Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Review Sách “Những Đứa Con Của Tự Do”: Lịch Sử, Máu, Và Nước Mắt…

Tôi, vốn là một đứa rất ít khi đọc, và nhất là đọc sách chữ. Trước đây tôi đã từng khẳng định rằng, những cuốn sách đầy chữ tôi có thể đọc nổi hẳn chỉ có Harry Potter mà thôi. Mà thậm chí, tôi còn không bao giờ tự nhận là mình yêu sách, yêu những dòng văn vẽ lên âm thanh cuộc sống, và tôi còn chẳng lưu tâm nhớ lại một cái tên tác giả nào.

Thế nhưng, Marc Levy, ông là nhà văn đầu tiên tôi sẽ khắc sâu tên ông vào tâm khảm. Để nhớ rằng từng có một con người đã viết lên áng văn tuyệt vời này và mở ra cánh cổng cảm xúc đối với tôi.

“Những đứa con của tự do” được nhà văn Marc Levy viết nên nói về bối cảnh của Thế chiến II, trong lòng thành phố nhỏ của nước Pháp bấy giờ. Nhân vật của Marc rất trẻ, là những đứa trẻ thậm chí chưa trưởng thành hoàn thiện. Marc không nói về những chiến công anh dũng ngoài trận mạc, đây là một câu chuyện bình lặng với những tình tiết đôi khi chẳng ai còn có thể nhớ tới trong thế chiến kéo dài. Những tình tiết trong truyện vừa âm thầm lặng lẽ, vừa như tia sáng lóe lên trong đêm tối khiến người ta nhìn vào không cầm được cảm xúc trước từng con chữ.

Câu chuyện là một bức thư tình, một bức thư khiến con tim người ta rung động. Nhân vật Jennot, với ước mở được trở thành một trong những người lính không quân, cùng với cậu em Claude của mình, đi đến và tham gia đội 35, bao gồm những con người rất trẻ, chỉ để góp phần cho chiến thắng của quân đồng minh trước đội quân phát xít Đức, dù cho, cả hai còn chẳng mang một dòng máu Pháp nào. Trong bối cảnh truyện, dân Do Thái là kẻ bị ghét bỏ, tất cả các dân ngoại lai, Tây Ban Nha, Do Thái…đều bị áp bức và trở thành tù nhân, thành bia mồi để giải trí cho bọn quan chức và quân sĩ Đức, và hai anh em Jennot, phải trốn tránh khỏi mọi sự săn lùng, vì, họ mang dòng máu Do Thái trong người.

Đến khi đóng lại cuốn sách, thậm chí tôi còn chẳng nhớ hết những cái tên, nhưng từng chi tiết riêng lẻ lại hiện lên rõ rệt.

Tôi đang ở trong độ tuổi của những nhân vật ấy, nhưng xin thề, tôi chẳng thể nào cao cả như họ. Hoặc đơn giản, là có được những suy nghĩ như họ. Câu chuyện khắc họa bối cảnh của nước Pháp, sự lũng loạn, chiến tranh, những đau khổ khiến người dân cúi mình thu người lại trong cái xã hội mục ruỗng và áp bức. Hình ảnh đứa trẻ nhìn qua khung cửa lầu sáu cảnh cha mẹ của mình bị bắt đi chỉ vì họ là người Do Thái, cảnh người mẹ không dám ngoái lại cười với con gái mình lần cuối để giúp nó đỡ lo lắng nhưng lại sợ bọn hiến binh phát hiện, cảnh đứa bé, chỉ chưa đếm tuổi được hai chữ số, yêu cầu người hàng xóm tốt bụng hãy gọi mình bằng cái tên giả để sống sót sau đôi mắt vốn dĩ phải thơ ngây như ngọc sáng, như khắc sâu vào lòng người đọc sự phân biệt tới xé lòng trong xã hội thời chiến loạn.

Jennot, cậu đi tìm tới tự do và khao khát điều đó. Sự tự do của Jennot được trả giá bằng mạng sống, nếu cần. Và qua đôi mắt của Jennot, cậu cho tôi thấy tự do là món hàng đắt đỏ biết bao nhiêu, mà đôi khi, tôi còn xem khinh nó. Những mạng người ngã xuống, sự bao bọc, che dấu, nâng đỡ nhau, cũng chỉ vì hai chữ tự do trong tương lai mịt mờ tràn ngập đầy những sương mù.

Tôi nhìn thấy những hy vọng trong bóng đêm, hình ảnh một người nông dân cố gắng mạo hiểm mạng sống chỉ để giơ một tấm bảng báo tin tức cho tù nhân với dòng chữ “Hãy can đảm lên” hay việc mà nhân vật trên đường hoàn thành nhiệm vụ phá hoại làm rơi cả thùng vũ khí, mà những người dân chỉ lặng lẽ bước đến hỗ trợ họ che giấu chúng tật nhanh. Hoặc đang đêm, một người đi đường nhặt lại cho bạn một quả lựu đạn rơi trên đường, để bạn không phải chết vì sự sơ suất trong khi đang đi làm nhiệm vụ. Những hành động nhỏ nhặt thế thôi đấy, và nó góp phần mang tự do đến gần hơn.

“Những đứa con của tự do” bắt đầu bằng cảnh Jennot rời khỏi căn nhà gỗ cũ kỹ, nơi chứa đựng tuổi thơ dưới bầu trời xám xịt những đường mây mù phun ra từ những chiếc máy bay không quân. Từng đoạn văn mang theo cái không khí vừa ảm đạm của một buổi xấu trời, vừa kéo lên cái màu hừng đông cho ngày mai tươi sáng, Jennot đến gặp người cha của mình trong làn khói mờ của tách cà phê dần nguội lạnh, và ngay lúc anh rời đi, cái nhìn của người cha, dù chỉ là qua con chữ, ám ảnh tôi đến tận giây phút cuối cùng của trang truyện kết thúc.

Đúng vậy, thật khó khăn làm sao khi mà phải tự ngăn lòng mình không vươn tay siết chặt đứa con trai của mình khi nó quay lưng rời khỏi khung nhà ấm áp đó, để đi vào chỗ chết.

Trong mắt cha có một sự khẩn cấp mà phải mất nhiều năm tôi mới hiểu… Giờ đây tôi biết cha buồn vì tôi ra đi, giờ đây tôi cũng đoán viết cha dự cảm rằng chúng tôi sẽ không còn gặp lại nhau. Cha đã mường tượng không phải cái chết của cha, mà là cái chết của tôi.

Phải can đảm đến thế nào để cho người cha “đưa tang con trai mình trong khi đang uống tách cà phê – rau diếp ngay bên cạnh nó”? Phải có bao nhiêu sự kìm nén để vẫn giữ im lặng và không bảo nó “Con về nhà ngay lập tức và làm bài đi.”? Phải có bao nhiêu sự đau thương được nén vào sâu trong đôi mắt ấy, để đứng nhìn bóng lưng con trai mình đi khuất, và biết rõ rằng nó sẽ chết, chỉ sau vài tháng, thậm chí có thể là vài ngày nữa?

Jennot đi cùng với người em trai của mình, và bắt đầu nhập hội với những thanh niên du kích, những thanh niên còn rất trẻ, tuổi chưa quá đôi mươi, và họ đến từ những nơi khác nhau, có cùng một mục đích khác nhau và trái tim của họ bao giờ cũng đập nồng nàn và mạnh mẽ như chỉ sống một ngày duy nhất trong đời.

“Những đứa con của tự do” mang lại một tia sáng nơi cuối đường hầm, nhưng cho đến khi nhìn thấy tia sáng đó, người ta phải chìm trong màn đêm sâu thẳm và đau khổ. Với đôi mắt hoàn toàn bị khuất phục bởi bóng đêm, những người thanh niên trẻ, hay những cụ già tóc bạc hoa râm, đều lần mò bằng bước chân của mình tiến về phía trước. Có người gục ngã rồi đứng dậy, có người mãi mãi nằm xuống, cho đến khi ánh sáng bắt đầu le lói phía trước, thứ ánh sáng chói mắt rực rỡ đến nỗi lóa mắt khi mà người ta chìm trong bóng tối quá lâu, và thứ ánh sáng ấm áp tới mức khiến người ta bật khóc khi thấy nó: Tự do.

Tôi nhớ như in phút hành hình của Marcel, khi mà vị linh mục đưa cho anh tờ giấy nhàu nhĩ, kẹp trong cuốn kinh thánh. Tôi như mường tượng nhìn thấy được đoàn đầu đài bằng những thanh gỗ rướm máu, chảy dài những giọt sinh mệnh của anh. Tôi thắt lại khi trên bầu trời xanh thẳm ấy không một gợn mây trong buổi hành quyết, và tôi thu lại tất cả những hình ảnh ấy vào mắt, khắc sâu chúng vào tim, trong khi đôi tay vẫn mân mê trên từng dòng chữ.

Chiến tranh, ngôn từ mà tôi không bao giờ hiểu được, mang lại một cảm xúc tột cùng đến thế nào. Những dòng chữ của Marc có thể khiến tôi bật khóc, nhưng liệu nó có đủ cho nỗi đau của những người đã thực sự sống trong quãng thời gian kinh hoàng như địa ngục đấy không?

Khi mà, tôi lại bắt đầu nhìn thấy. Một cô bé chỉ tầm sáu tuổi, đứng nấp sau tấm rèm cửa từ lầu sáu, nhìn xuống chiếc xe với những người lính đang áp tải cha mẹ của mình, chỉ vì họ là người Do Thái. Người mẹ Do Thái chỉ muốn quay lại để trấn an con gái bé bỏng của mình mà không dám, người hàng xóm tốt bụng khóc nức nở bên đôi vai nhỏ nhắn của em, và gương mặt em, với nụ cười đáng lẽ phải trong sáng và hạnh phúc vô ngần, đôi môi mấp máy từ bỏ cái tên Do Thái của mình, chỉ vì trong một khoảng khắc, khi mà em phóng ánh nhìn qua khung cửa kính kia nhìn bóng dáng mẹ cha mình xa dần và trong khoảng khắc đó, em trưởng thành.

Em đã trở thành ai thế này?! Tôi bật khóc. Một đứa trẻ đáng lẽ không bao giờ phải đón nhận nỗi đau như thế, một đứa trẻ đáng lẽ sẽ không mở miệng nói ra câu nói xé lòng như thế. Chiến tranh, đã làm cho những đứa trẻ như thế chết đi tâm hồn trong ngần của chúng.

Tôi thấy được màn đêm mà họ đang tắm mình trong đó. Màn đêm bao giờ cũng khiến người ta sợ hãi, nhất là khi bạn nằm trong cái cũi sắt chờ một sớm mai nào đó, mình sẽ bị hành hình. Tôi nhớ khoảnh khắc mà người chiến sĩ phải tự làm hoại tử chân mình, chỉ để mong chờ kéo dài được sự sống thêm một phút nào thì hay phút ấy. Sống, phải sống. Và tự do.

Bản năng sinh tồn của con người vứt bỏ mọi thứ, chỉ duy nhất một thứ họ chẳng bao giờ có thể và cũng không bao giờ họ vứt bỏ: Tự do.

Chiến tranh không kết thúc vì những người hùng ngoài mặt trận, mà còn do những con người nhỏ bé, thầm lặng đấu tranh mỗi ngày trong cuộc sống thường nhật của bản thân. Là người hành khách lén lút che dấu một thanh niên cách mạng trên con tàu đầy rẫy quân Đức không màng tính mạng của mình sẽ nguy hiểm, là người hàng xóm ôm lấy đứa bé con vừa mất cha mất mẹ, đang bị truy lùng khóc nức nở, là vị bác sĩ y tế trong tù không ngại nguy hiểm chỉ để níu kéo những giây phút hành hình cho một người tù chính trị không hề quen biết.

Những trang truyện nói về năm tháng trong tù, tôi tưởng chừng như là nó bất tận. Cái án tử bao giờ cũng lơ lửng phía trên đầu, không vì bị hành hình, thì cũng vì dịch bệnh, hoặc vì hoảng sợ hóa điên mà chết. Càng đọc, càng dấn sâu vào con chữ, tôi càng không thể tưởng tượng nổi làm thế nào trong thời gian chết chóc ấy, những con người của cách mạng, những thanh niên tuổi đời còn rất trẻ, lại có thể chịu đựng và hướng tới bầu trời phía sau khung cửa sắt ọp ẹp kia.

Khi viết lên những dòng này, toàn thân tôi run rẩy nhớ lại những mảnh chắp vá trong câu chuyện của Jennot. Là khi mà tôi nhìn thấy sự nhục mạ trong thinh lặng của gã cai tù, và màn vùng lên chỉ để được mặc quần đùi đi vào trong buồng giam của những người đang bị tù đày. Là khi mà, rạp chiếu phim bỗng chốc phát ra tiếng nổ lớn, hai sinh mạng chưa kịp cống hiến nhiều hơn cho cách mạng cũng đã tan trong làn khói mịt mù. Là khi mà tôi thấy được khung trời xanh bé tí tẹo, thứ mà hàng ngàn, hàng ngàn những người theo cách mạng đang bị tù đày vẫn ngước đầu lên dõi theo cái màu xanh ngát ấy, như một động lực, như một niềm hy vọng vào ngày nào đó, họ sẽ có thể vươn tay ra, chạm đến bầu trời.

Tôi rớt trái tim mình trên từng dòng chữ, những đoạn ký ức rời rạc của một kẻ sắp chết, nhớ đến đứa em trai của mình trước lúc nó ra đi mãi mãi trước mắt. Một đội quân chỉ có năm người, và số tuổi của họ cộng lại chưa được một trăm. Chưa được một trăm, xót xa làm sao chiến tranh, thứ con người bày đầu và thứ con người kết thúc, đã mang lại những nỗi đau đến thế nào.

Mỗi lần chúng ta nhắc lại những chiến công, là chúng ta đang kéo dài sự sống cho những người đã chết, những ai đã hy sinh, dù được vinh danh hay thầm lặng, dù đã yên mồ ấm mả hay vẫn còn trơ trọi nơi nào đó trên mảnh đất này. Và mỗi lần nhắc lại, dòng máu trong tim sẽ ấm hơn một khoảng.

“Những đứa con của tự do” không viết về những chiến công vang dội của chiến tranh, nó là bối cảnh của một phần rất nhỏ, rất nhỏ trong thế giới địa ngục những năm thế chiến thứ hai. “Những đứa con của tự do” cũng không nói về lòng tự hào của dân tộc hay anh hùng dân tộc, nó nói về sự tự hào của những con người từ khắp mọi nơi, từ Tây Ban Nha, Do Thái…những người bị kì thị, đã cống hiến máu và sự sống của mình cho một đất nước thậm chí chưa bao giờ là quê hương của họ. “Những đứa con của tự do” không viết về điều đó, câu truyện này viết về lời nhắc nhở của một kẻ đi đường, về bàn tay kẻ đó cầm lấy khẩu súng đưa lại cho một chiến sĩ cách mạng làm rơi, và bàn tay đó đặt khẩu súng ấy vào trong tay của người chiến sĩ, chúc anh ta một buổi tối tốt lành.

Cậu thấy bộ mặt cậu như thế nào nếu cậu đánh mất súng khi đi hành động, và có ai đó đem trả nó lại cho cậu?

Chưa có bất cứ cuốn truyện nào làm tôi khóc nhiều hơn “Những đứa con của tự do” của Marc Levy, từng khoảnh khắc họ chết đi, hay từng khoảnh khắc họ đang Sống luôn khiến tôi bật khóc.

Bạn sẽ cảm thấy thế nào khi mà đứa em trai của mình mỉm cười với mình khi nó vừa bị bắn những phát đạn vào tim trong lúc làm nhiệm vụ cùng bạn, và đôi môi đẫm máu thì thầm: “Chạy đi anh, em yêu anh”??

Bạn sẽ cảm thấy thế nào khi mà chính bản thân mình ở bên trên bức tường, nó ở dưới, đằm mình trong cái vũng thắm đỏ đang lan ra bên dưới nó, thắm toàn bộ tình yêu thương đang cuốn xéo mất?

Làm thế nào?! Tôi đã tự hỏi hàng ngàn lần như vậy, làm thế nào mà người ta có thể chịu đựng được nỗi đau khổ khốn cùng đến thế?!

Mỗi lần đọc lại câu truyện này, tôi đều không kìm được nỗi xót xa. Thậm chí tôi đâm ra sợ phải lật lại từng trang truyện, sợ phải nhìn thấy những dòng chữ đau lòng tới xé ruột gan, sợ đôi mắt mình lại nhòe nước khi nhìn thấy con chữ nhảy múa trước mặt. Tôi sợ, nhưng không thể cưỡng lại được một lần lại một lần chạm tay vào từng trang sách.

Những phân đoạn khiến tôi bật khóc có rất nhiều, rất nhiều. Nhưng chỉ có hai đoạn văn làm tôi ám ảnh.

Đó là khi mà những tù nhân được vận chuyển bằng tàu lửa để đi về Đức, và quân Đồng minh cố gắng ngăn chặn từng mét đất họ đi qua. Khi mà lực lượng không quân Đồng minh tấn công đoàn tàu chứa đầy những tù nhân chính trị, khi mà những viên đạn lạc xuyên qua trái tim còn thoi thóp mong chờ dòng máu nóng chảy qua, khi mà khoảnh khắc hai người chiến sĩ cách mạng, một ở bên bầu trời tự do kia, và một nửa nằm quỳ bên trong những toa tàu hôi thối, chạm lấy ánh mắt của nhau.

Khoảnh khắc vài giây, hai cặp mắt xanh nhìn nhau đăm đắm. Mắt một trung úy trẻ tuổi người Anh trên chiếc máy bay khu trục thuộc Không lực Hoàng gia và mắt một tù nhân trẻ tuổi người Do Thái đang bị đày sang Đức. Bàn tay người phi công đưa lên vành mỹ và bàn tay ấy tôn vinh người tù đang chào lại anh…

 Ngày 4 tháng Bảy năm 1944, vào bốn giờ mười phút chiều, hai ánh mắt giao nhau giữa cuộc chiến tranh; chưa đầy vài giây, nhưng với hai chàng trai trẻ, đó là thời gian của một sự vĩnh cửu.

Hỡi ôi, tôi còn có thể dùng bao nhiêu ngôn từ để diễn tả cảm xúc của tôi khi hai ánh mắt giữa một khung tàu ngăn cách chạm nhau trong chiến tranh như thế, làm sao tôi có thể nói hết được những xúc cảm hỗn độn vừa mừng vui, vừa tiếc nuối, vừa đau khổ vừa hạnh phúc giữa hai ánh mắt như thế. Làm sao tôi có thể ngưng bàn tay mình lại trên những phím chữ để không khỏi ca ngợi và bày tỏ những dòng suy nghĩ trào ra theo từng giọt nước mắt, khi chỉ qua một vài câu chữ, lại mang đến cho tôi một sự trưởng thành.

“Những đứa con của tự do” không phải là một cuốn sách viết về tình cảm, nó chỉ đơn giản giống như một cuốn tự truyện tiểu thuyết, nhưng nó lại ngập tràn tình cảm nhiều hơn bất cứ bộ truyện ngôn tình ướt át nào đang xuất hiện nhan nhản trên giá sách gộp lại. “Những đứa con của tự do” không mang lại cho người ta thấy tình yêu nam nữ phải bày tỏ kịch tính thế nào, mà chỉ trong một khoảng khắc hai người nhìn nhau, người ta sẽ thấy rõ tình yêu họ dành cho nhau đủ để lấp đầy những miệng vực sâu nhất trên trái đất, và họ, sẽ luôn vui lòng vun đắp nó cho đến cuối cuộc đời, miễn là, họ đã được tự do.

Một tù nhân rảo bước. Anh biết rằng vợ anh đã đi ở phía đầu đoàn người… Họ cùng sóng bước bên nhau, cuối cùng cũng được sum họp, nhưng chẳng có quyền nói rằng mình yêu nhau.

Một thôn làng khác, ở một khúc ngoặt, cánh cửa một ngôi nhà mở ra.

Người tù cầm lấy tay vợ và ra hiệu cho cô lẻn vào khuôn cửa, anh sẽ che chắn cho cô trốn. Anh run giọng thì thào:

–  Đi đi em.

– Em sẽ ở lại với anh, cô đáp. Em không đi cả con đường vừa qua để giờ đây rời bỏ anh. Chúng ta sẽ trở về cùng nhau, hoặc không hề.

Cả hai người cùng chết ở Dachau.

“Cả hai người cùng chết ở Dachau”. Một câu văn đơn giản nhưng sao mà đau đớn đến thế, một tình yêu bi thảm nhưng sao mà đẹp đến thế. Một câu chuyện tình cảm chỉ gói gọn trong chưa đầy ba trăm từ, không đầy rẫy những kịch tính, những hiểu lầm, những câu nói ướt át mà chỉ gói gọn trong đoạn đối thoại ngắn gọn, và câu kết sầu thảm đến đau lòng. Có biết bao người đi qua cuộc đời tôi như vậy, và có được bao người có thể cùng tôi “chết ở Dachau”?

Lần đầu tiên có một cuốn truyện làm tôi khóc nhiều đến thế, những cảm xúc trào qua những ánh mắt họ trao nhau, những cái chết thậm chí chưa bao giờ được biết tới.

Lịch sử và chiến tranh không chỉ là những sự kiện và con số, “Những đứa con của Tự do” đã dạy tôi hiểu rõ điều ấy. Nhớ khi trước học bài Đất nước, tôi mãi không hiểu được “Đất nước” của chúng ta, và của những người dân trên toàn thế giới được tạo dựng từ đâu ngoài những cột mốc lịch sử. Còn bây giờ thì tôi hiểu, khi mà tôi đọc được dòng chữ “Hãy can đảm lên” khi mà đoàn tàu chở những tù nhân dừng lại ở một bến ga. Tự do và Đất nước được hình thành từ những con người nhỏ bé như thế, từ những niềm tin đôi khi bé xíu và lập lòe trong gió, từ cả những ước mơ của kẻ đang sống và những người đã chết. Và của cánh chim vút bay lên qua hàng rào thép gai đầy đau đớn.

Tôi nhớ lấy cảnh tượng Jennot gục xuống trên đường tàu khi không nhìn thấy em trai. “Không có nó, tôi tự do để làm gì?”, đúng vậy, nếu không thể bên cạnh những người bạn yêu thương, không thể bảo vệ họ khỏi sự giam cầm, thì tự do nào đâu có nghĩa lý.

Tôi nhớ lấy cảnh tượng khi mà Samuel nắm lấy tay Jennot, nhắc nhở cậu “hãy kể lại câu chuyện của chúng ta”, kể lại những câu chuyện mà nó sẽ không ghi rõ trong những trang sách giáo khoa, những người thanh niên trẻ, những người hùng thầm lặng, đã đấu tranh và cống hiến cả mạng sống mình cho hai chữ Tự do.

Tôi không thể nhớ hết toàn bộ câu chuyện, tôi chỉ có thể những những mảnh vỡ đã khiến tôi đau lòng đến khóc. Lần đầu tiên, tôi sẽ khắc sâu cái tên này trong tim, với ảnh bìa những con chim vùng bay lên hàng rào thép gai đầy ẩn dụ, cái tên tác giả Marc Levy này, và “Những đứa con của tự do”.

 

Nguồn sưu tầm:

http://1book.vn/nhung-dua-con-cua-tu-do/ 

---

Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy, gửi CV (tiếng Anh hoặc Việt) về: [email protected] 

Theo dõi fanpage của  để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn

 

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

3,623 lượt xem