Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Review Sách "Oxford Yêu Thương - Beloved Oxford" - Cuốn Tiểu Thuyết Lãng Mạn Bậc Nhất Ở Việt Nam Trong Thập Niên Đầu Của Thế Kỷ 21

  1. Cảm nhận chung về truyện

Cuốn truyện Oxford yêu thương vừa có thể ví như là tách trà sữa ngọt ngào làm ấm lòng vào mùa đông giá rét, vừa là món canh thanh mát, dịu nhẹ, xoa đi cái oi nóng khó chịu của mùa hè. Dư vị cuốn truyện đọng lại là một thứ dư vị dịu ngọt, làm sảng khoái tâm hồn và trí óc. Tôi yêu cuốn truyện này bởi hai điều. Điều đầu tiên là mối tình không màu mẻ giữa Kim và Fernando. Thực nực cười rằng dù cho tác giả có tái sử dụng những tính từ chỉ mức độ để diễn tả tình yêu của họ như “nồng thắm”, “cháy bỏng” bao nhiêu lần đi nữa thì người đọc như tôi cũng không cảm nhận được mấy sự cuồng nhiệt trong tình yêu đó. Nhưng cái tôi cảm nhận được là thực sự đây là một mối tình bền chặt. Giữa Kim và Fernando có một sự đồng cảm bởi họ cùng đến từ những nước kém phát triển hơn và luôn mang trong mình một niềm kiêu hãnh về mảnh đất nơi họ sinh ra. Họ còn có rất nhiều điểm chung như xuất thân trong gia đình gia giáo có nề nếp, đều có chí hướng. Giữa họ có một sợi dây an toàn đảm bảo một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, đó không chỉ đơn thuần là sự hút nhau trong tính cách mà là bởi trong con mắt họ, đối phương đều rất “được”. Kim luôn nể phục anh bạn trai cũng như là người thầy bất đắc dĩ của mình là Fernando và Fernando cũng rất tự hào vì có người yêu là Kim. Điều thứ hai mà cuốn truyện đem lại, thực sự rất hữu dụng với những người có ý định đi du học như tôi. Nó cho tôi một cái nhìn về cuộc sống, con người đất nước Anh và nhiều điều nhỏ thú vị khác mà có thể góp nhặt làm thành cuốn cẩm nang du học bổ ích và thực tế.

  1. Tóm tắt truyện

Kim là một cô gái trẻ đến từ Việt Nam 25 tuổi. Cô nhận được học bổng của một tổ chức phi chính phủ để học tập tại đại học Oxford ở Anh. Tại đây cô gặp Fernando người Bồ Đào Nha, trợ lý chính của giáo sư Baddley. Kim do nhập học trễ và khi sang đến Anh mới biết khóa học của cô sẽ có thể phải kéo dài đến 2 năm trong khi tổ chức chỉ cấp học bổng cho 1 năm. Điều đó khiến cô buộc phải hoàn thành sớm chương trình và đó thực sự là một thách thức lớn với Kim. Hiểu được hoàn cảnh của cô và cũng hiểu cô là một con người hiếu học, ngoan ngoãn, giáo sư Baddley đã nhờ Fernando giúp đỡ cô trong việc học tập. Kể từ đó, Fernando giám sát việc học hành của Kim rất chặt chẽ. Không những thế, suốt mùa đông anh còn “áp giải” cô đi tập thể dục mỗi sáng và đi siêu thị bắt cô ăn hết khẩu phần ăn mà anh đề ra. Trong khoảng thời gian đó, Kim căm ghét và luôn coi Fernando là kẻ thù vì anh rất nghiêm khắc và hay châm chọc Kim. Nhưng chính nhờ sự hà khắc này của Fernando mà Kim đã tiến bộ trông thấy. Họ đã “vượt qua giới hạn thư viện” và đến với nhau. Khi mùa thi tới, Kim bị rớt môn học do giáo sư Portlock dạy vì phải làm trong nhóm “hợp chủng quốc”. Kết quả là Kim phải thi lại một mình nhưng nhờ có sự giúp đỡ của Fernando nên Kim đã qua trước sự ngạc nhiên của ông giáo sư khó tính. Cuối cùng Kim cũng bảo vệ xong luận án cao học thành công và cô còn nhận được tin vui là được mời làm trợ lý của cả hai vị giáo sư Portlock và Baddley. Nhưng đúng vào hôm đó, Kim được biết Fernando quyết định đi theo một dự án kinh tế hợp tác của trường Oxford tại New York trong 3 năm. Từ khi biết chuyện, Kim giận dỗi bỏ đi và nghĩ mình vừa bị Fernando lừa một vố quá đau. Ngày trước khi Fernando đi, anh thuyết phục cô ở lại Oxford làm trợ lý thay vì về Việt Nam và bỏ lỡ cơ hội để tiến xa hơn. Nhưng Kim buồn bã đáp đó không phải là mục tiêu của đời cô và rồi vào ngày mà anh đi, cô cũng không đến tiễn. Ngày hôm sau cô đến gặp giáo sư Baddley và nói sẽ quay về Việt Nam nhưng ông đã thuyết phục cô ở lại, đúng hơn là ra lệnh cho cô ở lại. Suốt mùa thu dù Fernando tìm mọi cách liên lạc nhưng Kim vẫn một mực cắt đứt và vứt xó thùng sách Fernando gửi tặng trước khi đi. Thời gian không có anh, cô làm việc tại văn phòng của giáo sư Portlock và trở nên chững chạc hơn rất nhiều giống như một “British lady” vậy. Kim gặp và làm việc với trợ lý chính của giáo sư Portlock là David, một người đàn ông luôn tôn trọng giá trị truyền thống và hoàn toàn có khả năng xây dựng một gia đình đầm ấm. David mang lòng yêu mến Kim nhưng chỉ là “người đến sau” nên đành để mất Kim. Đến đêm giáng sinh năm đó, khi Kim mở một bữa tiệc nhỏ mời bạn bè nhưng cuối cùng chỉ có Mauricio đến dự (Mauricio là một chàng trai Nam Mỹ xuất hiện từ đầu truyện, mến mộ cái vẻ “e dè nhưng rất máu lửa” của Kim). Trong khi hai người đang chuẩn bị cụm ly ăn mừng thì Fernando xuất hiện. Sau khi Mauricio rời khỏi và sau màn giận hờn tất yếu, họ ngả vào lòng nhau và nhận ra họ chưa bao giờ mất nhau cả. Họ quyết định về Lisbon, quê hương của Fernando để thăm cha mẹ anh. Anh dẫn cô đi thăm quan thành phố. Sau khi Fernando trở lại Mỹ, một thời gian sau Kim tới Mỹ thăm anh và tại “New York sôi động”, cô đã có dịp trổ những tài lẻ như đánh đàn, nhảy, nói tiếng Pháp khiến Fernando vô cùng tự hào về cô. Cuối cùng, họ đã đính hôn và sự bất ngờ không khỏi khiến bà mẹ Kim khóc lóc vì cô con gái thiên kim tiểu thư của bà lấy một chàng rể Tây. Lễ đính hôn diễn ra trong một không khí kì cục và căng thẳng nhưng rồi mọi chuyện đều êm thấm. Đám cưới của họ là một cuộc hành trình từ Oxford đến Lisbon rồi kết thúc ở Sài Gòn. Trên chuyến bay về Việt Nam, Fernando sung sướng vì biết mình sắp được làm cha. Kết thúc truyện là một đoạn văn gợi mở: “Việt Nam với nhịp sống bận rộn trong cơn chuyển mình sang một tầm cao mới đang chuẩn bị đón một người con hăm hở trở về và còn một người khác hy vọng tìm thấy ở đó những cơ hội mới, hứa hẹn có thê làm nên điều kỳ diệu.”

  1. Phân tích nhân vật- Fernando

Điều đặc sắc mà tôi nhận thấy ở cuốn truyện này đó là nam nhân vật chính trong truyện chính là hình mẫu đàn ông lý tưởng mà tôi muốn lấy làm chồng: coi trọng sự nghiệp, biết quan tâm chăm sóc và muốn được che chở cho người mình yêu. Fernando xuất thân trong một gia đình gia giáo, nghiêm túc, giáo dục con cái rất đàng hoàng. Đặc biệt ở Bồ Đào Nha, người ta còn rất ngoan đạo và làm theo những lời dạy từ nhà thờ. Fernando cũng từng nói với Kim: “Em nghĩ cha anh cho anh dẫn bạn gái về nhà “hú hí” lúc còn Trung học sao? Lúc ấy anh đang phải học như điên”. Biểu hiện của việc coi trọng sự nghiệp của Fernando cho thấy anh là một người có chí tiến thủ, rất thực tế và là người có thể làm nên nghiệp lớn là việc anh giành được học bổng thạc sỹ tại Oxford và được nhận làm trợ lý chính. Thời điểm gặp Kim, anh đang là nghiên cứu sinh chuẩn bị lấy bằng tiến sỹ. Xuyên suốt câu chuyện, Fernando sang Mỹ hai lần và lần thứ hai đi theo một dự án hợp tác trong ba năm kèm theo một sự đãi ngộ kinh khủng. Khi quyết định về Việt Nam, anh tự tim ngay cho mình một công việc là chức giám đốc tài chính cho một công ty máy tính danh tiếng của Mỹ tại Việt Nam. Nhìn vào cách anh hướng dẫn Kim làm bài, chỉ ra phương pháp hoc, cách lập luận rồi luôn động viên Kim phải vươn lên cố gắng để không bị người ta coi thường, rồi những cuốn sách anh gửi về cho Kim đều là nhũng cuốn sách hay, thực tế, mang tính ứng dụng cao và rất dễ đọc. Việc anh chọn đi Mỹ cho dự án 3 năm đã chứng tỏ anh luôn đặt sự nghiệp lên trên nhưng trước khi đi anh vẫn Kim ở lại làm trợ lý để học hỏi thêm kinh nghiệm. Rồi anh chủ động xin việc ở Việt nam để tạo điều kiện cho Kim áp dụng những gì đã học trong suốt 4 năm ở nước ngoài ở thị trường Việt nam. Anh cũng đưa ra quan điểm của mình rằng anh đi đâu cũng được, mỗi năm vài nước để học hỏi kinh nghiệm cũng chẳng sao.

Ở những người đàn ông tử tế và coi trọng sự nghiệp như Fernando, cái anh cần luôn là một hậu phương vững chắc. Khi Fernando nói “Anh có thể làm được nhiều chuyện kì diệu ở Việt nam. Sắp tới anh sẽ rất cần em”. Trong khi Kim còn đang ái ngại rằng mình sẽ không đủ trình độ để giúp anh thì Fernando đã lắc đầu cười nói: “Anh cần em cho anh một không khí gia đình đầm ấm, một căn nhà chung được chăm sóc cẩn thận và…và những đứa con ngộ nghĩnh giống mẹ nó”

Fernando còn là người đàn ông chín chắn, trưởng thành, có thể chăm sóc Kim một cách chu đáo. Mặc dù lúc trước Fernando tỏ ra nghiêm khắc bắt Kim phải tập thể dục,phải ăn nhiều vì cô nàng quá bướng bỉnh và dặt dẹo. Sau này khi Kim trở nên có da có thịt hơn, anh cũng trở nên ngọt ngào và dịu dàng. Fernando là người ưa làm việc và khi Kim đến nhà anh, cô chẳng phải làm một việc gì mà chỉ ngồi đọc báo xem tivi và chờ anh nấu ăn phục vụ. Trước khi đi ngủ và sáng sớm ngủ dậy, Fernando cũng thường bóp sẵn kem lên bàn chải đanh răng cho Kim. Sự chăm sóc tận tình ấy Kim ví còn hơn cả mẹ nhưng Fernando cũng không phản ứng gì trước lời khen đó. Hơn nữa,có lẽ cũng vì là người Tây, quen với cuộc sống độc lập từ nhỏ và mang quan điểm bình đẳng giới, anh rất bất bình trước chuyện đàn ông Việt Nam không chịu làm việc mà chỉ toàn phụ nữ nấu nướng,dọn dẹp và phục vụ.

Theo mailizzi.wordpress.com

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,853 lượt xem