Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Review Sách "Người Lạ Trong Nhà": Bộ Xương Khô Trên Bàn Bếp Hay Cơn Ác Mộng Đến Từ Sự Vỗ Về

Hai năm sau cuốn tiểu thuyết đầu tay Dans le jardin de l’ogre (tạm dịch: Trong khu vườn của quỷ), nữ nhà văn Morocco Leïla Slimani tiếp tục ghi dấu thành công thứ hai trong sự nghiệp sáng tác của mình với Người lạ trong nhà (2016). Vẹn nguyên trong đó lối mở màn rùng rợn tương tự như cuốn tiểu thuyết trước, Leïla đẩy người đọc vào câu chuyện về người lạ bằng lời tuyên bố về cái chết và cơn hấp hối của những đứa trẻ, một hiện trường hỗn loạn vẫn còn vương vãi đồ vật trẻ thơ: những món đồ chơi, bàn thay tã,... Những dấu vết hiện trương chi tiết như những bức ảnh thu chụp trên một trang báo đưa tin về án mạng, chỉ có điều, chúng là chỉ dẫn đưa tất cả lần tìm điểm khởi sự, hoá ra, lại bắt đầu từ những gì quá quen thuộc của đời sống hiện đại.

Trong một bài phỏng vấn, Leïla Slimani chia sẻ lí do cô không hề bắt đầu cuốn tiểu thuyết một cách vòng vo, trái lại tung ra một kết cục bi kịch biết trước - hai đứa trẻ bị kết liễu bởi chính vú em của mình: "Để có một sự căng thẳng đủ kịch tính, tôi cần đi thẳng vào bi kịch" (1). Cái kết được phơi bày đã tạo ra hiệu quả mà Leïla muốn: sự ngạt thở và nỗi hoang mang khi phải tiếp nhận một cảnh tượng rùng rợn ngay những dòng đầu, ám ảnh khi cảm giác đó được ghi lại hầu hết bởi những dòng viết tập trung vào người mẹ, người đón nhận cảnh tất thảy ngay khi quay trở về nhà sau giờ làm thường nhật, mà không biết điều gì đang chờ đợi mình.

Người lạ trong nhà không cố gắng phá một vụ án hay đáp lời điều tra của cảnh sát, cuốn tiểu thuyết từ tốn kể câu chuyện gia đình của Myriam và Paul, một cặp vợ chồng trẻ sống giữa Paris, loay hoay tìm kiếm sự cân bằng đầy đủ sau sự ra đời liên tiếp của hai đứa trẻ. Myriam, một cô gái có năng lực trong ngành luật, khao khát được thoát khỏi cuộc sống nội trợ và chăm sóc con cái vốn đang khiến cô dần mất kiểm soát hành vi. Một lời mời công việc đến đúng lúc, kéo Myriam ra khỏi chuỗi ngày "để mặc mình cắn rứt trong nỗi chua chát và tiếc nuối" (tr.18). Mọi thứ cứ diễn ra như một lẽ tất nhiên, khi người mẹ quay lại làm việc và hai đứa trẻ trở thành điều đáng để lo. Một vài băn khoăn, đôi chút mặc cảm ích kỷ vì chọn công việc thay con cái không ngăn cản Myriam thực hiện tốt vai trò của một bà mẹ thời hiện đại, bởi cũng chính cuộc sống tiện nghi đã trao cho ta lời giải thật hoàn hảo khi ta cần: hãy thuê lấy một người giúp việc. 

Louise đến như một khúc ca êm dịu cho gia đình Myriam. Sự hoàn hảo của chị giúp việc trở thành một hiện hữu không thể thiếu trong căn nhà nhỏ trên phố Hauteville của vợ chồng Massé. Một vú em được việc lúc này trở thành chiếc chìa khoá tra vừa mọi ổ: mở ra mối liên hệ lạ lùng và ngọt ngào với những đứa trẻ khi chúng cần một người mẹ chăm sóc hàng ngày; nuôi nấng cảm giác hài lòng và tự hào của nữ chủ nhân vừa trọn vẹn trong sự nghiệp và con cái thì luôn khoẻ mạnh; chìa tay kịp lúc để tạo một điểm tựa cho cặp vợ chồng trẻ cần được đỡ đần và dung dưỡng những ngơi nghỉ riêng tư, tách khỏi tã lót và những màn bón mớm không hồi kết... Louies hiện thân như một Đấng Cứu thế, khi mà chỉ cần sửa soạn ngôi nhà, khiến lũ trẻ an tâm ngả lòng trước sự săn sóc, hay cười phá lên vui vẻ, cũng đủ để chị trở thành phép màu trong mắt ông bà chủ. Louise là sự vỗ về.

"Mỗi ngày, cô lại bỏ mặc thêm một chút những nghĩa vụ của mình cho một Louise đầy lòng biết ơn. Chị vú em giống như những bóng đen trên sân khấu, những người di chuyển bối cảnh của vở diễn trong bóng tối... Louise làm việc trong hậu trường, kín đáo và mạnh mẽ. Chính chị là người nắm giữa những sợi dây trong suốt mà nếu không có chúng thì phép màu sẽ không thể xảy ra". (tr. 63)

Nhưng người đọc sẽ nhận ra sự dẫn dắt đều đặn và nhạy cảm của Leïla Slimani, cô không quên đặt vào giấc mộng và cơn mơ được đưa ru của vợ chồng Massé mối liên kết mơ hồ nhưng không thể chối bỏ: họ vừa dựa dẫm, vừa như được cứu vớt, vừa thân tình lệ thuộc trước màn thể hiện hoàn hảo của Louise; vừa là những người nắm giữ vai trò quyền lực của chủ căn nhà, của những người thuê mướn và trả lương. Họ tìm thấy ở Louies khả năng để hoàn tất vai trò mà họ không thể cưu mang đối với nhà cửa và con cái, nhưng cũng nhận thức rõ rằng sự có mặt của Louise là sự hiện diện của một người lạ. Rõ ràng, Leïla trong chỉ dẫn của mình, đã cho thấy sự hiện diện này là cần thiết và tất yếu trong cuộc sống hiện đại, khi con người không chỉ tham vọng một giá trị và sự cô đơn thực khó có thể lấp đầy dù chúng ta ở bất kỳ vị trí nào.

Cũng giống như cơn ác mộng chập chờn toan choán lấy Myriam khi cô bắt đầu quẫn bách với vị trí một bà mẹ toàn thời gian (và may thay đã được cứu chuộc), cơn ác mộng khủng khiếp nhất tới từ chính mối quan hệ mơ hồ đó. Việc cần phải có một người giúp việc, cần phải chấp nhận nỗi buồn bã, áy náy khi xa rời con cái để tìm kiếm sự ổn thoả của sự nghiệp là lựa chọn không thể tránh. Cơn ác mộng đến từ nỗi lo sợ của những cặp cha mẹ buộc phải thoả hiệp với việc không biết điều gì xảy ra với con cái khi họ vắng mặt. Cơn ác mộng đến từ việc kẻ mất mát và thiệt thòi không duy có ông bà chủ, mà từ cả phía người lạ, khi họ cũng buộc thoả hiệp với sự mỏi mệt; với vòng lặp vô hình của ngôi nhà nơi mọi thứ chỉ kéo dài từ bàn bếp ra phòng khách rồi kéo sâu xuống các gầm giường kệ tủ; với sự ám ảnh của tiếng hét, tiếng la khóc mà họ cần coi đó như niềm hạnh phúc trong công việc của một vú em.

Với giọng kể vừa sắc sảo, vừa trung thực như một ký giả, vừa dịu dàng, tự nhiên trong cách mô tả dáng vẻ và tâm tư của nhân vật, Leïla không ngừng khơi sâu những chấn thương và nỗi lo sợ mà đời sống hiện đại tạo tác ở mỗi con người.

Trong một buổi tối thường nhật, một bộ xương gà đã róc hết thịt được bày biện im lìm, ngay ngắn trên bàn bếp nhà Massé, nơi nó đáng lí ra không được phép yên vị: "Một bộ xương sạch bóng, không còn mẩu thịt nào dù là nhỏ nhất, không còn chút dấu vết nào của phần thịt. Cứ như thể nó bị rỉa sạch bởi một con kền kền hoặc một loại cồn trùng cứng đầu, tỉ mẩn". (tr.179). Sự hiện diện của bộ xương vừa hài hoà vào tổng thể, vừa khó nhận biết trong gian bếp, vừa toả ra sự chết chóc và tàn nhẫn; giống như hình ảnh mỗi con người trong đời không ngừng tìm kiếm/tạo ra một vị trí cho chính mình. Sự thoả mãn khi có mặt ở một nơi nào đó một mặt tạo cảm giác xoa dịu, vỗ về, một mặt hé lộ những ác mộng không biết trước.

Với trải nghiệm của một người mẹ, một người cũng từng nhờ cậy những người trông trẻ và có sự đồng cảm nhất định với họ, Leïla Slimani đã mô phỏng cuộc truy tìm của con người hòng tìm kiếm những chỗ đứng cho mình trong cuộc sống hiện đại, nơi sự cô độc trở thành mối đe doạ, nơi mọi mối quan hệ êm ấm cũng có thể là sự cầm tù lẫn nhau.

Leïla Slimani mượn kết thúc từ một vụ án có thật xảy ra tại New York, đặt chúng trong bối cảnh Paris để mở ra cuốn tiểu thuyết, buộc chúng ta phải thừa nhận những kết nối và những mối nguy có thể nảy sinh. Bằng giọng kể đều đặn, từ tốn, nhẹ nhàng đủ bí ẩn, cô đưa vào những chi tiết vụn vặt, nhỏ nhặt và thường nhật, những thói quen và cư xử của nhân vật mà lúc này đều có thể là bằng cớ của vụ án. Đặt gia đình Massé và Louise ở trung tâm, Leïla xoay quanh trục ấy để tạo ra hàng loạt điểm nhìn đan xen khác nhau từ nhiều nhân vật, mỗi người đều hiện lên với những ẩn ức riêng tư. Mỗi nhân vật lại sở hữu một quyền lực, trong sự quan sát và đoán định, đánh giá, hoặc mang những kết nối mờ nhạt nhưng không thể thiếu vắng với Louise. Đó dường như, là sản phẩm của cuộc sống hiện đại, nơi tất cả đều có thể can gián vào đời người khác theo cách này cách khác.

Với Người lạ trong nhà, Leïla Slimani được vinh danh và trở thành nữ tác giả thứ mười hai được nhận giải thưởng Goncourt danh giá vào năm 2016. Cuốn tiểu thuyết thực sự đã khắc hoạ hình ảnh ám ảnh của Paris, cũng như những thành phố lớn khác, một hình ảnh thu nhỏ của xã hội đô thị, nơi bi kịch sẽ nhào nhặn hình hài của nó trong cuộc tìm kiếm và căng mình giữa các giá trị của thành đạt và hạnh phúc, trong sự đối mặt và trốn chạy cùng lúc trước nguy cơ trở thành kẻ lạc loài hay nỗi lo sợ bị rơi khỏi nhịp điệu bận rộn của cuộc sống. "Giờ đây, có vẻ như đối với các bậc cha mẹ và con cái họ, một trong những chuẩn mực của thành công xã hội là việc để mình quá tải. Nếu như bạn quá bận rộn thì đó là bởi bạn đã đạt đến thành công của đời mình" (2). Leïla Slimani đã tạo ra một bi kịch được khai thác từ hào quang ám ảnh có tính xã hội đó. Tới khi bi kịch ấy kết dạng, nó sẽ thản nhiên đặt mình như bộ xương rỗng trên bàn bếp, như một cơn mơ tàn nhẫn đến trong giấc ngủ, khiến chúng ta choáng váng và không kịp lý giải, rốt cuộc ta đã phải nếm trải những gì.

 

Nguồn: nhanam.vn

---

Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy, gửi CV (tiếng Anh hoặc Việt) về: [email protected]

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link:https://www.facebook.com/bookademy.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,254 lượt xem