Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Review Sách: Nghệ Thuật Chọn Lựa

Trong cuốn Nghệ Thuật Chọn Lựa, giáo sư đại học Columbia, Sheena Iyengar, một chuyên gia hàng đầu về chọn lựa, đặt mình vào nhiệm vụ nặng nề đó là giúp chúng ta trở thành những người chọn lựa sáng suốt hơn. Cô đã nêu ra nhiều câu hỏi đầy thú vị: Khao khát lựa chọn là bẩm sinh hay được tạo nên bởi văn hóa? Tại sao đôi khi chúng ta chọn lựa những điều ngược lại với sở thích của cá nhân? Chúng ta thực sự có bao nhiêu quyền năng đối với những chọn lựa của mình? Cuối cùng, cô đưa ra những câu trả lời bất ngờ và rất sâu sắc, từ nghiên cứu nghiêm túc, bài bản đã được trao giải thưởng của cô.

Trong cuốn sách này, bạn sẽ được học về mối quan hệ phức tạp giữa lựa chọn và tự do, và tại sao hai thứ này lại thường không song hành với nhau. Bạn sẽ thấy rằng quá nhiều lựa chọn có thể áp đảo chúng ta, dẫn tới những kinh nghiệm không lấy gì làm dễ chịu, từ  “tội lỗi Tivo” do quá nhiều chương trình TV trong khi không thể xem hết tới sự bối rối trước hàng loạt kế hoạch bảo hiểm sức khỏe. Có lẽ điều quan trọng nhất, bạn sẽ khám phá ra lựa chọn của bạn – cả điều nhỏ nhặt bình thường cho tới những quyết định quan trọng – được hình thành nên bởi rất nhiều tác động khác nhau ra sao, cả hữu hình lẫn vô hình. Tác phẩm đặc sắc này soi rọi những niềm vui và thách thức của sự chọn lựa, cho chúng ta thấy cách chúng ta xây dựng nên cuộc sống của mình ra sao, qua từng lựa chọn.

“Ngay ngày đầu tiên của tôi, tôi đi đến một nhà hàng, và tôi gọi một ly trà xanh với đường. Sau một chút ngập ngừng, người phục vụ nói, “Người ta không cho đường vào trà xanh thưa cô.” “Tôi biết.” Tôi nói. “Tôi biết phong tục này. Nhưng tôi thật sự thích trà ngọt.” Đáp lại, anh ta cho tôi một câu trả lời lịch sự hơn cũng với câu giải thích cũ. “Người ta không cho đường vào trà xanh thư cô” “Tôi hiểu,” tôi nói, “rằng người Nhật Bản không cho đường vào trà xanh của họ. Nhưng tôi muốn cho một ít đường vào trà xanh của tôi.” Ngạc nhiên vì sự khăng khăng của tôi, người phục vụ đem vấn đề tới hỏi người quản lý. Ngay sau đó, một cuộc tranh luận dai dẳng diễn ra, và cuối cùng, người quản lý đến chỗ tôi và nói, “Thật xin lỗi thưa cô. Chúng tôi không có đường.” Vậy là, vì tôi không thể có tách trà theo cách mình muốn, tôi gọi một tách cà phê, người phục vụ mang đến rất mau chóng. Nằm trên đĩa là hai gói đường.

Thất bại của tôi khi cố mua cho mình một tách trà xanh ngọt không nằm ở một sự hiểu lầm giản đơn. Đó là do một sự khác biệt cơ bản trong ý tưởng của chúng ta về lựa chọn. Từ quan điểm nước Mỹ của tôi, khi một khách trả tiền và yêu cầu một điều hợp lý phụ thuộc vào những sở thích của cô ta, cô ta có tất cả quyền để đạt được yêu cầu đó. Một kiểu Mỹ, như Burger King nói, là “được như bạn muốn,” bởi vì, như Starbucks nói, “hạnh phúc nằm trong sự lựa chọn của bạn.” Nhưng từ quan điểm của người Nhật Bản, trách nhiệm của họ là bảo vệ những người không biết sao là đúng — trong trường hợp này, là kẻ ngoại quốc ngạo mạn — chọn lựa sai lầm. Hãy thẳng thắng: cách uống trà của tôi là không thích hợp với những chuẩn mực văn hóa, và họ đang cố hết sức để giúp tôi giữ thể diện.

Người Mỹ thường tin rằng họ đã đạt đến một số thứ như đỉnh cao trong cách họ chọn lựa. Họ nghĩ rằng những lựa chọn như được nhìn qua lăng kính Mỹ đã thỏa mãn tốt nhất bản năng và phổ cập ước muốn của lựa chọn trong tất cả mọi người. Thật không may, niềm tin đó được dựa trên những giả định không phải lúc nào cũng đúng trong nhiều quốc gia, trong nhiều nền văn hóa. Đôi khi, chúng còn không đúng ngay tại biên giới nước Mỹ…”

Sheena Iyengar là giáo sư của Trường Kinh doanh Columbia, thuộc Đại học Columbia, đồng thời được bổ nhiệm vào Khoa Tâm lý học. Cô được xem là một trong những chuyên gia nghiên cứu về lựa chọn hàng đầu thế giới, từng nhận được rất nhiều bằng danh dự, nổi tiếng nhất là Giải thưởng Tổng thống dành cho các Khoa học gia và Kỹ sư khởi đầu sự nghiệp (Presidental Early Career Award) vào năm 2002. Công trình nghiên cứu của cô thường xuyên được khen ngợi trên các tờ báo nổi tiếng như Thời báo New York, Tạp chí Phố Wall, tạp chí Fortune, và tạp chí Times cũng như trong các quyển sách bán chạy như Blink (Trong chớp mắt) của Malcolm Gladwell, The paradox of choice (Nghịch lý của chọn lựa) của Barry Schwart.

Theo Tâm Lý Học Tội Phạm

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,819 lượt xem