề nguyền của Tariq trước khi ra đi rằng “Anh nhất định sẽ quay lại tìm em” không chỉ đơn giản là một câu nói, mà đó như là lời thề tự trái tim, lời thế với đấng thần linh mà anh trao trọn đức tin của mình, là một sợi dây ràng buộc tâm hồn và cuộc đời họ với nhau mãi mãi.

Nhưng hơn hai tuần sau khi Tariq đi và những tưởng như sẽ không bao giờ có thể gặp lại anh nữa, rốt cuộc Laila cũng được hi vọng trở lại khi bố cô thông báo rằng gia đình họ sẽ đi sơ tán sau khi mẹ cô đã đồng ý bởi vì bà không muốn mất nốt đứa con nữa, Laila khi này đã tràn trề những hi vọng về việc được gặp lại người yêu dấu và được ở bên anh, mơ về tương lai của hai người. Nhưng rồi, chính nhũng biến cố chính trị và những xoay vần của lịch sử đã khiến cho ước mơ được bên nhau của họ kéo dài đến tận mười năm sau đó khi một quả rocket cướp đi cha me của Laila và khiến cô suýt chết, một sự sắp xếp đầy nghiệt ngã của số phận đã đẩy Laila vào nhà Raseed, vào vòng tay quỷ dữ.

Thêm một lần nữa niềm hi vọng của Laila bị vùi dập khi cô nhận được hung tin rằng Tariq đã chết, mọi ước vọng của Laila như đều lụi tàn trong khoảnh khắc cô nghe tin anh đã chết. Laila mô tả cảm giác của cô là một thứ nỗi đau đông đặc, kìm nén, cô đã không thể khóc nổi, nhưng tôi có thể nghe được tiếng trái tim cô vụn vỡ, vỡ nát, tôi có thể nhìn thấy được sự sống đang ngưng lại bên trong con người cô và cảm nhận được bầu không khí đông đặc quanh cô gái ấy, dường như, cả thế giới quanh cô đều đã lụi tàn. Nhưng một lần nữa hi vọng lại được thắp lên khi Laila phát hiện ra sự tồn tại của một sinh linh bé bỏng trong mình, là một phần mà Tariq yêu dấu đã để lại cho cô và Laila nhất quyết phải bảo vệ đứa bé ấy bằng mọi giá và vì thế cô đã chấp nhận lấy Raseed trong một sự toan tính, dàn xếp của riêng mình để hợp pháp hóa đứa con của cô.

Nhưng khi đứa bé sinh ra là con gái, Raseed đã thay đổi thái độ nhanh chóng y như khi Mariam sảy thai, y đã nhất quyết không để đứa bé vào trong tầm quan tâm của mình và coi như việc sinh ra một đứa con gái là tội lỗi còn lớn hơn cả việc chẳng thể sinh con, nhưng tôi lại nghĩ, thật may mắn làm sao vì đứa bé là con gái, thật may mắn làm sao khi Raseed sẽ không có cơ hội được đến gần một đứa trẻ thanh khiết để làm vấy bẩn đứa bé với sự hèn hạ của mình và như thế, Laila có thể bảo vệ được đứa con của Tariq khỏi Raseed, có những khi, không được chú ý và không được quan tâm đến lại là một sự may mắn. Và khi ở trong ngôi nhà đó, Laila rốt cuộc tìm được một tình bạn với Mariam, sự chân thành của cô gái, sự tốt bụng của cô đã dần dần chạm được vào Mariam, hai người phụ nữ khốn khổ và bất hạnh sống chung dưới một mái nhà cuối cùng cũng tìm được sự an ủi nơi nhau.

Mariam cho Laila và Aziza sự yêu thương của một người mẹ, một người chị, và Laila cho Mariam niềm hạnh phúc được chăm sóc và yêu thương những đứa trẻ. Nhưng chuyện gì đến cũng phải đến, tim tôi thắt lại khi thấy Laila muốn bỏ đi đứa trẻ cô mang với Raseed vì nỗi căm ghét với người đàn ông đó, nhưng trái tim người mẹ mách bảo cô không thể làm được điều đó, dù bố nó là ai, một đứa trẻ vẫn vô tội và đáng được yêu thương. Khi Zalmai ra đời, Raseed yêu thằng bé, một điều hiển nhiên, và chính Laila cũng yêu thằng bé, đứa bé này cùng với Aziza là sinh mạng của cô, Laila cũng đã dằn vặt khi nghĩ đến chuyện đã từng muốn bỏ đi đứa bé này.

Có lẽ, với ai đó, mong muốn bỏ đi đứa bé còn chưa thành hình của Laila khi đó thật không chấp nhận được nhưng hãy thử đặt mình vào vị trí của người phụ nữ ấy, một người phải mang thai đứa con của người đàn ông mình ghê tởm và căm ghét, không một nỗi đau và nỗi dằn vặt nào lớn hơn thế, sự đấu tranh thấm sâu đến từng tế bào và sâu trong tâm can người mẹ. Và dù tôi biết chắc chắn Laila sẽ không bao giờ bỏ đi đứa bé dù nó là con ai, thì tôi cũng không thể ngăn mình nấc lên vì những mâu thuẫn quá mức rõ ràng và đau đớn của cô. Rồi khi Laila lập kế hoạch bỏ trốn cùng với Mariam cùng với Aziza, khi hai người phụ nữ bị lừa bởi một người đàn ông mà họ những tưởng là người hào hiệp, ta mới có thể  thấy hết được cái bầu không khí ngột ngạt mà Hồi giáo cực đoan và những kẻ vị kỉ, man rợ đội lốt thần thánh gây ra, phủ bóng lên khắp đất nước Afghanistan và khắp các cuộc đời, mới có thể thấy hết được những đau khổ của người phụ nữ, những giam hãm, cầm tù người phụ nữ trong một chế độ bất bình đẳng và ích kỉ như vậy, mới thấy được con người đã từng bị và đang bị đối xử một cách tồi tệ ra sao giữa chính những đồng loại với nhau.

Phải đọc đến khi Laila bị buộc phải đưa Aziza đến trại mồ côi, khi tiếng kêu khóc xé ruột xé gan của con gái như những nhát dao đâm vào tim người mẹ, khi cô mặc cho quân Taliban đánh đập bao nhiêu lần mỗi khi trốn đi gặp con gái, bằng cách này hay cách khác, cuối cùng Laila cũng đến gặp con bằng được, để được ở bên con lâu chừng nào mà cô muốn, theo mọi cách mà cô muốn, mới thấy được con người có thể đối xử tàn tệ với nhau đến dường nào, không nhân tính, không yêu thương, không một gợn mảy may đoái hoài đến dù đó được coi là con cái mình – máu thịt của mình.

Khaled Hosseini đã dẫn tôi đi một quãng đường dài của đau khổ và mất mát, của những hi vọng bùng lên rồi lại lụi tàn hay bị dập tắt, để đến cuối cùng, ta đến được nơi có niềm hi vọng đẹp đẽ nhất, sáng chói nhất. Tariq trở về. Như lời hứa năm xưa của anh. Niềm hi vọng nhen nhóm lên trong tất cả mọi người, nhất là Laila, về một cuộc sống mới, một tương lai mới với anh, với các con và cả Mariam.

Nhưng một phần niềm hi vọng ấy đã chết khi Mariam giết chết Raseed vì ông ta đang muốn bóp cổ Laila đến chết, Mariam ban đầu đã chỉ dùng cách đó để ngăn cản Raseed làm hại đến Laila, nhưng rồi cô đã nhận thấy một sự thật rằng, nếu như Raseed không chết ngay lúc đó thì rồi cả hai người phụ nữ đều sẽ phải chết, đó là sự lựa chọn một mất một còn, sự lựa chọn mà dù có chọn cái nào cũng không thể quay đầu lại nữa. Mariam đã chọn cách mà mình cho là tốt nhất, để mang đến sự giải thoát cho Laila, hai đứa bé và cả chính mình sau một cuộc đời dài đằng đẵng đã sống dưới sự áp bức của người đàn ông được coi là chồng mà không dám đứng lên chống trả.

Nhưng khi chống trả thì lại là lúc phải chết, một kết cục đầy những đớn đau, một sự khép lại đầy lụi tàn, đầy đau khổ cho một cuộc đời đã đầy rẫy những bất hạnh, nhưng như tôi đã nói đó, Mariam là một đóa huệ trắng mà cho dù có ở trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng chưa bao giờ mất đi sức sống của mình, sự tinh khiết của mình. Với Mariam, Laila không chỉ đơn thuần là một người bạn, một người chị em, mà Laila là một đứa con, một niềm hi vọng, phần đời về sau tương sáng hơn của một phần đời quá đỗi bất hạnh. Độ vài năm trước đây, nếu đọc cuốn sách này, tôi sẽ những mong cho Mariam thoát khỏi cái án tử đó và sống hạnh phúc cùng với gia đình Laila.

Nhưng đúng như những gì Mariam nói: “Chị đã cướp đi bố của con em, nếu chị sống với em, thì những ngày sau này làm sao chị có thể đối mặt với Zalmai và nhìn vào mắt nó” và hiển nhiên, cả Mariam và Laila đều biết Zalmai vẫn yêu kính người bố của cậu bé, bất kể đối với mẹ cậu và Mariam ông ta là người như thế nào, thì với Zalmai, Raseed vẫn là người bố kính yêu của cậu, người đã tung cậu lên không trung, người đã ôm hôn cậu và thì thầm những lời đầy yêu thương và tự hào, người đã để cậu đến chơi trong cửa hàng giày của ông và luôn ngoái lại để ý cậu với đầy tình yêu thương, người đã ăn cắp vì cậu, đã phạm pháp vì cậu. Mariam đã nhận lấy bản án của mình với sự thanh thản của một người rốt cuộc đã tìm ra giá trị của bản thân, đã biết đứng lên đấu tranh vì bản thân, đã tìm ra chính mình là ai giữa cuộc đời và rốt cuộc đã hiểu ra được những điều mà mình chưa bao  giờ hiểu, rốt cuộc Mariam đến cuối đời đã nhận ra mình không phải là kẻ tội đồ trong mối quan hệ giữa cha mình và mẹ mình, một đứa trẻ không bao giờ có tội, mà tội lỗi là ở những kẻ đã tạo ra chúng với sự bất cẩn và vô trách nhiệm, hèn nhát của mình.

Lồng trong bối cảnh lịch sử chân thật của Afghanistan, những biến động xảy ra trong bốn thập kỉ đầy những đau thương đổ máu của đất nước Trung Đông đầy tự hào ấy đã khiến cho cuộc đời của Mariam và Laila trở nên chân thực hơn và những nỗi đau của họ, câu chuyện của họ, nỗi bất hạnh khôn cùng và sự bền bỉ của họ cũng trở nên chân thật hơn bao giờ hết và chạm đến tận sâu thẳm tâm hồn.

Cuối cùng thì mặt trời vẫn sẽ lên vào ngày mới, sau màn đêm tối tăm vẫn luôn là ánh sáng, sau những cơn ác mộng là sự thức tỉnh, sau những tăm tối là ánh sáng của hi vọng. Đây là điều tôi đã dùng để tóm tắt lại toàn bộ cuốn sách, bởi có quá nhiều điều tôi muốn viết về cuốn sách này nhưng sức lực có hạn, cho nên, đành dùng vài câu trên để đúc rút ra điều tôi đã nhìn thấy trong cuốn tiểu thuyết đầy chân thực, mang đến tột cùng của đau thương và niềm hi vọng, một trong những cuốn sách hay nhất, tuyệt vời nhất, choáng ngợp nhất tôi từng đọc trong đời.

Nguồn sưu tầm: https://storyaboutmyjourney.wordpress.

---

Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy, gửi CV (tiếng Anh hoặc Việt) về: [email protected] 

Theo dõi fanpage của  để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

18,402 lượt xem